Việc ông Patrick Vallance – Cố vấn khoa học chính phủ Anh cho biết, Anh có thể sẽ chọn cách thả nổi đỉnh dịch trong nước mặc cho dân tự nhiễm đồng nghĩa với việc 12 triệu dân Anh sẽ chết để hình thành cơ chế miễn dịch cộng đồng khi đó Covid-19 khắc “tự diệt” đã làm dấy lên nhiều tranh cãi cả ở Việt Nam. Nếu chọn cách miễn dịch cộng đồng, Việt Nam sẽ có ít nhất 126.000 người tử vong: Ai chấp nhận là 1 trong số đó?
Câu trả lời là không một ai bị đẩy vào sự lựa chọn nghiệt ngã đó cả. Dẫu rằng, sự lựa chọn nào cũng cần cân nhắc những được mất, nhưng đứng trước vấn đề sinh tử, tính mạng và sức khỏe của người dân, Đảng và Chính phủ ta dường như đã không phải lựa chọn. Hàng thập kỷ qua, dù GDP được xem là một thước đo cho năng lực điều hành của Chính phủ, nhưng cả hai lần tính toán tổn thất do Fomosa và Corona gây ra, như khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đều không một phút giây nào lưỡng lự trong giải bài toán “đánh đổi hay không đánh đổi”, đồng thời, không lùi bước trong phát triển đất nước.
Ngay từ những phút đầu của cuộc chiến với “giặc” Covid, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng như tập thể lãnh đạo Chính phủ đã nhiều lần khẳng định: Dù phải thực hiện mục tiêu kép là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, nhưng ưu tiên hàng đầu của Chính phủ luôn là kiên quyết chống dịch để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân. Kinh tế khó khăn có thể tìm giải pháp hỗ trợ, nhưng tính mạng của người dân thì không thể thay thế.
Và với tinh thần đó, phương châm đó, xuyên suốt từ đầu mùa dịch đến giờ, song song với việc quyết liệt ngăn chặn tốc độ lây lan của dịch, nhanh chóng xác minh nguồn lây để phong tỏa, dập dịch thì chính quyền, các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương đều tuân thủ nghiêm quyết sách của Chính phủ là đối xử nhân văn, đầy tinh thần trách nhiệm với bệnh nhân và những người được cách ly. Cho đến này, gần như mọi chi phí cho việc cách ly, phong tỏa, xét nghiệm, chữa trị… đều do Chính phủ gánh vác.
Khi Việt Nam trải qua 22 ngày không có ca nhiễm mới và toàn bộ 16 người bệnh đã có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2, đã có những ý kiến cho rằng cần đóng cửa cả với những người Việt trở về từ các vùng dịch. Nhưng Chính phủ vẫn quyết định dang rộng cánh tay đón các công dân của mình từ các tâm dịch ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ, dù biết như vậy là phải nỗ lực chống dịch hơn hàng chục, hàng trăm lần.
Cũng trong cuộc “đấu trí” với Covid-19, nhiều người đã không khỏi nghẹn ngào trước những hình ảnh hao mòn của những nhà lãnh đạo Chính phủ vì lo giải pháp chống dịch giai đoạn mới. Để rồi người dân Thủ đô Hà Nội chỉ sau một ngày hoảng loạn đã bình tâm lập tức khi ngành Công thương kịp thời cung ứng hàng hóa đầy ắp thị trường. Các em học sinh nghỉ học hoặc học online trong mùa dịch đều được miễn hoàn toàn học phí. Và chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp đang thực sự khó khăn do tác động của dịch bệnh, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai các giải pháp giãn nợ, giảm lãi để hỗ trợ…
Tất thảy, những lời chia sẻ từ tận đáy lòng; những hành động thực tế; những kế sách bài bản, chặt chẽ, nhìn xa trông rộng; những hình ảnh của nhiều những “chiến binh” chống COVID-19 đã thực sự lay động. Có thể khẳng định rằng, những thành quả bước đầu chống dịch COVID-19 xuất phát từ thôi thúc vì sự an toàn của nhân dân đã chinh phục được dư luận cả nước, khiến cho những tiếng nói đen tối, trái chiều, chống phá cho rằng: “Chính phủ sợ Trung Quốc không dám đóng cửa biên giới bỏ mặc tính mạng người dân”; hay “Chính phủ dựng lên bệnh nhân số 17 để nhận tiền viện trợ nước ngoài”… bỗng trở nên vô cùng yếu ớt, lạc lõng, bị chính người dân cực lực phản đối.
Ngày thường, nhiều người vẫn cứ tung huê những giá trị tư sản, không ngớt lời ca ngợi về một chế độ có đầy đủ tự do, bình đẳng, bác ái, và họ tìm mọi cách kể cả đả phá chế độ này để hòng mong cầu một tấm vé đến được cái nơi gọi là miền đất nước ấy. Nhân quyền tưởng đâu là thứ hết sức bình thường khi các quốc gia tư bản luôn miệng đòi thực thi, đòi đảm bảo và rồi năm này qua tháng nọ họ sử dụng nó như một cái cớ để áp đặt, quy kết Việt Nam. Ấy vậy mà chính phủ Anh lại đang như bơ đi quyền được sống của người dân xứ thiên đường, họ để cho cơ chế sàng lọc tự nhiên cũng tức là đẩy những người già yếu, những người bệnh nặng vào con đường chết. Thế mới nói, từ lời nói đến hành động hẵng còn xa lắm.
Sau cùng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự nỗ lực cao độ của một Chính phủ luôn vì dân, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không một lần do dự khi khẳng định “không chấp nhận đánh đổi”, thì người dân luôn có quyền được tin đất nước chắc chắn sẽ bình yên đi qua những cơn biến động.
Văn Dân
Nguồn: Cánh cò