Mình không phải là bác sĩ, cũng không phải là chuyên gia dinh dưỡng nhưng mình thấy khá buồn cười khi một tờ báo lớn như VietnamNet lại đăng một bài báo phản khoa học đến thế. Cho đến giờ thì bài báo đã được chỉnh sửa tiêu đề và nội dung (chắc là do đọc được ý kiến phản hồi của người đọc). Tuy nhiên, tên bài trong link gốc vẫn lưu trên Google.
Hôm 2/2/2020, VietnamNet đăng bài “Người đàn ông khỏi viêm phổi do corona nhờ uống 25 lít nước 1 ngày“, trong đó mô tả một người đàn ông 49 tuổi họ Trần đến từ Bình Hương, Giang Tây, Trung Quốc đã trở về từ Vũ Hán vào đầu tháng 1/2020. Sau vài ngày, ông Trần bắt đầu cảm thấy cơ thể không thoải mái, xuất hiện tình trạng ho và viêm phế quản, bị sốt với nhiệt độ cơ thể cao tới 39,4°C. Ông Trần sau khi vào bệnh viện kiểm tra, phát hiện tổn thương phổi biến đổi nguy hiểm, còn xuất hiện triệu chứng tức ngực, khó thở và giảm độ bão hòa oxy trong máu. Được chẩn đoán chính xác là nhiễm virus corona, ông Trần được chuyển đến phòng cách ly của Khoa truyền nhiễm Bệnh viện nhân dân thứ 2 thành phố Bình Hương vào ngày 21/1. Và sau 2 phác đồ điều trị 6 ngày 6 đêm không thành công, ông Trần đã phải uống 25 lít nước mỗi ngày và nhờ đó ông đã khỏi bệnh. Sau nhiều lần tiến hành kiểm tra, bệnh viện đã các nhận không còn virus corona trong cơ thể, ngày 26/1 ông được xuất viện, ông trở thành bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán đầu tiên được xuất viện tại Bình Hương.
Nói thật, tôi không tin câu chuyện hoang đường này vì nó phản khoa học.
Một người bệnh sốt 6 ngày 6 đêm không thể dung nạp được 25 lít nước một ngày. Và nếu dung nạp 25 lít nước trong một ngày chắc chắn ông ta sẽ chưa kịp chết vì Corona thì đã chết vì ngộ độc (nhiễm độc) nước.
Những kiến thức tối thiểu về uống nước đầy rẫy trên mạng và ta không khó để học ở đó. Những gì tôi gõ trên mạng cho thấy, trong điều kiện bình thường, lượng nước cần cho một kg cơ thể là 40 ml, nên một người nặng 50 kg uống 2 lít nước mỗi ngày là đủ. Tuy nhiên bạn không nhất thiết phải áp dụng quá chính xác cho công thức này mà cần ”lắng nghe” nhu cầu của cơ thể hoặc quan sát nước tiểu, nếu thấy có màu vàng đậm tức là bạn đang bị thiếu nước. Xem hình:
Nhiều người thường thắc mắc ”Một ngày uống bao nhiêu nước là đủ?”, đa phần đều nghĩ rằng ”Uống càng nhiều càng tốt”. Thực tế không phải vậy. Các chuyên gia khuyến cáo ”nhiều quá cũng không tốt”. Uống quá nhiều nước trong một ngày sẽ gây áp lực cho thận, khiến cơ quan này phải làm việc nhiều, nó cũng gây loãng các chất điện giải trong máu, lượng natri hạ thấp kéo theo nhiều hệ lụy dễ khiến bạn bị “ngộ độc nước”.
Theo tài liệu y khoa thì nhiễm độc nước (còn được gọi là ngộ độc nước) là sự gián đoạn chức năng não do uống quá nhiều nước. Uống quá nhiều nước sẽ làm tăng lượng nước và pha loãng các chất điện giải trong máu, đặc biệt là natri. Khi nồng độ natri giảm xuống dưới 135 mmol / L, nó được gọi là hạ natri máu.
Natri giúp cân bằng chất lỏng giữa bên trong và bên ngoài tế bào. Khi mức natri giảm do lượng nước dư thừa, chất lỏng dịch chuyển từ bên ngoài vào bên trong tế bào, khiến chúng sưng lên. Khi điều này xảy ra với các tế bào não, nó có thể tạo ra các hiệu ứng nguy hiểm và có khả năng đe dọa tính mạng.
TS vật lý Nguyễn Văn Khải cho biết: Nhiễm độc nước là tình trạng bạn có thể gặp phải khi uống quá nhiều nước cùng lúc. Chúng ta đều biết nước là cần thiết cho cơ thể và nói chung, hàng ngày chúng ta nên uống đủ nước. Nhưng nếu lượng nước đi vào cơ thể quá nhiều và quá nhanh, nó sẽ dẫn tới ngộ độc, thậm chí có thể gây tử vong.
Lý do của việc này là khi nước vào cơ thể quá giới hạn cho phép, nó sẽ làm loãng nồng độ các chất điện giải, đặc biệt là natri, từ đó dẫn tới mất cân bằng điện giải trong cơ thể và làm gián đoạn chức năng của não và thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Khi uống nước quá nhiều khiến thận làm việc liên tục, quá tải, gây nên tình trạng nhiễm độc nước khi tích tụ nhiều nước trong cơ thể, đồng thời gây mất các khoáng chất có lợi cho cơ thể khi thận làm việc không hiệu quả.
Từ những kiến thức trên có thể thấy, câu chuyện mà VietnamNet đăng tải là hoang đường. Bài viết không có tác dụng nâng cao dân trí, trái lại có thể phản tác dụng nếu người đọc tin tưởng và làm theo.
Ong Bắp Cày
Nguồn: Tre làng