Trang chủ Luận bàn - Phản biện ‘Siêu ủy ban’ và chuyện vốn cho đường sắt

‘Siêu ủy ban’ và chuyện vốn cho đường sắt

171
0

Vì sao doanh nghiệp lâm cảnh khốn đốn “chạy tàu cũng sai, không chạy tàu cũng sai”?

Vừa mới chuyển nhà, lại muốn về nhà cũ

Hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về giao ngân sách Nhà nước thực hiện việc quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, một nhiệm vụ được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện từ trước đến nay.

Trước đó, ông đã giao Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) nghiên cứu một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội và chuyên gia đề nghị điều chuyển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam từ Ủy ban về trực thuộc lại Bộ Giao thông Vận tải quản lý “để nâng cao hiệu quả hoạt động và vận hành đơn vị này”.

Đây là những hoạt động liên tục của người đứng đầu Chính phủ nhằm khai thông vướng mắc cho ngành đường sắt.

'Siêu ủy ban' và chuyện vốn cho đường sắtTổng công ty đường sắt gặp một số vướng mắc khi chuyển sang “siêu ủy ban”

Điều đáng nói là, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam mới chỉ “chuyển nhà” từ Bộ Giao thông Vận tải về Ủy ban mới được hơn 1 năm nay.

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam trần tình lý do muốn trở về Bộ Giao thông Vận tải là bởi không được giao vốn dự toán ngân sách năm 2020 cho việc bảo trì, đảm bảo an toàn chạy tàu do vướng điều 49 Luật ngân sách nhà nước. Vì không còn là đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông vận tải nên doanh nghiệp này không được Bộ giao vốn.

Do đó, từ ngày 1/1/2020, 20 doanh nghiệp công ích thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam không được ký kết hợp đồng, khiến cho trên 1 vạn người không có tiền lương, nhiều hoạt động đảm bảo an toàn chạy tàu bị ảnh hưởng.

Chuyện “đầu đi chân ở lại” ấy khiến doanh nghiệp này khốn đốn khi lâm cảnh “chạy tàu cũng sai, không chạy tàu cũng sai”.

Câu chuyện của Tổng công ty đường sắt cho thấy hành lang pháp lý cho việc hoạt động của một cơ quan mới như Ủy ban đang có vấn đề vướng mắc. Nghị định số 131/2018/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban chưa “phủ” được hết những khó khăn này, khiến Ủy ban hoạt động trong tình thế thiếu “cây gậy pháp lý” rõ ràng, vững chắc. Đây là điều đáng quan tâm khi, Ủy ban này tiếp nhận tới 19 “ông lớn” như Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Xăng dầu, Tổng công ty Cảng Hàng không… với vốn nhà nước lên tới gần 1,2 triệu tỉ đồng.

Vì khoảng trống pháp lý ấy nên những phần việc thuộc trách nhiệm của siêu ủy ban này không được vận hành trơn tru, thống nhất.

Đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 ngày 16/1/2020, Thủ tướng từng nêu những tồn tại của cơ quan này như còn tình trạng chậm thực hiện một số công việc quan trọng, chậm phê duyệt chức danh quản lý của một số tập đoàn, tổng công ty; chậm cổ phần hóa, thoái vốn. Việc sắp xếp lại nhà, đất của các tổng công ty, tập đoàn còn vướng mắc khiến cổ phần hóa thoái vốn bị chậm.

Thủ tướng cho rằng, còn có cơ chế, chính sách chồng chéo, chưa rõ ràng, khiến việc triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh và các nhiệm vụ khác của Ủy ban gặp khó khăn.

Ngoài ra, một khối lượng công việc “khổng lồ” khi nhận bàn giao doanh nghiệp về Ủy ban đã khiến cơ quan này quá tải. Ủy ban này đã tiếp nhận để tiếp tục xử lý 259 việc các bộ đang xử lý dở dang, trong đó có nhiều việc phức tạp, nhiều vướng mắc, khó khăn, tồn đọng qua nhiều năm. Có việc liên quan đến thanh tra, kiểm tra, điều tra, xét xử, kỷ luật, thay thế cán bộ.

Khối lượng công việc ngày càng đầy lên, số dự án cần duyệt đọng lại càng nhiều, trong khi nhân sự chỉ 100 người, kinh nghiệm mỏng, năng lực hạn chế đã khiến Ủy  ban vốn chưa thể vào guồng; bộ máy vận hành không tránh khỏi trục trặc.

Mô hình đặc thù

Tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu và quản lý nhà nước là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước để dẹp bỏ tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” ở các bộ, ngành tại doanh nghiệp nhà nước trực thuộc. Ý tưởng này được thai nghén, bàn thảo suốt ba thập kỷ qua để thành lập ủy ban.

Ban đầu, người ta đưa ra ý tưởng thành lập một đơn vị thiên về kinh doanh vốn, thu hút được nhiều người có năng lực kinh doanh về làm việc, chứ không phải một đơn vị hành chính thông thường. Người đứng đầu, nhân sự bộ máy giống như các CEO, hưởng lương như doanh nghiệp thay vì lương công chức.

Tuy nhiên, khi ra đời, Ủy ban lại vận hành giống với một cơ quan hành chính nhà nước hơn là một tổ chức kinh doanh vốn.

Báo cáo tổng kết năm 2019, sau 1 năm hoạt động, Ủy ban đánh giá nhân sự là một điểm yếu. Theo cơ quan này, việc tuyển chọn, tiếp nhận cán bộ về Ủy ban thực hiện theo các quy định của pháp luật về tuyển dụng cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước. Trong khi đó, Ủy ban không phải là cơ quan quản lý nhà nước mà là một cơ quan thuộc Chính phủ chuyên quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Điều này dẫn đến khó thu hút được nguồn nhân lực có trình độ và kinh nghiệm phù hợp với yêu cầu và tính chất quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo cơ chế thị trường.

Cũng vì thiên về “quản lý vốn” nên mục tiêu bảo toàn vốn đang được tập trung ưu tiên. Trong bối cảnh thiếu hành lang pháp lý như kể trên Ủy ban rất khó đưa ra quyết định nhanh và đúng thời điểm mà các dự án kinh doanh cần.

Trình bày tại cuộc làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng mới đây, Chủ tịch Ủy ban  Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh, việc thành lập Ủy ban là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình quá trình thực hiện chủ trương này, vướng mắc lớn nhất là chính sách, pháp luật. Để khắc phục, Ủy ban đã tích cực phối hợp với các Bộ ngành để tháo gỡ khó khăn và sẵn sàng nhận thêm nhiệm vụ được giao từ Chính phủ.

Ủy ban này cũng thừa nhận: Có một số trường hợp, việc xử lý của Ủy ban khác với thông lệ xử lý trước đây, có thể sẽ mất thêm thời gian nhưng Ủy ban thấy cần thiết nhằm bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, tránh những sơ xuất hoặc sai phạm làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước như đã xảy ra ở một số doanh nghiệp, dự án và cơ quan quản lý trong giai đoạn trước đây mà điển hình là 12 dự án ngành công thương, dự án muối mỏ Việt – Lào, dự án nhiệt điện thái bình 2…

“Siêu ủy ban” coi việc tốn nhiều thời gian là để có được sự chặt chẽ, an toàn… Còn với doanh nghiệp, thời gian là tiền, là cơ hội, chậm ngày nào mất tiền, mất cơ hội.

Một lãnh đạo tập đoàn cho biết, sau khi tách chức năng quản lý ngành và đại diện chủ sở hữu, một dự án của doanh nghiệp vẫn phải có ý kiến của bộ quản lý ngành, Ủy ban và hàng chục bộ ngành, địa phương khác có liên quan. Bộ quản lý ngành cho ý kiến về thiết kế cơ sở dự án, còn Ủy ban là nơi duyệt dự án. Những công việc đó luôn chồng chéo và mất nhiều thời gian mà một số doanh nghiệp nói tại buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với Ủy ban này vào ngày 20/2, điều này giống như trước chỉ có “mẹ”, giờ có thêm “bố”.

Ủy ban mới vận hành hơn 1 năm, có mô hình đặc thù, khác biệt (kể cả so với những mô hình tương tự ở Trung Quốc và Singapore) nên những bỡ ngỡ ban đầu là khó tránh khỏi. Việc một doanh nghiệp như Tổng công ty đường sắt muốn trở về “mái nhà xưa” chưa phải là thước đo hiệu quả hoạt động của Ủy ban. Thời gian sẽ là nơi kiểm chứng hoạt động của cơ quan này, để những ý tưởng phát huy hiệu quả: Bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Muốn vậy, những khoảng trống pháp lý phải được lấp đầy, cán bộ của Ủy ban phải tinh nhuệ và dám chịu trách nhiệm, có cơ chế khuyến khích động lực thì họ mới không tồn tại tâm lý “thủ thế phòng thân”, chỉ mong an toàn. Vì như ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, nói: “Nếu tiếp cận theo cách đối chiếu quy định pháp luật xem có rủi ro không, có rủi ro – dừng thì ‘họp nữa, họp mãi’ cũng thế”.

Lương Bằng

Nguồn: Tuần Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây