Coronavirus chưa qua, nhưng bệnh dịch đã, đang và sẽ để lại những di chứng nặng nề trên tất cả các mặt của đời sống con người, cũng như quan hệ quốc tế.
Tuần Việt Nam xin trân trọng giới thiệu mạch bài viết dự báo về những biến đổi địa chính trị trên thế giới sau đại dịch Covid-19 của Tiến sỹ Hoàng Anh Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Ngoại giao.
Thế giới chúng ta đang ở bước ngoặt quan trọng và một thế giới mới đang dần xuất hiện sẽ vĩnh viễn khác hẳn thế giới hiện thực chúng ta đang sống. Có các tác động tốt và cả tác động xấu nữa. Dù thích hay không thích thì chúng ta cũng buộc phải thích nghi với thực tế mới, không còn cách nào khác.
Thế giới mới tạm gọi là “Thế giới hậu Coronavirus”. Đã có “Thế giới Hậu chiến tranh thế giới thứ 2”, “Thế giới Hậu chiến tranh lạnh”, tại sao lại không có “Thế giới hậu Coronavirus”?
Sở dĩ có “Thế giới hậu Coronavirus” là vì những hệ quả nặng nề mà Coronavirus gây ra cho con người.
Những con phố trống rỗng ở New York, Mỹ.
Thứ nhất, dịch bệnh COVID-19 là thảm họa y tế cộng đồng ở quy mô và phạm vi lớn nhất mà thế giới từng chứng kiến trong suốt chiều dài hàng ngàn năm lịch sử của mình.
Bệnh dịch không phải là điều gì mới với thế giới. Thế giới đã từng chứng kiến những bệnh dịch kinh hoàng như bệnh tả, thương hàn, dịch hạch, sởi, cúm Tây Ban Nha, đậu mùa, gần đây là HIV, Ebola, SARS…
Tuy nhiên Covid-19 mới là bệnh dịch có tính toàn cầu đầu tiên mà gần như tất cả các nước trên thế giới đều ít, nhiều bị ảnh hưởng. Tác nhân chính để phát tán Coronavirus trên phạm vi toàn cầu không ai khác chính là toàn cầu hóa.
Thứ hai, thế giới đương đại chưa từng chứng kiến một khủng hoảng, thảm họa, hay bất kỳ một cuộc chiến nào lại có sức tàn phá hủy diệt nhanh như đại dịch Covid-19, khiến cả thế giới phải “đóng cửa” như minh họa trên một trang bìa của tạp chí Economist.
Chỉ trong khoảng thời gian vẻn vẹn chưa đầy 3 tháng, Covid-19 đã khiến hầu hết các hoạt động sản xuất, giao thương, đi lại, làm ăn, buôn bán, giải trí… của người dân trên khắp thế giới dừng hẳn lại. Con số thiệt hại vật chất lên đến hàng chục ngàn tỷ USD, và vẫn tiếp tục tăng.
Thứ ba, giống như một bộ phim giả tưởng, cuộc chiến chống Covid-19 chính là cuộc “Chiến tranh thế giới phi quy ước đầu tiên”, không tiếng súng, không phải giữa con người với nhau mà giữa toàn nhân loại với một con virus vô hình. Lần đầu tiên thế giới có một “cuộc chiến” trong đó tất cả các vũ khí hiện đại nhất lại trở nên vô dụng.
Điều làm cả thế giới điên đầu và bất lực là mặc dù thiệt hại rất nhiều và tiền của đổ vào cuộc chiến không ít, nhưng con người cho đến nay hầu như vẫn hiểu biết rất hạn chế về cơ chế lây bệnh của loại virus này. Họ cũng chưa rõ đến khi nào và bằng cách nào mới chế được một loại thuốc thực sự hiệu nghiệm để điều trị người bệnh, khống chế và kiểm soát dịch bệnh một cách hữu hiệu.
Thứ tư, điều bi đát là ở chỗ trong khi cuộc chiến chống lại Covid-19 vừa mới chỉ bắt đầu và chưa có hồi kết, thì nhân loại cũng bắt đầu lờ mờ hiểu ra rằng ngay cả khi họ giành được thắng lợi trước Coronavirus thì đó cũng chỉ là thắng lợi tạm thời.
Thực tế, những gì thế giới đang làm hiện nay mới chỉ là những màn “tập dượt” không hơn, không kém. Khả năng cao là sau khi Coronavirus bị khống chế, thì các “họ hàng”, hay “con, cháu” của loại virus này, hay những biến thể hoặc chủng mới của nó có thể xuất hiện và “thăm viếng” con người ngày một thường xuyên hơn. Vấn đề chỉ là khi nào và bằng cách nào mà thôi.
Chúng có thể chui ra từ những lớp băng tan sau khi bị chôn vùi hàng triệu năm do biến đổi khí hậu và trái đất nóng lên. Chúng cũng có thể xuất hiện từ những cánh rừng già hoặc những con thú hoang ở trong rừng lây sang vật nhà khi môi trường tự nhiên ngày một thu hẹp và môi trường sống của con người với môi trường tự nhiên xích lại ngày một gần nhau. Hoặc chúng cũng có thể “ẩn nấp” ở một nơi nào đó, rồi biến đổi gen để sau đó xuất hiện trở lại một cách “lợi hại” hơn.
Đối phó với một “kẻ thù” như vậy, các quốc gia hay người dân không thể áp dụng các biện pháp hay cách làm thông thường, mà phải sử dụng các biện pháp mạnh tay, đặc biệt và khác thường. Hãy nhìn quanh trong xã hội ta và khắp thế giới – chưa ai, chưa khi nào và chưa có ở đâu người ta phải tự hành hạ, tự đầy đọa như thế này.
Ba kịch bản của đại dịch Coronavirus
Sự thay đổi của từng cá nhân, quốc gia và thế giới chắc chắn sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cách thức đại dịch Covid-19 sẽ diễn biến ra sao trong thời gian tới.
Do đó, điều quan trọng là phải xây dựng các kịch bản khác nhau và cách ứng phó với từng kịch bản để làm sao chúng ta không bị động, không bị bất ngờ trước bất kỳ tình huống nào.
Nhìn tổng quát, dựa vào đánh giá và cách ứng xử của các quốc gia trên thế giới hiện nay, ta dễ nhận thấy hầu hết chỉ xây dựng trên một kịch bản duy nhất.
Cách nhìn của họ theo kịch bản này tương đối lạc quan, cho rằng bệnh dịch sẽ sớm qua đi cũng giống như một loại cúm mùa và đến khoảng hết tháng 6, tức hết quý 2/2020, các quốc gia cơ bản sẽ khống chế được đại dịch Covid-19 và số người bị nhiễm cũng như xuống người bị chết sẽ giảm đáng kể; các hoạt động kinh tế và các hoạt động khác sẽ khôi phục trở lại bình thường như trước khi có dịch.
Tuy nhiên, ngay từ đầu khâu dự báo đã có vấn đề. Đặc biệt, ở những nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Covid-19 hiện nay như Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha… họ nghĩ rằng đây chỉ là vấn đề của Vũ Hán và của Trung Quốc, chứ không liên quan đến họ! Do đó, họ đã mất 3 tháng thời gian vàng quý báu để có những bước chuẩn bị và ứng phó cần thiết.
Do đó, hoàn toàn có khả năng là các dự báo “lạc quan” hiện nay sẽ không diễn ra theo như ý muốn chủ quan của chúng ta. Vấn đề đặt ra là nếu kịch bản xấu nhất xảy ra thì phương án dự phòng sẽ là gì?
Câu trả lời là nhiều quốc gia chả có phương án gì cả!
Các quốc gia trên thế giới đã phong tỏa và cách ly vì Covid-19.
Trong chiến lược đối phó với đại dịch Covid-19, điều nhất thiết là phải dự báo được các kịch bản và từ đó xây dựng các phương án ứng phó cho phù hợp để tránh không bị động. Và cũng cần lưu ý rằng, đại dịch Covid-19 không phải là vấn đề quốc gia riêng lẻ mà là vấn đề mang tính toàn cầu.
Một quốc gia ra có thể sớm “thoát nạn”, nhưng việc phục hồi thế nào thì còn phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh ở các nước xung quanh, rồi xa hơn nữa là các trung tâm kinh tế, chính trị lớn trên thế giới. Nếu những nơi này vẫn tiếp tục “ngã bệnh” thì khả năng phục hồi hoàn toàn của quốc gia đó cũng sẽ bị chậm lại đáng kể do tính phụ thuộc lẫn nhau.
Tạm dự báo 3 kịch bản như sau:
Kịch bản 1: Đại dịch Covid-19 sẽ chỉ kéo dài thêm khoảng ba tháng nữa, tức hết quý 2 năm 2020, bệnh dịch sẽ được khống chế và kiểm soát cả trên phạm vi khu vực lẫn phạm vi toàn cầu.
Đây là kịch bản tốt nhất đối với các quốc gia cũng như cả thế giới. Dù ít nhiều bị ảnh hưởng, nhưng khoảng thời gian dừng chân tại chỗ 3-4 tháng, có thể xem là bước tạm nghỉ, sau đó các hoạt động kinh tế và cuộc sống của người dân sẽ trở lại bình thường: Các trường học và công sở mở cửa trở lại, hoạt động kinh doanh, buôn bán, giao thông, du lịch, hàng không, khách sạn, nhà hàng… dần được khôi phục.
Theo kịch bản này, đa phần các nước bị ảnh hưởng và thiệt hại, nhưng các thiệt hại sẽ sớm được khắc phục theo thời gian.
Kịch bản 2: Bệnh dịch Covid-19 cơ bản được khống chế, nhưng vẫn tiếp tục lây lan ở mức độ thấp ở nhiều quốc gia và trên phạm vi toàn cầu. Thời gian kéo dài tình trạng này có thể từ 1 đến 3 năm cho đến khi con người chế tạo được một loại thuốc đặc trị để điều trị hiệu quả các bệnh nhân bị nhiễm Covid-19.
Nếu có thuốc đặc trị, Covid-19 lúc này chỉ được xem như một loại cúm mùa, giống như các loại cúm hay các căn bệnh khác mà loài người đã từng gặp phải như sởi, ho gà, bạch hầu, sốt rét, HIV… Chúng ta không loại trừ được hẳn Covid-19, nhưng hoàn toàn có thể sống chung với nó như các căn bệnh trên.
Theo kịch bản này, chúng ta vừa lo phòng chống không để dịch bệnh lây lan vừa phải lo khôi phục sản xuất. Còn các hoạt động trong xã hội, giao lưu giữa các quốc gia chưa thể khôi phục ở mức bình thường, mà chỉ duy trì ở mức tối thiểu.
Cũng theo kịch bản này, do bị ảnh hưởng kéo dài, kinh tế hầu hết các quốc gia và kinh tế thế giới bước vào giai đoạn suy trầm. Tuy chưa đến mức kiệt quệ, nhưng con người sẽ phải sống trong điều kiện mới khắc khổ và thiếu thốn hơn nhiều so với trước, trong khi vẫn phải dành nguồn lực đáng kể để phòng chống dịch bệnh.
Kịch bản 3: Covid-19 vẫn tiếp tục lây lan với tốc độ khủng khiếp như hiện nay trong một thời gian dài bất chấp các biện pháp “cách ly” mà nhiều nước đang áp dụng. Số ca nhiễm cũng như số người chết vẫn duy trì đều đặn ở mức rất cao. Thế giới rơi vào tình trạng bất động kéo dài.
Điều đáng lo ngại là Covid-19 bắt đầu dịch chuyển từ những quốc gia giàu có, với tiềm lực kinh tế và khả năng y học tiên tiến như Mỹ, Trung Quốc, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… sang bùng phát dữ dội ở những quốc gia nghèo, kém phát triển, nơi điều kiện vệ sinh và điều kiện y tế vô cùng lạc hậu như Châu Phi, Nam Á, Trung và Nam Mỹ, Trung Đông.
Theo kịch bản này, số người chết có thể lên tới hàng triệu cộng với hàng chục triệu người có khả năng bị nhiễm bệnh, khiến hệ thống y tế công và hệ thống phòng dịch cộng đồng ở hàng loạt quốc gia “thất thủ”.
Các hậu quả đối với thế giới là vô cùng bi đát, phát triển của thế giới khi có thể bị kéo lùi hàng thập kỷ đi kèm theo đó là nghèo đói, bệnh tật và bạo lực hoành hành dữ dội, không chừa bất cứ nước nào và bất cứ khu vực nào.
Như cổ nhân đã nói, trong khi chúng ta hi vọng vào điều tốt đẹp nhất thì chúng ta cũng cần phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất (We hope for the best, but prepare for the worst).
Trong 3 kịch bản nêu trên, kịch bản 1 là lạc quan, tốt đẹp nhất và ai cũng mong muốn điều đó xảy ra. Kịch bản 3 tồi tệ nhất không ai muốn, nhưng cũng không loại trừ hoàn toàn. Còn kịch bản 2 xem chừng là khả dĩ hơn cả.
Còn nữa
Tiến sỹ Hoàng Anh Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Ngoại giao.
Nguồn: Tuần Việt Nam