Ông Nguyễn Thanh Tú là con trai của ký giả Đạm Phong – một trong năm ký giả người Mỹ gốc Việt đã bị giết hại tại Mỹ trong những năm 80 của thế kỷ trước. Các năm qua, ông đã bỏ nhiều công sức để đi tìm công lý cho cha mình, vạch trần vai trò của tổ chức khủng bố “Việt tân” và tổ chức ngoại vi của nó là VOICE trong việc lừa bịp người Việt ở hải ngoại, tổ chức chống phá Việt Nam, đồng thời góp công sức để hai bộ phim phóng sự điều tra “Khủng bố ở Sài Gòn Nhỏ” và “Chương trình đặc biệt cho người tị nạn Việt Nam có thể đã bị lợi dụng” được công bố tại Mỹ, Ca-na-đa. Tháng 12- 2019, nhân chuyến về Việt Nam của ông Nguyễn Thanh Tú, phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trò chuyện liên quan các việc ông đã làm, nghe ông trình bày suy nghĩ của mình, cũng như khuyến cáo người Việt Nam trong nước cần tỉnh táo để không sa vào “bẫy” của tổ chức khủng bố “Việt tân” và VOICE. Xin giới thiệu bản lược ghi cuộc trao đổi này để bạn đọc tham khảo.
Ngày nay băng đảng “Việt tân” vẫn cố gắng tạo ra hỏa mù qua một số tổ chức họ gọi là “xã hội dân sự”, mà thực ra đó không phải là tổ chức xã hội dân sự đúng nghĩa, mà chỉ là các tổ chức giúp họ đưa người vào đánh phá Việt Nam. Để gây được quỹ, họ cần phải tạo nên cái gọi là “cách mạng mầu”. Tôi đã từng phỏng vấn những người cầm biểu ngữ, đi biểu tình. Tôi hỏi họ trả các anh bao nhiêu, họ nói mỗi biểu ngữ là 500 nghìn đồng. Tôi hỏi nếu họ không trả tiền, các anh có cầm biểu ngữ như thế không? Họ nói: “Không”! Họ là những người biểu tình nhà nghề chứ không vì lý tưởng nào cả. Họ còn nói với tôi: “Hy vọng anh hiểu”. Tôi trả lời: “Tôi hiểu. Tôi không trách các anh. Tôi ở Việt Nam tôi có thể cũng làm như các anh, cũng đi biểu tình vì tiền, đâu có phải vì lý tưởng”. Họ còn kể với tôi rằng khi đi biểu tình, nếu công an chưa có mặt, họ phải đưa mấy người mặc quần áo công an xông vào đánh đập người biểu tình. Đánh để đóng kịch, vì họ cần phải có hình ảnh. Họ cần tạo cái hận, và nuôi hận. Mấy cái đài và báo lá cải sẽ giúp họ nuôi hận, để rồi buông hận, tức là gây quỹ. Sau khi không dùng nữa, họ đưa người nhận tiền cho an ninh Việt Nam là xong.
Ông Nguyễn Thanh Tú. Ảnh damphong.com
Tôi tiếp tục về Việt Nam nhiều lần. Vì Việt Nam rất quan trọng, đây là nơi mà VOICE nói họ đã đưa những người “vô tổ quốc” sang Thái-lan, rồi từ Thái-lan qua Ca-na-đa. Họ không biết tôi điều tra rất kỹ. Những nhân vật họ đưa ra và đề nghị được tị nạn, tôi đã thấy hết. Những người này không phải “vô tổ quốc” như VOICE nói. Sau năm 1996, họ bị cưỡng bức đưa về Việt Nam, nói cách khác là bị đuổi về, và về Việt Nam, họ chẳng những không bị chính quyền đàn áp mà ngày nay họ còn là thương gia, họ ra vào Việt Nam rất thoải mái. Họ không bị gây khó dễ, không bị gì hết, cơ sở kinh doanh của họ vẫn phát triển. VOICE coi họ là người “vô tổ quốc”, nhưng sao có thể là người “vô tổ quốc” khi họ có chứng minh nhân dân, tức là họ có tổ quốc. “Vô tổ quốc” là không quốc gia nào công nhận quyền công dân. Tôi muốn tuổi trẻ ở Việt Nam – trong đó có những người rất dễ trở thành “con mồi” của băng đảng “Việt tân”, thấy rằng đó là một tổ chức băng đảng chứ không phải đảng phái chính trị gì cả. Cần nhấn mạnh VOICE là “Việt tân” và “Việt tân” cũng là VOICE. Tôi thấy khi đề cập, một số tờ báo hay dùng chữ “đảng Việt tân” nhưng thực ra đó chỉ là một băng đảng, cách thức hoạt động của nó cho thấy điều này.
Sau khi có được tài liệu để chứng minh, tôi đem theo qua Thái-lan và liên hệ, bày tỏ ý muốn được gặp một số lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền của Thái-lan. Một thời gian sau thì họ thông báo đồng ý gặp gỡ. Tôi nói sẽ gặp các anh nhưng với một điều kiện, là chỉ gặp những người có thẩm quyền. Người tôi muốn gặp là nhân vật rất nổi tiếng ở Thái-lan về bắt tham nhũng, và ông ấy bằng lòng gặp tôi. Ông ấy bảo cho Tú hai tiếng nhé. Cuộc gặp gỡ còn có một số nhân vật quan trọng khác và tôi trình bày trong nửa tiếng. Họ nghe tôi nói và cười. Họ cười không phải vì coi thường tôi, mà vì chữ “vô tổ quốc” của mấy anh đại gia khoác áo tị nạn. Họ thắc mắc và hỏi: Tại sao Tú điều tra được, anh học ở đâu? Tôi cười rồi bảo: “Tôi học từ bố tôi”. Họ cho tôi hai giờ để trình bày, nhưng sau nửa giờ họ bảo họ không cần nữa, họ hiểu rồi. Rồi họ mời tôi tới lần thứ hai, có mặt thêm vài vị khác. Đến lần thứ ba, họ nói đại ý: Chúng tôi đã liên lạc với hai quốc gia, và hai quốc gia đó sẽ có người đến gặp Tú, Tú cần gì chúng tôi sẽ giúp. Điều đầu tiên tôi nói là muốn gặp cơ quan an ninh để được biết những người “tị nạn” đó ra vào Thái-lan như thế nào, vì mỗi lần ra vào đều phải làm thủ tục tại hải quan, đưa hộ chiếu, đứng trước ca-mê-ra. Tôi muốn biết những người đó sử dụng hộ chiếu Việt Nam hay hộ chiếu của quốc gia nào. Nên lúc “người tị nạn” Võ Văn Dũng đi vào là tôi biết ông ta sử dụng hộ chiếu Việt Nam. Người Việt Nam rõ ràng tại sao lại coi là “vô tổ quốc”. Nắm được mấy yếu tố quan trọng đó, tôi liên lạc với Đại sứ quán Ca-na-đa. Khi có thông tin, phía Ca-na-đa cho biết họ sẽ sắp đặt để tôi bay qua Ca-na-đa trình bày. Nhưng tôi nói sẽ không làm việc với cơ quan di trú, mà muốn làm việc với cơ quan có thẩm quyền và tình báo. Sau khi gặp, tôi đã thuyết phục được hai cơ quan đó. Việc thứ hai tôi phải làm là tôi thuyết phục truyền thông của Ca-na-đa.
Trong ba năm và ba tháng liên tục thì khó khăn nhất với tôi là thuyết phục CBC (Ðài phát sóng công cộng Ca-na-đa) vì đó là đài quốc gia lớn nhất, có khả năng kinh tế. Biết tôi muốn gặp Tổng Giám đốc CBC, họ mời tôi vào, và tôi thuyết trình. Rồi họ hỏi: Tại sao chúng tôi phải làm những việc như anh đề nghị? Tôi nói: Đơn giản thôi, vì chẳng những Mỹ là nạn nhân, Thái-lan là nạn nhân, Việt Nam là nạn nhân, nhiều cơ quan hữu quan là nạn nhân mà hầu hết cơ quan truyền thông cũng là nạn nhân. Họ cười, hỏi tại sao truyền thông lại là nạn nhân. Tôi nói tôi có bằng chứng. Họ hỏi bằng chứng đâu? Tôi cho họ xem VOICE đã đưa một người Cam-pu-chia là đại gia vào Ca-na-đa, đó đâu phải là người Việt Nam, và nói thẳng chính các ông phỏng vấn người đó, nghĩa là các ông bị qua mặt. Nghe tôi trình bày xong, bà Giám đốc bảo: “Tú đợi ít phút”, rồi mời mấy phóng viên điều tra vào để tôi trình bày. Nghe xong, họ bắt tay tôi và nói: “Tú, cho chúng tôi một thời gian, cho chúng tôi bằng chứng anh có”. Tôi đưa bằng chứng cho họ và nói các anh có thể giữ. Cách thức họ làm rất nhà nghề và độc lập. Họ vứt mấy cái bằng chứng của tôi vào thùng rác, và chỉ dựa vào đường dây bằng chứng mà tôi đã đưa để tự điều tra từ đầu. Nghĩa là hoàn toàn độc lập, không dính gì đến tôi. Họ điều tra rất nhiều và đã chỉ đưa ra năm trường hợp như một bài trên Báo Nhân Dân đã khai thác thông tin để giới thiệu với bạn đọc (Đó là bài “Tái định cư người tị nạn” hay chiêu trò trục lợi của những kẻ buôn người?, đăng trên Báo Nhân Dân số ra ngày 12-11-2019). Trong hơn một năm làm phim phóng sự điều tra “Chương trình đặc biệt cho người tị nạn Việt Nam có thể đã bị lợi dụng” tôi về Mỹ, vì tôi không muốn gặp họ ở Thái-lan, Ca-na-đa hay Mỹ. Riêng Việt Nam, xin nói ngay là tôi không liên lạc, cũng không biết ai ở Việt Nam để liên lạc. Bởi tôi nói tiếng Anh nên nói chuyện được với người Ca-na-đa, người Thái-lan, người Mỹ. Nhưng tiếng Việt của tôi rất hạn chế nên về Việt Nam tôi không biết ai để gọi điện, nếu gọi có khi cũng không ai nói chuyện với tôi.
Mấy chục năm trước bố tôi đã bị người ta giết chết vì ông muốn bảo vệ cộng đồng người Việt Nam ở hải ngoại, không để họ phải chết vô ích như các “kháng chiến quân” theo Hoàng Cơ Minh. Ngày nay tôi không muốn các bậc cha mẹ phải chứng kiến con cái mình vào tù vô ích vì ngây thơ tin theo tuyên truyền của băng đảng “Việt tân”. Tôi thấy thương những người như vậy, họ không ý thức được về điều cần làm. Và tôi thấy thương những người cha người mẹ phải chứng kiến những việc đó. Chiến thuật họ dùng y hệt như chiến thuật của “Việt tân” ngày trước. Ngày trước, “Việt tân” lấy tiền và bỏ rơi mấy người ở trong rừng, một số người còn bị họ tử hình. Một số người về Việt Nam bị bắt, bị xét xử, băng đảng “Việt tân” tảng lờ, không làm gì cả? Những người “kháng chiến quân” cũ gọi đó là “vắt chanh bỏ vỏ”! Ngày nay cũng vậy, VOICE hô hào gây quỹ để đưa những người họ gọi là “bất hạnh” qua bên này, rồi họ bỏ rơi, để đưa mấy đại gia thế vào. Những người từng được họ gọi là “bất hạnh” mà lên tiếng thì họ dọa. Họ dọa bằng cách nào? Thí dụ: họ mò tới gặp số người sống bất hợp pháp bên Thái-lan và dọa nếu bị trục xuất về Việt Nam sẽ bị bắt bỏ tù nên phải chờ để có quốc gia nào đó đến nhận, còn một số người khác thì họ gọi là “nhà tranh đấu bị đàn áp, bị bịt miệng”!
Thực chất sự việc như vậy mà truyền thông lá cải của người Mỹ gốc Việt im hết. Đó là bất công. Nhìn ra việc này, tôi không thể ngồi yên, không thể làm ngơ được. Để phản công lại tôi, họ sử dụng rất nhiều thủ đoạn, trong đó họ xúc phạm bố tôi với những từ ngữ làm cho tôi đau đớn. Nhưng tôi nuốt nước mắt, tôi gắng giúp những người bị lừa bịp có tương lai sống có thể hơn tôi hoặc bằng tôi. Họ gọi tôi là “cộng sản”, và bố tôi chết với bảy viên đạn cũng chỉ vì bị họ coi là “cộng sản”. Đó là họ chụp mũ. Họ phải úp hai chữ “cộng sản” cho tôi chỉ chứng tỏ họ bất lực. Ngoài hai chữ “cộng sản”, họ không làm gì được. Họ sử dụng hai chữ “cộng sản” vì miễn phí, không đòi hỏi sự suy nghĩ và giúp che giấu việc làm xấu của họ. Cái gì họ cũng quy kết, đổ xấu cho cộng sản. Tôi gọi những gì tôi đã làm là hành trình của một người con đi tìm công lý. Nghĩa là tôi đi tìm sự thật, không chính trị, không hận thù. Tôi đồng ý cuộc nói chuyện này đơn giản vì sự thật cần phải phổ biến tới những người trẻ còn thiếu thông tin. Cần phổ biến sự thật đó, vì càng nhiều người biết sự thật về băng đảng “Việt tân” thì “con mồi” càng ít đi, “con mồi” càng ít đi thì họ càng khó lừa bịp.
>>Hành trình của người vạch trần mặt thật tổ chức khủng bố ‘Việt tân’ (Kỳ 1)
Phạm Nguyễn (Nhân dân/ Lược ghi)
Nguồn: Đấu trường dân chủ