Trang chủ Chính trị Thủ tướng: “Có chí thì nên” chứ không “than nghèo, kể khổ”

Thủ tướng: “Có chí thì nên” chứ không “than nghèo, kể khổ”

0
0

VOV.VN -Thủ tướng nhấn mạnh, đây không phải là hội nghị kêu khó kêu khổ mà là dịp để thúc đẩy một tinh thần yêu nước, “có chí thì nên” của dân tộc Việt Nam

Sáng 6/5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các bộ, ngành để chuẩn bị Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế. Hội nghị dự kiến được tổ chức vào ngày 9/5, thứ 7 tuần này, theo hình thức trực tuyến, với sự tham dự của khoảng 900.000 người tại các đầu cầu.

Thủ tướng: “Có chí thì nên” chứ không “than nghèo, kể khổ”
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các bộ, ngành

Dự kiến hội nghị sẽ có các báo cáo chính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp; các tham luận của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp cả trong và ngoài nước. Thủ tướng yêu cầu tổ chức một số đầu cầu trực tuyến chính là đầu cầu tại trụ sở Chính phủ, đầu cầu tại Thành phố Hồ Chí Minh, đầu cầu tại Thành phố Hà Nội, đầu cầu tại Đà Nẵng. Các doanh nghiệp sẽ tham dự tại các đầu cầu này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc  nhấn mạnh, doanh nghiệp, người dân có vai trò đặc biệt quan trọng trong tăng trưởng, giải quyết việc làm, chuyển giao khoa học công nghệ. Việc quan tâm phát triển doanh nghiệp là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta. Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp, đại biểu tham dự hội nghị hiến kế với Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển, vượt qua khó khăn chứ không phải chỉ nêu những khó khăn.

“Tinh thần như thế chứ không phải tôi khó khăn thế này, tôi đề nghị thế kia. Việc đó các bộ phải xắn tay áo làm, các địa phương phải tháo gỡ trực tiếp cho doanh nghiệp. Một tinh thần cải cách đổi mới thúc đẩy phát triển trong lúc chúng ta gặp khó khăn. Một tinh thần dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, tinh thần đổi mới, tái cơ cấu trong phát triển. Một tinh thần dựa vào thị trường rộng lớn 100 triệu dân. Một tinh thần đẩy mạnh xuất khẩu. Và một ý rất quan trọng mà người dân muốn nghe, đó là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và dân sự. Không thanh tra kiểm tra, thực hiện đúng Chỉ thị 20 của Thủ tướng. Nhưng nếu anh vi phạm pháp luật, tham nhũng, giống như CDC Hà Nội vừa rồi thì phải xử lý”, Thủ tướng nêu rõ. 

Thủ tướng: “Có chí thì nên” chứ không “than nghèo, kể khổ”
Thủ tướng nêu rõ Hội nghị không phải là nơi để than khó kêu khổ mà yêu cầu các bộ, địa phương cùng tháo gỡ cho doanh nghiệp

Trên tinh thần đó, Thủ tướng mong muốn hội nghị thôi thúc một tinh thần cách mạng, yêu nước của người dân và doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh cả nước vừa kỷ niệm đại thắng 30/4/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hội nghị này cũng khẳng định với thế giới thấy rằng Việt Nam quyết tâm trong môi trường, điều kiện mới để đưa đất nước tiến lên.

“Hội nghị có ý nghĩa quan trọng, đó là một tinh thần yêu nước của người dân và doanh nghiệp đối với sự phát triển của đất nước. Một quyết tâm tái cơ cấu để tăng tốc phát triển, đạt mục tiêu tăng trưởng, thực hiện chuỗi giá trị mới giai đoạn hậu Covid-19. Hội nghị lần này phải thể hiện được tháo gỡ khó khăn để tăng tốc phát triển và trách nhiệm đó, ngoài sự phấn đấu quyết liệt, chủ động của bản thân doanh nghiệp và người dân thì trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, các cấp, ngành rất quan trọng. Cần quan tâm hơn nữa để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, có niềm tin và điều kiện để phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh. 

Đặt ra những yêu cầu đó, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, công tác chuẩn bị phải công phu, khoa học, chặt chẽ, tôn trọng người nghe, các phát biểu phải chất lượng, mang tính xây dựng, để sau hội nghị này, Thủ tướng sẽ ban hành Nghị quyết, hoặc chương trình hành động của Chính phủ.

Trong báo cáo của các bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu phải rõ ràng, chất lượng, đặc biệt là phải nêu rõ được những hỗ trợ nào khác đối với doanh nghiệp thay vì chỉ nói “toàn chuyện biết rồi”. Theo đó, phải nêu những giải pháp mới về thị trường, lao động, thuế, phí, an ninh an toàn…   

Về nhiệm vụ tuyên truyền, Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bộ, ngành tổ chức họp báo trước hội nghị. Thủ tướng cũng đồng ý với đề xuất của Bộ Thông tin và Truyền thông về mở chuyên mục hỏi đáp hoặc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhân hội nghị này trên một số cơ quan báo chí; cần tiếp tục tuyên truyền về các tấm gương vượt khó của người dân và doanh nghiệp. Thủ tướng cho biết, có những doanh nghiệp xã hội của thương binh, tật nguyền nhưng cũng đang rất nỗ lực giữ lao động, thì các doanh nghiệp khác cũng phải có tinh thần giữ chân lao động thay vì sa thải. 

Nhấn mạnh chưa bao giờ Chính phủ tổ chức một hội nghị trực tuyến lớn như vậy, Thủ tướng yêu cầu công tác tổ chức phải chặt chẽ, an toàn và chất lượng, toát lên một tinh thần “có chí thì nên” của người Việt Nam chúng ta, vượt qua khó khăn thách thức, tiến bước trong giai đoạn mới. Nhất là khi thời cơ đang đến khi nước ta dần thoát khỏi COVID-19./. 

Nguồn: VOV.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây