Chỉ khi hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại mới phát huy được tiềm năng sáng tạo, nhiệt huyết làm giàu của doanh nhân và người lao động.
Việt Nam đã ký 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các quốc gia và các liên minh quốc gia, trong đó có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và EU (EVFTA).
Có người ví các FTA như là những “xa lộ” để Việt Nam hội nhập với kinh tế thế giới, với các nền kinh tế phát triển và các quốc gia trong khu vực. Đây cũng là những xa lộ để Việt Nam tăng tốc bứt phá, thoát khỏi tình trạng tụt hậu để trở thành nước công nghiệp.
Ví von này rất sát thực. Trong xu thế toàn cầu hóa về kinh tế, khoa học, công nghệ phát triển như vũ bão, các FTA đúng là những “xa lộ” đưa quốc gia tiến nhanh trên con đường hội nhập và phát triển với thế giới văn minh.
Tuy nhiên, để đủ năng lực hòa nhập được với cuộc đua trên các “xa lộ” FTA, nhất là các FTA ký với các quốc gia có nền kinh tế phát triển và những thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản, Australia… đòi hỏi các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phải có bước đột phá trong việc tự hoàn thiện, nâng cấp chính mình.
Các quốc gia tham gia ký kết các FTA thế hệ mới, mà Việt Nam cũng là thành viên, đều là những nền kinh tế thị trường hiện đại.
Tham gia các FTA thế hệ mới đòi hỏi doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh.
Vì vậy muốn tham gia vào cuộc đua trên các “xa lộ” FTA, công việc đầu tiên và quan trọng nhất của Việt Nam là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại. Để làm được điều này, không có cách nào khác là đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế, cụ thể là mạnh dạn loại bỏ những gì còn ràng buộc, cản trở bởi mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây; thiết lập, bổ sung, thay đổi hệ thống văn bản pháp luật, trước hết là các văn bản pháp luật đóng vai trò tiền đề cho việc thực hiện cải cách kinh tế, thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế nước ta sang kinh tế thị trường đầy đủ và hiện đại.
Chỉ khi hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại mới phát huy được mọi tiềm năng của đất nước, trước hết là tiềm năng sáng tạo, nhiệt huyết làm giàu của doanh nhân và người lao động. Đây là điều kiện rất quan trọng đảm bảo cho Việt Nam đủ khả năng đua tốc trên các “xa lộ” FTA.
Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang còn một số rào cản không chỉ kìm hãm sự phát triển nền kinh tế quốc gia mà còn cản trở quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam với thế giới. Những rào cản đó là:
Quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước còn quá chậm chạp, đã nhiều lần lỡ hẹn thời gian hoàn thành. Hàng triệu tỷ đồng vốn của Nhà nước không được sử dụng hiệu quả nhất, không phát huy được tác dụng hoặc phát huy tác dụng rất hạn chế đối với nền kinh tế quốc gia.
Không chỉ có vậy, sự chậm trễ đó còn làm thất thoát, lãng phí tài sản của nhà nước, cản trở quá trình hội nhập của nền kinh tế Việt Nam với thế giới và làm ảnh hưởng tới niềm tin với các quốc gia, các cộng đồng kinh tế ký các FTA với nước ta.
Trong khi đó, do thiếu vốn chúng ta phải thực hiện các chính sách ưu đãi (thực chất là chấp nhận thua thiệt) để huy động vốn từ các doanh nghiệp nước ngoài (FDI).
Sau hơn 30 năm thực hiện chủ trương “rải thảm đỏ” để mời gọi FDI đầu tư vào Việt Nam, nước ta đã thu hút được nguồn vốn khá lớn, góp phần rất quan trọng đối với tỷ lệ tăng trưởng GDP hàng năm cũng như quy mô của nền kinh tế.
Tuy nhiên, việc ưu đãi các doanh nghiệp FDI và kinh tế nhà nước tự thân nó đã kìm hãm thành phần kinh tế tư nhân trong nước.
Để Việt Nam có nền kinh tế phát triển bền vững, chúng ta không thể mãi phụ thuộc vào nguồn đầu tư từ FDI mà phải xác định kinh tế tư nhân trong nước là chìa khóa cho động lực phát triển và đảm bảo tính tự chủ của nền kinh tế quốc gia. Đây là nguyên lý mang tính phổ quát của kinh tế thị trường. Vì vậy, bên cạnh việc rải thảm đỏ mời gọi FDI, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân và các doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Cần nhận thức đúng vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân và doanh nghiệp tư nhân trong nước đối với sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Tất cả các nước có nền kinh tế thị trường phát triển đều xác định kinh tế tư nhân và doanh nghiệp tư nhân trong nước là xương sống, là động lực của nền kinh tế.
Thực tiễn mấy trăm năm hình thành, phát triển của kinh tế thị trường ở châu Âu, Bắc Mỹ, … cho thấy quan điểm này hoàn toàn đúng và được xác định đó là nguyên lý cơ bản của kinh tế thị trường, đến nay nguyên lý đó vẫn còn nguyên giá trị.
Trong khi đó, nước ta trải qua gần 35 năm thực hiện đường lối Đổi mới, chuyển từ mô hình kinh tế kế hoạch hóa, tập trung sang mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong một thời gian dài chưa đánh giá đúng vai trò, vị trí của doanh nghiệp tư nhân trong nước. Dù đã có Nghị quyết 10, song đến nay quy mô cũng như vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế quốc gia còn rất khiêm tốn; năng suất lao động thấp, ứng dụng khoa học công nghệ hạn chế, thiếu liên doanh liên kết, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sức cạnh tranh… Không những vậy, có những giai đoạn số lượng doanh nghiệp tư nhân năm sau thấp hơn năm trước.
Tóm lại, dù hơn ba thập niên sau Đổi mới đã trôi qua, nhưng kinh tế tư nhân trong nước vẫn còn đang trong giai đoạn “sơ sinh” so với kinh tế nhà nước và FDI. Nền tảng cạnh tranh cho kinh tế thị trường vẫn còn chưa chắc chắn.
Vào thời điểm tháng 1/2017, cả nước có 517. 924 doanh nghiệp tư nhân hoạt động, nhưng trước đó 8 năm (2008), chúng ta đã có 800.000 doanh nghiệp tư nhân hoạt động. Không những vậy, quy mô doanh nghiệp tư nhân Việt Nam ngày càng nhỏ, chiếm trên 98% tổng số doanh nghiệp. Trong số doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ là chủ yếu (chiếm khoảng 75%) [1]. Tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp tư nhân trong nước vào GDP năm 2017 chỉ chiếm 8,64% [2].
Thực trạng kinh tế tư nhân và doanh nghiệp tư nhân trong nước đang là thách thức rất lớn khi Việt Nam tham gia đua tốc trên các “xa lộ” FTA.
Muốn kinh tế tư nhân và doanh nghiệp tư nhân phát triển thì phải “Trả lại quyền tự do kinh doanh cho người dân”, đây không chỉ là khẳng định của TS. Nguyễn Đình Cung nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương [3], mà đã được hiến định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” (Điều 23 Hiến pháp năm 2013).
Với việc hàng loạt FTA Việt Nam đã ký kết, đồng nghĩa đã mở ra hàng loạt “xa lộ” cho đất nước hội nhập và phát triển.
Tuy nhiên, để đủ điều kiện vận hành, cạnh tranh bình đẳng và không bị tụt lại phía sau, không bị thua thiệt trong cuộc đua tốc độ trên các “xa lộ” đó, Việt Nam phải dỡ bỏ hoàn toàn những rào cản của mô hình kinh tế kế koạch hóa tập trung, trước hết là lối tư duy và phương thức quản trị nhà nước; đẩy mạnh cải cách nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại; mở đường cho kinh tế tư nhân và các doanh nghiệp tư nhân phát triển, để nước ta có các tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ của khu vực và thế giới.
Chỉ có như vậy, Việt Nam mới hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và khát vọng “Vì một Việt Nam hùng cường” mới trở thành hiện thực.
Nguyễn Huy Viện
[1].https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/can-tra-lai-cho-dan-quyen-tu-do-kinh-doanh-da-duoc-hien-dinh-620016.html
[2].https://laodong.vn/kinh-te/kinh-te-tu-nhan-chiem-ti-trong-lon-nhat-trong-gdp-cua-vn-635749.ldo
[3].https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/tra-lai-quyen-tu-do-kinh-doanh-cho-nguoi-dan-610739.html
Nguồn: Tuần Việt Nam