Dịch bệnh COVID-19 đang làm thay đổi thế giới với tốc độ phá hủy khủng khiếp nhưng đây cũng được coi là một thách thức và cơ hội đối với doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.
Hiện nay, đại đa số hoạt động thường ngày của xã hội được thực hiện nhờ công nghệ số, đây cũng là lúc doanh nghiệp nên cân nhắc thay đổi mô hình kinh doanh, sản xuất, chuỗi cung ứng…
Nhiều chuyên gia cho rằng “chúng ta cần phải nói lời giã từ với mô hình kinh tế sản xuất ‘khai thác – sản xuất – xả thải’ để chuyển sang Kinh tế tuần hoàn – tập trung phát triển thịnh vượng không rác thải nhờ phát huy tối đa hiệu quả nguồn tài nguyên, tăng tỷ lệ tái sử dụng nguyên liệu.
Theo ước tính, kinh tế tuần hoàn sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng khoảng 4.500 tỷ USD vào năm 2030; giúp khôi phục hệ thống tự nhiên của nhân loại”. Đã xuất hiện nhiều dự án trên toàn cầu định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, tuy nhiên mức tiến bộ chưa được như kỳ vọng. Bây giờ chính là lúc chúng ta tạo nên một sự cộng hưởng mang tính toàn cầu.
Kinh tế tuần hoàn giúp chúng ta phát triển và tăng trưởng không phụ thuộc vào tài nguyên hiếm, gây hại môi trường; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng ít tác động tiêu cực đến môi trường; doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và cạnh tranh hơn, đặc biệt khi họ phát huy được thế mạnh của công nghệ số của thời kỳ 4.0. Kinh tế tuần hoàn tạo ra nhiều mô hình kinh doanh mới như kinh tế chia sẻ, chia sẻ hạ tầng, sản phẩm như dịch vụ, chuỗi cung ứng đảo chiều… giúp tăng độ bền, phát huy hiệu quả công năng sử dụng của sản phẩm.
Cuốn sách Kinh tế tuần hoàn 4.0 do dịch giả Nguyễn Đức Dũng tổng hợp và biên soạn cung cấp một tổng quan về thiết kế chuỗi cung ứng; các mô hình hỗ trợ kinh doanh, lợi thế từ việc ứng dụng công nghệ số trong vận hành sản xuất, kinh doanh; đồng thời cũng là một nguồn tài liệu tham khảo thông qua những doanh nghiệp triển khai thành công mô hình kinh tế tuần hoàn trên thế giới.
Nguồn: Báo Tin tức