Đây là nội dung trả lời ý kiến cử tri của Bí thư Hà Nội trong buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV.
Chiều nay (6/5), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cùng các đại biểu Quốc hội thuộc Đơn vị bầu cử số 5 thành phố Hà Nội tiếp xúc với cử tri quận Bắc Từ Liêm chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV. Tại buổi tiếp xúc, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã giải đáp nhiều kiến nghị bức xúc của cử tri.
Quang cảnh hội nghị tiếp xúc cử tri quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Hà Nội mới
Tại buổi tiếp xúc, cử tri bày tỏ đồng tình với dự kiến nội dung chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV và đánh giá cao việc Quốc hội chọn hình thức họp trực tuyến trong phần lớn thời gian diễn ra kỳ họp, để đảm bảo phòng tránh dịch bệnh. Đồng thời bày tỏ tin tưởng vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, nhà nước, chính quyền địa phương trong phòng chống dịch Covid-19 đã đạt những kết quả ban đầu, cũng như trong công cuộc phòng chống tham nhũng.
Bên cạnh đó, cử tri quận Bắc Từ Liêm cũng kiến nghị nhiều nội dung đang gây bức xúc trong dư luận. Cụ thể như, tình hình biển Đông; hay cần thanh tra để tìm nguyên nhân chậm trễ đưa dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông vào hoạt động gây lãng phí và đội vốn; dự án xe buýt BRT kém hiệu quả; tình trạng ô nhiễm các dòng sông; quy hoạch thành phố; chính sách hỗ trợ người dân thuộc diện giải phóng mặt bằng, tham nhũng trong mua máy phòng chống dịch Covid-19; việc chậm trễ trong xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại công trình số 8B Lê Trực đã kéo dài nhiều năm nay…
Cử tri Dương Văn Huân, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tăng cường giám sát để giải quyết dứt điểm những tồn tại này.
“Công trình vi phạm giữa lòng Thủ đô, dư luận nhân dân bức xúc, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhắc nhở, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có ý kiến. Cách đây gần 2 năm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội nhận trách nhiệm chậm xử lý sai phạm trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng sau hơn 3 năm vẫn chưa xử lý được. Dư luận đặt vấn đề phải chăng trên thì cứ nóng, dưới thì vẫn lạnh. Việc chỉ đạo thì cứ chỉ đạo xong rồi để đó, hay là do năng lực cán bộ chuyên môn, sự tắc trách của lãnh đạo các cấp từ quận Ba Đình, Sở Xây dựng và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Trách nhiệm cuối cùng cấp nào phải chịu”, cử tri Dương Văn Huân đặt câu hỏi.
Tại buổi tiếp xúc, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sâu sát của cử tri. Đồng thời cho biết, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố ghi nhận, phản ánh đầy đủ với Quốc hội và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm xem xét trả lời.
Trả lời kiến nghị của cử tri, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định tinh thần chỉ đạo sẽ xử lý nghiêm, không bao che cho những cán bộ tại Trung tâm kiểm soát dịch bệnh thành phố có sai phạm trong mua máy phòng chống dịch. Về vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng, thành phố đảm bảo công khai minh bạch theo đúng pháp luật đồng thời tới đây tiếp tục xem xét sửa đổi những quy định còn chưa phù hợp.
Về tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết: Chủ đầu tư là Bộ Giao thông vận tải, tuy nhiên thành phố sẽ tiếp nhận, khai thác và trả nợ toàn bộ tiền đầu tư. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố sẽ chuyển ý kiến cử tri đến các cơ quan thanh tra, kiểm tra để làm rõ. Về phía thành phố Hà Nội đã làm việc với các bộ ngành liên quan để thúc đẩy dự án đưa vào khai thác từ tháng 9 năm nay, nhằm giảm tải mật độ giao thông của thành phố.
Đối với việc chậm trễ xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại dự án 8B Lê Trực, Thường trực Thành ủy đã có kết luận bằng văn bản giao cho ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND thành phố phải thực hiện nghiêm theo thông báo của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo các yêu cầu xử lý nghiêm các sai phạm về quản lý xây dựng, đã giao trách nhiệm rất cụ thể cho từng cơ quan, ban ngành trong thực hiện xử lý với tinh thần kiên quyết, khẩn trương.
Phản hồi kiến nghị của cử tri về vấn đề Biển Đông, Bí thư thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định: “Một mặt phải kiên quyết và kiên trì bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ chủ quyền của quốc gia, mắt khác tiếp tục đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế và công ước luật Biển năm 1982. Chúng ta cũng phải có những phương cách khéo léo để giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng phát triển đất nước. Chủ quyền của chúng ta là bất khả xâm phạm là thiêng liêng, chúng ta kiên quyết kiên trì để bảo vệ”./.
Nguồn: VOV.vn