Hôm qua có một tin rất đáng mừng: 30 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, trong đó có bệnh nhân 17 sau khi được chăm sóc ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Hà Nội và Bệnh viện dã chiến Củ Chi, TP.HCM.
30 bệnh nhân xuất viện trong tổng số gần 200 người bệnh dương tính là một tỷ lệ lớn và rất đáng được quan tâm, nhất là trong bối cảnh đặc quánh của những tin tức tràn ngập về đại dịch của cả trong nước và thế giới.
Cá nhân tôi rất dị ứng với cách đưa tin thiên về các ca nhiễm bệnh hơn là những ca khỏi bệnh. Thông tin duy nhất trong các tin về các ca nhiễm mới hàng ngày tôi luôn tìm đọc là về sức khỏe bệnh nhân. Đáng mừng là có một điểm chung, đa số họ có sức khỏe “bình thường”. Ở Việt Nam chưa có một bệnh nhân dương tính nào tử vong.
Đến nay, khi đại dịch đã tràn ngập thế giới, chúng ta đã dừng hầu hết các chuyến bay và cả nước đã phải khẩn trương triển khai các giải pháp tầm soát, sàng lọc tất cả các đối tượng nghi nhiễm, có nguy cơ… phát hiện sớm ca bệnh để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên diện rộng theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”.
Đó là những nỗ lực tuyệt vời nhưng cũng đầy khó khăn.
‘Nhà nào ở yên nhà ấy’
Báo cáo thống kê của ngành y tế mới đây cho thấy, có tới hơn 60% bệnh nhân không có triệu chứng khi phát hiện mắc Covid-19. Điều này gây khó khăn cho việc phòng chống dịch bệnh, nhất là việc lây lan trong cộng đồng.
Đây là những cảnh báo rất đang lo ngại. Vấn đề là ở chỗ, chúng ta còn nghèo. Dù hệ thống y tế đã được cải thiện nhiều trong thời gian vừa qua nhưng trang bị thiết bị vẫn còn nghèo nàn quá để đương đầu với đại dịch. Ví dụ, theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Hà Nội hiện chỉ có 260 máy thở và đang dùng cho cả bệnh nhân nặng của nhiều loại bệnh.
Hiện nay, đang lan truyền tin Giáo sư Trần Văn Thọ (Tokyo, Japan) cùng cộng sự ông Trần Ngọc Phúc sẽ tặng cho ngành Y tế Việt Nam 2.000 máy trợ thở trong vòng một tháng.
Giáo sư Thọ tối qua email cho tôi cải chính thông tin này. Ông cho biết, ông đã đến gặp ông Trần Ngọc Phúc, người sáng lập công ty Metran chuyên sản xuất máy trợ thở cho người bị bệnh về đường hô hấp để bàn về tính khả thi của đề án này. Rất may là Metran vừa phát minh một loại máy trợ thở nhỏ, dễ thao tác và giá thành thấp. Giáo sư cho biết, công ty Metran sẽ cùng với phía VN triển khai sản xuất ngay 2.000 chiếc trong tháng tới và sẽ tăng lên 10.000 trong vòng 3 tháng tới. “Trên thế giới nước nào cũng thiếu loại máy này nên song song với đáp ứng nhu cầu trong nước có thể phát triển thành công nghiệp xuất khẩu máy y tế”, Giáo sư cho biết.
Đó là một thông tin mang lại niềm hy vọng cho và thể hiện tấm lòng của Giáo sư Thọ, người luôn hướng về đất nước với bao tình cảm và trăn trở.
Hôm qua, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi lời kêu gọi đến nhân dân cả nước và nước ngoài, trong đó nhấn mạnh: “Hiện nay, chúng ta đang ở vào thời điểm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng ngày càng lớn, toàn hệ thống chính trị phải tập trung cao độ để tiếp tục chủ động ngăn chặn và kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh; không quá hốt hoảng nhưng tuyệt đối không được chủ quan, lơi lỏng; phải nắm chắc tình hình, dự báo khả năng xấu nhất, kịp thời đề ra các biện pháp hữu hiệu để kiểm soát, ngăn chặn bằng được sự lan rộng lây nhiễm…”.
“Trong cuộc chiến phòng, chống dịch ở vào thời điểm vô cùng quan trọng này, một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của các tổ chức, cá nhân, cũng như cuộc sống hằng ngày của đồng bào ta. Với tinh thần coi sức khoẻ và tính mạng của con người là trên hết, tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”.
Lời kêu gọi của Tông Bí thư, Chủ tịch nước đã sử dụng những từ ngữ trong thời chiến như là lời hiệu triệu tất cả chúng ta.
Hôm nay đã là ngày thứ ba chúng ta thực hiện dãn cách xã hội theo yêu cầu của Chính phủ trong giai đoạn 28/3-15/4. Việc đó rõ ràng ảnh hưởng đến cuộc sống của rất nhiều người, đặc biệt những người sống phụ thuộc vào đường phố, không có tiết kiệm.
Một cậu thanh niên xe ôm Grap hôm qua nói với tôi: “Vâng, em sợ con virus corona đó, nhưng em sợ chết đói còn hơn. Em vẫn phải đi làm”. Tôi biết đó là thực tế của cậu và của rất nhiều người khác đang sống dựa vào hè phố mà các nhà hoạch định chính sách cũng cần chú ý ngay để có giải pháp hỗ hợ phù hợp. Thật đáng mừng là TP.HCM đã bắt đầu hỗ trợ tài chính cho những người bán vé số để giúp họ cầm cự trong giai đoạn này.
Giai đoạn 2 tuần này là quyết định đến sự thành công hay không của việc chống lại đại dịch, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói. Chỉ một vài người có bệnh trong cộng đồng không được phát hiện sẽ có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh. Chúng ta hãy “ai ở nhà nấy” để tiếp sức với Chính phủ, với những người đang ngày đêm đấu tranh với dịch bệnh và để bảo vệ chính chúng ta.
Hãy ở yên chỉ hai tuần thôi mà. Con virus đó mà lan rộng thì rủi ro sẽ đến với ngay chính bạn và người thân.
Và nếu công cuộc chống dịch thất bại thì ngay lập tức sẽ dẫn đến khủng hoảng y tế, rồi khủng hoảng kinh tế, thậm chí là khủng hoảng tài chính và nợ công.
Chúng ta phải lường được chuyện đó để hành động ngay, không chần chừ, không do dự.
Tư Giang
Nguồn: Tuần Việt Nam