Theo quy định của Điều lệ Đảng, đại hội đảng các cấp là cơ quan lãnh đạo của mỗi cấp bộ đảng giữa hai kỳ đại hội. Nhiệm vụ quan trọng nhất của đại hội đảng các cấp là đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết đại hội của cấp bộ đảng trong nhiệm kỳ và xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác trong nhiệm kỳ tiếp theo. Thế nhưng, trên thực tế, ở nhiều nơi, đại hội chỉ quan tâm nhiều đến vấn đề bầu cấp ủy, còn nhiệm vụ quan trọng nhất lại lơ là…
Những bài học về xây dựng văn kiện
Theo tổng hợp của Ban Tổ chức Trung ương, đến thời điểm này, tuyệt đại đa số các tổ chức đảng trực thuộc đảng ủy cơ sở trong cả nước đã hoàn thành tổ chức đại hội. Nhiều đảng bộ cấp huyện, cấp tỉnh cũng đã tổ chức xong đại hội điểm cấp cơ sở.
Phú Thọ là một trong những tỉnh đã tổ chức thành công đại hội điểm cấp cơ sở. Các đảng bộ trực thuộc tỉnh ủy đã chọn 21 cơ sở đảng tổ chức đại hội điểm. Việc chuẩn bị văn kiện trình đại hội điểm này được cấp ủy chỉ đạo chặt chẽ. Các báo cáo chính trị đã tổng kết sâu sắc, trung thực kết quả thực hiện nghị quyết của đại hội sau một nhiệm kỳ. Các báo cáo kiểm điểm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đã thẳng thắn, nghiêm túc đánh giá kết quả tập thể cấp ủy đã làm được, cũng như những hạn chế cần khắc phục; gắn việc kiểm điểm cấp ủy với kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII), Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Tỉnh ủy Phú Thọ thì văn kiện của một số đơn vị chuẩn bị còn sơ lược, chưa nêu được nhiều giải pháp mang tính đột phá trong nhiệm kỳ tới, một số chỉ tiêu đề ra khó khả thi. Các ý kiến tham luận tại đại hội phần nhiều là ý kiến minh họa cho kết quả báo cáo chính trị đã nêu, ý kiến tranh luận và đóng góp giải pháp trong nhiệm kỳ mới chưa nhiều…
Tại Hội nghị trực tuyến rút kinh nghiệm việc tổ chức đại hội điểm cấp cơ sở của tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh ủy Kon Tum thẳng thắn đánh giá công tác chuẩn bị văn kiện trình đại hội ở một số đảng bộ còn có sự trùng lặp về nội dung giữa báo cáo tổng kết việc thực hiện nghị quyết đại hội khóa trước và báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo của cấp ủy.
Tỉnh ủy Bạc Liêu thông tin: Các đảng ủy cấp trên cơ sở trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đảng bộ cơ sở tổ chức đại hội điểm bảo đảm chất lượng, đúng quy định nhưng chất lượng báo cáo chính trị vẫn chưa cao, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội nêu tại đại hội thấp hơn mức đạt bình quân của tỉnh, mặc dù đây là các xã điển hình. Báo cáo kiểm điểm cấp ủy còn dài, trùng lặp một số nội dung với báo cáo chính trị, chưa làm nổi bật được những ưu điểm, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo…
Chúng ta đã có khá nhiều bài học đắt giá về việc không chuẩn bị chu đáo văn kiện từ các kỳ đại hội đảng các khóa trước ở nhiều đảng bộ, nhất là việc chuẩn bị báo cáo chính trị. Báo cáo chính trị là văn kiện có tính tổng kết toàn diện, chính thống, khoa học, thể hiện trí tuệ, trách nhiệm của đảng bộ và nhân dân về đánh giá hoạt động lãnh đạo và hoạt động xây dựng nội bộ của cấp bộ đảng trong nhiệm kỳ; đồng thời, vừa thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược, quan điểm, chủ trương, định hướng lớn, khả năng dự báo và đề xuất mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác, các lĩnh vực đời sống xã hội, các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cho nhiệm kỳ tiếp theo. Do chuẩn bị chưa kỹ, chưa sâu, chưa sát nên việc việc tổng kết thực tiễn, rút ra bài học kinh nghiệm chưa đầy đủ, dẫn tới việc đề ra chủ trương định hướng của nhiệm kỳ mới không phù hợp. Đảng ủy khóa mới dù có “ba đầu, sáu tay” vẫn khó có thể ban hành nghị quyết lãnh đạo hằng năm trái với nghị quyết của cả nhiệm kỳ. Thực tế, nhiệm kỳ vừa qua đã có không ít đảng bộ không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoàn thành nhiệm vụ ở mức thấp có nguyên nhân từ chuẩn bị báo cáo chính trị đầu nhiệm kỳ không đúng tầm với nhiệm vụ chính trị của đảng bộ.
“Không phải chỉ tập trung lo chuẩn bị nhân sự mà phải tập trung xây dựng văn kiện đại hội”
Đó là khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII). Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Đại hội XIII của Đảng không phải chỉ cho đến năm 2026 (giai đoạn 2021-2026) mà phải có tầm nhìn chiến lược dài hơn, nhìn lại cả quá khứ và hướng tới tương lai. Bộ Chính trị đã cho định hướng mốc đến năm 2026 là mốc kết thúc nhiệm kỳ Đại hội XIII, đến năm 2030 là mốc 100 năm thành lập Đảng và đến năm 2045 là mốc 100 năm thành lập nước. “Vậy chúng ta định hướng, hình dung ra nước ta vào năm 2030 sẽ là thế nào? Đến năm 2045, nước ta sẽ như thế nào? Đây là những vấn đề rất lớn, vô cùng khó. Vừa qua, họp Bộ Chính trị, họp lãnh đạo chủ chốt, tôi đã nói: Tất cả các địa phương phải theo cách này, không phải chỉ tập trung lo chuẩn bị nhân sự mà phải tập trung xây dựng văn kiện đại hội. Báo cáo trình ra đại hội không giống như báo cáo thành tích hằng năm, mà cũng phải phân tích quá trình của địa phương, đơn vị mình hiện tại và sắp tới, hình dung xem địa phương ta đến năm 2030 sẽ ra sao, đến năm 2045 sẽ là như thế nào. Đây là việc khó lắm, không dễ, cho nên các đồng chí phải nghiên cứu, chuẩn bị hết sức công phu.”-Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Tại mỗi kỳ đại hội, việc xây dựng báo cáo chính trị là yêu cầu bắt buộc các cấp ủy phải chuẩn bị từ trước, sau đó lấy ý kiến góp ý và hoàn chỉnh dự thảo trình đại hội. Tại đại hội, các đại biểu tiếp tục thảo luận và góp ý để thống nhất biểu quyết và thông qua vào cuối kỳ đại hội để triển khai thực hiện trong cả nhiệm kỳ. Báo cáo chính trị của đại hội là sự kết tinh trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm, sự sáng tạo, tầm nhìn, khát vọng của đảng bộ và định hướng phát triển của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Thực tế, qua việc tổ chức một số đại hội chi bộ và đại hội đảng bộ cơ sở làm điểm trong thời gian gần đây, chúng tôi thấy, nhiều nơi chỉ tập trung cho việc chuẩn bị bầu cấp ủy mới, nhân sự tham dự đại hội cấp trên mà lơ là việc chuẩn vị cho văn kiện đại hội. Vì thế, báo cáo chính trị tại đại hội rất chung chung, không khí của đại hội phần lớn là “tưng bừng, phấn khởi”. Đại biểu chỉ tham luận mà không tranh luận. Hầu hết là đọc một bản viết sẵn, chủ yếu nêu tình hình, nêu thành tích. Có tham luận ở cấp xã, phường mà như một bản thuyết trình, nói toàn chuyện “trên trời, dưới bể” về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, về nước biển dâng, trái đất nóng lên, về dự báo nửa cuối thế kỷ 21… Và cuối cùng, đại hội nhất trí như… dự thảo.
Lý giải về việc chưa tập trung đầu tư cho văn kiện, có cán bộ cho rằng: “Việc chuẩn bị văn kiện chẳng cần công phu vì còn được bổ sung bởi các đại biểu trong đại hội. Nếu chuẩn chỉnh quá thì các đại biểu sẽ đóng góp vào đâu?”. Có đồng chí còn ngụy biện: “Nghị quyết đại hội nếu chưa thực sự đúng đắn thì nghị quyết hằng năm sẽ được bổ sung, còn nhân sự đã bầu rồi thì thay thế khó lắm”… Chính do những suy nghĩ như vậy mà đã có không ít cấp ủy khóa cũ chỉ tập trung lo nhân sự cho cấp ủy khóa mới rồi quên mất nhiệm vụ quan trọng nhất là chuẩn bị văn kiện. Đó là chưa kể đến, một số cán bộ trước đại hội lo “giữ ghế”, lo cho người thân, người quen, người cùng “phe, cánh” với mình có chân trong cấp ủy mới mà lơ là nhiệm vụ chuẩn bị văn kiện. Đây cũng là một dạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong tư tưởng, đạo đức, lối sống cần phải được cảnh báo và chấn chỉnh.
Muốn đưa nghị quyết vào cuộc sống thì phải đưa cuộc sống vào nghị quyết
Nghị quyết và nhân sự là hai nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng nhất của đại hội đảng các cấp. Hai nhiệm vụ này có mối quan hệ đặc biệt, liên quan mật thiết với nhau. Có nghị quyết đúng mà không có nhân sự tốt để đưa nghị quyết vào cuộc sống; cũng như có nhân sự tốt mà không có nghị quyết phù hợp đều dẫn đến hệ lụy khó lường.
Lâu nay chúng ta nói nhiều đến việc nghị quyết chưa đi vào cuộc sống mà ít có đảng bộ phân tích vì sao có tình trạng này. Thực tế đã chứng tỏ, muốn đưa nghị quyết vào cuộc sống thì cần phải đưa cuộc sống vào nghị quyết. Trong đó, khâu chuẩn bị dự thảo nghị quyết có tầm quan trọng đặc biệt.
Chỉ thị số 35 CT/TW ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng đã yêu cầu, báo cáo chính trị của các đảng bộ phải đánh giá khách quan, trung thực, sát tình hình thực tế; làm rõ những ưu điểm, khuyết điểm trên các lĩnh vực xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại…; chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc, toàn diện, sát thực tế; đồng thời, quán triệt quan điểm, chủ trương, định hướng lớn trong các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng và của cấp trên, cũng như điều kiện thực tế địa phương, đơn vị, đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, khả thi, hiệu quả để thực hiện trong nhiệm kỳ 2020-2025 và với tầm nhìn xa hơn. Báo cáo kiểm điểm của cấp ủy phải có tính chiến đấu, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình với thái độ nghiêm túc, thẳng thắn, xây dựng; đánh giá đúng, khách quan, trung thực công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện trong nhiệm kỳ vừa qua; kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và XII), gắn với việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan của những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân; đồng thời, phải cầu thị, khiêm tốn, lắng nghe nhiều chiều để đề ra kế hoạch, lộ trình, biện pháp phù hợp, hiệu quả nhằm sửa chữa, khắc phục trong thời gian tới.
Bộ Chính trị cũng yêu cầu, quá trình xây dựng dự thảo văn kiện đại hội, các cấp ủy phải nghiêm túc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc, của cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ hưu trí, các nhà khoa học, nhân sĩ, trí thức, chuyên gia và các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức thích hợp, hiệu quả. Để nâng cao chất lượng thảo luận, đóng góp ý kiến vào văn kiện tại đại hội, các cấp ủy chuẩn bị dự thảo nghị quyết đại hội, chương trình hành động (gồm những định hướng lớn, nội dung cơ bản của báo cáo chính trị) để đại hội thảo luận, quyết định. Đại hội các cấp phải dành thời gian thỏa đáng, phát huy trách nhiệm, trí tuệ của đại biểu trong thảo luận; bảo đảm dân chủ, kỹ lưỡng, sâu sắc, hiệu quả, tránh “qua loa”, hình thức; các ý kiến khác nhau cần dành thời gian thảo luận, tranh luận, làm rõ, đi đến thống nhất trên tinh thần cầu thị, lắng nghe, đoàn kết, xây dựng. Thế nhưng trên thực tế, ở một số đảng bộ đã không thực hiện nghiêm túc quy trình này.
Kinh nghiệm tại Đảng bộ TP Hà Nội cho thấy, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã xây dựng 8 chương trình công tác toàn khóa. Theo đó, từng đồng chí trong Ban Thường vụ được giao phụ trách từng chương trình; hằng năm đều có sơ kết đánh giá. Chính vì vậy, những kết quả đạt được trong mỗi chương trình đều rất rõ, cụ thể và ngược lại, những hạn chế, tồn tại sẽ được tháo gỡ kịp thời. Nghị quyết của Đảng bộ thành phố đã đi nhanh vào cuộc sống.
Theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương thì đại hội đảng viên hoặc đại hội đại biểu đảng bộ cơ sở trong cả nước phải hoàn thành trước ngày 30-6-2020. Đại hội đại biểu đảng bộ cấp huyện và tương đương hoàn thành trước ngày 31-8-2020. Đại hội đại biểu đảng bộ trực thuộc Trung ương hoàn thành trước ngày 31-10-2020. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, một số cơ sở đảng đã lùi thời gian tổ chức đại hội. Như vậy, vẫn còn thời gian để các cấp ủy hoàn thiện văn kiện trình đại hội của cấp mình. Lơ là công việc quan trọng nhất của đại hội cũng là một biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
ĐỖ PHÚ THỌ/QDND
Nguồn: Cánh cò