Bài rất hay, rất đáng đọc trên VnExpress.
nCoV không đủ nhẹ để bay lơ lửng trong không khí, cách lây của nó chỉ có thể qua giọt bắn từ người bệnh, tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy, nói.
Tiến sĩ Lê Quốc Hùng và Phó Giáo sư Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, giải đáp các câu hỏi của độc giả về dịch viêm hô hấp cấp do virus corona mới.
– Bác sĩ có thể chia sẻ kinh nghiệm điều trị hai ca bệnh ở Chợ Rẫy, cùng với khuyến cáo chung cho người dân trước tình hình dịch. (Trần Minh Nguyệt, 42 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội)
– Tiến sĩ Lê Quốc Hùng:
Chào bạn! Như chúng ta biết, hiện chưa có phác đồ điều trị chính thống về diệt virus và thuốc đặc trị virus. Khuyến cáo chung của các nhà khoa học là điều trị hỗ trợ. Tuy nhiên, điều trị khác nhau ở mỗi nơi dựa trên tình trạng của từng bệnh nhân.
Hai trường hợp ở Bệnh viện Chợ Rẫy, một người trẻ tuổi không bệnh và người bố trên 60 tuổi có rất nhiều bệnh nền như tiểu đường, cao huyết áp, suy mạch vành, ung thư phổi đã qua phẫu thuật.
Với người con, chúng tôi đánh giá toàn bộ tình trạng bệnh nhân. Chúng tôi chỉ sử dụng một loại thuốc hạ sốt. Bên cạnh đó là một số biện pháp triệt để như mở rộng cửa tạo luồng không khí tự nhiên, 12 luồng không khí tự nhiên mỗi giờ, nhiệt độ phòng cao, có ánh nắng mặt trời, giảm đời sống virus. Thứ hai, chúng tôi áp dụng biện pháp súc họng bằng dung dịch sát khuẩn. Tài liệu nước ngoài chưa từng đề cập nhưng qua kinh nghiệm điều trị và bằng chứng khoa học về săn sóc bệnh nhân thở máy, chúng tôi áp dụng biện pháp súc họng giúp ngăn ngừa nhiễm trùng, ngăn ngừa virus. Đây là biện pháp khác biệt. Trong các khuyến cáo của WHO cũng chưa từng áp dụng. Chỉ sau 4 ngày điều trị, người con đã chuyển biến tốt. Xét nghiệm sau đó chỉ là bước khẳng định âm tính với virus.
Trong khi đó, người cha nhiều bệnh, phải xét nghiệm mỗi ngày để phán đoán chuyện gì có thể xảy ra, từ đó điều chỉnh lượng thuốc. Một người vừa suy giảm miễn dịch, vừa nhiều bệnh, chỉ cần thay đổi nhẹ cũng ảnh hưởng lớn. Quan trọng nhất là phải theo dõi, áp dụng tất cả kinh nghiệm điều trị lâm sàng để phát hiện sớm biến chứng và ngăn ngừa. Làm sao để giữ sức cho bệnh nhân, cơ thể ổn định, chống lại sự tàn phá của virus.
Với khuyến cáo chung cho người dân, các phương tiện truyền thông đại chúng đã công bố một số phương pháp phòng ngừa như khẩu trang, rửa tay thường xuyên… rất rõ ràng. Mong mọi người tuân thủ các phương pháp để hạn chế tối đa khả năng tiếp xúc trực tiếp với virus.
Thông tin của Bộ Y tế và các ban ngành liên quan đã đưa tin hàng ngày. Người dân nên theo dõi chặt chẽ để nắm bắt sự biến đổi, nhất là với loại virus lạ mà các nhà khoa học chưa có hiểu biết cặn kẽ. Do đó cần theo dõi thông tin liên tục.
Hiện tại, các thông tin tại Việt Nam cũng rất minh bạch, cập nhật nhanh. Bất cứ ca mới nào xuất hiện cũng đã có thông tin cho người dân. Tình hình của từng bệnh nhân cập nhật hàng ngày. Tôi nghĩ đây là thông tin minh bạch không kém các nước phát triển. Do đó, chúng ta không nên tìm đến thông tin không chính thống dẫn đến sai lầm, thất thiệt.
Tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Hữu Khoa.
– Tôi ở TP HCM, con tôi được 3 tuổi, có nên cho bé vào trường học trong thời gian này không? Khả năng bị lây nhiễm cho các bé trong trường mẫu giáo thế nào? Xin cám ơn (Trần Trung Nghĩa, 41 tuổi, 242 Bà Hom, P13, Q6)
– Phó Giáo sư Phan Trọng Lân:
Đối với TP HCM hiện nay hệ thống giám sát kiểm soát của thành phố tốt, các trường hợp xâm nhập đã được phát hiện kịp thời, xử lý triệt để. Do đó, đối với các cháu chưa đi về từ vùng có dịch có thể đến trường. Bố mẹ nên theo dõi các hướng dẫn của ban chỉ đạo quốc gia thành phố để có các ứng xử kịp thời.
Đối với các bé khi đến trường, các thầy cô giáo phải đảm bảo xử lý môi trường bề mặt bằng các dung dịch sát khuẩn cũng như khuyến cáo mạnh mẽ. Những em đi về từ vùng dịch hoặc có biểu hiện nghi ngờ nhiễm nCoV phải được cách ly ở nhà.
– Tôi đã đến công tác tại Thượng Hải, Giang Tô từ tháng 9/2019. Gần đây nhất trên chuyến xe đi Nha Trang tôi đi cùng nhiều khách du lịch Trung Quốc, chuyến đi vào ngày 19/1. Tôi không mang khẩu trang khi đi xe và khoảng cách tiếp xúc với các hành khách Trung Quốc trong phạm vi 2 mét. Hiện tôi thấy lo lắng, rất mong nhận được lời khuyên của bác sĩ. (Thiện, 34 tuổi, TP HCM)
– Tiến sĩ Lê Quốc Hùng:
Cách lây lan của virus là qua đường giọt bắn và qua đường tiếp xúc khi giọt bắn chạm vào vật dụng mà chúng ta chạm phải, khiến virus đi vào đường hầu họng, hô hấp. Bạn lo lắng là đúng nhưng không nên hoảng sợ.
Chúng tôi lấy ví dụ 3 trường hợp mà bệnh viện tiếp nhận: người vợ tiếp xúc với ông chồng trước người con nhưng không phát bệnh. Điều này chứng minh điều gì? Dù khoa học chưa chứng minh yếu tố thuận lợi để nhiễm bệnh, nhưng không phải ai tiếp xúc với người bệnh cũng mắc bệnh. Tôi không nói bạn cứ yên tâm, nhưng vấn đề là trong số những người tiếp xúc có người mắc bệnh và có người không. Với người mắc bệnh, trong vòng 14 ngày, bạn có thể sẽ phát bệnh nếu thực sự nhiễm virus.
Trong vòng 14 ngày này, bạn cần tự theo dõi. Một là xem xem mình có sốt không, ho sổ mũi, đau người hoặc bất cứ bất thường nào, đặc biệt là triệu chứng sốt. Khi khởi phát sốt, có thể là kéo dài, có thể là thành cơn, kèm theo ho, khạc đàm, đau họng, cần phải tới ngay cơ sở y tế để khám bệnh và được theo dõi.
Trong thời gian này, bạn đang lo lắng và nghi ngờ có thể nhiễm bệnh. Do đó, cần tránh đến nơi đông người, để giảm rủi ro phát tán, đặc biệt lưu ý khi tiếp xúc thành viên gia đình. Bạn nên đeo khẩu trang thường xuyên để hạn chế nhiễm bệnh và tránh làm văng giọt bắn, chất thải qua đường hô hấp có thể đem theo lượng virus lớn ra bên ngoài.
– Xin hỏi bác sĩ virus có lan truyền trong không khí hay không? Làm thế nào để phòng ngừa? (Khánh Anh, 28 tuổi, Quận 8)
– Tiến sĩ Lê Quốc Hùng:
Như tôi đã nói có hai con đường lây lan của loại nCoV này. Con đường thứ nhất là tiếp xúc trực tiếp với giọt bắn, con đường thứ hai là đụng chạm, sờ tay vào các chất trong vùng hầu họng của người bệnh, sau đó đưa lên mặt, vùng mũi miệng.
Câu của bạn hỏi liên quan vấn đề virus này có lan truyền trong không khí không, tôi xin trả lời cho bạn rõ, trong y tế chúng tôi phân hai loại: là giọt bắn, bắn trực tiếp từ người bệnh sang người tiếp xúc. Khả năng lây lan phụ thuộc vào việc giọt bắn đi tới đâu, ở đây khoảng cách khoảng 2 mét. Trên 2 mét thì bạn có thể tránh được. Loại thứ hai là khí dung. Kích thước và trọng lượng của một số loại virus rất nhẹ, nó có thể lơ lửng trong không khí khi mình ho, nó có thể bị gió thổi bay từ chỗ này sang chỗ khác. Do đó khả năng lây nhiễm bệnh xa hơn, bán kính rộng lớn hơn. Chúng ta cần hiểu rõ hai loại này.
Với câu hỏi của bạn, tôi hiểu là bạn đang hỏi ở loại thứ hai: Liệu nó có thể bay trong không khí không? Tôi xin khẳng định là không có chuyện đó. Virus này không đủ nhẹ để bay. Chỉ khi nào giọt bắn tiếp xúc trực tiếp với bạn thì mới có khả năng. Điều này cũng giải thích cho chuyện vì sao mang khẩu trang thông thường cũng có thể ngăn ngừa được, vì khẩu trang có thể cản được giọt bắn.
– Tôi xin phép được hỏi Phó giáo sư Phan Trọng Lân: hiện nay trường học của các con tôi yêu cầu 100% các học sinh đeo khẩu trang trong suốt thời gian học ở trường để tránh lây nhiễm nCov, như vậy có cần thiết không ạ, vì sao? Cảm ơn ông! (Nguyễn Dung, 34 tuổi, Hà Nội)
– Phó giáo sư Phan Trọng Lân:
PGS Phan Trọng Lân. Ảnh: Giang Huy.
Việc sử dụng khẩu trang phải đúng cách trong mọi trường hợp. Sử dụng khẩu trang sai mục đích có thể làm tăng khả năng lan truyền của bệnh dịch. Nên đeo khẩu trang trong những trường hợp: khi chăm sóc tiếp xúc với người bệnh, sau đó bỏ ngay khẩu trang và rửa tay thật sạch; khi cảm thấy mình có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, kể cả các bệnh đường hô hấp mà phải tiếp xúc với người khác.
Cách sử dụng khẩu trang như sau: đeo khẩu trang che kín miệng và mũi, không để khe hở. Khi đeo cần tránh sờ vào khẩu trang. Khi chạm vào khẩu trang đã sử dụng, cần rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sạch… Khẩu trang đang dùng bị hắt hơi hoặc ẩm, phải thay. Đeo khẩu trang một lần và rửa sạch tay sau khi tháo bỏ khẩu trang.
Chú ý, trong khi sử dụng khẩu trang vẫn thực hiện các biện pháp vệ sinh khác phòng ngừa lây lan, khi dùng khẩu trang xong cần tiêu hủy đúng cách. Như vậy, bố mẹ nên biết cách để sử dụng cho con em mình phù hợp.
– Bệnh có lây qua đường ăn uống không? Nếu gặp người nhiễm bệnh thì tiếp xúc trong bao lâu sẽ lây và thời gian ủ bệnh là bao lâu trước khi phát bệnh ra ngoài? (Nguyen Thanh Lan, 22 tuổi, Hà Nội)
– Tiến sĩ Lê Quốc Hùng:
Trước khi trả lời câu hỏi đầu tiên, tôi xin quay lại lịch sử virus này. Corona là một họ gồm nhiều loại virus mà nCoV đợt này là một loại virus biến chủng của nó. Họ virus này thường gặp trong gia súc, mèo, rắn, dơi, lạc đà… Khi biến chủng vì một lý do đặc biệt, nó có thể lây sang người. Do đó, đầu tiên cần hiểu rằng nguồn gốc của nó là động vật, nó có sẵn trong những loài động vật này.
Nếu chúng ta ăn thức ăn không chín, có thể nhiễm bệnh. Do đó, con đường ăn uống là con đường bỏ ngỏ, có thể gặp. Với riêng loại này, chưa có bằng chứng cụ thể là nó lây qua ăn uống, nhưng mình cần hiểu cơ chế như thế. Do đó con đường ăn uống cũng hoàn toàn có thể. Vì vậy, bạn cần chú ý ăn thức ăn chín, không được ăn sống.
Thời gian ủ bệnh biến thiên 1-14 ngày. Một báo cáo gần đây của các bác sĩ Trung Quốc dựa trên 425 bệnh nhân ở Vũ Hán, thời gian ủ bệnh trung bình 5-7 ngày. Ngoài ra, 14 ngày là giới hạn cuối cùng để xác định có bị lây bệnh hay không.
– Người đã nhiễm corona khi được chữa khỏi có bị nhiễm lại nữa không? (Hà Hạnh, 40 tuổi, Giải Phóng, Hà Nội)
– Phó giáo sư Phan Trọng Lân:
Đối với virus corona mới này bệnh nhân xuất viện khi có chỉ số lâm sàng về bình thường, hết sốt 3 ngày và đặc biệt sau 2 lần xét nghiệm liên tiếp âm tính thì được kết luận khỏi bệnh. Tuy nhiên đây là một bệnh mới, do đó vấn đề miễn dịch, vấn đề mắc lại cần được tiếp tục nghiên cứu.
– Cho tôi hỏi trên thị trường hiện nay có rất nhiều hãng và công ty sản xuất khẩu trang, vậy chất lượng có bảo đảm không và xài loại nào cho đúng. (Bùi Bảo Quốc, 55 tuổi, quận 4, TP HCM)
– Tiến sĩ Lê Quốc Hùng:
Để phân loại chính xác, trong y tế có ba loại khẩu trang: nhân viên y tế thông thường, khẩu trang phẫu thuật và khẩu trang phòng chống dịch bệnh như nCoV đợt này.
Trong ba loại, chỉ có khẩu trang N95 ngăn ngừa 95% virus vào hầu họng, vì thiết kế khẩu trang này có kích thước lỗ đủ nhỏ để ngăn ngừa virus. Còn hai loại kia không có khả năng phòng chống khi chúng ta tiếp xúc nguồn lây bệnh.
Tuy nhiên các loại khẩu trang khác cũng có tác dụng phòng ngừa. Bởi vì trong các dịch như thế này, trong quá trình chưa phát bệnh, virus có thể vào hầu họng và khi mình ho, hắt hơi sổ mũi, thậm chí nói lớn… giọt bắn có thể mang theo virus ra ngoài. Việc mang khẩu trang giúp ngăn sự phát tán của virus ra ngoài. Cộng hưởng với việc, người chưa bị bệnh cũng đeo khẩu trang thì có thể ngăn cản một phần. Do đó cùng lúc, mình mang khẩu trang cho cả người bệnh lẫn không bệnh, có thể có hiệu quả ngăn ngừa. Vì vậy các bạn vẫn nên sử dụng khẩu trang, kể cả các loại thông thường.
– Bác sĩ cho hỏi: nguy cơ lây nhiễm khi ngồi cùng hàng ghế với hành khách nghi vấn đến từ Trung Quốc trên cùng chuyến bay có cao không? Vào ngày 29/1, tôi có bay chuyến HN-SG được xếp chỗ ngồi cạnh một du khách nói tiếng Trung. Tôi có mang khẩu trang và sử dụng dung dịch nước rửa tay diệt khuẩn trên chuyến bay. Hiện tại cơ thể bình thường không có dấu hiệu sốt, chảy mũi hay viêm họng tuy nhiên do thời gian ủ bệnh có thể lên tới 14 ngày trước khi khởi phát nên rất lo lắng. Bác sĩ có thể tư vấn những bước tiếp theo nên làm (có cần phải đi khám và làm xét nghiệm không, nếu có nên đến đâu). Xin cảm ơn. (Anh Do)
– Phó giáo sư Phan Trọng Lân:
Đối với bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus mới này lây nhiễm cao khi bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng như sốt, ho. Nếu chưa ở giai đoạn khởi phát, nguy cơ thấp. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề là người chưa có biểu hiện lâm sàng cũng có thể lây nhiễm. Do đó, tốt nhất theo dõi trong vòng 14 ngày kể từ 29/1, tránh tiếp xúc với những người thân khi không cần thiết, nếu cần phải đeo khẩu trang và cách 2 m. Khi có biểu hiện sốt ho, cần đến cơ sở y tế.
– Thưa Phó giáo sư Phan Trọng Lân và Tiến sĩ Lê Quốc Hùng, tôi xin được hỏi có thông tin cho rằng: nCoV không phát triển và sống được ở môi trường nhiệt độ trên 20 độ C có đúng hay không? Xin được giải thích rõ? (Lê Hoài Sơn, 46 tuổi, 06 Trần Nhật Duật, huyện CưMgar , tỉnh Đắk Lắk)
– Tiến sĩ Lê Quốc Hùng:
Đặc tính rõ nét của nCoV cho đến nay chưa có thông tin chính thức là ở nhiệt độ nào thì nó bị tiêu diệt. Đây là một chủng trong dòng họ coronavirus, do đó có đặc tính chung của dòng này. Đó là phát triển ở nơi có nhiệt độ thấp và ẩm, thường dưới 25 độ C, chung cho cả dòng coronavirus.
Nhiệt độ ở Việt Nam, cụ thể TP HCM trên 28 độ C là một sự hạn chế với virus này. Điều này cũng đồng nghĩa với “thiên thời”, giúp ngăn dịch bùng phát mạnh hơn. Sau khi ra khỏi vùng hầu họng của người mang bệnh, virus có thể sống trong giọt bắn của người bệnh, nếu nhiệt độ thấp, thì sức sống của nó rất lâu đến vài giờ. Trong môi trường vừa có nắng, vừa nhiệt độ cao, thì chỉ trong 3-5 phút nó có thể bị tiêu diệt, giúp khả năng lây nhiễm giảm đi nhiều.
– Coronavirus chủng nCoV là gì, nguồn gốc của nCoV? Cơ chế của nCoV lây nhiễm thế nào? (Chu Minh Đức, 24 tuổi, Đông Anh, Hà Nội)
– Phó giáo sư Phan Trọng Lân:
Virus corona là tên gọi chung cho một chủng virus gây bệnh trên cả động vật và con người, với tên gọi đặc biệt corona-vương miện (trong tiếng Latinh) được dựa trên hình thái giống vương miện của virus này dưới kính hiển vi. Trước khi 2019-nCoV xuất hiện, corona virus gây bệnh trên người 6 loại, trong đó nổi bật nhất là SARS-CoV năm 2003 và MERS-CoV năm 2012, 2015 gây ra các vụ dịch lớn trên thế giới. Bốn chủng virus corona khác gây bệnh cảnh nhẹ với các triệu chứng nhẹ tương tự cảm cúm.
2019-nCoV có bộ gene tương đồng 89% với SARS-CoV và tương đồng 96% với loài corona virus trên dơi. Điều này gợi ý virus có thể có nguồn gốc từ dơi và có cơ chế gây bệnh giống SARS, nhưng không phải SARS. Thực tế cho thấy bệnh cảnh gây ra bởi nCoV nhẹ hơn nhiều so với SARS-CoV.
Bằng chứng hiện nay cho thấy 2019-nCoV lây truyền chính người sang người qua các giọt bắn đường hấp (droplets) hoặc qua các tiếp xúc gần, tương tự như bệnh cúm và các mầm bệnh đường hô hấp khác. Bất kỳ ai tiếp xúc gần (trong vòng 2 mét) với người có triệu chứng hô hấp (hắt hơi, ho…) đều có nguy cơ tiếp xúc với các giọt hô hấp bị lây nhiễm. Những người tiếp xúc gần có thể là người trong gia đình, đồng nghiệp, người đi cùng tàu xe, đặc biệt là nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân và người chăm bệnh. Sự lây nhiễm qua nhân viên y tế đã được ghi nhận tại Vũ Hán, Trung Quốc (với 16 trường hợp đã báo cáo); và cho đến nay dịch trong cơ sở y tế chưa được ghi nhận. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hệ số lây truyền của nCoV là 1,4-2,5, nghĩa là một bệnh nhân có thể lây nhiễm 1,4 đến 2,5 người khác thông qua giọt bắn hoặc tiếp xúc gần.
Ngoài ra, virus cũng có thể bị lây từ việc gián tiếp khi ai đó chạm tay vào một vật như mặt bàn ghế, giường bệnh, vật dụng mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi, mắt họ. Hiện chưa có nghiên cứu đầy đủ về khả năng tồn tại ở môi trường của 2019-nCoV. Về mặt lý thuyết thì virus corona, ví dụ như SARS-CoV, có thể sống sót bên ngoài cơ thể tương đối bền vững, nhất là trong điều kiện nhiệt độ thấp, thời tiết mát và lạnh. SARS-CoV có thể tồn tại tới 3-4 ngày trên các vật liệu gỗ, vải, giấy, kim loại, da; 4-5 ngày trong nước bọt và chất thải của bệnh nhân. Virus có thể tồn tại với độ lực cao ở 4-20 độ C trong 5 ngày; chỉ mất khả năng lây nhiễm sau 30 phút (ở 56 độ C). Tia cực tím (UV) và các hóa chất khử trùng y tế ở nồng độ thông thường có thể diệt được virus trong vòng 60 phút.
– Thưa tiến sĩ Hùng, những người mới nghi ngờ nhiễm virus corona đưa vào phòng cách ly thì khả năng chưa nhiễm có thể bị lây từ người đã bị nhiễm. Tôi đang băn khoăn việc này. Cám ơn tiến sĩ. (Loc Vo, 35 tuổi, Q3, TP HCM)
– Tiến sĩ Lê Quốc Hùng:
Quy trình của chúng tôi trong một bệnh viện là khi bệnh nhân tới sẽ được nhân viên y tế tiếp nhận và thăm khám từ đầu. Nếu có yếu tố nghi ngờ nhiễm bệnh, ngay lập tức sẽ được đưa vào khu vực sàng lọc. Tại đây, chúng tôi tiến hành phân loại nhanh người nào thực sự có nguy cơ nhiễm bệnh. Sau đó, bệnh nhân không có nguy cơ nhiễm bệnh sẽ được giải phóng ngay. Còn bệnh nhân nào nghi ngờ thì đưa vào chuyên khoa. Tại các khoa, có các phòng khác nhau, đầu tiên là phòng cho bệnh nhân nghi ngờ.
Đừng quá lo lắng nếu bạn vào phòng cách ly ở cùng người bệnh. Nhân viên y tế của tôi rất hiểu và có cách phòng tránh. Đó là đeo khẩu trang đặc biệt để phòng chống lây lan cho người khác, cung cấp dịch rửa tay liên tục, các bạn sẽ ở cách xa nhau trong khoảng cách cho phép. Với nCoV thì tối thiểu là trên hai mét. Ngoài ra các biện pháp phòng ngừa cá nhân cũng được áp dụng triệt để.
Sau khi có kết quả xét nghiệm, bệnh nhân sẽ đưa vào cách ly tuyệt đối. Còn những người còn lại, kết quả âm tính, sẽ được đưa ra khỏi phòng cách ly ngay, dĩ nhiên là các bước khử khuẩn sẽ được áp dụng. Song song, nhân viên y tế cũng sẽ khử trùng phòng liên tục bằng các phương pháp chuyên môn.
Do đó, xin khẳng định việc bị lây nhiễm nếu ở chung phòng với người bệnh, ở trong bệnh viện, là rất khó xảy ra.
– Thưa ông, chủng nCoV giống và khác với virus MERS hoặc SARS như thế nào? (Ngọc Nga, Hà Nội) (Nguyễn Kim Dung, 30 tuổi, Hà Nội)
– Phó giáo sư Phan Trọng Lân:
Bước đầu cho chúng ta thấy nCoV có cơ chế xâm nhập tế bào tương tự virus SARS.
Tuy nhiên, có sự khác biệt về sự lây truyền bệnh trong khi nCoV hiện nay cho thấy một người có thể lây cho 2 người (2,2) khác thì ở SARS lây truyền từ một người có thể cho gần 3 người (2,7).
Ngoài ra tỷ lệ tử vong cũng có sự khác biệt giữa nCoV và SARS lần lượt là 2,2% so với 10% – chênh lệch gần 5 lần. Nhóm đối tượng nguy cơ tử vong của nCoV là người già và bệnh mạn tính, còn trên SARS là tăng lên dần theo độ tuổi.
Thời gian ủ bệnh cũng là một yếu tố rất được quan tâm và cũng có sự khác biệt rõ ràng. SARS ủ bệnh 5 ngày (dao động 2-10 ngày) còn nCoV 6,1 ngày (dao động 3,8-9,7 ngày).
Điều quan trọng với các bằng chứng bước đầu cho thấy nCoV nhiễm không triệu chứng, có thể lây truyền ngay cả khi chưa có biểu hiện triệu chứng, trong khi SARS có rất ít trường hợp nhiễm bệnh không triệu chứng. Gene của nCoV cũng được phát hiện ở hệ thống giám hội chứng cúm ILI.
– Dạ cho con hỏi là độ tuổi nào bị chịu tác động của virus corona nhiều nhất. Con xin cảm ơn ạ. (Tranhong an, 30 tuổi, Quận 12)
– Tiến sĩ Lê Quốc Hùng:
Từ 15-60 tuổi là nhóm bệnh nhân thường bị mắc bệnh nhất, theo báo cáo trên hơn 400 bệnh nhân ở Vũ Hán. Đây là điều dễ hiểu vì đây là nhóm tuổi lao động, thường xuyên giao lưu tiếp xúc bên ngoài.
Gần đây có một số báo cáo về các ca nhiễm bệnh là em bé nhỏ. Đây là do tăng cường lây lan giữa người sang người. Những người đi làm việc về nhà không tuân thủ biện pháp phòng ngừa cá nhân có thể lân lan cho các em nhỏ.
Lứa tuổi nào có nguy cơ biến chứng nhất? Đương nhiên là trẻ em và người già, nhất là những người có bệnh mạn tính. Vì trẻ nhỏ sức đề kháng chưa hoàn thiện, dễ bị bùng phát mạnh hơn. Người lớn tuổi sức đề kháng lại yếu, khả năng biến chứng mạnh hơn.
Tóm lại, lứa tuổi dễ mắc là nhóm lao động. Nhưng lứa tuổi dễ bị biến chứng là trẻ em và người lớn tuổi, đặc biệt là người có các bệnh mạn tính kèm theo.
– Nguy cơ lây nhiễm virus corona của việc sử dụng bát đĩa đũa khi ăn ở hàng quán có thể xảy ra không? Và nếu có thể thì cách phòng tránh như thế nào? (Hien Minh, 32 tuổi, hanoi, Hoang Mai)
– Tiến sĩ Lê Quốc Hùng:
Chưa có báo cáo hay bằng chứng cụ thể về virus lây lan qua dụng cụ ăn uống thông thường. Nhưng tôi xin trả lời theo suy luận logic. Khi người bệnh ho, thở, có giọt bắn ra bên ngoài, bắn vào các vật dụng, dụng cụ, bao gồm tô chén đĩa muỗng… Nếu như bạn tiếp xúc phải, rồi chạm lên miệng, mũi… thì khả năng lây nhiễm là có.
Theo tôi, quan trọng nhất vẫn là việc tuân thủ đúng phương pháp phòng hộ cá nhân. Vật dụng nào các bạn nghi ngờ thì không nên tiếp xúc. Còn lại, vật dụng nấu chín ở nhiệt độ 80-100 độ C trong 5 phút thì có thể diệt được virus.
– Nếu tôi bị nhiễm virus corona thì lấy cách chữa bệnh viêm phổi để chữa được không? Cảm ơn! (Đặng Thị Hoa, 36 tuổi, Huyện Hóc Môn)
– Tiến sĩ Lê Quốc Hùng:
Đây là câu hỏi thú vị nhưng khó trả lời. Vì bản thân viêm phổi với y tế chúng tôi có nhiều tác nhân. Thường gặp nhất là do vi trùng, kế đến là do virus và vi nấm. Tất cả tác nhân này đều làm tổn thương niêm mạc phổi, nếu không chữa kịp thời, cơ thể yếu, không có đề kháng, thì nó sẽ tàn phá phổi khiến không thể đảm bảo chức năng hô hấp. Con người ta chết là vì vậy.
Do đó, việc chữa bằng viêm phổi chung chung thì không biết là viêm phổi nào, cần phải nói rõ. Nếu do vi khuẩn thì dùng kháng sinh. Nếu do vi nấm thì dùng kháng nấm. Cỏn nếu do virus thì rất đáng tiếc là phần lớn không có thuốc điều trị. Do đó nếu dùng phương pháp điều trị viêm phổi do vi khuẩn thì kháng sinh hoàn toàn không có tác dụng gì với virus. Nếu dùng thuốc kháng nấm cũng không có tác dụng gì cả. Do vậy, việc tự điều trị tại nhà là hoàn toàn không nên. Cần thực hiện xét nghiệm để xác định nguyên nhân và điều trị.
Xin thông báo thêm cho độc giả, theo thông tin của bài nghiên cứu khoa học từ các nhà khoa học Trung Quốc đăng ngày 30/1, chỉ có 27% người bệnh tới bệnh viện trong vòng 2 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng. Còn lại, đến ngày thứ 5, thậm chí sau một tuần, họ mới tới bệnh viện. Điều này khiến tỷ lệ tử vong cao. Do đó, tốt nhất, các bạn nên đến cơ sở y tế để họ có đủ chuyên môn xét nghiệm và phân loại.
– Tôi vừa đọc thông tin chó mèo vật nuôi cũng có thể trở thành vật trung gian truyền bệnh. Có nghĩa là chó mèo vật nuôi tiếp xúc với người bệnh sau đó chó mèo vật nuôi mang virus ấy truyền cho người. Vậy cho hỏi thông tin đó có chính xác không ah? Xin cám ơn! (halynh1987, 32 tuổi, Q3. Tp HCM)
– Tiến sĩ Lê Quốc Hùng:
Chó mèo động vật trong môi trường hoang dã mới thường có virus. Tất nhiên vẫn có một tỷ lệ nào đó khiến vật nuôi của chúng ta tiếp xúc với môi trường hoang dã, ví dụ nhà chúng ta sống ở miền núi. Còn nếu ở thành phố thì khả năng lây rất thấp.
Tuy nhiên khi bùng phát dịch như ở Vũ Hán, thì chuyện vật nuôi nhiễm rất có thể và đây cũng có thể là nguồn tiếp tục lây lan. Các nhà y tế dự phòng sẽ điều tra để xác định nguồn lây, nếu nghi ngờ thì lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm, từ đó biết có hay không.
Tựu chung lại, tùy thuộc môi trường, địa điểm và hoàn cảnh sống có đang nằm trong vùng dịch hay không. Còn nếu đang trong một thành phố thông thường như TP HCM thì khả năng lây nhiễm vô cùng khó.
– nCoV có sống trong không khí? Tỷ lệ khỏi bệnh, tỷ lệ tử vong do nCoV. So sánh với các dịch bệnh truyền nhiễm khác. (Nguyễn Thảo Ly, 27 tuổi, Hà Đông, Hà Nội)
– Phó giáo sư Phan Trọng Lân:
Với lý thuyết chung về virus corona, ví dụ SARS-CoV có thể sống sót bên ngoài cơ thể tương đối bền vững, nhất là trong điều kiện nhiệt độ thấp, thời tiết mát và lạnh. SARS-CoV có thể tồn tại tới 3-4 ngày trên các vật liệu gỗ, vải, giấy, kim loại, da; 4-5 ngày trong nước bọt và chất thải của bệnh nhân. Virus có thể tồn tại với độ lực cao ở 4-20 độ C trong 5 ngày; chỉ mất khả năng lây nhiễm sau 30 phút (ở 56 độ C). Tia cực tím (UV) và các hóa chất khử trùng y tế ở nồng độ thông thường có thể diệt được virus trong vòng 60 phút. Tuy nhiên, còn nhiều đặc điểm về sự bền vững của virus mới corona chưa được chứng minh trong thực nghiệm.
nCoV gây bệnh trên người với các triệu chứng từ nhẹ như cảm cúm thông thường đến bệnh nặng viêm phổi, suy hô hấp và tử vong. Các dữ liệu giám sát hiện nay cho thấy tỷ lệ bệnh nhân nặng là 16% và tỷ lệ tử vong là 2,2% – nghĩa là 100 người bệnh có 16 người bệnh nặng và hơn 2 trường hợp tử vong. Những trường hợp tử vong hiện nay do 2019-nCoV tập trung chính trên nhóm đối tượng người già, người có bệnh lý nền mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh phổi, ung thư.
Tỷ lệ tử vong do nCoV cao hơn các bệnh nhiễm trùng hô hấp thông thường như cúm mùa (0,15-0,25%). Hiện nay, số ca tử vong liên quan nCoV nhiều một phần do số ca mắc gia tăng rất nhanh. Thực tế khi so sánh với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác cho thấy tỷ lệ tử vong liên quan nCoV thấp hơn rất nhiều với bệnh do coronavirus khác, thấp hơn gần 5 lần so với dịch SARS-CoV-2003 (10%), 17 lần so với dịch MERS-CoV (34,4%) và thấp hơn 30 lần so với cúm gia cầm A/H5N1 (60%) hay 20-35 lần so với Ebola (40-70%).
– Thưa tiến sĩ Lê Quốc Hùng, chủng virus mới này gây viêm phổi như thế nào và nguy hiểm ra sao? Người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và những đối tượng có tiền sử bệnh phổi cần phải lưu ý điều gì để phòng tránh tốt nhất, nếu mắc phải họ sẽ được điều trị như thế nào? (Phu Nguyen, 30 tuổi, Bến Cát Bình Dương)
– Tiến sĩ Lê Quốc Hùng:
Cũng như những câu hỏi trước, nCoV này thuộc dòng họ coronavirus. Trong họ này, hai vụ dịch trước đây là SARS và MERS đều gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt trên bệnh nhân trẻ nhỏ, người già, người có bệnh mạn tính sẵn. Sự tàn phá của nó bởi nói chung có độc lực khá cao. Số lượng người tăng nhanh, cũng như số người tử vong.
Theo báo cáo gần đây, mức độ độc của nCoV cho đến nay chưa vượt quá độc lực của SARS và MERS-CoV. Đây cũng là một điểm mà chúng ta tạm yên tâm. Tuy nhiên, sự thay đổi của nCoV cũng biến thiên nhanh. Lúc ban đầu, chúng ta thấy WHO đánh giá mức độ nặng của nCoV cho rằng đây chỉ là cảnh báo ở khu vực, sau đó là cảnh báo quốc gia. Chỉ sau một thời gian ngắn, đã chuyển sang cảnh báo toàn cầu. Đến giờ, sự hiểu biết đầy đủ chính xác rõ nét về virus này thì cũng chưa chắc 100%.
Tỷ lệ nhiễm bệnh, lây bệnh là 2,2, tức một người lây cho 2,2 người trong giai đoạn đầu (tháng 12 và đầu tháng 1). Cứ mỗi 7 ngày thì tăng gấp đôi số người bị dịch. Đó là giai đoạn đầu. Nhưng tôi thấy hiện nay không còn chính xác. Theo tôi quan sát, số lượng bệnh tăng gấp nhiều lần mỗi ngày chứ không chỉ mỗi tuần. Chính vì vậy, chúng ta phải rất cảnh giác trong vấn đề virus có thể biến đổi chủng trong khi dịch đang diễn ra.
– Kinh nghiệm chống các dịch truyền nhiễm trước đây áp dụng vào dịch viêm phổi nCoV như thế nào? (Bùi Duy Khanh, 45 tuổi, Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội)
– Phó giáo sư Phan Trọng Lân:
Bệnh gây ra do 2019-nCoV là bệnh mới. Do vậy, mục đích đầu tiên là cố gắng làm chậm quá trình xâm nhập, kéo dài thời gian để biết rõ hơn dịch tễ học của bệnh bằng cách phát hiện ca bệnh ngay tại các cửa khẩu. Các cửa khẩu đã triển khai việc tầm soát thân nhiệt hành khách đi về từ vùng dịch qua máy đo thân nhiệt từ xa để phát hiện hành khách biểu hiện bất thường về sức khỏe và tăng thân nhiệt.
Ngoài ra, thực hiện đồng thời hoạt động phát hiện sớm, chẩn đoán đúng ca bệnh trong cộng đồng, từ đó đáp ứng nhanh ngay cả trên các trường hợp nghi ngờ nhằm xác định sớm danh sách người tiếp xúc, theo dõi và phát hiện sớm đưa vào diện ca bệnh nếu có biểu hiện nghi ngờ.
Các trường hợp phát hiện nghi ngờ nhiễm bệnh đều được đưa vào diện cách ly tại cơ sở y tế đến khi hồi phục. Đồng thời, cộng đồng cùng tham gia phòng dịch bằng cách thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa cá nhân.
Để đảm bảo thành công cho công tác chống dịch lần này, cần có sự cam kết chính trị cao nhất, cần sự tham gia đồng bộ từ trung ương đến địa phương cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó y tế đóng vai trò nòng cốt về chuyên môn.
– Nhiều người cho rằng chỉ duy nhất có Viện Pasteur TP HCM có đầy đủ cấu trúc gene virus này và bày tỏ sẵn sàng chia sẻ với giới khoa học thế giới để cùng nghiên cứu nó. Ông nói thế nào về điều này? (Nguyễn Thúy Quỳnh, 25 tuổi, Hà Nội)
– Phó giáo sư Phan Trọng Lân:
Thành tựu khoa học không phải là của riêng cá nhân, tổ chức hay quốc gia nào, mà là của nhân loại, luôn được chia sẻ chung, sớm nhất cho cộng đồng và nhà khoa học có thể để phục vụ cho các công trình nghiên cứu tiếp theo, xa hơn, tiên tiến hơn.
Tuy nhiên phải đảm bảo quyền lợi các bên, các tổ chức quốc tế khi sử dụng vào những mục đích nghiên cứu, công bố, thương mại cũng đều cần sự đồng thuận của nơi gửi đi là Viện Pasteur.
– Tình trạng bệnh nhân hiện như thế nào? Dấu hiệu ban đầu khi phát hiện bệnh? Khi bệnh có những dấu hiệu nguy hiểm nào? Khả năng điều trị là bao nhiêu? Khi bị nhiễm bệnh thì có thể kéo dài tới bao lâu? (Lưu Văn Phúc, 21 tuổi, Bình Dương)
– Tiến sĩ Lê Quốc Hùng:
Tình trạng bệnh nhân hiện như thế nào?
Hai bệnh nhân tại Chợ Rẫy đã hoàn toàn khỏe mạnh. Hai bố con người Trung Quốc âm tính với virus, người bố xét nghiệm âm tính với nCoV hôm 30/1 và cần tiếp tục xét nghiệm lần nữa.
Dấu hiệu ban đầu khi phát hiện bệnh?
Bạn nên nhớ ba triệu chứng quan trọng nhất là sốt, ho và cảm thấy nặng ngực, khó thở.
Khi bệnh, có những dấu hiệu nguy hiểm nào?
Khi bạn có triệu chứng trên thì đã nguy hiểm và cần cách ly điều trị.
Khả năng điều trị là bao nhiêu?
Hiện nay, mỗi nơi sẽ có một mức độ khác nhau. Ví dụ ở Chợ Rẫy tiếp nhận hai ca thì điều trị hết hai ca. Nhưng ở Trung Quốc lượng tử vong lại khá lớn, tỷ lệ chung là không vượt quá 3%. Tuy nhiên sự biến đổi chủng có thể tăng lên rất nhanh, tỷ lệ này có thể tăng lên bất cứ lúc nào. Còn tùy vào việc người dân hiểu biết thế nào, tới bệnh viện sớm hay muộn. Nếu bạn tự điều trị tại nhà và đến bệnh viện quá trễ thì tỷ lệ tử vong cao.
Khi bị nhiễm bệnh thì có thể kéo dài tới bao lâu?
Từ 7-10 ngày, theo kinh nghiệm điều trị của chúng tôi và các bác sĩ ở Trung Quốc.
– Làm thế nào để phân biệt cúm corona với các bệnh hô hấp khác như hen suyễn, viêm họng…? (Trang Hai Dang, 30 tuổi, 588 tỉnh lộ 10 phường bình trị đông quận Bình Tân)
– Tiến sĩ Lê Quốc Hùng:
Câu hỏi này thuộc vấn đề chuyên môn, tuy nhiên bạn có thể phân biệt đơn giản. Là hen suyễn có thể khó thở nhưng không sốt, còn viêm phổi do nCoV thì có sốt trước rồi sau đó có các triệu chứng khác.
– Ông đánh giá như thế nào về thành công của bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị ca nCoV đầu tiên? Tại sao sau thành công này, các chuyên gia ở Pasteur và Chợ Rẫy đã chia sẻ ngay trên tạp chí The New England Journal of Medicine? (Giang Thúy Anh, 40 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội)
– Phó giáo sư Phan Trọng Lân:
Trước đây, khi đa số ca bệnh có liên quan đến chợ hải sản ở Vũ Hán, nCoV được cho rằng chỉ lây truyền từ động vật sang người, và có rất ít bằng chứng về việc lây từ người sang người. Nay, công bố này của Viện Pasteur TP HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy trên tạp chí The New England Journal of Medicine đã chứng minh cho việc lây lan người qua người đầu tiên ngoài Trung Quốc. Công bố này đã góp thêm vào bức tranh dịch tễ học về nCoV trên thế giới.
– Ông bố Trung Quốc bay từ Vũ Hán vào Hà Nội, từ Hà Nội vào Nha Trang sau đó mới sốt, từ Nha Trang vào TP HCM, Long An. Nguy cơ lây nhiễm như thế nào cho từng giai đoạn? Giai đoạn ủ bệnh bao lâu, có nguy cơ lây nhiễm không trong giai đoạn này? Trường hợp nào cần cách ly? Người tiếp xúc với người bệnh, nghi bệnh nhưng không có triệu chứng bệnh, có cần cách ly không? (Nguyễn Thị Thương, 24 tuổi, Thanh Hóa)
– Phó giáo sư Phan Trọng Lân:
Bất cứ lúc nào bệnh nhân còn mang virus gây bệnh thì có nguy cơ lây nhiễm cho người khác. Nguy cơ lây nhiễm tăng cao nhất khi bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng, có dịch xuất tiết.
Trong trường hợp này, những người tiếp xúc gần với 2 bệnh nhân đều đã được lập danh sách, theo dõi hàng ngày. Đến nay, những người tiếp xúc vẫn còn đang trong thời gian theo dõi và trong tình trạng khỏe mạnh.
Sắp tới, Viện Pasteur TPHCM phối hợp với Bệnh viện Chợ Rẫy lấy mẫu xét nghiệm tất cả nhân viên y tế đã chăm sóc cho bệnh nhân để theo dõi và nghiên cứu xác định tình trạng lây nhiễm trong nhân viên y tế nếu có.
– Cần bao lâu thời gian để có kết quả xét nghiệm nCoV, có nên xét nghiệm tất cả người nghi nhiễm không? (Nguyễn Mai Anh, 30 tuổi, Lạng Sơn)
– PGS Phan Trọng Lân:
Với những tác nhân gây bệnh mới phát hiện như nCoV này, kỹ thuật xét nghiệm không ngừng được nghiên cứu phát triển theo tiến bộ khoa học công nghệ. Khi mới định danh ra tác nhân gây bệnh, phải sử dụng kỹ thuật giải mã trình tự gen để chẩn đoán bệnh, mất khoảng 72 tiếng đồng hồ cho một lần chẩn đoán. Chỉ sau đó một tuần, thế giới đã có kỹ thuật chẩn đoán mới chỉ mất khoảng 4-6 giờ bằng kỹ thuật sinh học phân tử (Realtime RT-PCR). Hiện nay, nhà khoa học thế giới đang gấp rút nghiên cứu kỹ thuật xét nghiệm nhanh, có thể chỉ mất không quá 30 phút là có thể cho kết quả chẩn đoán.
– Thưa bác sĩ, nCoV có lây qua giác mạc không ạ? em nghe thông tin này hoang mang quá. (Thu Trịnh, 33 tuổi, Thái Nguyên)
– Tiến sĩ Lê Quốc Hùng:
Về lý thuyết, khi nhiễm virus vào vùng giác mạc, khả năng lây nhiễm vẫn có. Ví dụ nếu trong vòng 2 mét, người nhiễm virus ho trúng vào mắt, virus tiếp xúc giác mạc, thì vẫn có thể lây nhiễm. Còn nếu khoảng cách trên 2 mét thì khả năng rất thấp. Tuy nhiên với nCoV, đến nay chưa có bằng chứng cho con đường lây truyền này.
– Có thể kiểm tra một người nhiễm nCoV bằng cách nào? Và thú cưng có lan truyền nCoV không? Thưa bác sĩ (Nguyễn Mai Ngọc, 28 tuổi, Yên Bái)
– Phó giáo sư Phan Trọng Lân:
Virus corona nói chung có thể truyền từ động vật có vú sang động vật có vú. Thú cưng có thể bị lây nhiễm virus từ động vật hoang dã. Vì vậy cần phải đề phòng với tất cả động vật có vú. Do đó, về mặt lý thuyết, thú cưng thuộc nhóm động vật có vú đều có thể lây truyền virus corona qua người.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng chưa có bằng chứng nào cho thấy vật nuôi như chó và mèo có thể bị nhiễm virus này.
– Bác sĩ vui lòng giải thích rõ mất khả năng lây nhiễm trong 30 phút nghĩa là sao? Như bác sĩ nói ở trên, virus tồn tại đc 3- 4 ngày cơ mà ạ? (Hòa Đặng, 38 tuổi, Hà Nội)
– Tiến sĩ Lê Quốc Hùng:
Tùy theo môi trường, nhiệt độ, các điều kiện về độ ẩm thì nó sẽ có khả năng sống khác nhau. Ví dụ như trong nhiệt độ thích hợp dưới 25 độ C, trong dung dịch, trong các loại nước, virus này có khả năng sống tới một vài ngày. Nhưng nếu trong môi trường ví dụ như có ánh nắng, có tia cực tím, có nhiệt độ lên đến hơn 30 độ, thì khi ra khỏi vùng hầu họng, chỉ cần vài ba phút là nó chết rồi. Vì vậy, thời gian sống của virus này phụ thuộc nhiều vào điều kiện bên ngoài.
– Tôi muốn biết học sinh kể cả trẻ mầm non ngồi trong lớp bị cô giáo bảo đeo khẩu trang 4-5 tiếng liền. Điều này có cần thiết không? Có tác dụng ngược gì không thưa bác sĩ? (Nguyễn Nhật Minh, 36 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội)
– Phó giáo sư Phan Trọng Lân:
Theo Chỉ thị 06 của Thủ tướng, người dân cần đeo khẩu trang tại nơi công cộng và hạn chế du xuân, tham gia lễ hội nhằm phòng tránh bệnh truyền nhiễm và bụi bẩn trong không khí vừa để bảo vệ cho chính người mang và những người xung quanh. Ngoài ra, người dân cần đeo khẩu trang nếu thấy có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh mà phải tiếp xúc người khác, cần đeo khẩu trang; khi chăm sóc người bệnh.
Để phát huy hiệu quả, cần đeo khẩu trang đúng cách. Đeo khẩu trang phải che kín miệng, mũi. Tránh sờ vào khẩu trang khi đang đeo và sau khi sử dụng (như tháo bỏ khẩu trang). Khẩu trang đang dùng bị hấp hơi hoặc ẩm thì phải lập tức thay bằng khẩu trang mới. Loại bỏ khẩu trang ngay sau khi sử dụng.
Người dân cần tuân thủ sử dụng khẩu trang đúng cách theo khuyến cáo của Bộ Y tế trong mọi trường hợp. Việc sử dụng sai mục đích có khả năng làm tăng lan truyền bệnh dịch.
– Mong Tiến sĩ Hùng cho tôi biết một số khuyến cáo trong tình hình hiện nay thì người dân nên lưu ý gì để phòng ngừa cũng như chữa bệnh hiệu quả ạ? Tôi xin cảm ơn! (Ngọc Huyền, 30 tuổi, TP HCM)
– Tiến sĩ Lê Quốc Hùng:
Bên cạnh những thông tin chi tiết như chúng tôi đã đề cập ở trên, tôi xin tóm tắt lại, để đảm bảo sức khỏe cá nhân và góp phần phòng chống dịch tại Việt Nam, mỗi người dân nên có động thái tự trang bị kiến thức và thực hiện các biện pháp phòng ngừa theo hướng dẫn.
Thứ nhất, cần thực hiện đầy đủ và nghiêm túc việc phòng ngừa nhiễm virus theo khuyến cáo do Bộ Y tế đã đưa ra như mang khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch khử khuẩn thường xuyên… Thứ hai, tôi cũng xin nhắc lại, phải theo dõi thường xuyên thông tin để nắm bắt tình hình, diễn biến của vụ dịch; đồng thời cập nhật những thông tin mới về virus, những biện pháp phòng ngừa và điều trị, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới.
Thứ ba, thông tin hiện nay của Bộ Y tế nói riêng và Chính phủ nói chung đang rất minh bạch và kịp thời. Người dân nên theo dõi thông tin trên báo đài chính thống, tránh nghe theo thông tin lan truyền thất thiệt, dẫn đến hiểu biết sai lầm.
Kế đến, nếu không may chúng ta có những triệu chứng nhiễm virus, ngay lập tức đến cơ sở y tế, tránh tự điều trị tại nhà hay dùng phương pháp dân gian, điều này có thể gây biến chứng và làm cho tình trạng bệnh nặng hơn. Khi vào bệnh viện, chúng ta cố gắng phối hợp với nhân viên y tế trong việc cách ly để đảm bảo chữa bệnh hiệu quả cho chính mình và phòng ngừa lây lan cho chính gia đình bạn cũng như cộng đồng.
Xin cảm ơn câu hỏi của bạn, sự quan tâm của quý độc giả trong buổi tư vấn hôm nay. Rất mong độc giả chú ý để giữ gìn, phòng ngừa cho sức khỏe của chính chúng ta, của gia đình và tất cả người xung quanh.
VnExpress
Nguồn: Tre làng