Những “hoang tin” liên quan đến virus corona trên môi trường mạng được lan truyền “chóng mặt” khiến người dân cả nước hoang mang, nỗi khiếp sợ mang tên virus corona cũng từ đó tăng gấp nhiều lần…
Nhiều người dùng mạng xã hội lại đăng tải những “tin vịt” không kiểm chứng, dẫn đến thông tin sai lệch bị lan truyền với tốc độ “khủng khiếp” trên môi trường mạng…
Đăng tải thông tin “giật gân”…
Mạng xã hội (MXH) ngày nay trở thành kênh thông tin quan trọng, thúc đẩy quá trình giao tiếp, kết nối, lan tỏa thông tin tốt, nhanh, hiệu quả, góp phần giám sát và phản biện xã hội. Tuy nhiên, MXH cũng chính là “con dao hai lưỡi” nếu sử dụng một cách thiếu trách nhiệm.
Theo thống kê, Việt Nam có 64 triệu người dùng internet, chiếm 67% dân số, trong đó MXH facebook có khoảng 55 triệu tài khoản. Nhiều người dùng MXH thậm chí không cần đọc, không cần hiểu nhưng vẫn cứ chia sẻ, bình luận theo hiệu ứng đám đông.
Những ngày qua, trong bối cảnh khi dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona bùng phát ở nhiều nơi, gây hoang mang trong dư luận bên cạnh những thông tin chính thống được công bố, nhiều người dùng MXH lại đăng tải những “tin vịt” không kiểm chứng, dẫn đến thông tin sai lệch bị lan truyền với tốc độ “khủng khiếp” trên môi trường mạng.
Dường như “thảm họa” mang tên virus corona bắt đầu ám ánh, từ đó trở thành nỗi khiếp sợ cho tất cả mọi người, nhiều người còn bắt đầu nghĩ đến ngày “tận thế” của nhân loại do tốc độ “lây lan” và sự “chết chóc” của loại dịch bệnh này.
Chỉ trong hai ngày 31/1 và 1/2 đã có 6 trường hợp tung tin sai sự thật về dịch virus corona bị xử phạt hành chính tại tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và Bắc Ninh.
Theo đó, tại Thái Nguyên ngày 31/1, chị Minh đăng trên nhóm Zalo thông báo với nội dung “Hiện nay Bệnh viện C đang có 3 bệnh nhân bị nhiễm cúm corona đến từ Vũ Hán, Trung Quốc. Mong các bậc phụ huynh theo dõi trẻ tại nhà, nếu có biểu hiện sốt, sổ mũi… thì cho trẻ đến khám ngay tại các trung tâm y tế gần nhất. Tránh đến những nơi đông người”.
Sau khi đọc được thông tin do Minh đăng tải, chị Trang đã sao chép và đăng tải lên trang Facebook cá nhân đồng thời tiếp tục kêu gọi mọi người “mạnh tay chia sẻ”. Mặc dù sau đó cả hai đã gỡ bỏ thông tin nêu trên nhưng với hành vi tung tin sai sự thật, gây tác động xấu đến xã hội công an đã lập biên bản và xử phạt.
Cũng ngày 31/1, công an thành phố Bắc Ninh xử phạt anh Nguyễn Công Hoàng (38 tuổi) và chị Vũ Quỳnh Mai (25 tuổi) mỗi người 12,5 triệu đồng về hành vi đăng tải nội dung sai sự thật về dịch bệnh viêm phổi.
Theo cơ quan công an, khoảng 23h ngày 30/1, Hoàng đăng trên trang Facebook cá nhân nội dung “Tại Bắc Ninh có hơn 4.000 người Trung Quốc sinh sống và làm việc. Một trong số họ ngày 30/1 đã được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh chuyển tuyến khẩn cấp ra Bệnh viện Nhiệt đới trung ương do nhiễm virus corona khi người này vừa về Trung Quốc ăn tết và quay trở lại Việt Nam làm việc!!! Chuyện xấu nhất xảy ra thì Bắc Ninh sẽ là ổ dịch lớn nhất cả nước”.
Bài viết trên kèm theo hình ảnh được Hoàng chụp tại bệnh viện đã thu hút hàng trăm lượt thích, bình luận và chia sẻ. Với mục đích thu hút nhiều người theo dõi, tăng tương tác để bán hàng online, chị Vũ Quỳnh Mai sau khi đọc được thông tin trên đã sao chép và đăng lại trên Facebook cá nhân.
Tại Vĩnh Phúc, ngày 31/1, công an cũng xử phạt chị B.H.A. (23 tuổi) và chị L.T.P. (28 tuổi) mỗi người 12,5 triệu đồng về hành vi tung tin sai sự thật về diễn biến của dịch bệnh viêm phổi cấp. Tại cơ quan công an, cả hai phụ nữ trên đều xác nhận các thông tin đăng tải trên Facebook cá nhân đều là thông tin không chính xác. Vì thấy các phương tiện thông tin đại chúng đang cảnh báo rất nhiều về dịch bệnh này nên đã vội vàng đưa tin theo trào lưu.
Hành vi đưa thông tin lên mạng nhằm thu lợi bất chính, hoặc gây dư luận xấu làm thiệt hại đến uy tín của cá nhân, tổ chức, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội… tùy theo mức độ nghiêm trọng mà có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm
… có thể bị phạt tù đến 7 năm
Theo Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp, giám đốc Công ty Luật HPVN, tại khoản 3 Điều 64 Nghị định 174/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, các hành vi sau đây bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng: “Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp nội dung thông tin không phù hợp với lợi ích đất nước…”.
Cũng theo Điều 288 Bộ luật Hình sự cũng quy định về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.
Theo đó, hành vi đưa thông tin lên mạng nhằm thu lợi bất chính, hoặc gây dư luận xấu làm thiệt hại đến uy tín của cá nhân, tổ chức, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội… tùy theo mức độ nghiêm trọng mà có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm, Luật sư Hiệp cũng cho biết.
MXH là ảo và diễn biến rất nhanh, thông tin đa dạng cho nên đòi hỏi người sử dụng cần có kỹ năng xử lý thông tin và đánh giá những tác động của MXH lên bản thân. Vì vậy, người dùng MXH phải luôn tỉnh táo trước sự cám dỗ và những thông tin sai lệch, chưa được kiểm chứng.
Nói cho cùng, khi tham gia MXH thì hãy sử dụng một cách có trách nhiệm và văn hóa, đừng vì một vài phút “bốc đồng” muốn làm “anh hùng bàn phím” mà phải để lại những hệ lụy đáng tiếc cho bản thân và xã hội, nhất là những thông tin có thể gây hoang mang dư luận như dịch bệnh do virus corona hiện nay.
Vinh Đức
Nguồn: Tre làng