Trang chủ Đấu trường dân chủ Cẩn trọng với nút ‘chia sẻ’ trước ‘bão tin’ trên mạng xã...

Cẩn trọng với nút ‘chia sẻ’ trước ‘bão tin’ trên mạng xã hội

152
0

Thời gian qua, lực lượng chức năng trên cả nước liên tục phát hiện, xử lý nhiều trường hợp đăng tải, chia sẻ thông tin bịa đặt, xuyên tạc về dịch bệnh Covid-19, gây hoang mang dư luận xã hội, gây mất an ninh trật tự tại địa phương. 

Mạng xã hội trong thời kì dịch bệnh trở thành một “chợ” tin đồn thất thiệt, nhưng thật đáng nguy hại khi không ít người Việt vẫn tin tưởng đây là nguồn đáng tin cậy bên cạnh các kênh thông tin chính thống.

Cẩn trọng với nút 'chia sẻ' trước 'bão tin' trên mạng xã hội

Tin giả – hiểm họa chết người

Nhu cầu muốn giúp nhau cập nhật về những diễn biến của bệnh dịch đã thôi thúc người dân tìm kiếm và chia sẻ thông tin nhiều hơn, nhanh hơn, đặc biệt trên mạng xã hội, mà không thông qua kiểm chứng tính xác thực. Với tốc độ lan toả nhanh chóng, chỉ vài cú click chuột, những thông tin không có nguồn gốc, thiếu chính xác, phản khoa học có thể tiếp cận đến hàng ngàn, hàng triệu người trong vài giây.

Kể từ đầu năm nay, khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu bùng phát tại Trung Quốc, nhiều thông tin về cách phòng chống bệnh dịch được lan truyền trên các mạng xã hội toàn thế giới như Facebook, Wechat, Whatsapp… Nhiều phương pháp hoàn toàn không có cơ sở khoa học được chia sẻ tràn lan.

Thậm chí, nhiều người dùng còn trích dẫn hoặc cố ý xuyên tạc những ý kiến của các chính phủ, các tổ chức, các chuyên gia có uy tín kết hợp với ý kiến cá nhân để tăng độ tin cậy, tăng phần hấp dẫn, và kích động người dùng khác.

Đơn cử, các phương pháp được đồn thổi rằng có thể ngăn ngừa hoặc chữa Covid-19 như tắm nắng hay bơi ngoài biển 10 phút một ngày; uống nước 15 phút một lần, luôn giữ cho họng ướt, nuốt vi rút xuống dạ dày thì axit dạ dày sẽ diệt vi rút; ăn hành, tỏi sống; uống vitamin C liều cao; rửa mũi bằng nước muối; bôi dầu vừng; tiêm vacxin phòng viêm phổi … đều đã bị Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hoặc cơ quan y tế của chính phủ các nước bác bỏ.

Tin giả nhưng hiểm hoạ chết người là có thật. Mới đây vì nghe theo lời khuyên ăn tỏi chống và chữa virus Corona, một phụ nữ tại Trung Quốc đã phải đi cấp cứu sau khi ăn 1,5kg tỏi sống. Tại Iran, có gần 300 người chết (trong đó có cả trẻ em) và hơn 1.000 ca ngộ độc rượu có methanol do tin đồn thất thiệt rằng uống chất cồn có thể diệt được vi rút SARS-CoV-2. 

Còn đối với phần lớn xã hội, tin giả gây hoang mang dư luận, xáo động cuộc sống của người dân. Chỉ với những tin như “truy tìm anh A, cô B đã trốn khỏi trại cách ly”, “có người này đang bị nghi lây nhiễm tại địa phương nọ”, “sẽ phải cách ly một khu vực nào đó do có người dương tính với Covid-19 đã cư trú một thời gian”… có thể khiến đông đảo người dân sinh sống tại khu vực sinh ra tâm lý hoang mang ngờ vực, đổ xô đi mua dự trữ các loại nhu yếu phẩm.

Ngay tại Hà Nội, vào thời điểm  Chính phủ chính thức công bố dịch Covid-19,  chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân tranh nhau mua khẩu trang, nước sát khuẩn dù bị tăng giá gấp nhiều lần, thậm chí đứng xếp hàng từ 2 giờ sáng bởi lo sợ rằng không có 2 mặt hàng trên thì bản thân và gia đình có thể mắc bệnh và tử vong. Điều này gây khó khăn hơn cho công tác phòng, chống dịch khi Nhà  nước phải can thiệp vào ổn định lại thị trường, ổn định tâm lý người dân.

Giới chức trách trở thành nạn nhân

Trong khi giới chức trách các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang cố gắng phòng chống và chạy đua tìm ra vaccine, thuốc đặc trị trước dịch Covid-19 thì một loại vi rút khác mang tên “tin giả” cũng khiến các cơ quan chức năng “đau đầu” không kém so với dịch bệnh thật sự.

Các cơ quan chính phủ các nước Mỹ, Anh, Pháp, Canada,… và cả ở Việt Nam; các tổ chức quốc tế của Liên Hợp quốc; các trường đại học, bệnh viện uy tín trên thế giới cũng đồng thời trở thành nạn nhân khi được dùng đề trích dẫn là nguồn đưa ra các tin đồn thất thiệt. Các cơ quan, tổ chức này phải liên tục cải chính các thông tin sai sự thật liên quan đến mình. 

Ngành chức năng tại Việt Nam khuyến cáo: Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, mọi người dân bên cạnh việc nâng cao ý thức tự phòng bệnh, cần cập nhật và chọn lọc thông tin, không hoang mang trước các tin đồn thất thiệt, đặc biệt là khi đăng tải, chia sẻ thông tin trên không gian mạng.

Hành vi đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội facebook sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 – 15 triệu đồng theo quy định tại điểm a, Khoản 3, Điều 64, Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

Đơn cử, trong thời gian qua, tại thành phố Hà Nội đã lập hồ sơ xử lý hơn 50 trường hợp tung tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm cá nhân. Những thông tin sai sự thật bao gồm lộ trình di chuyển của các bệnh nhân nhiễm Covid-19, các phương thuốc chữa Covid-19 để bán hàng online hoặc “phao tin” về việc trong khu vực có người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 khi chưa có thông báo chính thức của các cơ quan chức năng.

Lực lượng công an TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Quảng Ninh, Gia Lai…đều ghi nhận xử phạt nhiều trường hợp tung tin giả trong thời gian qua. Dù các chế tài mạnh như phạt tiền đến bỏ tù được áp dụng nhưng lại không thể triệt để loại bỏ tin giả. Điều này phần nào do người dùng vẫn tin tưởng mạng xã hội là nguồn tin chính xác và đa dạng chứ không phải các phương tiện thông tin chính thống khác. Tâm lý này đã bị kẻ gian lợi dụng nhằm trục lợi.

Không chia sẻ khi không chắc chắn!

Đáng nói, bên cạnh những tin giả được đưa ra có chủ đích gây náo động dư luận xã hội, thì nhiều người dùng chia sẻ tin giả chỉ với thiện chí lan tỏa thông tin cho bạn bè, người thân. Cũng có những người muốn thể hiện mình là người “nhạy cảm” với thời cuộc, muốn tung tin giật gân để câu like, câu view. Sự nhiệt tình nhưng thiếu hiểu biết này đã vô hình trung tiếp tay cho dòng chảy thông tin giả hiện nay, không chỉ riêng tin giả về dịch bệnh mà tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội khác.

Điều đáng lo là những tin tức chết chóc gây khiếp hãi, hỗn loạn càng được lan truyền, chia sẻ nhanh hơn. Một ví dụ điển hình là một video được lan toả trên mạng xã hội gần đây cắt ghép nhiều cảnh người ngã vật ra đất, cảnh cấp cứu tại bệnh viện … cùng trích dẫn lời của TS. Feigl-Ding – một nhà khoa học tại Đại học Harvard (Mỹ) rằng tỉ lệ lây lan của vi rút SARS-CoV-2 cao gấp 8 lần SARS.

Đáng nói, vị khoa học gia này đã chia sẻ quan điểm trên Twitter nhưng sau đó ông đã cải chính thông tin mình đánh giá là không đúng và xoá tweet trên tài khoản của mình. Tuy nhiên, video chết chóc dẫn lời bình luận của ông từ một tài khoản chưa được xác định đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và lan toả trên thế giới.

Chắc chắn, sau khi tiếp cận thông tin trên, phần lớn người xem sẽ không kiểm chứng mà lập tức tin ngay, rồi chia sẻ, càng khiến cộng đồng thêm hỗn loạn. Điều này cho thấy, việc đưa ra quan điểm và chia sẻ khi không chắc chắn tại thời điểm này có thể tiềm ẩn hiểm hoạ khôn lường như thế nào.

Thực tế cho thấy, phần lớn người sử dụng mạng xã hội và Internet tại Việt Nam chưa có thói quen sàng lọc và kiểm chứng thông tin. Đó là các thao tác như tìm hiểu nguồn tin (được đăng tải ở đâu, trên báo/trang mạng nào, có đáng tin cậy hay không); kiểm tra độ chính xác (người đăng tải có trích dẫn đúng thông tin gốc không, người được trích dẫn có quan điểm như vậy không, họ có uy tín trong lĩnh vực chuyên môn đang được nhắc tới không…); và so sánh với các thông tin cùng đề tài hoặc liên quan tới đề tài này được đăng tải trên các cổng thông tin chính thức, trang báo, trang mạng đáng tin cậy khác. 

Rõ ràng, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng để bảo vệ sức khỏe người dân, rất cần có sự chung sức, đồng lòng của toàn xã hội, thực hiện tốt các chỉ đạo, khuyến cáo trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Dịch bệnh sẽ không đáng lo ngại quá mức nếu cộng đồng thật sự hiểu và chủ động biết cách phòng, chống không hoang mang, lo lắng thái quá.

Ngoài ra, bản thân mỗi người cần hết sức bình tĩnh, sáng suốt trong tiếp nhận và xử lý thông tin, theo dõi sát thông tin chính thống về tình hình dịch bệnh, không nghe theo, không lan truyền thông tin không xác thực, kịp thời thông báo đến cơ quan chức năng các trường hợp đăng thông tin bịa đặt, sai sự thật.

Thiết nghĩ, mỗi người chúng ta khi đọc tin nếu biết chọn lọc thông tin, kiểm chứng thông tin và đồng thời chia sẻ thông tin một cách có trách nhiệm chính là đang góp phần giúp cộng đồng trong nỗ lực phòng chống dịch. 

Đỗ Trang (Pháp luật Việt Nam)

Nguồn: Đấu trường Dân chủ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây