Trang chủ Biển - Đảo Tàu khảo sát Hải Dương địa chất 08 của Trung Quốc vẫn...

Tàu khảo sát Hải Dương địa chất 08 của Trung Quốc vẫn đang ở bên trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia

149
0

Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Datuk Seri Hishammuddin hôm 23-4 kêu gọi giải quyết vấn đề biển Đông bằng giải pháp hòa bình, song nhấn mạnh nước này quyết bảo vệ lợi ích và quyền lợi của mình tại đó.

“Mặc dù luật pháp quốc tế bảo đảm tự do hàng hải, sự hiện diện của tàu chiến và các tàu khác trên biển Đông có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng, dẫn đến những tính toán sai lầm có thể gây ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và sự ổn định khu vực” – ông Hishammuddin khẳng định, đồng thời nói rằng Malaysia sẽ tiếp tục liên lạc cởi mở với mọi bên liên quan, trong đó có Trung Quốc và Mỹ.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện thông tin tàu khảo sát Hải Dương địa chất 08 của Trung Quốc đang hoạt động gần tàu khoan thăm dò đáy biển West Capella do Công ty Dầu khí Petronas (Malaysia) vận hành. Hãng tin Reuters dẫn một số nguồn tin an ninh khu vực cho biết tàu Hải Dương địa chất 08, với sự hộ tống của một tàu cảnh sát biển, tuần qua đã tiến vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia và bắt đầu khảo sát gần nơi tàu West Capella hoạt động.

Dữ liệu của trang Marine Traffic cho thấy tàu Hải Dương địa chất 08 vẫn ở bên trong EEZ của Malaysia hôm 23-4. Ông Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hảng hải châu Âu (trụ sở ở Mỹ), nhận định hoạt động nói trên của tàu khảo sát Hải Dương địa chất 08 là diễn biến mới nhất trong hàng loạt động thái quấy phá của tàu Trung Quốc nhằm vào hoạt động dầu khí ngoài khơi Malaysia kể từ năm ngoái.

Theo báo Malay Mail, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Datuk Seri Anifah Aman đã viết thư cho Thủ tướng Tan Sri Muhyiddin Yassin, theo đó kêu gọi đáp trả hành vi của tàu Hải Dương địa chất 08.

Khẳng định đây không phải lần đầu tàu Trung Quốc “xâm nhập” EEZ của Malaysia, ông Aman nhấn mạnh việc bảo vệ, thúc đẩy các lợi ích chiến lược quốc gia phải là nguyên tắc chủ đạo và Malaysia phải quyết đoán trong việc bảo vệ lợi ích, quyền lợi quốc gia phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. “Một lập trường kiên định dựa trên các quy tắc là giải pháp hiệu quả nhất để đối phó với hành vi của

Trung Quốc trên biển Đông” – ông Aman khẳng định, đồng thời kêu gọi Thủ tướng Yassin cân nhắc thành lập một tổ chức đặc biệt để giải quyết các vấn đề hàng hải Malaysia, trong đó có vấn đề biển Đông.

Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne cũng bày tỏ sự phản đối với các động thái gần đây của Trung Quốc trên biển Đông, trong đó có nỗ lực cản trở hoạt động khai thác tài nguyên của những quốc gia khác, đơn phương thành lập các quận hành chính…

Trước đó một ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Washington “phản đối mạnh mẽ mọi hành vi bắt nạt” của Bắc Kinh. Đáng chú ý, các tàu chiến của Mỹ và Úc tuần này cũng tập trận chung ở biển Đông, gần khu vực tàu khảo sát Hải Dương địa chất 08 hiện diện nói trên. 

Việt Nam bác bỏ quan điểm sai trái của Trung Quốc

Ngày 23-4, tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước công hàm ngày 17-4 của Trung Quốc gửi Liên Hiệp Quốc (LHQ) nêu các yêu sách chủ quyền ở biển Đông, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Ngô Toàn Thắng khẳng định: Như đã nêu tại họp báo ngày 9-4, việc Việt Nam gửi công hàm tại LHQ là việc làm bình thường để thể hiện lập trường và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam. Trước việc Trung Quốc lưu hành một số công hàm nêu các yêu sách chủ quyền phi lý đối với Hoàng Sa và Trường Sa không phù hợp luật pháp quốc tế cùng các yêu sách biển ở biển Đông trái với quy định của công ước của LHQ về Luật biển (UNCLOS) 1982, ngày 30-3, Việt Nam đã lưu hành công hàm tại LHQ để bác bỏ các yêu sách này, như đã được nêu trong nhiều văn bản gửi LHQ và các cơ quan quốc tế liên quan. Việt Nam cũng đã giao thiệp với Trung Quốc để khẳng định mạnh mẽ lập trường nhất quán của Việt Nam, bác bỏ quan điểm sai trái của Trung Quốc.

Ngày 10-4, Việt Nam lưu hành công hàm để khẳng định lập trường trong vấn đề biển Đông với các nước liên quan khác. Việt Nam đã nhiều lần khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế. Là quốc gia ven biển, Việt Nam được hưởng đầy đủ các vùng biển tại biển Đông được xác lập trên cơ sở UNCLOS; mọi yêu sách biển trái với quy định UNCLOS, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam là không có giá trị.

Liên quan đến việc Trung Quốc ban hành cái gọi là danh xưng tiêu chuẩn cho 80 thực thể ở biển Đông, ông Ngô Toàn Thắng nêu rõ: “Mọi hành vi phương hại đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng biển của mình đều vô giá trị, không được công nhận và Việt Nam kiên quyết phản đối”.

D.Ngọc

Cao Lực (Người lao động)

Nguồn: Đấu trường Dân chủ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây