Mới đây, trang FB của Đại sứ quán Trung Quốc tại Italy đã đăng tải hai hình ảnh hai người tượng trưng cho hai nước ôm lấy lãnh thổ của nhau. Chuyện sẽ không làm Hội sinh viên Việt Nam ở nước ngoài bức xúc, phẫn nộ nếu như không xuất hiện đường lưỡi bò bên dưới hình ảnh bản đồ của Trung Quốc. Và họ đã kêu gọi Trung Quốc hãy “ngưng nói dối về Biển Đông”, đồng thời khẳng định hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam.
Đầu tiên, phải hoan nghênh tinh thần yêu nước của các du học sinh đang học tập ở nước ngoài. Dù ở đất nước bạn xa xôi, lạ nước lạ cái nhưng vẫn dũng cảm lên tiếng vì chủ quyền biển đảo Việt Nam. Điều đó phản ánh ý thức, suy nghĩ và sự quan tâm của mỗi người con Việt Nam với chủ quyền Tổ quốc thiêng liêng. Dù hòa nhập với văn hóa phương Tây nhưng không “hòa tan”, vẫn tỉnh táo đấu tranh vì quyền lợi của quốc gia và dân tộc. Một chuyên gia về Trung Quốc đã từng nhấn mạnh rằng: “Nhận thức, chứ không phải bất cứ điều gì khác, là thứ nguy hiểm nhất trên Biển Đông”. Nếu như người trẻ Việt Nam không nhận thức rõ vấn đề chủ quyền biển đảo nước mình như việc “đường lười bò” đã ăn sâu vào suy nghĩ của người Trung Quốc thì nước ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong công tác đấu tranh pháp lý và bảo vệ chủ quyền. Vì vậy khi lớp người trẻ lên tiếng, đó là dấu hiệu tốt cho tương lai và vô cùng trân quý cũng như ủng hộ các bạn phát huy hơn nữa tinh thần chủ quyền dân tộc Việt dù ở bất kỳ thời điểm nào và bất kỳ nơi đâu.
Thứ hai, Việt Nam luôn ủng hộ các nước tương trợ lẫn nhau trước tình hình đại dịch Covid-19 đang có nhiều chuyển biến phức tạp. Đặc biệt là Italy, đất nước này gần như là trung tâm bùng nổ dịch ở Châu Âu. Số lượng ca nhiễm gia tăng liên tục, chỉ trong một ngày, số ca nhiễm Covid-19 mới có thể lên đến con số hơn 3.500 người và có 368 người tử vong. Tính đến sáng hôm qua (16/3), tổng số ca nhiễm của nước này đã lên đến 24.747 người, trong đó có 1.809 người tử vong. Trên tinh thần quốc tế tương thân tương ái, Trung Quốc đã cử nhóm chuyên gia y tế đến Italy giúp chống lại dịch bệnh và mang theo 1,8 triệu khẩu trang cùng hàng trăm đơn vị, thiết bị hàng hóa khác để cứu trợ nhân đạo, hỗ trợ Italy trong cuộc chiến chống Covid-19. Mà không chỉ hỗ trợ Italy, Trung Quốc còn gửi cho Tổ chức Y tế thế giới 20 triệu USD như một phần đóng góp cho những nỗ lực toàn cầu nhằm ngăn chặn dịch Covid-19.
Theo thông tin được biết “nhiều bác sĩ và chuyên gia y tế Italy mong muốn đến sân bay để cảm ơn các đồng nghiệp Trung Quốc”, cũng đúng thôi, có 3 loại người không bao giờ được quên trong cuộc sống đó là người đã giúp đỡ bạn trong những lúc khó khăn, người đã bỏ mặc bạn trong những lúc khó khăn và người đã đẩy bạn vào trong những khó khăn. Trong trường hợp này, Trung Quốc vô cùng đạo mạo khi khoác cái vỏ bọc “giúp đỡ người trong những lúc khó khăn” khiến bao người dân và Chính phủ Italy cảm động khôn nguôi. Nhưng chẳng ai ngờ được khi tất cả đang mềm lòng với Trung Quốc thì cũng là thời điểm đất nước vốn dĩ chẳng cho không ai cái gì bao giờ để lộ nguyên hình “đuôi cáo” của mình. Tham vọng độc chiếm biển Đông đi cùng với nét vẽ “đường lưỡi bò” trên bản đồ của Trung Quốc. Phải chăng Trung Quốc nhân cơ hội cứu trợ này để kêu gọi Italy ủng hộ cho yêu sách chủ quyền phi lý của mình trên biển Đông?
Trung Quốc luôn có những chiến lược rất nguy hiểm mà bên ngoài tưởng chừng như vô hại. Nếu không hiểu sâu về họ thì rất khó nhận biết. Điển hình như việc tận dụng “nước đục” là tình hình dịch CoVid-19 diễn biến phức tạp, các nước đang bận bịu, khẩn trương chống dịch, đồng thời lợi dụng luôn việc cứu trợ nhân đạo Italy thì gã hàng xóm của Việt Nam đã tranh thủ đi truyền bá cho cái yêu sách vốn dĩ đã bị Tòa án quốc tế bác bỏ từ lâu. Đây là một bẫy pháp lý rất nguy hiểm và may mắn người Việt Nam đã phát hiện và taọ ta làn sóng phản đối. Nếu như hôm nay các cô cậu học sinh không kịp thời tiếng thì có lẽ dần dà những người bạn Châu Âu sẽ nhầm tưởng và không còn tôn trọng chủ quyền biển đảo Việt Nam nữa. Nguy hiểm hơn, nếu hôm nay, Trung Quốc tuyên truyền như vậy với Italy không vấp phải sự phản đối mạnh mẽ thì tương lai Trung Quốc sẽ dựa vào cái cớ đó để mà nói rằng thế giới đã chấp nhận điều đó rồi. Vì vậy, hành động phản đối của người Việt không chỉ vạch trần sự gian xảo, bản tính tham lam, “mượn gió bẻ măng” của Trung Quốc mà còn tạo nên chứng cứ pháp lý để Việt Nam tiếp tục đấu tranh với Trung Quốc trong thời gian tới.
Từ trước đến nay, đại diện phát ngôn Bộ Ngoại giao nước ta đã liên tục khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông được xác lập phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982. Đây là một thực tế không thể thay đổi và cần được tôn trọng”. Mặc cho nhưng tuyên bố cứng rắn từ phía Việt Nam, Trung Quốc vẫn ngang nhiên truyền bá “đường lưỡi bò” ở khắp mọi nơi. Họ tận dụng mọi cơ hội, sử dụng chiêu trò xảo quyệt, hết sức tinh vi để lồng ghép thông điệp chủ quyền phi lý trên biển Đông. Còn nhớ vào tháng 5/2018, một đoàn du khách Trung Quốc bị phát hiện mặc áo thun in hình “đường lưỡi bò” ngay tại sân bay Cam Ranh, Khánh Hòa. Tháng 9 cùng năm, bộ sách Wow! – Những bí mật kỳ diệu dành cho học sinh của tác giả Trung Quốc, dành cho học sinh từ 6 đến 16 tuổi cũng bị phát hiện có hình ảnh minh họa “đường lưỡi bò”. Không dừng lại ở đó, “đường lưỡi bò” còn xuất hiện trong phim ảnh (“Điệp viên Biển Đỏ”, “Người Tuyết”), ấn phẩm du lịch tại Hội chợ Triển lãm Du lịch quốc tế tại TP.HCM, bản đồ định vị xe Volkswagen, bản tin kênh truyền hình thể thao ESPN (Mỹ)…
Nói để thấy, sự việc Trung Quốc tung ra hình ảnh thể hiện tinh thần tương trợ giữa nước này với Italy có bản đồ ‘đường lưỡi bò” là hành vi có dụng tâm, thể hiện tham vong đã có có từ bấy lâu nay của Trung Quốc. Thế nên, cách đối phó với những chiến dịch truyền bá ngang ngược này của Trung Quốc là “phải có chiến lược tuyên truyền ngược trở lại cho thế giới nói chung và người Trung Quốc nói riêng để hiểu được đâu là lẽ phải, đâu là công lý”. Và trên hết, cộng đồng quốc tế cần phải cảnh giác với “nắm gạo khi đói” mà Trung Quốc quăng cho.
Đặng Trường
Nguồn: Cánh cò