“Việc Thaco xuất khẩu xe buýt sang Philippines và linh kiện phụ tùng cho các quốc gia khác là vô cùng ý nghĩa, đưa Việt Nam có vị trí trên bản đồ công nghiệp ôtô khu vực và thế giới”.
Lô xe đầu tiên
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nheo mắt ngước nhìn chiếc xe bus cỡ lớn hiệu Thaco đang được cẩu lên tàu ở cảng Chu Lai, Quảng Nam. Cho đến khi chiếc xe khuất sau boong tàu, ông quay sang người đứng cạnh, bắt tay và nói: “Xin cảm ơn và chúc mừng ông Trần Bá Dương vì tất cả!”
Ông Trần Tuấn Anh chúc mừng ông Trần Bá Dương vì xuất khẩu được xe bus made in VN
Ông Tuấn Anh đã bay vào Chu Lai cuối tuần trước để chứng kiến lô 15 xe buýt của Viêt Nam đầu tiên được xuất khẩu sang Philippines. Đó là giấc mơ của ông Trần Bá Dương và nó đã trở thành hiện thực sau gần 2 thập kỷ kể từ khi ông và một số đồng nghiệp về lập Thaco ở mảnh đất nắng gió Quảng Nam. Ông Tuấn Anh nói: “Việc Thaco xuất khẩu xe buýt sang Philippines và linh kiện phụ tùng cho các quốc gia khác là vô cùng ý nghĩa, đưa Việt Nam có vị trí trên bản đồ công nghiệp ôtô khu vực và thế giới”.
Công ty Autodelta, nhà nhập khẩu lô xe bus của Thaco, là một doanh nghiệp có tiếng ở Philippines với ba đời chuyên về ô tô. Autodelta chỉ nhập khẩu xe bus của Châu Âu và Nhật Bản về phục vụ cho nhu cầu nội địa. Kinh nghiệm đó là điều không dễ dàng để Autodelta nhập khẩu xe của Việt Nam. Trong chuyến đi nhập khẩu lô xe đầu tiên này, ông Roberto Torres, Tổng giám đốc Auto Denlta, đã mang cả gia đình sang để thăm cơ ngơi của Thaco. Ông cần chứng minh cho những người trong gia đình về năng lực của đối tác. “Chúng tôi đã tìm đến được với Thaco ở Việt Nam, và Thaco đã hơn những gì chúng tôi từng mong muốn, chúng tôi đã tìm ra được đối tác và hướng đi đúng”, ông nói với Bộ trưởng Công Thương.
Một năm kỷ lục
Lô xe của Thaco xuất khẩu sang Phippines chỉ là một trong nhiều câu chuyện xuất khẩu thành công của Việt Nam năm 2019, năm có giá trị xuất nhập khẩu kỷ lục: 517 tỷ đô la Mỹ, trong đó kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 263 tỷ USD, tăng hơn 8% so với năm 2018. Tính đến nay, hàng hoá của Việt Nam đã đi du lịch trên 200 nền kinh tế ở khắp 5 châu. Trong năm nay có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD. “Những con số này 10 năm trước đây chúng ta không hình dung được bởi trước đây chúng ta nhập siêu liên tục”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói tại hội nghị ngàn công thương tuần trước. Ông cho rằng, xuất khẩu sẽ chạm mốc 300 tỷ USD ngay trong năm 2020.
Thủy sản, một trong những ngành có thế mạnh của Việt Nam, có giá trị xuất khẩu đạt khoảng 9 tỷ đô la trong năm nay, thấp hơn kế hoạch 10,5 tỷ đô la do bị cạnh tranh gay gắt. Dù vậy, ngành này đặt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD cho năm sau. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nói: “Chúng tôi tin sẽ hoàn thành mục tiêu này”.
Ông Tuấn Anh cho biết, thị trường xuất khẩu vừa được tăng cường ở các thị trường truyền thống và tiếp tục khai thác thêm các thị trường mới trong các FTA. “Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới, nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Mỹ, Úc… “, ông Tuấn Anh nói.
Kim ngạch xuất khẩu sang các khu vực thị trường đều đạt mức tăng trưởng dương, tăng cao ở những thị trường có FTA với Việt Nam như: ASEAN (tăng 2%), Hàn Quốc (tăng 8,3%), Ấn Độ (tăng 2,1%), New Zealand (tăng 9,7%). Việt Nam đã xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu như Hoa Kỳ (xuất siêu 46,4 tỷ USD); EU (xuất siêu 26,9 tỷ USD). Đặc biệt kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP đạt mức tăng tốt, thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ Hiệp định này để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu (xuất khẩu sang Canađa đạt 3,86 tỷ USD, tăng 28,2%; xuất khẩu sang Mexico đạt 2,84 tỷ USD, tăng 26,8%).
Nhà kinh tế Michael McAdoo, Trưởng bộ phận Nghiên cứu thương mại toàn cầu của Tập đoàn tư vấn Boston Consulting Group nói: “Việt Nam rất thành công và đạt nhiều hiệp định thương mại tự do”. Chỉ vào các biểu đồ FTA mà Việt Nam tham gia như Atiga, CPTPP, EVFTA, CPTPP với các nền kinh tế chiếm tới 55% GDP toàn cầu ông nói: “Việt Nam đã sớm gia nhập các FTAs của thế giới. Đây là bối cảnh tuyệt vời và vô cùng quan trọng. Các FTAs đó đang và sẽ mang lại rất nhiều cơ hội cho Việt Nam”.
Hàng Việt Nam có mặt khắp năm châu nhờ các FTAs. Nguồn Boston Consulting Group.
Cái giá của mở cửa
Tuy nhiên, ông McAdoo cũng nhìn thấy các rủi ro trước mắt, chẳng hạn các cảng biển chưa đủ để tiếp nhận con tàu container cơ lớn, chi phí logistics cao, thị trường lạo động đang thiếu chất lượng cao, năng suất lao động ở Việt Nam còn rất là thấp.
Những rủi ro đó không phải duy nhất. Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione nói: “Điều đáng suy ngẫm là Việt Nam vẫn nằm ở dưới chuỗi giá trị và ngày càng xuống thấp hơn”. Ông phân tích, trong khi các ngành sản xuất dựa trên FDI rất thành công, hoạt động của các doanh nghiệp trong nước lại tụt hậu. Chỉ 50% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam được tạo ra trong nước. Hàm lượng nhập khẩu trong các mặt hàng sản xuất được xuất khẩu của Việt Nam tương đối cao – và cao nhất trong các nước ASEAN. Bên cạnh đó, đóng góp về giá trị gia tăng của Việt Nam đặc biệt thấp trong hoạt động sản xuất chế tạo hàng giá trị cao, như hàng điện tử và điện thoại. Ví dụ, giá trị nội địa của hàng điện tử chỉ khoảng 40%, và tới 60% là nguyên liệu nhập khẩu.
Là một nhà sản xuất nhiều kinh nghiệm, ông Trần Bá Dương của Thaco rất hiểu tình trạng trên. “Tôi rất mong muốn tăng tỷ lệ nội địa vì tăng được tỷ lệ nội địa là tăng được việc làm, hạ giá thành, tăng lợi nhuận”, ông nói. Những chiếc xe bus xuất khẩu có tỷ lệ nội địa lên đến 65%, tỷ lệ mà các nhà sản xuất ô tô nước ngoài ở Việt Nam có mơ cũng không thấy.
Song, tất cả không đẹp như mơ. Lô hàng xuất khẩu đầu tiên của Thaco năm nay có giá trị chỉ gần 1,5 triệu đô la Mỹ, chả thấm tháp gì so với so với tổng giá trị 7,4 tỷ đô la Mỹ mà người Việt Nam bỏ ra để nhập khẩu ô tô. Bên cạnh đó, còn vô cùng nhiều sức ép, chẳng hạn quy định về các hàng rào phi thuế đối với lĩnh vực ô tô trong EVFTA, có nghĩa, sẽ không có bất kỳ rào cản thương mại nào cho ngành sản xuất ô tô sau 5 năm tới. Hàng Việt Nam đến được 200 quốc gia và nền kinh tế bằng cái giá phải mở toang tất cả các cánh cửa.
Nhưng ở góc độ vĩ mô, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lạc quan: “EVFTA là một trong những hiệp định xóa bỏ hàng rào thuế quan cao nhất, mang lại lợi ích tốt nhất cho doanh nghiệp và các ngành hàng Việt Nam”. EVFTA sẽ được thông qua tới đây. Và hàng Việt Nam, bất chấp nhiều khó khăn và thách thức, sẽ lại tiếp tục du lịch khắp 5 châu.
Tư Giang
Nguồn: Tuần Việt Nam