Vừa mới đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc điều tra, giải quyết tố cáo đối với ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy và ông Trần Ngọc Căng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi. Hàng loạt các sai phạm nghiêm trọng của hai vị lãnh đạo trên liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, sử dụng đất đai, tài chính ngân sách, dự án đầu tư và công tác cán bộ đã được phanh phui.
Chuyện người dân, nhiều cán bộ, đảng viên bất bình về cán bộ lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi làm việc tắc trách đã diễn ra một thời gian dài. Người dân bức xúc chuyện ông Phan Bình, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành ưu ái giao nhiều công trình, dự án cho doanh nghiệp do em ruột mình đứng tên, chất lượng xây dựng công trình không đảm bảo, nhưng khi được cán bộ đưa ra tại các cuộc họp ở địa phương đều bị bỏ qua. Cán bộ có tâm đã báo cáo lên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi và nhiều lần đăng ký làm việc với Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ, nhưng Bí thư Tỉnh ủy cũng làm ngơ, không chỉ đạo xử lý rốt ráo.
Không chỉ làm ngơ cho sai phạm diễn ra, mà ông Bí thư và ông Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi còn tắc trách trong công tác bổ nhiệm cán bộ. Một người thiếu tư cách như ông Võ Đình Trà, không đảm bảo tiêu chuẩn trình độ chuyên môn và đang bị kiểm tra dấu hiệu vi phạm trong lúc đương chức Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, nhưng được điều động về tỉnh làm Giám đốc Sở Công thương hiện nay, khiến dư luận nhiều bất bình.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc điều tra, với hành vi ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy và ông Trần Ngọc Căng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi bị xem xét kỷ luật kiểm điểm. Sự vào cuộc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, phanh phui, xử lý, chấn chỉnh kịp thời các sai phạm của cán bộ lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã giải tỏa những bức xúc của nhiều cán bộ chân chính và người dân nơi đây. Kết quả này cũng cho thấy rõ, không có vùng cấm cho cán bộ, quan chức sai phạm, tất cả đều bị xử lý nghiêm, dù là gần hay xa “hệ mặt trời” – Trung ương Đảng.
Một người cán bộ tốt thì sẽ đem lại nhiều niềm tin yêu của người dân với chính quyền địa phương, với Đảng; nhưng một con sâu có thể làm sầu nồi canh, một cán bộ làm sai, tha hóa, biến chất có thể ảnh hưởng uy tín của cả bộ máy chính quyền. Chính người cán bộ là nhân tố quyết định đến chất lượng phục vụ của bộ máy công quyền, uy tín và sự phát triển của Đảng. Yếu tố quan trọng đó, Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (khai mạc ngày 11/5 tại Hà Nội), Tổng Bí thư cũng đã nhấn mạnh: “Phải làm sao lựa chọn được những cán bộ có tinh thần trách nhiệm rất cao, thật sự khách quan, thật sự công tâm, trong sáng, gương mẫu chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức, quy chế, quy định của Đảng, đặt sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của dân tộc lên trên hết, trước hết”.
Để chọn được người cán bộ như vậy, thì cần có sự sàng lọc, quan sát và đánh giá qua nhiều kênh tín nhiệm. Đó là công tác quan trọng và thực hiện không dễ dàng, như lời Tổng Bí thư nói: “Không chỉ là nhiệm vụ của Tiểu ban Nhân sự, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành trung ương, mà của cả hệ thống chính trị”.
Người cán bộ vừa có phẩm chất đạo đức tốt, trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, vừa có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược, có cả đức và tài thì chắc chắn sẽ đem đến cho nhân dân nhiều hạnh phúc, đất nước ngày càng phát triển, và ngược lại. Lời hiệu triệu của Tổng Bí thư đã truyền đi “kiên quyết chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, “lợi ích nhóm”, chạy chức, chạy quyền…”.
Mong rằng công tác nhân sự của Đại hội sắp tới được thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư.
Bồng Vũ
Nguồn: Cánh cò