3 tháng cuối năm nay được xem như thời điểm vô cùng bận rộn với bóng đá nước nhà khi đội tuyển quốc gia (ĐTQG) bước vào chiến dịch vòng loại World Cup 2022 cùng sân chơi AFF Cup 2020. Cái đích giành vé đi tiếp ở vòng loại World Cup cùng mục tiêu bảo vệ ngôi vương bóng đá khu vực đều được coi trọng.
Tuy vậy, trong bối cảnh bóng đá Việt Nam chịu nhiều tác động từ hệ lụy của dịch bệnh, các giải đấu trong nước có thể phải dồn toa, rõ ràng mọi thứ không hề dễ dàng cho thầy trò HLV Park Hang-seo. Trong khi đó, có thể thấy cả VFF cũng như ông Park đều không muốn bỏ mặt trận nào.
Liệu chúng ta có nên chấp nhận bỏ mục tiêu này, dồn sức cho giải đấu kia nhằm có được thành quả nhất định nào đó hay sẽ căn chỉnh cho phù hợp để vẹn cả đôi đường?
Chúng ta thấy rằng, nếu không có gì thay đổi về cách thức tổ chức hay chuyển đổi thời gian, cả 2 giải đấu sẽ diễn ra sát nhau trong vòng 3 tháng 10, 11 và 12, và đã thấy những bất lợi trước mắt cho ĐTQG khi tập trung trở lại trong thời gian sắp tới.
Những bất lợi đến từ con người, phong độ, thể lực hay sự chuẩn bị, khi mà rất có thể các cầu thủ phải căng mình hoàn tất các giải đấu trong nước trước khi lên ĐTQG. Chính vì lẽ đó, mục tiêu kép bao gồm giành vé vào vòng loại cuối World Cup 2022 – khu vực châu Á, cũng như bảo vệ ngôi vô địch AFF Cup của bóng đá Việt Nam trong năm nay không hề đơn giản.
Khi nói về 2 giải đấu này, chuyên gia Đoàn Minh Xương cho rằng đều quan trọng nếu nhìn vào đặc tính và tâm lý của bóng đá nước nhà lâu nay.
Ông Xương chia sẻ: “Thời gian qua, chúng ta đã có cả ngôi vô địch AFF Cup cũng như hoàn tất giấc mơ Vàng sân chơi SEA Games, đó đều là danh hiệu quý giá. Nói cách khác, bóng đá Việt Nam đã ở vào thời điểm mà chúng ta hay gọi là số 1 khu vực.
Chúng ta lâu nay vẫn luôn coi trọng tất cả các sân chơi khi tham dự, có nghĩa rằng vẫn chưa thể thoát ra cái ràng buộc của thành tích đạt được để có thể chấp nhận hy sinh giải đấu nào đó cho những cái đích cao hơn và quá trình tích lũy rộng hơn.
Bởi vì lẽ đó cho nên vào lúc này vừa phải có vé để chơi tiếp vòng loại World Cup vừa bảo vệ danh vị vô địch AFF Cup được coi như chuyện phải đạt được vào cuối năm. Tâm lý của chúng ta luôn muốn thế và cái khó cũng chính từ chỗ đó cho thầy trò ông Park”.
Chuyên gia Đoàn Minh Xương nhìn nhận: “Đội tuyển Việt Nam phải đảm bảo các điều kiện tối ưu nhất khi tập trung cho các giải đấu này. Tuy vậy, không phải cứ muốn là được bởi bây giờ các kế hoạch trước đây của chúng ta đã cho các trận đấu đá vào tháng 3, 6 hay 9 đã phá sản vì buộc phải tạm hoãn.
Trong khi đó, V-League nếu trở lại vào cuối tháng 5, sẽ đá thế nào để kịp dành những điều kiện thuận lợi cho đội tuyển. Vấn đề tôi muốn nói ở đây là liệu chúng ta có dám hy sinh giải đấu nào đó, để tập trung toàn bộ tinh lực cho sân chơi còn lại hay không? Còn nếu không như thế, sẽ gặp khó khăn hay thuận lợi gì cho ĐTQG”.
Ông Xương phân tích: “Khi V-League trở lại vào cuối tháng 5 chẳng hạn, chúng ta phải tính toán đá kiểu gì, cách thức nào cho phù hợp và trọn vẹn. Phù hơp ở đây là phải đảm bảo được việc hoàn tất giải đấu trên tinh thần có cạnh tranh, chuyên môn đảm bảo, có đội lên xuống hạng chứ không thể đá cho vui.
Vì đá có cạnh tranh như thế mới đảm bảo về chuyên môn cũng như không tiêu cực. Vấn đề đặt ra, từ nay đến tháng 10, khi phải vừa đá trong nước xong rồi lên tuyển ngay thì phong độ, thể lực của tuyển thủ thế nào, có đáp ứng được không?
Vậy nên, cũng sẽ rất khó để có được sự tập trung ở 2 giải đấu chính thức liền kề nhau mà giải nào cũng đặt chỉ tiêu cao và phải căng sức đá. Nếu như chúng ta vẫn giữ nguyên quan điểm phải đảm bảo mục tiêu của cả 2 giải đấu như đã nói thì phải có căn chỉnh từ sân chơi trong nước.
Do đó, VFF, VPF phải tính toán, thay đổi thể thức thi đấu V-League năm nay để giảm khối lượng vận động cho các cầu thủ vì không thể nào đá dồn dập 5 ngày một trận suốt hơn 4 tháng trời, bởi chắc chắn dẫn đến quá tải.
Các tuyển thủ đa phần là trụ cột phải liên tục cày ải sẽ rất dễ dẫn đến chấn thương, ảnh hưởng lớn đến đội tuyển. Kế hoạch càng chi tiết thì chúng ta càng dễ ứng biến trước các tình huống có thể xảy ra”.
“Thêm vấn đề nữa là những căn chỉnh từ chính ông Park và thực tế tình hình vào thời điểm đó. Chẳng hạn nếu chúng ta thắng được Malaysia ở trận đấu tiếp theo của vòng loại World Cup cũng như kết quả các trận cùng bảng có lợi cho Việt Nam thì sẽ điều chỉnh được 2 trận còn lại.
Hoặc nếu chúng ta có vé đi tiếp ở vòng loại World Cup và lọt vào bảng đấu với các các đối thủ dễ chịu ở vòng bảng AFF Cup thì sẽ điều chỉnh thế nào để phù hợp. Vấn đề dựa trên việc tính toán điểm rơi phong độ, các phương án cụ thể của ông Park cùng cộng sự khi các trận đấu trải dài trong vòng 3 tháng cuối năm”.
Có thể thấy rằng, một khi chúng ta vẫn đang coi trọng và đặt mục tiêu cao cho cả 2 giải đấu vào cuối năm thì câu chuyện không phải ở chỗ bỏ cái nào và theo cái nào. Vấn đề khi đã quyết tâm chơi lớn như thế thì sẽ tính toán ra sao cho vẹn cả đôi đường và đem về thành quả.
Phân sức ra sao, tập trung cốt lõi vào chỗ nào, đó sẽ là bài toán rất khó cho ông Park vào 3 tháng cuối năm. Ông Park đã từng gồng gánh thành công cảnh “1 nách 2 con” khi ôm cả ĐTQG lẫn U23, còn bây giờ với nhiệm vụ kép như thế này, cùng chờ những ứng biến tiếp theo mà thôi.
Nguồn: Báo Tin tức