Thời gian vừa qua, giữa lúc thế giới, trong đó có Việt Nam căng mình chống dịch Covid-19, chính quyền Trung Quốc lại giở trò “thừa nước đục thả câu”, liên tục tiến hành các hoạt động xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Ngang nhiên hơn, Trung Quốc còn tiến hành các hoạt động đe dọa trực tiếp tính mạng, sức khỏe của ngư dân Việt Nam. Vào sáng 2-4, khi đang hoạt động tại khu vực biển gần đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), tàu cá QNg 90617 do ông Trần Hồng Thọ (Quảng Ngãi) làm chủ tàu đã bị tàu Trung Quốc số hiệu 4301 cố tình đâm chìm. Khi nhận được tin, ba tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi do ông Đặng Tằm, Đặng Dũng, Nguyễn Thành Linh làm chủ chạy đến tìm kiếm cứu nạn nhưng phía Trung Quốc đã điều thêm 2 tàu số hiệu 4001 và 4002 đến để ngăn cản xua đuổi, vây bắt giữ tàu cá của ngư dân Linh và Dũng đưa vào đảo Phú Lâm, lục soát, tịch thu, đập phá trang thiết bị trên tàu. Đồng thời, tàu Trung Quốc dùng vòi rồng phun nước truy đuổi tàu cá của ngư dân Tằm đến 12h trưa 2-4 làm mất mát, hư hỏng nhiều tài sản trên tàu buộc phải quay về bờ. Đến 18h cùng ngày phía Trung Quốc mới trao trả 8 ngư dân trên tàu cá QNg 90617 bị đâm chìm cho hai tàu cá của ngư dân Dũng và Linh (mỗi tàu 4 người) và truy đuổi hai tàu cá trên nhiều giờ trong đêm 2-4, buộc họ phải rời khỏi Hoàng Sa.
Có thể nói, các hành động trên của tàu công vụ Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, gây thiệt hại về tài sản, đe dọa an toàn tính mạng và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình và không có lợi cho quan hệ hai nước cũng như việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông. Đáng nói là, mặc dù có hành động trên, nhưng chính quyền Trung Quốc lại không tỏ thái độ gì hối lỗi mà lại biện minh cho hành vi sai trái của mình, biến mình trở thành người tốt giúp đỡ ngư dân Việt Nam. Phát biểu trước báo giới, Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã trả lời như sau: Chiếc tàu đánh cá này không chịu rời đi và đột nhiên chuyển hướng về phía tàu Hải cảnh Trung Quốc. Mặc dù tàu Hải cảnh Trung Quốc đã cố gắng hết sức để tránh nhưng vẫn bị tàu đánh cá Việt Nam đâm vào mũi tàu và chiếc tàu cá đã bị chìm. Hải cảnh Trung Quốc đã ngay lập tức giải cứu tàu đánh cá Việt Nam. Tất cả 8 ngư dân Việt Nam trên tàu đã được cứu lên mà không có ai thương vong.”. Thật nực cười cho luận điệu của những kẻ bành trướng. Liệu tàu Việt Nam có tự đâm tàu Trung Quốc không, chắc chắn dư luận thế giới đều có thể trả lời được.
Sự việc đầu tháng 4 vừa qua nằm trong chuỗi các hoạt động vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam của Trung Quốc trong thời gian vừa qua. Hôm 23 Tháng Ba, 2020, Trung Quốc ngang nhiên khánh thành 2 trạm nghiên cứu mới ở Trường Sa trên Đá Subi và Đá Chữ Thập. Các trạm nghiên cứu này được đặt dưới sự quản lý của Trung tâm Nghiên cứu Tổng hợp Đảo và Đá của Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc. Ngày 26 Tháng Ba, 2020, truyền hình Trung Quốc ngang ngược đưa tin nước này đã khai thác 861.400 mét khối khí tự nhiên từ khí metan, trong một tháng sản xuất thử nghiệm ở Biển Đông. Ngang nhiên hơn, hôm 28 Tháng Ba, 2020, hãng cung cấp hình ảnh vệ tinh của Israel ImageSat International (ISI) công bố hình ảnh cho thấy một máy bay vận tải quân sự Thiểm Tây Y-8 của Trung Quốc đến đá Chữ Thập ở Trường Sa. Cũng trong Tháng Ba, 2020, Trung Quốc đã rầm rộ tiến hành tập trận săn ngầm trên khu vực Biển Đông.
Qua các sự kiện trên có thể thấy, nhằm phục vụ cho mưu đồ bá quyền của mình, Trung Quốc chưa lúc nào từ bỏ ý đồ xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và các nước khác trong khu vực. Đồng thời, nó cũng thấy những thủ đoạn, chiêu trò bẩn, bất chấp pháp luật quốc tế của phía chính quyền Trung Quốc.