Tối 18/04, trên mạng xã hội xuất hiện một bức ảnh chụp chương trình thời sự 19h của VTV1. Ảnh này bao gồm hình Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với dòng title có nội dung: “Gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng chỉ là dự kiến”. Nhiều cá nhân chống đối đã dùng ảnh này để tuyên truyền rằng Chính phủ Việt Nam nói dối về việc hỗ trợ tài chính cho người dân thuộc diện khó khăn trong dịch bệnh.
Tuy nhiên, đây là một thông tin sai sự thật. Cộng đồng mạng đã chỉ ra rằng bức ảnh này đã bị chỉnh sửa với các dòng tiêu đề của chương trình Thời sự 19h, và chương trình gốc không hề chứa dòng chữ đó. Thêm nữa, người chế ra cái hình này, quên mất một điều, dòng tiêu đề luôn viết hoa toàn bộ, chứ không có kiểu viết hoa ở đầu câu như trên hình.
62.000 tỷ đồng – gói hỗ trợ an sinh chưa có tiền lệ với quy mô lớn nhất từ trước đến nay được đông đảo người dân mong chờ triển khai sớm, giúp người dân giảm thiểu khó khăn vì dịch bệnh, đặc biệt là những lao động, người dân thuộc nhóm yếu thế, phụ nữ và đối tượng chính sách xã hội… Ấy vậy mà các đối tượng đã lợi dụng vấn đề này rồi cắt ghép thông tin, hình ảnh để tung tin sai sự thật, hòng lừa dối người dân khiến họ mất niềm tin vào chính quyền. Những nguồn tin giả này hết sức nguy hiểm, không chỉ gây nhiễu loạn thông tin khiến dư luận không phân biệt được thật giả mà còn gây xáo trộn cuộc sống người dân. Nó tạo ra một thứ dịch bệnh “dịch fake new” còn nguy hiểm hơn cả virus, chúng ta cần cảnh giác để không mắc bẫy.
Được biết, nhiều địa phương đã chủ động tiến hành thống kê trước các nhóm đối tượng được thụ hưởng trong thời gian chờ văn bản hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, việc rà soát nhóm lao động tự do không có hợp đồng trên thực tế không hề dễ dàng. Một số địa phương đã có cách làm hay, cần được nhân rộng việc rà soát, thống kê đối tượng, hạn chế thấp nhất sai sót và trục lợi. Đơn cử như TP.HCM, số lượng người nhập cư nhiều nên biến động nhân khẩu diễn ra hàng ngày. Nhưng trước đó thành phố đã có nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai nhiều gói hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn, tất cả thông tin về đối tượng trong diện hỗ trợ được 320 phường, xã, thuộc 24 quận, huyện gửi lên Sở LĐTB&XH thành phố, liên thông với nhau để tránh việc thống kê trùng lặp. Việc trao tiền hỗ trợ được giám sát bởi tổ chức mặt trận ấp, khu phố tổ dân phố nhằm hạn chế thấp nhất sai sót và trục lợi. Hay tại Hà Tĩnh cũng có kế hoạch xây dựng hệ thống giám sát từ cấp thôn đến cấp tỉnh để tiến hành kiểm tra quá trình rà soát, lập hồ sơ và chi trả tiền. Tỉnh đang tính toán để ứng dụng công nghệ thông tin vào việc giám sát thực hiện.
Hiện nay, gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng đã bắt đầu đến tay người dân. Ở một vài tỉnh thành như Hà Nam, Hải Phòng, đã có những người dân đầu tiên thuộc các nhóm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhận được hỗ trợ của Chính phủ. Có thể thấy, trong lúc chờ có văn bản hướng dẫn cụ thể, một số địa phương đã có sáng kiến triển khai linh động, sáng tạo, với mong muốn đưa tiền hỗ trợ về tay những người bị ảnh hưởng nhanh nhất. Đây chính là bằng chứng đáp trả lại những thông tin sai sự thật, bịa đặt của các đối tượng khi nói rằng “gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng chỉ là dự kiến”.
Thế Khoa
Nguồn: Cánh cò