Lâu trước, tôi có nghe người ta tếu táo, “Không ăn hối lộ không phải quan huyện, không nhiều chuyện không phải người Việt Nam”, ngẫm cũng hài hài mà nghĩ cũng cay cay.
Ầm ập những thông tin ồn ào nhưng đáng tiếc lại rất ngoài mong đợi ấy tính từ sau tết Nguyên đán lại là cơ hội cho những thời cơ tranh thủ, những ghìm hàng tăng giá, những trục lợi hoàn cảnh… hiện hữu. Và tin giả song hành cùng những người thích hóng chuyện đến mức kỳ lạ, gọi là nhiều chuyện cũng không có gì là sai.
Chẳng để làm gì (Ngô Nguyệt Lãng)
Sự phát triển của thế giới internet thì không chỉ mạng xã hội mà bất cứ nền tảng ứng dụng thông tin nào đều có thể gieo rắc tin giả (fake news). Người ta gieo rắc tin giả để phục vụ cho động cơ chính trị từ trước các cuộc bầu cử cho đến mục đích phá hoại an ninh, kinh tế… Cứ mỗi lần có sự kiện chấn động hay thông tin chủ lưu nào, thông tin giả lại xuất hiện như nấm sau mưa.
Ở nước ta, từ độ mạng xã hội (trong đó có Facebook) biến thành một phần của đời sống thì tin giả ngày càng trở thành vấn nạn đang cần một giải pháp hữu hiệu.
Đã có nhiều trường hợp bị xử phạt hoặc sẽ bị xử phạt vì chia sẻ, đăng tải những thông tin không chính xác.
1. Đã có quá nhiều trường hợp bị xử phạt hoặc sẽ bị xử phạt vì chia sẻ, đăng tải những thông tin không chính xác về dịch cúm do virus Corona gây ra. Không chỉ ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh… mới có cá nhân bị cơ quan chức năng mời lên làm việc vì những thông tin không chính xác được các cá nhân ấy đăng tải trên tài khoản mạng xã hội cá nhân mà ngay cả ở nhiều địa phương khác, các cơ quan chức năng cũng xử lý các trường hợp tương tự.
Tôi đã phải trả lời rất nhiều câu hỏi về đoạn clip ghi âm được cho rằng của các bác sĩ tại bệnh viện trò chuyện với nhau về số người tử vong do virus Corona là thật hay giả, tôi phải xác tín rất nhiều thông tin dạng chỗ này có nhiều người tử vong, chỗ kia đang có nhiều người bệnh nhiễm mới… rất mệt. Gần như ở đâu tôi cũng phải trả lời những câu hỏi liên quan đến tin giả, thú thật là tôi cũng không hiểu vì sao rất nhiều người lại hoang mang và thường bị tin giả khiến cho hoảng loạn. Bất chấp tin giả rất vô lý và phi logic.
Tôi không nghĩ vì truyền thông chính thống hiện tại không đáp ứng đầy đủ nhu cầu tìm kiếm thông tin của nhiều người nên họ phải dung nạp thêm các thông tin giả. Tôi cũng không tin rằng vì thiếu niềm tin vào các cơ quan truyền thông nên tin giả thường hay tồn tại. Có lẽ tin giả tồn tại cùng các thuộc tính thích tỏ ra am tường tin tức nào đó, thích tỏ ra là người hiểu biết những “bí mật động trời nào đó”, thích chứng minh với những cá nhân khác về tầm quan trọng của bản thân…
Cá nhân tiếp nhận không tin chỉ cần có một chút ý thức về phản biện là có thể chống lại tin giả, điển hình như những tin sẽ phun xịt thuốc chống virus Corona trên bầu trời, đã vỡ trận vì Corona ở các bệnh viện lớn…
Ngoài các biện pháp kỹ thuật được luật hóa, tin giả tồn tại hay biến mất phụ thuộc rất nhiều vào khả năng tư duy của người tiếp nhận thông tin. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý truyền thông thông tin vẫn có thể hạn chế tin này bằng cách có giải pháp trao đổi hữu hiệu giữa cơ quan quản lý và cơ quan truyền thông, trao đổi một cách chân thành, tôn trọng và minh bạch.
Cuối cùng, là tăng hình thức xử phạt đối với các cá nhân cố tình tung tin giả để “lăng-xê cho trang bán hàng online”, đây là hành vi vừa vô đạo đức, vừa gây hoang mang dư luận, gây bất ổn cho xã hội. Đó là chưa kể đến đội ngũ đang kiếm tiền từ các kênh mạng, những “nhà báo trên từng cm này” cũng vì view, vì người đăng ký theo dõi kênh của mình mà “không thông tin nào không dám chuyển tải” đến đám đông.
2. Một đối tượng tàng trữ sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, giết người đang lẩn trốn lực lượng truy bắt tại huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh. Một đối tượng hung hãn với vũ khí trên tay hết sức nguy hiểm, một đối tượng cùng đường, không gì không dám thực hiện, một đối tượng đang khiến các cơ quan chức năng vất vả trong việc truy tìm và đề ra các biện pháp truy bắt hiệu quả… phút chốc biến thành niềm vui vô cùng to lớn với nhiều cá nhân rảnh chuyện.
Thật không thể tin được trước một đối tượng nguy hiểm như vậy, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người bỏ công ăn việc nhà, bỏ nhà cửa khách khứa… để vác xe máy ra hiện trường chờ xem lực lượng truy bắt tầm nã đối tượng phạm tội. Mà địa bàn huyện Củ Chi khá rộng, lực lượng truy bắt hàng trăm người với những mũi truy bắt, những khoanh vùng khu vực tình nghi đối tượng đang lẩn trốn khác nhau… thì biết đằng nào mà rình xem, biết chỗ nào là núp hóng. Nhưng không sao cả, cứ rủ nhau kéo đến ngồi xem “cảnh sát truy bắt đối tượng cầm súng vừa giết người”.
Có những cá nhân cách xa hiện trường vụ việc mấy trăm km, vẫn chở vợ chở con từ quê lên đến Củ Chi để xem. Đi lần một lạc đường, không nản chí, vẫn hỏi đường sá cẩn thận rồi tìm đến cho bằng được thì thôi. Mà đi một mình chưa thỏa tang bồng, còn phải chở thêm con nhỏ đằng trước, vợ ẵm ngửa con đằng sau yên xe mới chịu.
Nhu cầu được biết thông tin đầu tiên, được chứng kiến một khoảnh khắc quan trọng dẫu trong thoáng chốc… đều là nhu cầu hết sức chính đáng của con người. Nhưng, bất cứ nhu cầu nào cũng phải dựa trên sự tuân thủ luật định, tôn trọng bản thân và cộng đồng xung quanh. Nhất là trong những nhu cầu không phải thiết yếu, thậm chí đôi khi, chẳng để làm gì ngoài gây khó khăn thêm cho cơ quan chức năng. Đặc biệt là trong nhiều tình huống, hoàn cảnh cần sự tự giác, chấp hành theo yêu cầu của các cơ quan chức năng.
Có vẻ như để trị dứt điểm “hội chứng nhiều chuyện” này, phải đến lúc luật hóa bằng điều khoản cụ thể. Kiểu như trước đây, rất nhiều người phản ứng ầm ĩ Dự thảo Luật An ninh mạng thì nay cũng chính những người này hễ cứ thấy ai đăng những điều không đúng trên tài khoản mạng xã hội cá nhân thì đều bình luận (comment), “Luật An ninh mạng sẽ sớm tìm đến đây”.
Khi ý thức chưa được nâng cao vì còn phải chờ giáo dục hoặc các nền tảng quy chuẩn xã hội khác thì luật hóa luôn là lựa chọn cần thiết vậy.
Cốt lõi chống tin giả (Hà Quang Minh)
Khi đại dịch Corona bùng phát từ Vũ Hán, và bắt đầu tạo ra mối lo ngại cho toàn cầu, đặc biệt là các vùng, quốc gia lân cận Trung Quốc như Việt Nam, thứ lây lan còn nhanh hơn cả virus Corona chính là tin giả. Tin giả không khác gì một loại virus, mạnh hơn bất kỳ loại virus nào ở khía cạnh lây lan. Đơn giản, với virus sinh học, chúng ta có thể có biện pháp cách ly để tuyệt đối không bị lây nhiễm. Còn với virus tin giả, nói thẳng nói thật theo ngôn ngữ thời thượng bây giờ là “Toang luôn, có mà cách ly đằng giời”.
Ở nước ngoài, tin giả cũng xuất hiện “đính kèm” sự kiện với những kiểu như “Trung Quốc tạo ra Corona phục vụ chiến tranh sinh học” hay “Corona là sản phẩm của… Mỹ trong cuộc chiến với Trung Quốc”… Những kiểu tin giả này thực tế đã từng tồn tại trong lịch sử, với cái tin mà nhiều người từng nghe nhất là “virus HIV là sản phẩm của con người tạo ra từ phòng thí nghiệm”. Nó dễ dàng thâm nhập trí nhớ và tạo nên niềm tin đối với những người vốn dĩ cả tin, hiếu kỳ, ưa thích những thuyết âm mưu giật gân.
Cơ quan Công an xử phạt một đối tượng tung tin sai sự thật về virus Corona.
Thực sự, tin giả là một “đặc sản” của loài người thông minh bởi giống người là sinh vật có trí tưởng tượng phong phú nhất trên tinh cầu này và lại có khiếu ưa dựng chuyện. Ngay cả những sự thật, khi qua miệng một ai đó, cũng sẽ được vẽ thêm một vài nét cho ly kỳ. Và chính vì khả năng đó, con người cũng có thói quen sử dụng tin giả từ xa xưa để có thể trục lợi.
Trong các cuộc chiến tranh giành vương quyền, quyền lực của loài người từ cổ xưa, “phao tin” đã là một kỹ nghệ để khiến đối phương lung lạc và sơ hở. Điển hình là câu chuyện hoàng đế La Mã Marcus Aurelius ngã bệnh và sau đó phao tin giả là ông không qua khỏi. Lập tức, Avidius Cassius đã trở mặt, dấy binh tiếm vương quyền. Cái chết của Avidius Cassius ngay sau đó cũng có thể nói là do chính vì “tin giả”.
Bởi thế, chúng ta sẽ không lạ lùng gì khi tin giả tồn tại nhưng tại sao nó lại trở thành một đại nạn toàn cầu như hiện nay thì lại có lý do mang tính thời đại. Đó là sự trợ giúp của mạng xã hội, của các nền tảng giao tuyến internet. Chính vì sự năng động trong tương tác của các nền tảng này, được cộng hưởng với khả năng dẫn dụ (manipulate) của AI, tin giả trở thảnh một mặt trận giăng mắc đầy cạm bẫy mà bất kỳ ai cũng có thể dính phải.
Trở lại với Việt Nam, ở sự kiện Corona hoành hành này, cơ quan chức năng đã phải triệu tập nhiều cá nhân lên làm việc vì tội tung tin giả mà đáng buồn là trong số họ có cả những người danh tiếng như Đàm Vĩnh Hưng, Ngô Thanh Vân, Cát Phượng…, những người có sức ảnh hưởng với công chúng.
Nếu tin giả được tung ra từ một nguồn vô danh, độ tin cậy và năng lực phát tán của nó sẽ không thể nào sánh bằng việc nó được phát xuất từ một người nổi tiếng. Nhưng, ngay cả những người nổi tiếng kể trên cũng chỉ là nạn nhân mà thôi, khi bản thân họ đã quá ngây thơ tin vào một nguồn tin giả và tích cực tiếp sức cho nó phát triển “cứ như thật”.
Từ chuyện các cá nhân tung tin giả liên tiếp bị xử lý, chúng ta thấy rất rõ tác dụng của Luật An ninh mạng thực sự được phát huy như thế nào. Có nhiều người khi nhận được thông tin một ai đó tung tin giả và bị triệu tập làm việc, đã căn cứ vào mức độ trầm trọng của tin giả ấy mà phán xét rằng “cần phải có chế tài thật nặng để làm gương”. Đúng, chế tài để làm gương là rất cần nhưng hãy thử tự hỏi “nếu không có luật, sẽ chế tài trên căn cứ nào?”. Từ câu hỏi ấy, chúng ta sẽ hiểu tại sao cần phải có Luật An ninh mạng.
Nhưng, vấn đề đặt ra là chế tài thật nặng, chế tài để làm “án điểm” cho toàn xã hội liệu có khiến cho tin giả sẽ bị triệt tiêu? Chắc chắn là không. Con người, ngoài khả năng dựng chuyện, phao tin, đưa chuyện, còn có một năng lực đặc biệt nhất. Đó là họ rất dễ quên. Có thể một “án điểm” sẽ khiến họ sợ trong khoảng thời gian ngắn. Nhưng, sau một thời gian vừa đủ, họ sẽ lại quên ngay để hồ hởi tham gia vào mặt trận tin giả khác.
Thực tế, làm thế nào để ngăn chặn tin giả vẫn là một vấn đề mà cả thế giới quan tâm và chưa có giải pháp tối ưu nhất. Nhưng xét ở tình hình Việt Nam nói riêng hiện nay, để phòng chống tin giả, chúng ta có thể có những biện pháp hữu hiệu. Để bàn về biện pháp hữu hiệu ấy, chúng ta cần phân tích rất rõ về cơ chế đưa tin và cơ chế niềm tin trong cộng đồng.
Qua nhiều sự việc suốt vài năm qua, chúng ta dễ dàng nhận thấy xu hướng của tin giả tại Việt Nam hiện nay chủ yếu xoay quanh các chủ đề mang tính phá hoại an ninh quốc gia. Đó là “món ưa thích” của các phần tử phao tin và số lượng tin giả phá hoại luôn áp đảo những tin vịt câu “views” để bán hàng online.
Đầu tiên, chúng ta cần trả lời rõ câu hỏi: “Một tin giả được đưa ra, mục tiêu lớn nhất của nó là gì?”. Câu trả lời rất đơn giản, mục tiêu lớn nhất là được nhiều người tin vào nó. Khi có nhiều người tin vào nó, chắc chắn sẽ có nhiều người lan truyền nó, bằng cách này hay cách khác.
Số lượng người tin vào một tin giả luôn tương đương số lượng người tiếp tục phao tin ấy ra cộng đồng vì con người thường có xu hướng không giữ riêng một thông tin chấn động cộng đồng nào cả. Họ luôn hăng hái muốn lan tỏa để chứng tỏ mình là kẻ biết sớm hơn người khác. Như vậy, rõ ràng, như mọi thông tin nào khác, tin giả cũng rất cần tấn công vào thành trì đầu tiên của con người là cơ chế niềm tin.
Về cơ chế niềm tin, con người thường có xu hướng tin bằng cảm xúc. Điều đó có nghĩa là họ sẽ tin vào thứ họ muốn tin chứ không phải tin vào thứ đã được kiểm chứng hay không kiểm chứng. Ví dụ, nếu trong một làng có một ông D nọ vô cùng ghét bà C kia chẳng hạn. Khi nghe tin không hay ho về bà C kia, ông D sẽ dễ tin vào nó ngay lập tức bởi cái cảm thức yêu-ghét trong con người ông được đánh thức trước tiên và nó cầm tù cơ chế niềm tin của ông ta trong đó.
Sau hai điểm kể trên, chúng ta nhận ra rõ ràng rằng trong “quy trình loan tin”, vai trò của những trung gian là quan trọng đến mức độ nào. Nếu nguồn tin được tung ra mà không thuyết phục được các đối tượng “tuyến đầu”, chắc chắn nguồn tin ấy sẽ chết yểu. Nhưng chính vì nó đánh trúng tâm lý đám đông và tạo ra được một lực lượng tuyến đầu cuồng tín, tích cực phát tán thông tin ấy nên nguồn tin giả mới thành công.
Vậy thì, ở điểm này, chúng ta đã có thể đồng thuận với nhau ở đây rằng tin giả hiện đại đang được lập kế hoạch rất kỹ lưỡng khi đối tượng phao tin đã xác định cực rõ cảm xúc đại chúng như thế nào và đối tượng để dựng chuyện tiêu cực nên là những ai, tổ chức nào, cơ quan nào… Và khi chúng ta đã xác định được rõ quy trình và các nhân tố, yếu tố cơ bản trong chuyện phát tán tin giả, chúng ta có thể nghĩ đến chuyện làm sao để chặn đứng các tin giả phát tán trong cộng đồng. Tạo dựng được niềm tin là bước quan trọng nhất trong việc vô hiệu hóa tin giả.
Thông tin giả tràn lan trên mạng xã hội.
Khi niềm tin hiện hữu, khi có sự trao đổi thấu hiểu tin tưởng, khi nói đi đôi với làm, hứa luôn giữ lời… thì tin giả rõ ràng không còn đất sống. Dễ hình dung nhất là câu mà chúng ta đã quen nghe, ấy là lấy dân làm gốc. Chống lại tin giả càng phải lấy dân làm gốc vì chung quy, giữa cuộc chiến tin thật – tin giả, đối tượng để xây dựng niềm tin vẫn là dân. Lòng dân có vững, mặt trận chống tin giả mới vững.
Và nói một cách nào đó, tin giả là vô cùng nguy hiểm, cần phải bị xử lý triệt để nhưng chính sự tồn tại của nó cũng cho chúng ta một bài học lớn về câu chuyện niềm tin của nhân dân.
Đối địch với tin giả (Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Trong đó, quy định những trường hợp tung tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội sẽ bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng.
Dù ngày 15-4 mới có hiệu lực, nhưng Nghị định 15/2020/ NĐ-CP đã thực sự có giá trị cảnh tỉnh ngay trong tháng Giêng. Bởi lẽ, những ngày đầu năm âm lịch, bên cạnh những dòng trạng thái bát nháo từ trang cá nhân của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, diễn viên Ngô Thanh Vân, diễn viên Cát Phượng… đi ngược xu hướng chung mà hàng chục triệu người Việt Nam đang tích cực đối phó đại dịch, dư luận đã phải ngỡ ngàng vì những trò khoa trương bằng tin giả.
Nếu khẳng định tin giả là đứa con ngỗ ngược của mạng xã hội, thì cũng oan uổng cho tin giả. Khi con người hình thành khái niệm giao tiếp, thì những kẻ “kiếm chuyện làm quà” đã sáng tạo ra… tin giả. Tuy nhiên, tin giả được đồn thổi bằng phương thức rỉ tai thì sức lan tỏa chỉ gói gọn một phạm vi địa lý hoặc ngành nghề nhất định. Từ khi có internet, tin giả được vận hành bằng tiện ích của mạng xã hội thì sức bùng nổ trở nên ghê gớm hơn, mãnh liệt hơn.
Sức mạnh “giải trung tâm” và “giải chính thống” của mạng xã hội, đã khiến những người ảo tưởng về sự khôn ngoan hoặc sự tinh ranh của mình nảy sinh ham muốn nổi tiếng dễ dàng theo trình tự siêu cấp “from zero to hero”. Ai cũng có thể “sản xuất nội dung” trên mạng xã hội thì các đối tượng vỗ ngực xưng tên bằng… tin giả cũng xuất hiện như những người hùng rởm đời.
Bây giờ, không ai nghi ngờ mạng xã hội đã trở thành một phần của nhịp sống thường ngày. Số lượng người sử dụng và ưa chuộng Facebook, YouTube lẫn Zalo không ngừng tăng lên, khiến không gian ảo chi phối cuộc đời thật. Với tính kết nối nhanh chóng và rộng khắp, mạng xã hội cũng bị lạm dụng cho những toan tính riêng tư. Trước hai sự kiện nóng đang xảy ra: đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (nCoV) và vụ xả súng giết người tại sòng bạc ở Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh, thì mạng xã hội chẳng khác gì nơi đắc địa dành cho những kẻ thích đùa cợt kiểu ngớ ngẩn.
Trong khi mọi người đang gồng mình đối phó với đại dịch thì trên mạng xã hội xuất hiện một tờ kết quả xét nghiêm dương tính với nCoV do Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cung cấp. Không khó để cơ quan chức năng nhanh chóng xác minh, tờ kết quả xét nghiệm của nam sinh Đà Lạt, hoàn toàn giả mạo từ hình thức đến nội dung. Thứ nhất, logo của Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng không đúng. Thứ hai, thông tin trong tờ xét nghiệm cũng không đúng. Hiện nay toàn tỉnh Lâm Đồng chưa phát hiện trường hợp nào nghi ngờ lây nhiễm virus Corona.
Còn vụ xả súng tại một sòng bạc ở Củ Chi vẫn đang quá trình điều tra và truy nã nghi phạm Lê Quốc Tuấn (biệt danh Tuấn “khỉ”). Thế nhưng, “hiệp sĩ đường phố” Nguyễn Thanh Hải của Thủ Dầu Một – Bình Dương lại tung clip thể hiện rằng Tuấn “khỉ” gọi điện thoại cho mình để xin… đầu thú. Bằng giọng điệu khoe mẽ, “hiệp sĩ đường phố” Nguyễn Thanh Hải không chỉ tỏ vẻ bề trên uy quyền để động viên mà còn hứa hẹn sẽ cho Tuấn “khỉ” gặp mặt vợ con trước khi dắt Tuấn “khỉ” đến bàn giao công an.
Hai ví dụ trên không gây hại trực tiếp đến ai nhưng lại tạo ra sự nhiễu loạn thông tin. Nam sinh Đà Lạt và “hiệp sĩ đường phố” có mục đích gì khi phô diễn chiêu trò khó hiểu như vậy? Rất đơn giản, họ muốn gây chú ý với cộng đồng. Tranh thủ sự quan tâm của người khác để đánh bóng bản thân, vốn đã là một việc làm đáng xẩu hổ. Trong bối cảnh cam go mà còn hứng thú suy tôn cái tôi thấp hèn của mình thì càng đáng chê trách hơn. Đùa cợt vô ý thức và kém tự trọng, cũng là một hành vi cần được chế tài nghiêm khắc theo đúng tinh thần của Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
Hóng hớt tin thật rồi biến hóa tin giả có phải một thú vui trên mạng xã hội không? Mỗi người có một toan tính khác nhau. Đôi khi chỉ nhằm chứng tỏ ta đây thông tỏ thời sự. Đôi khi chỉ nhằm tìm kiếm lượt like, lượt share giữa cơn hào hứng giá rẻ. Đôi khi chỉ nhằm giải khuây mà không đủ tỉnh táo đo lường hậu quả. Tin giả giống như một thứ ma túy gây phấn khích cho cả người phao truyền lẫn người tiếp nhận. Vì sao? Vì thỏa mãn được hưng phấn đột ngột của những kẻ thích tự vuốt ve và mơn trớn bản thân tiềm ẩn công năng vượt trội thiên hạ. Họ không biết hoặc cố tình không biết, sự hả hê ấy gieo rắc bao nhiêu sự phản cảm và ngậm ngùi cho cộng đồng.
Đam mê tin giả không khác gì đi trong giấc mộng với đôi chân của kẻ ngái ngủ. Ngăn chặn tin giả bằng cách đánh thức những nỗi mê sảng, e rằng không đơn giản. Cách hữu hiệu vẫn là ý thức đề kháng của đám đông. Khi người tiếp nhận thông tin nâng cao trình độ suy luận và trình độ phản biện thì sẽ thấy tin giả chẳng khác gì một vở tuồng nhảm nhí, mà kẻ đơm đặt tức khắc hiện ra nguyên dạng một anh hề mặt xanh mặt đỏ nhảy nhót điên cuồng trong thị phi bất tận.
Xưa nay, tin giả luôn hoành hành trong mọi lĩnh vực. Và tin giả vẫn thường bứt phá ngoạn mục trước tin thật. Khi tin thật vừa xỏ chân vào giày thì tin giả đã bay vạn dặm. Chơi tin giả, cả “sáng tạo” tin giả lẫn “thưởng thức” tin giả, cũng là một triệu chứng sống ảo. Bệnh nào thì phải dùng thuốc nấy. Nghị định 15/2020/NĐ-CP có thể xem là một liều thuốc đặc trị. Chơi tin giả để mất tiền thật, thậm chí vướng vòng lao lý thì nam thanh nữ tú thèm khát cao vọng “from zero to hero” sẽ phải giật thót cho “triệu chứng lây nhiễm” ngây dại ngu ngơ.
PV
Nguồn: Công an nhân dân