Trang chủ Luận bàn - Phản biện Quyết tâm cải cách của Thủ tướng

Quyết tâm cải cách của Thủ tướng

175
0

“Thể chế, thể chế và thể chế” – việc lập Tổ công tác đặc biệt với nhiệm vụ cụ thể là hành động thiết thực để hiện thực hóa tinh thần đầy trăn trở của Thủ tướng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có một hành động quyết liệt. Ông sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt về thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh với mục tiêu cắt giảm 20% các văn bản đã ban hành thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ tướng, Chính phủ; ít nhất 20% chi phí hành chính tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh mỗi năm.

Đó là thông điệp tuyệt vời cho cộng đồng doanh nghiệp nhân dịp đầu năm.

Động thái này đáp ứng điều mà chuyên gia Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, từng kiến nghị: “Chúng tôi đã kiến nghị Thủ tướng thành lập Tổ đặc nhiệm, giao ít nhất một Phó Thủ tướng phụ trách, nếu Thủ tướng chỉ đạo trực tiếp thì càng tốt. Tổ đặc nhiệm sẽ rà soát và đề xuất sửa đổi đồng bộ các luật, chứ không giao về các bộ tự làm nữa. Lý do lập tổ đặc nhiệm là nếu để mỗi bộ tự chủ trì sửa luật của mình thì sẽ bị chi phối bởi lợi ích cục bộ, góc nhìn của ngành. Lợi ích lớn mà quản lý lại cục bộ thì rất khó cải cách”.

Kể từ khi nhận nhiệm vụ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – người đã có kinh nghiệm với Đề án 30 đơn giản hóa thủ tục hành chính – đã luôn nhất quán trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, hay giấy phép con, đã được nuôi dưỡng, sinh sôi nảy nở suốt cả thập kỷ, lên đến gần 7.000, theo VCCI. Đầu tiên là đợt rà soát, cắt giảm hàng ngàn điều kiện kinh doanh khi nâng cấp các thông tư lên thành nghị định năm 2016; đợt cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh năm 2018; và đến lần này thành lập tổ công tác đặc biệt, mở đường cho cải cách tiếp theo.

Quyết tâm cải cách của Thủ tướngThủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – người đã có kinh nghiệm với Đề án 30 đơn giản hóa thủ tục hành chính – đã luôn nhất quán trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh. Ảnh: VOV

Khoảng 50% số điều kiện kinh doanh đã được các bộ báo cáo đã cắt giảm nhưng có thực chất hay không lại là chuyện khác. VCCI và CIEM từng tính toán, trong nhiều văn bản, nhiều điều kiện kinh doanh được “cắt giảm” theo cách, trước đây ba điều kiện kinh doanh là ba gạch đầu dòng, thì nay ba cái gộp lại thành một đầu dòng. Nói thế để thấy, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh ở các bộ khó khăn như thế nào. Đó là quyền-tiền, là xin-cho của họ với doanh nghiệp, với thị trường.

Điều kiện kinh doanh như “đầu Phạm Nhan”, bỏ đầu này xuất hiện ngay đầu khác. Năm 2019, chỉ lơ là chút ít, không đặt ra con số cơ học, định lượng trong Nghị quyết 02, là điều kiện kinh doanh lại nảy nở. Báo cáo của VCCI “Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2019” mô tả rất rõ tình trạng này, điều kiện kinh doanh có mặt mọi nơi ngay cả ở cấp thông tư vốn không được phép. Có vô số giấy phép con “cười ra nước mắt” cho doanh nghiệp. Các bộ lơ là việc cắt giảm và thậm chí không báo cáo. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan chủ trì giám sát, cũng không thấy lên tiếng. Đây là điều mà cộng đồng doanh nghiệp cho là cải cách đã trở nên “lặng lẽ”.

Tổ công tác đặc biệt tới đây nên học hỏi kinh nghiệm của Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp đầu tiên. Họ trình danh sách 87 điều kiện kinh doanh lên Thủ tướng Phan Văn Khải, và ông Khải ký ban hành ngay mà không thông báo cho các bộ trưởng liên quan. Tất nhiên, còn có công của Tổ tư vấn của Thủ tướng lúc đó nữa. Bản lĩnh, năng lực kỹ trị của ông Khải trong việc này là không phải bàn cãi.

Hiện nay trong Chính phủ đang có những người rất đắc lực, quyết tâm và hiểu biết như ông Vũ Đức Đam, ông Mai Tiến Dũng… những người đã kiên trì theo đuổi sửa đổi được Nghị định 38 mà Bộ Y tế chây ì bao nhiêu năm, làm tình làm tội doanh nghiệp. Nghị định 15 thay thế Nghị định 38 cắt giảm tới trên 90% các mặt hàng kiểm tra an toàn thực phẩm, giúp tiết kiệm tới 10 triệu ngày công, 3.700 tỷ đồng, theo Eurocham. Số thủ tục, điều kiện cắt giảm đi như vậy nhưng có thấy người dân nào bị tác động tiêu cực đâu. Mới chỉ cắt giảm, đơn giản hóa 1 nghị định mà số thời gian, tiền bạc được tiết kiệm như thế mới thấy, người dân và doanh nghiệp bị hành như thế nào.

Tất nhiên cắt giảm điều kiện kinh doanh là cần thiết, nhưng cũng giống việc thả gà ra đuổi, chưa đi vào bản chất. Tách biệt được chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Nhà nước với thị trường thì mới giúp cắt giảm một cách cơ bản, hiệu quả. Bên cạnh đó, Hiến pháp 2013 đã ghi: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm”, có nghĩa cơ chế “chọn bỏ” đã được thay thế cho cơ chế “chọn cho”. Lẽ ra, các văn bản chỉ liệt kê những hoạt động mà doanh nghiệp bị cấm kinh doanh, chứ không thể liệt kê những hoạt động mà doanh nghiệp được kinh doanh, ngược với tinh thần của Hiến pháp. Tiếp thu những tinh thần tinh hoa đã được tổng kết như trên thì việc cắt giảm điều kiện kinh doanh mới là thực chất.

“Thể chế, thể chế và thể chế” – việc lập Tổ công tác đặc biệt với nhiệm vụ cụ thể là hành động thiết thực để hiện thực hóa tinh thần đầy trăn trở đó của Thủ tướng. Cũng cần trông chừng bộ máy vì họ sẽ mất đi đi động lực làm việc khi bị cắt mất cơ chế xin-cho. Song, vượt lên trên tất cả, người dân và doanh nghiệp sẽ vô cùng phấn khởi.

Mấy năm nay, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện trong báo cáo Doing Businenss của Ngân hàng Thế giới, cụ thể hóa những nỗ lực của Chính phủ. Tuy nhiên, thứ hạng đó của Việt Nam vẫn chưa được như kỳ vọng trong so sánh với Asean. Có nghĩa, chúng ta nỗ lực một thì họ nỗ lực hai, thậm chí ba. Chẳng có cách nào khác là phải tiến nhanh bằng tốc độ của họ và thậm chí là vượt lên mới hi vọng thu hẹp khoảng cách phát triển.

Nghị quyết 02/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020:

Trong đó, năm 2020 phấn đấu môi trường kinh doanh theo xếp hạng EoDB (của Ngân hàng thế giới (WB)) lên 10 bậc; năng lực cạnh tranh theo xếp hạng GCI 4.0 (của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF)) lên 5 bậc; đổi mới sáng tạo theo xếp hạng GII (của Tổ chức Sở  hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO)) – lên 3 – 4 bậc; Chính phủ điện tử (của Liên Hợp Quốc (UN)) lên 10 – 15 bậc.

Cải cách thực chất các quy định về điều kiện kinh doanh. Cụ thể, các bộ, cơ quan ngang bộ cập nhật và công bố, công khai các thủ tục hành chính liên quan đến cấp các loại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa trong năm 2018 và 2019; công khai bảng so sánh các điều kiện kinh doanh trước và sau khi bãi bỏ, đơn giản hoá; hoàn thành trong tháng 01 năm 2020. Với các thủ tục hành chính liên quan đến cấp các loại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh được đơn giản hóa từ năm 2020 trở đi, thực hiện nghiêm việc công bố, công khai theo quy định về kiểm soát thủ tục hành chính; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các luật có liên quan để bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh được quy định tại các luật chuyên ngành theo phương án đã được phê duyệt.

Tư Giang

Nguồn: Tuần Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây