Trang chủ Luận bàn - Phản biện Chính phủ và những chính sách quyết đoán chống đại dịch Covid–19

Chính phủ và những chính sách quyết đoán chống đại dịch Covid–19

157
0

Đồng thuận xã hội là một trong những yếu tố quyết định đến sự tồn tại và phát triển của một xã hội. Trong những giai đoạn lịch sử “nguy biến”, đồng thuận xã hội càng thể hiện vai trò sống còn của nó.

Từ ngày 06/03/2020, Việt Nam bắt đầu ghi nhận lại hàng loạt các trường hợp mới liên tiếp mỗi ngày, phần lớn trong số đó là những người đến từ vùng có dịch trên thế giới, sự lây lan trong cộng đồng cũng bắt đầu được ghi nhận.           

Theo Cổng Thông tin Bộ Y tế, đến nay chưa có bất cứ một ca tử vong nào vì nCoV. Đây là một thành tựu rất lớn của Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Theo khảo sát được nền tảng nghiên cứu Dalia công bố ngày 30/03/2020, tới 62% người Việt Nam cho rằng chính phủ đã thực thi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh Covid-19 phù hợp, không quá mạnh tay, hay lỏng lẻo.

Dalia là nền tảng nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Berlin, Đức, chuyên thu thập ý kiến theo giời gian thực và xây dựng dữ liệu thị trường thông qua các khảo sát nhỏ trên điện thoại di động của người dùng.

Theo Daila, Việt Nam là quốc gia có độ hài lòng cao nhất thế giới về phản ứng của chính phủ đối với dịch bệnh. Nước có độ hài lòng cao thứ 2 là Argentina với 61% và tiếp đến là Áo (58%), Singapore (57%), Trung Quốc (56%) và Nam Phi (56%).

Bên cạnh đó, các nước cũng đánh giá rất cao các chính sách, kế hoạch của Chính phủ Việt Nam trong phòng chống dịch. Ông Mitchell Wolfe, Chuyên gia y tế trưởng, Văn phòng Giám đốc Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ trong một cuộc nói chuyện với Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ về tình hình dịch Covid-19 đã đánh giá cao năng lực y tế của Việt Nam nói chung và đặc biệt trong công tác kiểm soát dịch Covid-19 nói riêng.

Bộ Y tế Mỹ nhận định lãnh đạo Việt Nam, từ Trung ương đến địa phương đã quan tâm và chỉ đạo kịp thời, có các biện pháp toàn diện, quyết liệt và triệt để đối phó với Covid-19, nhất là trong việc nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng. Ngoài ra, Việt Nam hiện có hệ thống cơ sở y tế về cơ bản tốt và đã triển khai xuyên suốt, rộng khắp công tác tiêm chủng, phòng bệnh từ lâu nay.

Do đó, phía Mỹ tin rằng, Việt Nam sẽ chống dịch Covid-19 hiệu quả. Mỹ cũng đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ hiệu quả của Việt Nam khi thường xuyên chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và hợp tác phòng dịch bệnh.

Chính phủ và những chính sách quyết đoán chống đại dịch Covid–19Đo thân nhiệt người vào BV Bạch Mai. Ảnh: Trần Thường/VietNamNet

Ngày 19/2/2020, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, ngài Kunio Umeda cũng đánh giá rất cao công tác phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam, cho rằng Việt Nam còn làm tốt hơn cả Nhật Bản trong đợt dịch này.

Ngày 30/3/2020, Đại sứ quán Anh đã gửi Thông điệp mới nhất từ Đại sứ Anh Gareth Ward và Tổng Lãnh sự Anh Ian Gibbons. Thông điệp này được thực hiện để chia sẻ một số lời khuyên với các công dân Anh lựa chọn sinh sống và làm việc tại Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhằm giúp họ giữ an toàn cho bản thân và những người xung quanh. Đại sứ đã nhận định: “Chúng ta rất may mắn khi được sinh sống và làm việc tại đây, không nên kỳ vọng được đối xử đặc cách so với người địa phương. Hãy tôn trọng luật pháp và chuẩn mực văn hóa của Việt Nam, và hãy thể hiện rằng bạn đang chung sức góp phần ngăn chặn đại dịch toàn cầu này”.

Ngày 24/02/2020, Ủy ban Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Washington đã họp phiên đầu tiên của năm 202. Tại phiên họp này, Đại sứ các nước ASEAN cũng đã đánh giá cao vai trò chủ tịch ASEAN của Việt Nam thúc đẩy các sáng kiến, nỗ lực chung xử lý các vấn đề quốc tế, khu vực, đặc biệt là ứng phó với sự bùng phát của dịch COVID-19.

Tờ Financial Times có trụ ở tại Anh cũng đánh giá rất cao mô hình chống COVID-19 chi phí thấp ở Việt Nam. Theo phóng viên thường trú Financial Times ở Hà Nội, “Khi hầu hết người dân Việt Nam còn đang ăn Tết Nguyên đán thì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có mặt tại một cuộc họp về virus corona của Chính phủ”.

Tờ báo đó dẫn tiếp: “Đó là lúc dịch bệnh đang hoành hành ở biên giới với Trung Quốc và Thủ tướng đã cảnh báo dịch sẽ sớm lan đến Việt Nam. “Chống dịch như chống giặc”, Thủ tướng Việt Nam đã nói như vậy ngay từ cuối tháng 1. Kể từ đó, Việt Nam – quốc gia có nguồn lực hạn chế nhưng quyết tâm chính trị cao – đã cho thấy mô hình phòng chống dịch bệnh của mình có hiệu quả”.

Một cuộc khảo sát của nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Lê Hoàng Việt Lâm và Nguyễn Phước Thạnh (Trường Đại học An ninh nhân dân, Bộ Công an) thực hiện (tiến hành khảo sát trên 2 mạng xã hội là Facebook và Zalo, với sự tham gia của 463 người) đã cho thấy, khi khảo sát về các tiêu chí đánh giá của các nước và tổ chức trên thế giới đối với tình hình phòng chống Covid-19 ở Việt Nam hiện nay, nhóm tác giả thu được kết quả ở biểu đồ:

Chính phủ và những chính sách quyết đoán chống đại dịch Covid–19

Quan sát biểu đồ có thể thấy rằng, các nước và các tổ chức quốc tế đều đánh giá cao vấn đề “Chính phủ Việt Nam kiên quyết, kịp thời trong công tác phòng dịch” (344/463); “Việt Nam làm rất tốt công tác dự phòng về dịch bệnh” (328/463) và “Việt Nam thực hiện tốt công tác cách lý, phân loại người đến từ vùng dịch” (322/463).

Có thể thấy rằng, nhờ công tác dự báo và việc chủ động phòng ngừa dịch bệnh nguy hiểm này nên Việt Nam đã chủ động tiến hành các biện pháp nhằm hạn chế tối đa mọi nguồn lây nhiềm ở bên ngoài xâm nhập vào nội địa cũng như Chính phủ cũng đã thực hiện tốt công tác dự phòng về diễn biến của tình hình dịch bệnh trên thế giới có thể ảnh hưởng, tác động đến nước ta cũng như đề ra những phương án để có thể xử lý trọng mọi tình huống, từ đó tạo thế chủ động trong công tác phòng, chống Covid-19 thời gian qua.

Để có được những đánh giá tích cực trên, đó là thành quả từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nhân tố quyết định chính là sự đồng thuận của người dân trước những quyết sách của Chính phủ. Trước tình hình dịch bệnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định 447/QĐ-TTg ngày 1/4/2020 về việc công bố dịch COVID-19, tiếp theo Quyết định số 173/QĐ-TTg ngày 01/02/2020 về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra, từ đó làm cơ sở, căn cứ cho việc hoạch định, ban hành những chính sách tiếp theo trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Đặc biệt, ngày 30/3/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm chiến thắng đại dịch Covid-19, trong đó khẳng định: “Nhân dân ta có truyền thống yêu nước, nhân nghĩa. Mỗi khi đất nước gặp khó khăn, truyền thống đó lại càng được nhân lên gấp bội. Thời gian qua, toàn dân ta đã đồng lòng, cùng chung sức với Đảng, Nhà nước ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh bước đầu có hiệu quả. Thời gian tới đây, chúng ta có thể sẽ còn phải đối mặt với khó khăn lớn hơn gấp nhiều lần, đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa, kiên quyết hơn nữa”.

Cũng trong ngày 30/03/2020, Thủ tướng đồng ý công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc, đồng thời nhấn mạnh “Hệ thống của chúng ta trên dưới một lòng, quyết tâm ngăn chặn có hiệu quả COVID-19 ở nước ta”, Thủ tướng nhấn mạnh đây là thời điểm có tính chất quyết định đến cục diện cuộc chiến chống Covid-19.

Đến ngày 31/03/2020, Thủ tướng Chính phủ ký Chỉ thị số 16-CT/TTg về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, trong đó đề cập đến việc “thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh” nhằm đảm bảo ở mức cao nhất công tác kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh.

Đến trưa ngày 01/04/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức ký quyết định công bố dịch COVID-19 trên toàn quốc. Quyết định đã nêu rõ “tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch bệnh này là ở nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu”.

Những quyết sách và thành tựu trên, có thể khẳng định là rất đúng đắn, kịp thời, thể hiện quan điểm nhất quán của Chính phủ Việt Nam, đồng thời khẳng định sự đồng lòng, nhất trí trong mối quan hệ giữa Chính phủ với nhân dân, giữa nhân dân với Chính phủ.

Chắc chắn khi thực hiện những chính sách trên, một số quyền lợi của người dân sẽ bị ảnh hưởng (đặc biệt là những khó khăn trong sản xuất kinh doanh, đi lại, sinh hoạt cá nhân…) song với mục tiêu “sức khỏe và tính mạng của người dân là trên hết”, nhân dân đã hết sức đồng thuận, tự nguyện chấp hành và chung tay cùng Chính phủ kiểm soát, phòng chống dịch bệnh một cách hiệu quả.

Sự đồng thuận đó được biểu hiện hết sức rõ nét, trên tất cả mọi phương diện, lĩnh vực của đời sống xã hội, từ việc chấp hành các hoạt động kiểm soát đến việc khám, chữa bệnh, tự nguyện khai báo, và cao hơn nữa là việc đóng góp sức lực, vật lực cho công tác chống dịch. Phát huy tinh thần đoàn kết, sẻ chia và trách nhiệm trong việc phòng, chống dịch Covid-19, thời gian qua, nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân trên cả nước đã nhiệt tình tham gia đóng góp vật chất, tiền của cho hoạt động ngăn chặn dịch, nhiều ca sĩ, nghệ sĩ  không đứng ngoài cuộc.

Cuộc khảo sát của nhóm nghiên cứu chúng tôi (Tiến sĩ Lê Hoàng Việt Lâm và Nguyễn Phước Thạnh) thực hiện cho thấy, đại đa số người dân bày tỏ thái độ, quan điểm đồng tình, thậm chí đánh giá rất cao những chủ trương, biện pháp, kế hoạch… phòng chống dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ.

Chính phủ và những chính sách quyết đoán chống đại dịch Covid–19

Biểu đồ trên cho thấy, khi tiến hành khảo sát về mức độ hiệu quả của các giải pháp mà Việt Nam đang tiến hành nhằm phòng, chống Covid – 19, đa phần người được khảo sát đều cho rằng các giải pháp mà Chính phủ Việt Nam đang thực hiện là hiệu quả và rất hiệu quả.

Quan sát biểu đồ trên có thể thấy nhóm các giải pháp được đánh giá cao như: “Cho học sinh, sinh viên nghỉ học để hạn chế tiếp xúc cộng đồng” (408/463); “Xây dựng các bệnh viện dã chiến để phục vụ việc cách ly” (393/463); “Ban hành lệnh cấm hội họp đông người, tạm ngừng các hoạt động kinh doanh, vui chơi, giải trí… có thời hạn trong thời gia đỉnh điểm của dịch” (388/463); “Sử dụng các cơ sở vật chất của các trường đại học thành khu cách ly tập trung” (376/463)…

Ở đây có thể thấy rằng đa phần người dùng mạng xã hội tại Việt Nam đã đánh giá cao về hiệu quả của các giải pháp mà Chính phủ đưa ra nhằm phòng chống Covid – 19, minh chứng rõ nét cho điều này là nhờ việc thực hiện tốt các giải pháp trên nên tỉ lệ người mắc nhiễm Covi-19 tại nước ta rất ít so với các nước trên thế giới; tính đến thời điểm hiện tại chưa có trường hợp nào tử vong do Covid-19 gây ra…

Đồng thời cuộc khảo sát cũng thấy rằng người dùng mạng xã hội rất ủng hộ việc thực hiện những câu “khẩu hiệu” để tuyên truyền cho người dân về việc phòng chống đại dịch này, có đến 88,1% người được khảo sát ủng hộ và rất ủng hộ việc làm này. Điều này cho thấy rằng ngoài việc tuyên truyền bằng những pano, poster hay những đoạn video quảng cáo thì các câu “khẩu hiệu” này cũng đem lại hiệu quả thiết thực vì chúng gần gũi, dễ hiểu và dễ nhớ đối với mọi người dân:

Chính phủ và những chính sách quyết đoán chống đại dịch Covid–19

Mặt khác, ngoài việc nghiên cứu các hành vi của người sử dụng mạng xã hội liên quan đến những quyết sách kịp thời của Chính phủ trong kiểm soát, phòng chống dịch bệnh, nhóm tác giả còn nghiên cứu về cách thức xử lý đối với các cơ quan chức năng của Nhà nước ban hành các văn bản không đúng quy định hoặc dễ gây hiểu nhầm, gây hoang mang trong dư luận về Covid-19. Khi được khảo sát về vấn đề này thì có 35,9% người được khảo sát cho rằng người ký các văn bản không đúng quy định hoặc gây hoang mang trong dư luận cần công khai xin lỗi và nhận trách nhiệm về việc làm của mình.

Song, bên cạnh đó có 27,2% số khác cho rằng cần cách chức để những người có thẩm quyền cần có trách nhiệm hơn đối với việc làm của mình. Và có 15% cho rằng chỉ cần cảnh cáo đối với hành vi trên là đủ. Ý kiến khảo sát nêu trên cũng phản ánh sự “đồng thuận xã hội” rất rõ trong quan điểm chỉ đạo của Chính phú và chính kiến của người dân, đó là cần kiên quyết xử lý những cơ quan ban hành văn bản không đúng, ảnh hưởng đến quá trình phòng chống dịch bệnh của cả nước.

Chính phủ và những chính sách quyết đoán chống đại dịch Covid–19

Tóm lại, đồng thuận xã hội là một trong những yếu tố quyết định đến sự tồn tại và phát triển của một xã hội. Trong những giai đoạn lịch sử “nguy biến”, đồng thuận xã hội càng thể hiện vai trò sống còn của nó.

Hiện nay, Việt Nam và toàn thế giới đang bước vào những thời khắc lịch sử quyết định, đòi hỏi cần có những quyết sách đúng đắn của Nhà nước và Chính phủ nhằm hướng tới sự đồng thuận cao nhất, góp phần đẩy lùi dịch bệnh Covid – 19, góp phần vào tiến trình ổn định, phát triển bền vững của dân tộc và thế giới.

TS. Lê Hoàng Việt Lâm – Nguyễn Phước Thạnh

Nguồn: Tuần Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây