Quốc hội đại diện cho các giai tầng, đối tượng khác nhau. Do đó, rất khó có thể quy định về bản lĩnh chính trị như một tiêu chuẩn.
Chiều 15/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp 45, cho ý kiến về một số nội dung của Luật Tổ chức Quốc hội.
Trình bày báo cáo dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về tiêu chuẩn với đại biểu Quốc hội, qua thảo luận, một số đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn ĐBQH như vấn đề bản lĩnh chính trị, trình độ, năng lực chuyên môn, lý luận chính trị, kinh nghiệm công tác, uy tín, độ tuổi…
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra lẫn cơ quan soạn thảo thấy rằng, việc luật hóa tiêu chuẩn, điều kiện này để áp dụng chung cho đại biểu Quốc hội là không phù hợp. Hơn nữa, hiện tại, ngoài tiêu chuẩn chung của đại biểu Quốc hội được luật Tổ chức Quốc hội quy định, trong các văn bản của Đảng còn đề ra nhiều tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể đối với đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức được lựa chọn, giới thiệu, ứng cử đại biểu Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu. (Ảnh: Quochoi.vn)
Từ đó, ông Tùng cho hay, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ các nội dung quy định về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội như trong luật Tổ chức Quốc hội hiện hành. Đồng thời, giao các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH để cụ thể hóa trong Đề án bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV cũng như trong các quy định về tiêu chuẩn cán bộ, đánh giá cán bộ phù hợp với từng nhóm đối tượng (đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, kiêm nhiệm, tái cử…).
Nêu ý kiến sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải rà soát thật kỹ vấn đề này vì đây là tư tưởng chỉ đạo của Tổng bí thư, Chủ tịch nước.
Theo ông Giàu, trong cả phát biểu khai mạc lẫn bế mạc hội nghị T.Ư 12 vừa qua, khi nói về phương hương công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa mới, Tổng bí thư, Chủ tịch nước đều yêu cầu đại biểu Quốc hội phải có ý thức chính trị chứ không chỉ có phẩm chất, năng lực, kinh nghiệm.
“Tôi nghĩ rằng nên nghiên cứu thật sâu và thể hiện được. Đây là quan điểm của Đảng, Ban chấp hành T.Ư chứ không phải chỉ người đứng đầu, thành ra phải thể hiện cho được”, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại nói nhấn mạnh.
Với tư cách cơ quan soạn thảo dự án luật, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, do Quốc hội có nhiều thành phần khác nhau, thành phần tự do cũng có. Do đó, nếu quy định vào luật về tiêu chuẩn “phẩm chất chính trị” cho đại biểu Quốc hội cũng khó.
Kết luận phiên làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, Quốc hội đại diện cho các giai tầng, đối tượng khác nhau, các thành phần tôn giáo, sư sãi, linh mục đều có quyền ứng cử, bầu cử. Do đó, rất khó có thể quy định về bản lĩnh chính trị với những người này như một tiêu chuẩn được.
“Tinh thần chung là nâng cao chất lượng, đảm bảo hoạt động hiệu quả của đại biểu Quốc hội chứ không cần phải ghi cụ thể vào luật”, ông Uông Chung Lưu nói và thống nhất không ghi tiêu chuẩn chính trị vào tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội quy định trong dự thảo luật.
Về tỉ lệ đại biểu chuyên trách ít nhất 40%, Báo cáo của cơ quan thẩm tra cũng cho hay, dự thảo luật đã chỉnh lý theo hướng nâng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách lên ít nhất 40% tổng số đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị các cấp, các ngành phải có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng nguồn nhân sự giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội để hoạt động chuyên trách, bảo đảm chất lượng, đảm bảo tính khả thi của luật./.
Nguồn: VOV.vn