Các doanh nghiệp nhà nước vẫn giữ vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp ổn định kinh tế vĩ mô, cung cấp những sản phẩm quan trọng đối với nền kinh tế… nhưng họ đang ngày càng co lại.
Các quả đấm thép, một lần nữa, lại được cảnh báo về hiệu quả đầu tư, kinh doanh. Tại hội nghị tổng kết của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và 19 tập đoàn, tổng công ty hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảnh báo: “Tôi xin nói, không đầu tư khó có thể phát triển. Đây là cái nền tảng rất quan trọng. Trong khi đó, giải ngân FDI năm nay đạt trên 20 tỷ USD. Và đã có thêm 140 nghìn doanh nghiệp tư nhân với số vốn bình quân 12 tỷ đồng. Nếu chúng ta không đầu tư phát triển thì sẽ thất bại, thua cuộc ngay trên sân nhà”.
Thủ tướng chỉ ra thực tế: Việc sắp xếp lại nhà, đất của các tổng công ty, tập đoàn còn vướng mắc khiến cổ phần hóa thoái vốn bị chậm. Cán bộ tập đoàn chậm củng cố, chậm mạnh dạn thay đổi, cán bộ yếu kém về năng lực. Một số cán bộ chưa bám thực tiễn nên giải quyết nhiệm vụ chưa thuyết phục, gây chậm trễ thời gian dài. Chất lượng thẩm định, phê duyệt đối với một số dự án đầu tư còn thấp.
Nhận xét thẳng thắn của Thủ tướng đã chỉ ra một thực tế rất đáng lo lắng: các doanh nghiệp nhà nước đang nắm trong tay nguồn lực khổng lồ, hơn 3 triệu tỷ đồng, mà không làm ăn hiệu quả, các dự án đắp chiếu, dang dở là mối nguy của nền kinh tế. Đây là điều để ông thúc giục khu vực chủ đạo này: “Các tập đoàn, tổng công ty, Ủy ban cần có ý chí, tầm nhìn, khát vọng vươn lên mạnh mẽ hơn, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Đây là lực lượng tiên phong đưa đất nước vững bước tiến lên trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển; không ngừng đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng”.
Các doanh nghiệp nhà nước vẫn đang được cho giữ vai trò quan trọng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp ổn định kinh tế vĩ mô, cung cấp những sản phẩm quan trọng đối với nền kinh tế.
Nhiều năm nay, khu vực doanh nghiệp nhà nước đang khựng lại, nhiều tập đoàn, tổng công ty thua lỗ, kém hiệu quả trong đầu tư kinh doanh. Trong khi đó, dù còn non trẻ, khu vực doanh nghiệp tư nhân lại đang trỗi dậy khá mãnh liệt với nhiều dấu ấn, từ các công trình cơ sở hạ tầng quy mô lớn, cho đến lĩnh vực đổi mới sáng tạo, tạo ra động lực tươi mới, sinh động cho nền kinh tế.
Xét về hàng loạt chỉ tiêu thống kê đơn thuần, bức tranh về khu vực doanh nghiệp nhà nước đang ngày càng teo lại, bị lấn át bởi khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp FDI. Dưới đây là một số chỉ tiêu rất cơ bản được trong Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2019.
Số doanh nghiệp đang hoạt động:
Khu vực DN nhà nước (*)có 2.486 DN đang hoạt động có kết quả SXKD (trong đó khu vực DN 100% vốn nhà nước có 1.204), chiếm 0,4% số DN cả nước; khu vực DN ngoài nhà nước có 541.753 DN, chiếm 96,7% số DN cả nước; khu vực FDI có 16.178 DN, chiếm 2,9% số DN cả nước.
Lao động của doanh nghiệp:
Tại thời điểm 31/12/2017 số lao động làm việc trong khu vực DN nhà nước là 1,2 triệu người (trong đó lao động làm việc trong khu vực DN 100% vốn nhà nước là 704,6 nghìn người), chiếm 8,3% lao động toàn bộ khu vực DN; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước hiện thu hút nhiều lao động nhất với 8,8 triệu lao động, chiếm 60,6%; khu vực DN FDI thu hút 4,5 triệu lao động, chiếm 31,1%.
Nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh:
Khu vực DN ngoài nhà nước thu hút 17,5 triệu tỷ đồng vốn, chiếm 53% vốn của toàn bộ khu vực DN, tăng 16,5% so với cùng thời điểm năm 2016. Khu vực DN nhà nước chủ yếu gồm các DN có quy mô lớn nên vốn thu hút vào SXKD đạt 9,5 triệu tỷ đồng, chiếm 28,8% tổng vốn của toàn bộ khu vực DN, tăng 19,2% so với năm 2016. Khu vực DN FDI hầu hết là các DN có quy mô lớn, thu hút đáng kể vốn cho SXKD với 6 triệu tỷ đồng, chiếm 18,1%, tăng 17,8%.
Doanh thu của doanh nghiệp:
Tổng doanh thu thuần của khu vực DN ngoài nhà nước năm 2017 đạt 11,7 triệu tỷ đồng, chiếm 56,8% doanh thu thuần của toàn bộ khu vực DN, tăng 20,2% so với năm 2016; khu vực DN FDI đạt 5,8 triệu tỷ đồng, chiếm 28,1%, tăng 20,6%; khu vực DN nhà nước đạt 3,1 triệu tỷ đồng, chiếm 15,1%, tăng 9,1%.
Lợi nhuận:
Năm 2017 khu vực DN nhà nước tạo ra 200,9 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 22,9%, tăng 1,8% (trong đó khu vực DN 100% vốn nhà nước tạo ra 124,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 14,2%, tăng 10,1%). Khu vực DN ngoài nhà nước tạo ra 291,6 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 33,3%, tăng 55%; khu vực DN FDI tạo ra 384,1 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 43,8%, tăng 17,6% so với năm 2016.
Thêm nữa, xét về một số chỉ số thì khu vực doanh nghiệp nhà nước cho thấy không hiệu quả.
Về chỉ số nợ, năm 2017 khu vực DN nhà nước có chỉ số nợ là 4,1 lần; khu vực DN ngoài nhà nước là 2,3 lần và khu vực DN FDI là 1,6 lần.
Về chỉ số quay vòng vốn, năm 2017 khu vực DN nhà nước có chỉ số quay vòng vốn là 0,3 lần; khu vực DN ngoài nhà nước là 0,7 lần và khu vực DN FDI là 1,1 lần.
Các doanh nghiệp nhà nước vẫn đang được cho giữ vai trò quan trọng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp ổn định kinh tế vĩ mô, cung cấp những sản phẩm quan trọng đối với nền kinh tế. Nhưng vai trò đó, qua các con số của Tổng cục Thống kê, đang ngày càng co lại, không tương xứng với vai trò mà họ được đặt trọng trách.
Tư Giang
Chú thích:
(*) Bao gồm Công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước; Công ty cổ phần, công ty TNHH có vốn Nhà nước lớn hơn 50%. Doanh nghiệp khu vực nhà nước trong Sách trắng quy ước bao gồm toàn bộ các doanh nghiệp thuộc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thành viên cấp 1,2,3,4.
Nguồn: Tuần Việt Nam