Sân khấu tuồng Việt Nam vừa mất đi một nữ nghệ sỹ tài hoa – Nghệ sỹ nhân dân Đàm Liên, ngôi sao sáng của sân khấu tuồng Việt Nam, người đã “đóng đinh” trong lịch sử sân khấu Tuồng, được giới trong nghề cũng như những người yêu nghệ thuật tuồng mệnh danh là “Bà chúa Tuồng”, “Nữ hoàng sân khấu Tuồng”, “Vua Tuồng”…
Thông tin từ gia đình nghệ sỹ cho biết, Nghệ sỹ nhân dân Đàm Liên qua đời vào lúc 9 giờ 40 phút ngày 25/4/2020, hưởng thọ 78 tuổi. Lễ viếng diễn ra lúc 9 giờ ngày 28/4 tại Nhà tang lễ Cầy Giấy (Hà Nội). Lễ truy điệu và đưa tang vào hồi 10 giờ ngày 28/4.
Bà chúa sân khấu tuồng
Nghệ sỹ nhân dân Đàm Liên tên thật là Đàm Thị Liên, sinh năm 1943 tại xã Xuân Long, Đồng Xuân, Phú Yên, trong một gia đình có về dày về nghệ thuật truyền thống, nên bà sớm bén duyên với nghệ thuật. Ông ngoại bà là chủ gánh hát Bầu Leo, mẹ bà cũng là một nghệ sỹ tuồng có tiếng nên bà được học tuồng bài bản từ các nghệ sỹ tuồng Liên khu 5 ngay từ khi còn rất trẻ.
Năm 1960, nghệ sỹ trẻ Đàm Liên học diễn vai Trưng Trắc trong vở tuồng Trưng Nữ Vương, sau đó có dịp biểu diễn cho Bác Hồ xem và được Bác khen, nên nhiều người đùa gọi bà là “cô Trưng Trắc của Bác Hồ”.
Năm 1970, bà về công tác tại Nhà hát Tuồng Việt Nam. Tại đây, bà tiếp tục trau dồi thêm phong cách nghệ thuật tuồng Bắc và trở thành nghệ sỹ nổi tiếng, được công chúng mến mộ với nhiều vai diễn xuất sắc trong nhiều vở tuồng từ truyền thống đến hiện đại như: vai Đào Tam Xuân trong vở “Nữ tướng Đào Tam Xuân”, Ái Nương trong vở “Trần Bình Trọng”, Loan Dung trong vở “Lý Phụng Đình”, Liễu Nguyệt Tiêm trong vở “Đào Phi Phụng”, Bà Huyện trong vở “Nghêu sò ốc hến”, Phương Cơ trong vở “Ngọc lửa Hồng Sơn”, công chúa Quỳnh Nga trong vở “Thạch Sanh”, Hồ Nguyệt Cô trong vở “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo”, vai má Tư trong vở kịch tuồng hiện đại “Không còn đường nào khác”…
Tuy nhiên, vai diễn để đời, đóng đinh tên tuổi của Nghệ sỹ nhân dân Đàm Liên trong lòng công chúng là vai diễn xuất thần “Ông già cõng vợ đi xem hội”, được biểu diễn lần đầu năm 1979. Trong vở này, Nghệ sỹ nhân dân Đàm Liên đã chinh phục công chúng bởi sự biến hóa linh hoạt của bà khi một mình đóng 2 vai. Lúc thì là một ông lão 70 tuổi, khi lại hóa thân thành một cô gái tuổi 17 trẻ trung, lảnh lót… Có thể nói, chỉ với khoảng 25 phút diễn xuất trong trích đoạn “Ông già cõng vợ đi xem hội”, nhưng Nghệ sỹ nhân dân Đàm Liên đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng công chúng yêu nghệ thuật tuồng, vai diễn này của bà cũng đạt được kỷ lục trong nghệ thuật tuồng Việt Nam từ xưa đến nay với hơn 2.000 đêm diễn.
Nghệ sỹ nhân dân Đàm Liên còn thực hiện một công trình nghiên cứu về tiếng cười trong nghệ thuật tuồng. Bà nghiên cứu ra 16 điệu cười riêng của mình và làm một băng hình giới thiệu những tiếng cười. Bà cũng là người đầu tiên cho ra mắt VCD, DVD tuồng ở Việt Nam mang tên “Nghệ thuật tuồng qua những vai diễn của Nghệ sỹ nhân dân Đàm Liên” vào năm 2007.
Với những vai diễn để đời cùng những đóng góp lớn lao của bà cho nghệ thuật tuồng Việt Nam, Nghệ sỹ nhân dân Đàm Liên là người đã “đóng đinh” trong lịch sử sân khấu tuồng Việt Nam, được giới trong nghề cũng như những người yêu nghệ thuật tuồng mệnh danh là “Bà chúa Tuồng”, “Nữ hoàng sân khấu Tuồng”, “Vua Tuồng”… Bà cũng đã từng mang nghệ thuật tuồng Việt Nam đi biểu diễn ở nhiều nước như: Nga, Ba Lan, Italy, Đức, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Ấn Độ…
Trong sự nghiệp diễn xuất của mình, Nghệ sỹ nhân dân Đàm Liên đã giành được 5 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc tại các Liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc. Bà còn giành được Huy chương Vàng “Tiếng cười đầu tiên” và Huân chương Kháng chiến hạng Nhì. Năm 1993, bà được trao tặng danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân.
Say mê, trách nhiệm với nghề
Nghệ sỹ nhân dân Lê Tiến Thọ, Nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam cho biết, ông đã có khoảng 20 năm gắn bó với Nghệ sỹ nhân dân Đàm Liên ở Nhà hát Tuồng Việt Nam.
Nghệ sỹ nhân dân Lê Tiến Thọ chia sẻ, Nghệ sỹ nhân dân Đàm Liên là một ngôi sao sáng, một tài năng của làng sân khấu tuồng Việt Nam, một người được đào tạo bài bản, rất giỏi nghề và say nghề, luôn trăn trở sáng tạo những vai diễn để đời.
“Bà yêu và say đắm nghề đến mức cực đoan. Bà yêu cháy bỏng những vai diễn của mình, luôn trăn trở làm sao để vai diễn phải hay nhất, tốt nhất. Bà say nghề đến mức bắt mọi người phải lao động và sáng tạo nghệ thuật cùng mình, say như mình. Bà yêu cầu các học trò của mình phải tập luyện kỹ càng, không được hời hợt với nghề, không được coi thường nghệ thuật sân khấu truyền thống, và không được coi thường khán giả…”, Nghệ sỹ nhân dân Lê Tiến Thọ nói.
Nghệ sỹ nhân dân Đàm Liên là người năng động và sáng tạo. Bà không chịu khép mình trong những khuôn mẫu, mà bằng tài năng của mình, bà đã làm giàu thêm sân khấu truyền thống bằng cách cách tân ra những làn điệu hát, điệu múa, lối diễn thể hiện thông qua hình tượng nhân vật… từ đó phát triển và sáng tạo ra những hình tượng nhân vật đậm nét, tạo ấn tượng sâu đậm cho người xem. Trích đoạn “Ông già cõng vợ đi xem hội” là một minh chứng cho sự sáng tạo không ngừng của bà, vai diễn này cũng đã tạo nên “thương hiệu” của Nghệ sỹ nhân dân Đàm Liên trong suốt mấy chục năm qua.
Có thể nói, sự say nghề của Nghệ sỹ nhân dân Đàm Liên không chỉ khiến bà luôn luôn tìm tòi học hỏi, sáng tạo cho chính mình, mà bà còn luôn trăn trở với công tác đào tạo các nghệ sỹ trẻ. Bà quan tâm, chỉ bảo, góp ý, chăm lo cho các lứa nghệ sỹ trẻ. Nhiều nghệ sỹ sân khấu tuồng nổi danh sau này như các Nghệ sỹ nhân dân Minh Gái, Văn Quý, Hương Thơm, Hồng Khiêm, Văn Thủy, các Nghệ sỹ ưu tú Minh Tâm, Bích Tần, Kim Oanh… ở Nhà hát Tuồng Việt Nam hiện nay đều là học trò của bà. Cho đến nay, nhiều nghệ sỹ trẻ luôn coi Nghệ sỹ nhân dân Đàm Liên là tấm gương trong lao động nghệ thuật bởi lòng say mê, trách nhiệm với nghề.
Bên cạnh nghiệp diễn, Nghệ sỹ nhân dân Đàm Liên còn bỏ công viết sách về những sáng tạo của bà trong nghệ thuật tuồng để truyền lại cho các lớp kế cận như một sự đóng góp của bà cho nghệ thuật tuồng mãi về sau. Bà còn theo học đạo diễn sân khấu và dàn dựng những vở sân khấu tuồng truyền thống…
“Nghệ sỹ nhân dân Đàm Liên là một tấm gương trong lao động nghệ thuật về rèn luyện tài năng không ngừng và lòng say nghề, trách nhiệm với nghề. Bà mất đi là một mất mát lớn của sân khấu tuồng Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh khủng hoảng nhân lực ở các bộ môn nghệ thuật truyền thống hiện nay”, Nghệ sỹ nhân dân Lê Tiến Thọ ngậm ngùi chia sẻ.
Nguồn: Báo Tin tức