Việc hãng Reuters dẫn tin từ công ty an ninh mạng Mỹ FireEye cố ý tung tin bịa đặt tin tặc APT32 do “Chính phủ Việt Nam ủng hộ” đã tấn công mạng vào Trung Quốc để lấy thông tin về SARS-CoV-2, trong hai ngày qua đang thu hút chú ý của dư luận. Thủ đoạn của những kẻ bất lương, hướng đến mục đích làm hại Việt Nam là đã thấy quá rõ. Nhưng ai mới thật sự là kẻ đứng đằng sau tất cả những toan tính có chủ đích này, bàn tay nhám nhúa của ai đang muốn ám hại Việt Nam?
Phân tích qua tình hình nước Mỹ
Trong lúc cuộc chiến chống COVID-19 đang diễn biến khốc liệt, hai quốc gia đang thu hút nhiều sự chú ý của quốc tế nhất là Mỹ và Trung Quốc. Mỹ với số lượng người dân chết gần chạm con số 50.000 người, áp lực đè lên Tổng thống Trump là rất lớn. Đã từng có bình luận cho rằng, việc Tổng thống Trump dọa cắt tài chánh đóng góp cho WHO (Cơ Quan Sức Khỏe Thế Giới, là tổ chức của Liên Hiệp Quốc mà mọi quốc gia là thành viên có nghĩa vụ nộp ngân sách), với lý do “WHO nghiêng về phía Trung Quốc, cung cấp thông tin sai lệch về dịch COVID-19”, dẫn đến việc Mỹ ứng phó chậm, số người chết ở Mỹ cao nhất thế giới. Tất cả những lý do trên được cho là, chỉ là cái cớ để Tổng thống Trump chuyển hướng dư luận đang tấn công mình vào kẻ khác.
Việc công ty an ninh mạng Mỹ FireEye tung tin “tin tặc từ Việt Nam” đã tấn công mạng vào Trung Quốc, nếu như hiểu theo hướng, chính quyền Trump chỉ đạo FireEye làm việc này, mục đích để chuyển hướng dư luận, để thế giới và người dân nước này không quan tâm đến việc ông điều hành kém khi gần 50.000 dân Mỹ phải chết vì coronavirus. Thì suy luận, giả thiết này khó xảy ra. Bởi, Mỹ và Trung Quốc đang đối đầu dường như trên tất cả mọi lĩnh vực, để đối phó với Trung Quốc, Mỹ đang kiếm thêm bạn bè quốc tế, để gia tăng sức mạnh, chứ không dại gì đi kiếm chuyện với các quốc gia, nhất là “ra tay” với Việt Nam. Chúng ta đã thấy, trước hành vi ngang ngược của Trung Quốc, lợi dụng lúc cả thế giới chống dịch bệnh đã giở thói hung hăn trên Biển Đông, đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam, Mỹ đã thể hiện rõ quan điểm bênh vực Việt Nam; thậm chí Mỹ điều tàu quân sự đến khu vực này – như một cách nói rõ Trung Quốc đừng làm càng. Tổng thống Trump sẽ không “tham bát bỏ mâm”, làm điều dại dột trên, chỉ vì muốn “chuyển hướng dư luận” để rồi tổn hại, sứt mẽ mối quan hệ Việt – Mỹ.
Đến lượt Trung Quốc
Chính quyền Trung Quốc đang nhận lấy chỉ trích dữ dội về việc giấu dịch, cả nghi vấn COVID-19 là do nước này “chế tạo” như vũ khí sinh học, hủy diệt nhân loại. Cùng với đó là việc Trung Quốc đang lợi dụng lúc dịch bệnh bùng phát toàn cầu, tranh thủ dở hàng loạt chiêu trò hòng cướp Biển Đông – phần chủ quyền của Việt Nam biến thành ao nhà. Từ sự cáo buộc của FireEye, chúng ta có rất nhiều câu hỏi, mà mỗi câu hỏi chính là sự hoài nghi, mỗi một nút thắt được “tháo” ra đều dẫn về phía Trung Quốc.
Thứ nhất: Trung Quốc đã rất nhiều lần bị nhiều nhóm tin tặc tấn công, nhưng Việt Nam hoàn toàn không dính gì tới. Dễ dàng để nhận thấy, Việt Nam không phải là một quốc gia siêu cường về công nghệ thông tin, cũng như các thể loại tấn công mạng. Các quốc gia hiện đang là “bậc thầy” đầu tư rất lớn cho tác chiến mạng, phải kể đến Trung Quốc, Mỹ, Israel, Nga, Pháp, Đức…. Với “trình” tay nghề của các chuyên viên làm việc liên quan đến SARS-CoV-2 ở Trung Quốc, những tài liệu thuộc tầm “tối mật” vốn được bảo vệ rất kỹ, thì liệu Việt Nam có đủ sức để tấn công và tài giỏi đến mức còn thu thập được thông tin, đi trước thế giới như FireEye đưa ra? Chắc chắn là không!
Tại sao công ty an ninh mạng tại Mỹ như FireEye cáo buộc Việt Nam, lu loa phải là “Việt Nam” chứ không phải quốc gia nào khác? Cái mùi rất quen, nó giống hệt sự lếu láo của Trung Quốc vừa mới đây, cho tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá ngư dân Việt Nam đang khai thác trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, bằng chứng rành rành, cả thế giới đều lên án sự vô nhân đạo của Trung Quốc, nhưng phát ngôn viên Trung Quốc từ Hoa Xuân Oánh, đến Cảnh Sảng đều lu loa, nói ngược rằng “tàu cá Việt Nam tấn công tàu hải cảnh Trung Quốc”. Tàu cá Việt Nam mà “tấn công” được tàu hải cảnh Trung Quốc, chuyện có lẽ chỉ có trong phim viễn tưởng và từ miệng của đại diện chính quyền Trung Quốc mà thôi.
Thứ hai: Mấu chốt đáng quan tâm hơn hết, trong khi chính quyền Trung Quốc không có bất kỳ báo cáo nào hay phát ngôn nào liên quan việc họ bị nhóm tin tặc APT32 “từ Việt Nam” tấn công, nhưng một công ty an ninh mạng tại Mỹ như FireEye lại xông xáo cáo buộc nhóm tin tặc tên APT32 đã tấn công mạng tại Trung Quốc là “do Việt Nam ủng hộ”? Tại sao là công ty an ninh mạng từ Mỹ cáo buộc Việt Nam mà không phải là công ty từ quốc gia khác? Dụng ý là gì khi FireEye tung tin ám hại Việt Nam? Chỉ cần trả lời câu hỏi, tin này tung ra, ai sẽ là người có lợi thì biết rõ.
Thử nghĩ mà xem, khi FireEye tung tin này, nếu như Việt Nam không “thanh minh” được thì uy tín của Việt Nam sẽ giảm trên trường quốc tế, với cái tội định danh sẵn (đào mộ sẵn) cho Việt Nam là đi tấn công, ăn cắp. Kế đến, với thông tin bịa đặt này, xuất phát từ đất nước Hoa Kỳ, thì phải chăng sự “vu cáo” sẽ làm chia rẽ, làm rạn nứt mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam – Hoa Kỳ? Ai sẽ là người có lợi nhất khi tạo ra sự kiện này? Ai đang chơi trò ném đá giấu tay?
Từ những phân tích trên, tất cả các nghi vấn đều dồn về một mối, và hoàn toàn có cơ sở để nghĩ rằng, công ty an ninh mạng FireEye đã bị Trung Quốc mua chuộc!
FireEye tấn công Việt Nam là chuyện đã quá rõ, và ai đứng phía sau chơi trò ném đá giấu tay này, thì đều nguy hiểm như nhau. Điều đó càng cho thấy, áp lực, thách thức rất lớn dành cho Việt Nam trong việc bảo vệ an ninh quốc gia, chủ quyền biển đảo, không chỉ trên thực địa, mà còn trên cả không gian mạng. Trong lúc thật giả lẫn lộn này, không biết ai là bạn, ai là thù, đòi hỏi Việt Nam càng bình tĩnh để có những chiến lược hoàn hảo bảo vệ quốc gia, không để những bàn tay nhám nhúa nhân danh, giả danh bất kỳ điều gì trà trộn, chi phối – phá vỡ sự bình yên của đất nước Việt Nam.
Ốc Biển Trường Sa
Nguồn: Cánh cò