Ngay sau khi Chính phủ nới lỏng giãn cách xã hội, ngành Du lịch Lâm Đồng, Thừa Thiên-Huế đã có dấu hiệu phục hồi rõ rệt.
Dấu hiệu hồi phục sau thời gian giãn cách xã hội
Theo thông tin từ UBND thành phố Đà Lạt, trong 4 ngày nghỉ lễ 30/4-1/5, lượng khách từ các tỉnh, thành trong cả nước đến tham quan, nghỉ dưỡng tại địa phương tăng đột biến, lên tới 76.685 lượt du khách.
Tuy nhiên, nếu so sánh với số liệu của kỳ nghỉ năm ngoái (28/4 – 1/5/2019), thành phố Đà Lạt đón 113.250 lượt du khách, với trên 7.700 lượt khách quốc tế, thì lượng khách trong kỳ nghỉ vừa qua đã giảm tới 36.565 lượt người.
Bà Trần Thị Vũ Loan, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt cho biết: Trong hơn 76.000 lượt du khách tới Đà Lạt 4 ngày qua, có 2.100 khách quốc tế. Tuy nhiên, đây là những người đã nhập cảnh vào Việt Nam từ trước thời điểm tạm dừng nhập cảnh, hoặc là những người làm việc tại Việt Nam. Họ đã ở các tỉnh thành khác trong nước, do được tạm ngừng giãn cách xã hội, nên đi tham quan, nghỉ dưỡng. Thành phố quản lý rất chặt về phòng chống dịch bệnh đối với lượng du khách nước ngoài đến địa phương như khai báo y tế, kiểm tra sức khỏe, khai báo lịch sử qua các vùng có dịch.
Kỳ nghỉ lễ năm nay kéo dài 4 ngày, lượng khách du lịch từ các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ và nhất là Thành phố Hồ Chí Minh đổ lên tham quan du lịch tại Đà Lạt tăng đột biến. Hầu hết du khách đi bằng phương tiện xe gia đình, nên lượng phương tiện lưu thông trên các tuyến đường tăng cao. Trên tuyến Quốc lộ 20 từ Thành phố Hồ Chí Minh đi thành phố Đà Lạt đã xảy ra ách tắc tại nhiều điểm, nặng nhất là đoạn qua đèo Bảo Lộc và các khu đô thị nằm trên tuyến đường này.
Tuy lượng du khách tăng đột biến, nhưng trên địa bàn thành phố Đà Lạt chưa xảy ra hiện tượng cháy phòng, không có cảnh du khách phải cắm lều trại ngủ bên hồ Xuân Hương như các kỳ nghỉ trước. Nhiều khách sạn, nhà nghỉ vẫn treo biển “còn phòng”, trong khi giá phòng chỉ tăng khoảng 10% so với ngày thường. Các điểm, khu du lịch trên địa bàn tuân thủ khá chặt chẽ các quy định của ngành y tế như bắt buộc đeo khẩu trang, rửa tay khử khuẩn và kiểm tra thân nhiệt xong mới được phép vào tham quan.
Theo số liệu thống kê từ ngày 1-29/4/2020, có khoảng 12.500 lượt khách du lịch đến Lâm Đồng, giảm 98% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế 430 lượt, giảm 98,9%. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2020, khách du lịch đến Lâm Đồng 1.372.500 lượt, giảm 42,7% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế 85.625, giảm 48,7%; khách nội địa giảm 42,2%; khách qua lưu trú giảm 42,9%. Nguyên nhân khách du lịch giảm do đây là thời gian cao điểm xảy ra dịch bệnh và thời điểm thực hiện giãn cách xã hội theo quy định của Chính phủ.
Ngành du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Lâm Đồng. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thành phố Đà Lạt cùng với một số địa phương trong tỉnh đã phải chịu thiệt hại nặng nề. Nhiều khách sạn thua lỗ, phải đóng cửa theo quy định và phải cho nhân viên nghỉ việc…Trước tình hình này, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai những hướng đi mới nhằm kích cầu, tạo điều kiện cho du lịch phát triển trở lại. UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã có ý kiến chỉ đạo các cơ quan Thuế, Tài chính có chính sách hỗ trợ giảm thuế cho các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực du lịch; có những chính sách ưu đãi về vốn vay, trong đó có cho vốn vay mới, giãn nợ vốn vay, giảm lãi suất vay…để ngành du lịch tỉnh sớm vượt qua thời điểm khó khăn hiện nay.
Kích cầu phát triển du lịch
Tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, trong 4 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, ước tính có hơn 12.500 lượt du khách đã đến tham quan, nghỉ dưỡng. Đây là tín hiệu tích cực để ngành du lịch của địa phương khởi động giai đoạn phục hồi sau thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.
Theo Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế, trong số khách du lịch đến địa phương dịp này có tới 3.600 người lựa chọn lưu trú, chủ yếu là khách từ thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và một số tỉnh Bắc miền Trung, đi theo hình thức nhóm gia đình. Nhiều khu nghỉ dưỡng ở bãi biển Thuận An, Lăng Cô có công suất khách đặt phòng từ 30-50%.
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã mở cửa miễn phí cho du khách đến tham quan tại các điểm di tích thuộc quần thể di tích Cố đô Huế từ ngày 30/4-7/5/2020. Công tác phòng, chống dịch cũng được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện một cách nghiêm túc. Những du khách ngoại tỉnh phải thực hiện khai báo y tế trước khi vào tham quan các điểm di tích; tất cả du khách đều được đo thân nhiệt và bắt buộc rửa tay bằng nước diệt khuẩn ngay tại cửa vào, nhân viên Trung tâm thường xuyên nhắc nhở du khách phải đeo khẩu trang và chủ động phân luồng du khách nhằm hạn chế tập trung đông người.
Tỉnh Thừa Thiên-Huế xác định, trong giai đoạn phục hồi ngành du lịch sau dịch COVID-19 sẽ tập trung vào thị trường khách nội địa. Từ tháng 5 đến cuối năm 2020, tỉnh sẽ có nhiều đợt giảm sâu giá vé tham quan các điểm di tích nhằm kích cầu, thu hút khách du lịch đến khám phá mảnh đất, văn hóa, con người xứ Huế. Tỉnh cũng dự kiến tổ chức Hội nghị lữ hành toàn quốc để kết nối với các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú và dịch vụ du lịch, qua đó giới thiệu Huế là một điểm đến an toàn với nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn dành cho du khách trong nước. Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, Festival Huế lần thứ XI – năm 2020 sẽ được tổ chức từ ngày 28/8-2/9 theo kế hoạch, tuy nhiên sẽ có sự thay đổi về quy mô lễ hội để phù hợp với điều kiện thực tế.
Tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện đã ban hành các bộ tiêu chí về điểm tham quan, cơ sở dịch vụ du lịch an toàn, doanh nghiệp lữ hành và cơ sở lưu trú an toàn. Tỉnh sẽ sớm ban hành Đề án phục hồi, kích cầu phát triển du lịch giai đoạn 2020-2021.
Nguồn: Báo Tin tức