Chỉ 7 ngày sau phiên toà xét xử sơ thẩm bị cáo Trương Duy Nhất (56 tuổi, quê Đà Nẵng, cựu trưởng văn phòng đại diện Trung Trung bộ của báo Đại Đoàn Kết) về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” vào ngày 09/3/2020 với bản án 10 năm tù giam. Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố báo chí ngày 16/3/2020, ngay sau phiên toà để bày tỏ sự “thất vọng” về bản án 10 năm tù dành cho Trương Duy Nhất với lý do việc “kết án dựa theo những cáo buộc mơ hồ liên quan đến cáo buộc từ gần 20 năm trước” với những lập luận thiếu tính thuyết phục và có phần mơ hồ, thiếu hiểu biết về tội danh của Trương Duy Nhất.
Như thường lệ và với các trường hợp trước đó, bản tuyên bố cũng kêu gọi trả tự do cho Trương Duy Nhất và tất cả những người được gọi dưới danh xưng “tù nhân lương tâm”, đồng thời yêu cầu phía Việt Nam cho phép tất cả các cá nhân trong nước được quyền bày tỏ quan điểm của họ một cách tự do, được quyền tập trung ôn hòa mà không bị đe dọa trả thù theo đúng những nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế cũng như Hiến pháp Việt Nam.
Theo dõi những vụ án tương tự và cái cách phản ứng của Bộ Ngoại giao Mỹ mới hay, đây không phải là lần đầu tiên họ lên tiếng, kêu gọi trả tự do cho những người mới bị xét xử, phạt tù với những tội danh tương tự. Trước Nhất, vụ Lê Quốc Quân bị xét xử về tội danh “trốn thuế” theo điều 161 bộ luật hình sự diễn ra tại Tòa Phúc thẩm Hà Nội hôm 18/2/2014 là ví dụ điển hình cho các hành xử, lên tiếng của phía cơ quan Ngoại giao Mỹ.
Trương Duy Nhất tại phiên toà hôm 9/3/2020 tại Hà Nội (Nguồn: FB)
Theo đó, mặc dù được xác định phạm tội trốn thuế với những chứng cứ hết sức rõ ràng, minh bạch, cụ thể theo cáo trạng tại phiên toà cho biết: Để trốn thuế và tránh bị các cơ quan chức năng phát hiện, Quân đã chỉ đạo kế toán Phạm Thị Phương (bị cáo trong phiên sơ thẩm, không kháng cáo) tìm người quen có bằng cấp kế toán, tài chính, lấy thông tin của họ, khoác cho họ áo “chuyên gia tài chính”, “chuyên gia kinh tế” để lập các hợp đồng tư vấn môi giới thương mại khống với công ty của mình. Năm 2012, doanh nghiệp của Quân đã lập khống hợp đồng lao động với 6 cá nhân, số tiền gần 900 triệu đồng. Năm 2011, công ty này tiếp tục lập khống các hợp đồng lao động với 4 “chuyên gia” với giá trị gần 860 triệu đồng. Cơ quan CA đã thu giữ được 36 hợp đồng, 36 phiếu chi tiền mặt, 36 phiếu thu tiền mặt, 18 chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân có chữ ký của Lê Quốc Quân, đóng dấu của Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam. “Giấy trắng, mực đen” là như vậy, nhưng số tiền thực trả cho các “chuyên gia” chỉ từ 1 đến 3 triệu đồng/hợp đồng. Hành vi này đã giúp công ty của Quân trốn thuế thu nhập doanh nghiệp lên tới hơn 437 triệu đồng…
Thế nhưng, bất chấp hành vi, tội danh hình sự đơn thuần, không liên quan đến yếu tố chính trị của Quân đã được chỉ ra, Bộ Ngoại giao Mỹ cùng với các tổ chức nhân quyền quốc tế đều yêu cầu Việt Nam bãi bỏ phiên xử này và yêu cầu Việt Nam phải thả tự do cho Lê Quốc Quân. Vì cho rằng đây là một vụ án có động cơ chính trị và chỉ vì những hoạt động cổ võ cho dân chủ và nhân quyền của Luật sư Lê Quốc Quân đã thực hiện trong suốt những năm tháng trước khi ông bị bắt.
Trở lại với phiên toà xét xử Trương Duy Nhất được TAND Tp Hà Nội tổ chức hôm 09/3 mới đây, theo cáo trạng, Trương Duy Nhất đã lợi dụng chức vụ quyền hạn là Trưởng văn phòng đại diện Trung Trung bộ của báo Đại Đoàn Kết, làm trái công vụ, tự ý ký ba công văn gửi UBND TP Đà Nẵng liên quan đến việc đề nghị được mua nhà đất công sản. Ngoài ra, Nhất còn thỏa thuận với ông Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm) thông qua các hợp đồng nguyên tắc với nội dung thông báo sẽ bán nhà đất số 82 Trần Quốc Toản cho Công ty Xây dựng 79 bằng với giá được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt.
Hội đồng xét xử xác định Trương Duy Nhất đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hành trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước hơn 13 tỉ đồng. Mặc dù Nhất đã chối tội bằng việc cho biết: “Tôi phải làm theo sự phân công và quyết định của tổng biên tập” song đã nhận thức rõ hành vi của mình là sai trái, vi phạm pháp luật và trước tính chất nghiêm trọng của hành vi, TAND Tp Hà Nội đã tuyên y với bản án thích đáng trên cơ sở chứng cứ, tài liệu thu thập được.
Nhắc lại điều này để thấy rằng, bản chất hành vi phạm tội của Trương Duy Nhất cũng là vi phạm pháp luật hình sự đơn thuần, thuộc nhóm tội Xâm phạm về trật tự xã hội, hoàn toàn không có bất cứ yếu tố chính trị hay động cơ chính trị. Bởi nếu không phạm tội thì cơ quan thực thi pháp luật sẽ không thể bắt, xét xử và kết án Nhất và khi đó đương nhiên Nhất sẽ không vướng vào bất cứ bản án pháp luật nào. Hay nói cách khác, với những vụ án kiểu này thì phạm tội đương nhiên sẽ phải chịu tội, đó là cái lí lẽ mà bất cứ ai cũng nhận thức được.
Điều này càng dễ hiểu khi ở thời điểm hiện nay, với quyết tâm chống tham nhũng và truy thu nguồn tiền bị thất thoát do tham nhũng mà có, Đảng, nhà nước và các cơ quan chức năng đã phát hiện, phanh phui và xử lý nhiều đại án. Hành vi và số tiền bị thiệt hại trong vụ án của Nhất tuy chưa lớn so với các đại án gần đây song ít nhiều cho thấy tinh thần “không có vùng cấm” trong đấu tranh với tội phạm tham nhũng, hay hễ có hành vi tham nhũng thì công tác xử lý được đặt ra… Tuy nhiên, gạt đi những điều hết sức rõ ràng đó, với cách nhìn, đánh giá lập lờ kiểu “đánh lận con đen”, vàng thau lẫn lộn, Bộ Ngoại giao Mỹ đã biến Nhất từ một tên tội phạm thành một nhân vật bị bắt, xét xử và tuyên án với động cơ chính trị.
Cái cớ được Cơ quan ngoại giao Mỹ “bấu víu” ở đây để lên tiếng không ngoài việc Nhất đã từng bị đưa ra xét xử và tuyên án 2 năm tù với tội danh về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân theo điều 258, Bộ luật Hình sự – một tội danh được các tổ chức nhân quyền quốc tế mặc định là “tội chính trị” trong khi tội danh này thuộc nhóm tội Xâm phạm về trật tự xã hội từ năm 2014.
Từ đây, mặc dù Nhất đã thi hành xong bản án và được ra tù song với việc Nhất nhiều lần bị cơ quan chức năng triệu tập vì các hành vi viết, đăng thông tin sai sự thật, xuyên tạc chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước trên nhiều lĩnh vực… nên Bộ Ngoại giao Mỹ cũng như các tổ chức nhân quyền đã mặc định Nhất thực chất bị xử lý vì có hoạt động chống Nhà nước (?)… Trong khi, thực tế bản án, các cáo buộc hướng đến Nhất hoàn toàn khác xa những suy luận, phỏng đoán được nhắc đến thông qua những cụm từ như “đòn thù của chế độ” hay “trả đũa…”.
Xung quanh phiên toà xét xử Trương Duy Nhất, cần thấy rằng, mặc dù được đưa ra xét xử đơn lẻ với tư cách là một vụ án độc lập song về bản chất Nhất là một mắt xích quan trọng trong các hành vi phạm tội của Phan Văn Anh Vũ. Việc Vũ bị đưa ra xét xử kéo theo Nhất bị xét xử và bị tuyên các bản án liên quan. Vai trò của Nhất được thể hiện trong cáo trạng tại phiên toà như sau: Năm 1996, ông Nhất là trưởng văn phòng đại diện khu vực Trung Trung Bộ báo Đại Đoàn Kết, được giao liên hệ với chính quyền Đà Nẵng sau khi tờ báo đề nghị UBND TP cấp hoặc cho thuê nhà làm văn phòng đại diện.
Do mối quan hệ quen biết, ông Nhất ký hợp đồng nguyên tắc để Công ty Xây dựng 79 của Phan Văn Anh Vũ thay thế nộp tiền. Căn nhà sau đó được chuyển nhượng cho Công ty Xây dựng 79. Tuy nhiên, năm 2011, Công ty 79 gỡ biển hiệu và đóng cửa văn phòng. Khi báo Đại Đoàn Kết yêu cầu trả lại nguyên trạng, Vũ đã bồi thường 1 tỉ đồng cho thời gian sử dụng nhà còn lại.
Vậy nhưng, với góc nhìn phiến diện, nặng tính quy kết của mình và xem thường những chi tiết có tính xương sống, cốt tuỷ của vụ án, vấn đề này đã bị Bộ Ngoại giao Mỹ lãng quên một cách có chủ ý, động cơ từ trước. Hiểu rõ điều này sẽ hiểu tại sao trong bản Tuyên bố báo chí của cơ quan ngoại giao Mỹ gần như không đề cập tới vụ án Vũ Nhôm và xem như vụ Trương Duy Nhất là độc lập, không có thêm những tình tiết liên đới.
Với việc công khai yêu cầu trả tự do cho Trương Duy Nhất với những lí do được phân tích, chỉ rõ như trên, Bộ Ngoại giao Mỹ không những đã cố tình mơ hồ, đánh đồng bản chất của vụ án được đưa ra xét xử, cho thấy sự bất chấp, thiển cận trong tiếp cận các vấn đề có yếu tố nhân quyền, quyền con người tại Việt Nam. Với những gì đã được đề cập, đã vi phạm nghiêm trọng công ước và nguyên tắc quốc tế về việc nghiêm cấm can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia độc lập có chủ quyền, trong đó có việc xét xử, tuyên án các cá nhân phạm các điều luật của quốc gia sở tại. Đây cũng thực sự là hồi chuông cảnh báo cho nhân loại tiến bộ nói chung trước những chiêu bài nhân quyền được Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra trước những phiên toà kiểu này.
PHƯƠNG NAM
Nguồn: Non sông Việt Nam