Và khi xem đến phần cuối, có đoạn “trên 10.000 người nhiễm, tử vong hơn 1.000”. Đối tượng tung clip viết rằng, đấy là lời từ lãnh đạo TP Hồ Chí Minh tại cuộc họp nội bộ và “cần lưu ý” con số nêu trên (số người nhiễm và tử vong), từ đó hướng lái vấn đề: Ở Việt Nam, con số thực về người nhiễm, người tử vong đã bị “chính quyền bưng bít”!
Khi clip này tung lên, một số người xem đã hoang mang, thậm chí hoảng hốt khi nghĩ về con số tử vong và bị nhiễm nói trên. Thực chất, đây là clip bị cắt xén, lắp ghép làm sai lệch nội dung. Câu nói “hơn 10.000 ca nhiễm, hơn 1.000 người tử vong” trong clip thực chất là nói về giai đoạn đầu của dịch bệnh COVID-19 trên thế giới, số người nhiễm và tử vong nói trên là tính tới thời điểm trước đây của các nước, nhất là Trung Quốc.
Bằng thủ đoạn lắp ghép, đánh tráo, người tung clip muốn đánh lừa đây là con số ở Việt Nam nhằm gây hoảng loạn trong dân chúng. Đặc biệt, clip này lại xuất hiện vào thời điểm khi trên mạng internet xuất hiện công văn số 2285 của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh đề xuất phương án hỏa táng trong trường hợp có người tử vong vì dịch COVID-19.
Do sơ suất trong soạn thảo văn bản mà ở công văn này, có những từ ngữ về hỏa táng gây hiểu nhầm, các đối tượng xấu đã lợi dụng điểm này để xuyên tạc, quy kết chính quyền “che giấu” số người chết vì dịch COVID-19.
Ngay sau đó, UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, khẳng định UBND thành phố không có chủ trương và không chỉ đạo Sở ban hành các nội dung theo văn bản số 2285 nêu trên. Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu sở này kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, đề xuất hình thức kỷ luật đối với các cá nhân có liên quan, đồng thời khẳng định công tác phòng chống dịch của thành phố hiện đang được kiểm soát tốt.
Tát nước theo mưa, một số trang mạng thù địch tiếp tục phao tin, xuyên tạc tình hình và đặt ra những câu hỏi nhằm gây hoang mang dư luận. Trang “Việt Tân” cho rằng, từ khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra ở Vũ Hán, Việt Nam là một trong những quốc gia bị nghi ngờ có nhiều ca lây nhiễm dịch bệnh và ca tử vong nhất vì Việt Nam là nơi có nhiều du khách và công nhân đến từ Trung Quốc.
Việt Nam và Trung Quốc lại có cùng đường biên giới dài. Cho rằng, cả 2 bên mở “toang” các cửa khẩu trong lúc dịch bệnh đang bùng phát dữ dội tại Vũ Hán và một số vùng lân cận. Từ đó, trang này quy chụp: “Dựa trên những dữ kiện trên thì không ai có thể tin rằng Việt Nam có ít ca nhiễm và không có tử vong. Tuy nhiên vẫn chưa có bằng chứng cụ thể để xác định rằng Việt Nam có nhiều ca nhiễm COVID-19 và tử vong”.
Bài viết này “rung”: “Trong thời gian gần đây, qua những động thái báo động của chính quyền TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy 2 địa bàn này có khả năng dẫn đến nguy cơ lây nhiễm vượt khỏi tầm kiểm soát trong thời gian sắp tới”, từ đó xuyên tạc “đã có rất nhiều ca tử vong vì COVID-19 nhưng không được công bố”.
Cũng với chiêu bấu víu dịch bệnh, một số tổ chức lấy cớ đòi hỏi các yêu sách phi lý. Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) ngày 30-3- 2020 đã đưa ra cái gọi là chiến dịch “Free The Press” (tự do báo chí) rồi hô hào “phóng thích vô điều kiện tất cả các nhà báo đang bị bỏ tù để đảm bảo an toàn cho họ trước tình trạng đại dịch COVID-19 ngày càng lây lan rộng”.
Đài Á Châu tự do dẫn phát biểu của ông Joel Simon, Giám đốc điều hành CPJ, cho rằng dịch bệnh đang lan rộng nhanh chóng qua các nhà tù. Bằng việc liệt kê 12 người bị xử lý do vi phạm pháp luật hình sự, tổ chức này lấy cớ “kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới nhanh chóng giải phóng tất cả các nhà báo đằng sau song sắt, như một vấn đề của sự sống và cái chết”!
Trong khi đó, một số trang lợi dụng dịch bệnh để xuyên tạc vấn đề cán bộ trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Một số đối tượng phản động, chống đối đưa ra các thông tin nhằm hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; công kích chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và các ban, ngành trong công tác chống dịch, lên án lực lượng Công an trong xử phạt các hành vi sai phạm. Bằng việc nêu tên người này, người kia trong phòng, chống dịch rồi miệt thị, đánh lạc hướng, theo kiểu phải chăng những màn đấu đá, tranh giành quyền lực đã đến hồi gay cấn?
Có thể thấy, các đối tượng đã khai thác triệt để tính năng của mạng xã hội như bình luận, chia sẻ hay livestream trên các tài khoản cá nhân hoặc trên các hội nhóm. Họ đưa ra những bài viết, video clip với tiêu đề giật gân, gây sốc, liên quan đến những người, số lượng người nhiễm bệnh hoặc tử vong tại các địa phương.
Các đối tượng này thậm chí còn phát tán những thông tin “hướng dẫn điều trị, chữa trị bệnh tại nhà”, tẩy chay, không tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh. Các đối tượng lợi dụng khoảng trống thông tin khi các báo, đài chính thống chưa kịp đăng tải để tung ra những thông tin dưới dạng “nguồn nội bộ”, “tin mật không công bố vì không có lợi”…
Một số tổ chức phản động, số đối tượng chống đối còn lợi dụng chính sách quảng cáo của Fecebook, chi ra hàng chục nghìn đô la Mỹ để mua quảng cáo chính trị, tạo thành những chiến dịch tuyên truyền hòng phủ thông tin sai lệch đến quần chúng nhân dân, xuyên tạc sự thật về tình hình dịch bệnh, công kích Chính phủ.
Có thể thấy, những nguồn tin giả này hết sức nguy hiểm, không chỉ gây nhiễu loạn thông tin khiến người dân không phân biệt được thật giả mà còn gây xáo trộn cuộc sống người dân, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự trong xã hội. Nó tạo ra một thứ dịch bệnh “dịch fake new” còn nguy hiểm hơn cả dịch COVID-19, chúng ta cần tập trung cảnh giác, đối phó. Những thông tin này đa số được bắt nguồn từ chính tổ chức phản động lưu vong, các đối tượng phản động, chống đối trong nước lợi dụng dịch bệnh để thực hiện những chiến dịch tuyên truyền, xuyên tạc với mục đích chống phá Đảng và Nhà nước ta.
Trước tình hình thông tin trên mạng diễn biến phức tạp, lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an các đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng điều tra, xác minh, làm rõ các trường hợp đăng tải thông tin sai lệch trên mạng, đấu tranh xử lý theo quy định của pháp luật. Cơ quan chức năng cũng đồng thời yêu cầu gỡ bỏ hoặc đính chính những thông tin sai trái nói trên.
Bên cạnh đó, lực lượng cũng phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ để gỡ bỏ thông tin sai sự thật. Đến nay, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phối hợp với Công an các địa phương tổ chức xác minh, đấu tranh với hàng trăm trường hợp thông tin sai sự thật trên không gian mạng.
Tuy nhiên, công tác xử lý các đối tượng phát tán thông tin giả, thông tin sai sự thật gặp không ít khó khăn bởi hầu hết những thông tin này chủ yếu được đăng tải trên mạng xã hội. Với những tính năng sẵn có của mạng xã hội, đặc biệt là tính năng chia sẻ, các đối tượng có thể phát tán thông tin tức thời tới rất nhiều hội nhóm, trong đó có các hội nhóm rất lớn, có hàng chục nghìn thành viên.
Do vậy, việc kiểm soát, ngăn chặn tin giả là hết sức khó khăn đối với các cơ quan quản lý và các nhà cung cấp dịch vụ. Đối với người dân, trong lúc này, việc chắt lọc thông tin để nhìn nhận đúng là hết sức cần thiết, nhất là khi Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16, yêu cầu thực hiện cách ly toàn xã hội. Các hoạt động giao thông hạn chế tối đa, người người ở nhà thực hiện cách ly thì thời gian lên mạng internet càng nhiều hơn, đòi hỏi việc tiếp cận thông tin một cách tỉnh táo, chính thống về dịch COVID-19.
Trong Công điện số 02/CĐ-BCA-V01 ngày 31-3-2020 của Bộ trưởng Bộ Công an nêu rõ, thời gian tới, Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục làm tốt công tác kiểm soát việc xuất, nhập cảnh, quản lý người nước ngoài, hạn chế dịch bệnh lây lan vào trong nước; thường trực bảo vệ an ninh, trật tự các khu vực cách ly tập trung.
Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Quân đội, Y tế thực hiện tốt công tác phát hiện, tìm kiếm, giám sát cách ly đối với những người nhiễm, nghi nhiễm dịch COVID-19; xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin sai về dịch bệnh; tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm trộm cắp, buôn lậu, sản xuất hàng giả liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh…
Nguyễn Thành (CAND)
Nguồn: Đấu trường Dân chủ