Trang chủ Thể thao Tập huấn nước ngoài, hướng tới mục tiêu 400 vận động viên...

Tập huấn nước ngoài, hướng tới mục tiêu 400 vận động viên giành huy chương quốc tế

141
0

Đề án “Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035” nêu rõ: Phấn đấu đến năm 2035 có khoảng 400 vận động viên đạt thành tích quốc tế. Một năm sau khi Đề án được Chính phủ phê duyệt, đã đến lúc bàn thảo cụ thể hướng thực hiện từng mục tiêu mà đề án này đưa ra.

Dồn lực đào tạo tài năng thể thao thành tích cao

Tập huấn nước ngoài từ lâu đã là đề tài gây tranh cãi về tính hiệu quả: Làm thế nào để không lãng phí trong đầu tư hay tầm nhìn đường dài trong phát triển thể thao thành tích cao?

 Trên thực tế, những năm gần đây, nhiều VĐV trọng điểm được đầu tư đặc biệt của Thể thao Việt Nam vừa tập huấn, thi đấu dài hoặc ngắn ngày được vài tháng hoặc một năm ở nước ngoài đã phải “đứt gánh giữa đường” vì lý do muôn thuở là… hết tiền. Bên cạnh đó, không phải cứ đi tập huấn nước ngoài về là có thành tích cao do có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thành tích của các VĐV. Theo đó, Đề án “Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035” được xây dựng như bộ khung của việc định hướng thể thao thành tích cao.

Tập huấn nước ngoài, hướng tới mục tiêu 400 vận động viên giành huy chương quốc tếÁnh Viên là một trong số ít các VĐV được đầu tư tập huấn dài hạn tại nước ngoài. Ảnh: TTXVN

Thể thao Việt Nam đang phấn đấu: Đến năm 2035 tuyển chọn và đào tạo, huấn luyện khoảng 3.700 vận động viên đội tuyển quốc gia, trong đó có khoảng 400 vận động viên đạt thành tích quốc tế; tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng khoảng 600 huấn luyện viên tài năng, trong đó có khoảng 60 huấn luyện viên cao cấp; tuyển chọn, đào tạo được 400 cử nhân, 300 thạc sĩ, 150 tiến sĩ; bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn cho khoảng 680 người.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT), Tổ trưởng tổ xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án Trần Đức Phấn, trong thời gian qua, thể thao thành tích cao của nước ta phải đối mặt nhiều khó khăn trong công tác đào tạo.

Đơn cử là vấn đề cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn dẫn đến công tác huấn luyện đạt hiệu quả chưa cao. Điều này có thể thấy rõ nhất với đội tuyển bắn súng Việt Nam. Môn thể thao mang về nhiều thành tích quốc tế vẫn gặp khó trong việc mua đạn tập cho các VĐV bắn súng. Đây là trở ngại cho thầy trò đội tuyển.

Ông Trần Đức Phấn cũng cho biết thêm, hiện nay trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin của VĐV còn yếu, gây ra nhiều hạn chế trong giao lưu, huấn luyện thể thao tại nước ngoài. Do đó, việc Đề án với những quy định đầy đủ về cơ sở vật chất, chuyên môn, ngoại ngữ, công nghệ… được hoàn thiện, triển khai trong thời gian tới sẽ giúp các vấn đề này được giải quyết. Thành tích của đoàn Thể thao Việt Nam cũng vì thế hứa hẹn nhiều tiến bộ.

Đại diện ngành thể thao khẳng định, việc xây dựng kế hoạch đầu tư vào các VĐV giàu tiềm năng của thể thao thành tích cao với một cơ chế đầu tư rõ ràng, thông thoáng sẽ góp phần tận dụng nguồn lực xã hội, “mở cửa” tư duy cho chính những nhà quản lý bộ môn, của ngành TDTT.

Tránh lãng phí trong tập huấn nước ngoài

Với mục tiêu chung là phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng vận động viên tài năng, có năng khiếu đặc biệt ở một số môn thể thao thành tích cao, thế mạnh của Việt Nam đạt trình độ và dành được thứ hạng cao tại các kỳ thi đấu khu vực, châu lục, thế giới và Olympic, không chỉ tiêu chí lựa chọn vận động viên mà quy trình đào tạo, bồi dưỡng cũng là điều cần làm rõ.

Theo đó, về tiêu chuẩn và phương thức đào tạo, huấn luyện, tập huấn, các vận động viên được đào tạo, huấn luyện dài hạn ở trong nước phải được tuyển chọn từ các Trung tâm huấn luyện thể thao trên toàn quốc đã giành huy chương vàng giải trẻ quốc gia hoặc vô địch quốc gia một trong số các môn thể thao của Đề án. Với các VĐV được đào tạo, huấn luyện dài hạn ở nước ngoài, phải có trình độ cấp kiện tướng hoặc dự bị kiện tướng, đã đạt huy chương vàng tại 2 kỳ SEA Games; giải Châu lục, giải Thế giới, Olympic hoặc đạt chuẩn Olympic (tùy thuộc đặc điểm môn thể thao).

Với việc đào tạo, bồi dưỡng huấn luyện viên tài năng; các huấn luyện viên được đào tạo, bồi dưỡng dài hạn ở trong nước phải là vận động viên cấp 1, kiện tướng, vận động viên đang tham gia thi đấu hoặc không còn khả năng thi đấu đã từng đạt huy chương tại các giải trẻ quốc gia và quốc tế hoặc giải vô địch quốc gia và quốc tế, các giải đấu SEA Games; ASIAD, giải Thế giới hoặc đạt chuẩn Olympic, từ 25 đến 35 tuổi.

Đối với các huấn luyện viên được đào tạo, bồi dưỡng dài hạn ở nước ngoài, phải đạt tiêu chuẩn là huấn luyện viên có vận động viên mà mình trực tiếp huấn luyện đạt huy chương tại các giải vô địch quốc gia, giải đấu SEA Games; Asiad, Thế giới, Olympic hoặc đạt chuẩn Olympic; độ tuổi từ 35 đến 45 tuổi, đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ, tin học theo quy định của Đề án.

Trao đổi với báo chí liên quan đến việc đưa VĐV, HLV đi đào tạo nước ngoài, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nêu ý kiến không đưa những VĐV đi các nước đào tạo theo kiểu… hữu nghị.

“Việc đào tạo phải diễn ra thực chất, không phải đi để nhận bằng cho có rồi không học được gì. Như vậy gây lãng phí, về lâu về dài sẽ ảnh hưởng đến cả hệ thống thành tích cao của thể thao nước nhà. Như vậy sẽ rất tai hại. Tưởng là đào tạo nước ngoài sẽ tốt nhưng nếu không cẩn thận sẽ gây hậu quả ngược”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định.

Bảo đảm hiệu quả, chất lượng đào tạo các vận động viên tài năng đạt thành tích thi đấu cao ở trong và ngoài nước là một trong những giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng chuyên môn, nền tảng thành tích của các vận động viên và phát hiện, bồi dưỡng những tài năng như Ánh Viên, Hoàng Xuân Vinh cho thể thao Việt Nam.

Nguồn: Báo Tin tức

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây