Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – VHTTDL) vừa ký công văn số 248/DSVH-DT gửi Sở VHTT Hà Nội đề nghị truy tìm số cổ vật, hiện vật bị mất tại các di tích trong thời gian diễn ra dịch bệnh COVID-19 vừa qua.
Chỉ trong thời gian ngắn, Bộ VHTTDL nhận được nhiều thông tin phản ánh tại nhiều di tích được xếp hạng quốc gia của TP Hà Nội đã bị kẻ gian đột nhập, trộm cắp hiện vật.
Vì vậy, Cục Di sản văn hóa đề nghị Sở VHTT Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương cung cấp thông tin về hiện vật cho cơ quan chức năng để phục vụ điều tra. Đồng thời, kiểm kê hiện vật tại các di tích bị mất cắp, đề xuất các biện pháp bảo vệ di tích.
Lãnh đạo Cục Di sản văn hóa cũng yêu cầu Sở VHTT Hà Nội báo cáo UBND TP chỉ đạo cơ quan điều tra và các cơ quan chức năng nhanh chóng tổ chức truy tìm, trả lại hiện vật bị mất cắp cho di tích; làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra vụ việc; đồng thời, yêu cầu chính quyền các địa phương và các Ban quản lý di tích thực hiện nghiêm ý kiến của Bộ VHTTDL.
Theo Công văn số 2009/BVHTTDL-DSVH ngày 28/5/2019 của Bộ VHTTDL gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong những năm qua, nhiều tỉnh thành đã làm tốt công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, tuy nhiên, vẫn còn địa phương chưa chủ động trong việc kiểm kê, xếp hạng di tích; tình trạng mất cắp hiện vật, cháy ở di tích vẫn tiếp tục xảy ra hàng năm…
Để tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị di tích, Bộ VHTTDL đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo các Sở VHTT và UBND các quận, huyện, thành phố, thị xã trực thuộc phối hợp với Ủy ban MTTQ cùng cấp tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật về di sản văn hóa; mở cuộc vận động tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân để quán triệt pháp luật về di sản văn hóa đến các tổ chức đoàn thể xã hội, các hội và người dân.
Đặc biệt, về tình trạng mất cắp hiện vật, cổ vật ở di tích, Bộ VHTTDL đề nghị quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp xã, phường, thị trấn trong việc bảo vệ di tích trên địa bàn và cơ chế phối hợp quản lý giữa UBND cấp xã với tổ chức quản lý di tích hoặc người được giao trông coi di tích. Đồng thời, tăng cường tuần tra, canh gác, kết hợp lắp đặt thiết bị bảo vệ, nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm phạm di tích.
Trước đó, theo UBND huyện Thanh Oai, ngày 13/3, chùa Bối Khê, thôn Song Khê, xã Tam Hưng đã bị kẻ gian phá cửa lấy đi pho tượng Thích ca đản sinh bằng đồng đen, cao 70 – 80 cm (pho tượng đặt tại ngôi Tam Bảo). Ngày 16/3 tại đình Đại Định, thôn Đại Định, xã Tam Hưng đã bị kẻ gian cắt khóa, phá cửa lấy đi hai bộ chấp kích, gồm 16 chiếc đặt hai bên gian Đại bái, 2 đỉnh đồng, 2 cây nến đồng, 1 bình sứ cổ. Tiếp đó, ngày 29/3 tại chùa Dư Dụ, xã Thanh Thủy cũng đã bị kẻ gian cắt khóa lấy trộm 1 chuông đồng, 2 bát bình hương đặt tại ngôi Tam bảo và ngày 11/4 tại chùa Từ Châu, xã Liên Châu đã bị kẻ gian lấy trộm 1 chuông đồng cao 1 m, đường kính 0,6 m…
Nguồn: Báo Tin tức