Trang chủ Biển - Đảo Ván bài mới của Malaysia ở Biển Đông khi yêu sách thềm...

Ván bài mới của Malaysia ở Biển Đông khi yêu sách thềm lục địa mở rộng

235
0
Vì sao Malaysia lại có bước đi như vậy? Sự kiện này có ý nghĩa và ảnh hưởng thế nào đối với tranh chấp Biển Đông và liên quan gì tới Việt Nam? PGS.TS Nguyễn Hồng Thao đã có bài viết trên The Diplomat bình luận về những mục tiêu của Kuala Lumpur khi đưa ra yêu sách mới về thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông. Dưới đây là tóm tắt Bài viết phân tích đáng chú ý.

Ngày 12/12/2019, Malaysia đã hâm nóng vòng tranh luận ngoại giao mới ở Biển Đông bằng cách đệ trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS) của Liên Hợp Quốc yêu sách về một thềm lục địa mở rộng (ECS) ngoài phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Đây là một đệ trình đơn phương, sau đệ trình chung của Việt Nam-Malaysia về thềm lục địa mở rộng vượt quá 200 hải lý vào năm 2009.

Ván bài mới của Malaysia ở Biển Đông khi yêu sách thềm lục địa mở rộng
Thủ tướng Malaysia, Mahathir Mohamad trên tàu chỉ huy KD Perantau duyệt đội hình chiến hạm các nước tại Langkawi

Hành động của Malaysia khiến giới quan sát trong khu vực bất ngờ. Câu hỏi mấu chốt ở đây là tại sao Malaysia lại làm việc đó vào thời điểm này. Đệ trình đã được đưa lên khi Phiên họp lần thứ 51 của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa kết thúc. Như vậy, lợi ích Malaysia có được từ việc làm rõ yêu sách rõ ràng không phải là động lực chính.
Tại khu vực Biển Đông, Indonesia là nước đầu tiên nộp thông tin về các giới hạn bên ngoài của thềm lục địa vượt quá 200 hải lý ở khu vực phía Tây Bắc đảo Sumatra vào ngày 16/6/2008. Tuy nhiên, bước ngoặt của cuộc chạy đua xác định thềm lục địa mở rộng chính là đệ trình chung của Việt Nam và Malaysia liên quan đến khu vực phía Nam Biển Đông, được đưa lên chỉ ít ngày trước hạn chót vào ngày 13/5/2009 được quy định bởi UNCLOS và những thỏa thuận liên quan.
Cùng lúc, Việt Nam cũng đơn phương nộp một bản đệ trình khác đối với khu vực Đông Bắc Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa. Cả hai bản đệ trình đều bỏ qua khả năng các thực thể trong quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa có thể có thềm lục địa của riêng mình.

Ván bài mới của Malaysia ở Biển Đông khi yêu sách thềm lục địa mở rộng
Hải quân Malaysia đã cho hạ thủy tàu Maharaja Lela mang số hiệu “2501” tàu đầu tiên thuộc lớp tàu chiến thế hệ thứ hai (SGPV) do Malaysia tự đóng mới dựa trên thiết kế của lớp tàu hộ tống Gowind của tập đoàn hàng hải DCNS, Pháp

Trung Quốc phản đối cả hai bản đệ trình trên. Bản đồ “đường chín đoạn” mà Trung Quốc đính kèm trong công hàm ngoại giao ngày 8/5/2009, có mục đích phủ định bất kỳ sự tồn tại nào của thềm lục địa vượt quá 200 hải lý trong Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc cũng yêu sách thềm lục địa cho tất cả các thực thể giữa Biển Đông.
(Brunei và Philippines bảo lưu quyền đệ trình yêu sách trong các khu vực của Biển Đông theo Điều 76 của Công ước luật Biển 1982 cũng như theo Quy tắc về Thủ tục và Hướng dẫn Khoa học và Kỹ thuật của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa.

Ván bài mới của Malaysia ở Biển Đông khi yêu sách thềm lục địa mở rộng
Kuala Lumpu đưa ra yêu sách mới về thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông.

Sự mâu thuẫn của hai cách tiếp cận liên quan đến sự tồn tại của thềm lục địa mở rộng vượt quá 200 hải lý đã khiến Ủy ban Ranh giới thềm lục địa không thể xem xét hai đệ trình nêu trên kể từ năm 2009. Tuy nhiên, phán quyết của Tòa trọng tài ngày 12/7/2016 trong vụ Philippines kiện Trung Quốc đã khẳng định tất cả các thực thể trong quần đảo Trường Sa không hưởng quy chế đảo theo nghĩa pháp lý, điều này làm tăng khả năng tồn tại các vùng biển cả và vùng đáy biển (được coi là di sản chung của loài người) ở giữa Biển Đông. Bằng đệ trình mới nhất, Malaysia đã “bắn một mũi tên trúng nhiều đích”.
Thứ nhất, Malaysia mở rộng yêu sách thềm lục địa được vẽ trong bản đồ năm 1979 của Cục Bản đồ và Khảo sát Malaysia về cả phía Bắc và phía Nam của Biển Đông, nhằm giành được gần như gấp đôi thềm lục địa so với yêu sách năm 1979.
Thứ hai, nó ngầm ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 cho rằng tất cả các thực thể cấu trúc đảo của quần đảo Trường Sa chỉ có vùng lãnh hải 12 hải lý và không thể yêu sách tạo ra vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của riêng mình. Điều thú vị là trang bìa của đệ trình cho thấy hồ sơ được hoàn thành từ năm 2017. Có lẽ, việc chuẩn bị hồ sơ đã được Malaysia tiến hành không lâu sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết.

Ván bài mới của Malaysia ở Biển Đông khi yêu sách thềm lục địa mở rộng
Hải quân Malaysia có 2 tàu ngầm lớp Perdana Menteri vốn là tàu ngầm lớp Scorpène đặt mua của Pháp.

Thứ ba, đệ trình gián tiếp bác bỏ giá trị yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc, mặc dù Malaysia không phải là một bên trong vụ kiện của Philippines. Trong Công hàm ngày 12/12/2019 phản đối đệ trình của Malaysia, Trung Quốc lặp lại yêu sách vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tính từ Nam Hải chư đảo (các đảo ở Biển Đông); và các quyền lịch sử của họ trong Biển Đông.
Thứ tư, đệ trình trên thúc đẩy việc áp dụng tương tự phán quyết của Tòa trọng tài với các thực thể thuộc quần đảo Hoàng Sa, khi tuyên bố rằng “chủ thể của đệ trình này không nằm trong khu vực có tranh chấp lãnh thổ hoặc tranh chấp biển giữa Malaysia với bất kỳ quốc gia ven biển nào khác”.
Thứ năm, đệ trình này thúc đẩy các quốc gia liên quan đàm phán với Malaysia về việc phân định các vùng có thể chồng lấn. Bản đệ trình ghi nhận rằng, “có những vùng có khả năng chồng lấn danh nghĩa về thềm lục địa ngoài phạm vi 200 hải lý của khu vực là đối tượng của đệ trình này”. Theo hướng đó, Philippines có thể sẽ cùng với Việt Nam và Malaysia nộp đệ trình ba bên về vùng thềm lục địa ngoài phạm vi 200 hải lý trong tương lai.
Thứ sáu, việc đệ trình được thực hiện trước khi kết thúc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), cho phép Malaysia tránh các hạn chế của bản COC cuối cùng (nếu có). Điều này cũng giúp Malaysia tìm kiếm lợi thế trong các cuộc đàm phán liên quan đến Biển Đông.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, việc đệ trình cũng khuyến khích Ủy ban Ranh giới thềm lục địa xem xét lại đệ trình chung của Việt Nam-Malaysia năm 2009, vì căn cứ mà Trung Quốc và Philippines dựa vào để phản đối đệ trình đó đã bị Tòa trọng tài 2016 bác bỏ. Chính xác hơn, đường chín đoạn đã bị tuyên bố là không có giá trị pháp lý và các thực thể trong quần đảo Trường Sa không đủ điều kiện hưởng quy chế đảo. Nói cách khác, đệ trình của Malaysia đặt ra câu hỏi về mối quan hệ giữa hoạt động của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa và các phán quyết pháp lý.

Ván bài mới của Malaysia ở Biển Đông khi yêu sách thềm lục địa mở rộng
Malaysia tăng cường an ninh trên biển.

Về mặt lý thuyết, Ủy ban Ranh giới thềm lục địa không có thẩm quyền đưa ra khuyến nghị cho các quốc gia ven biển về các vấn đề liên quan đến việc thiết lập các ranh giới bên ngoài của thềm lục địa vượt quá 200 hải lý của họ nếu có các quốc gia khác phản đối. Tuy nhiên, những phản đối đó phải dựa trên cơ sở pháp lý vững chắc. Cuộc đua hoạch định ranh giới thềm lục địa mở rộng vượt quá 200 hải lý cũng sẽ ảnh hưởng đến cuộc đàm phán COC đang diễn ra giữa Trung Quốc và ASEAN vì Biển Đông có thể không còn được coi là một vùng biển nửa kín (semi-enclosed sea) do có sự tồn tại của vùng biển cả ở giữa.
Malaysia dường như đã mắc lỗi khi vẽ bản đồ các ranh giới vùng thềm lục địa mở rộng mới của mình chồng lấn lên một phần phía Tây Nam thềm lục địa mở rộng của Việt Nam ở vùng biển phía Bắc Biển Đông trong đệ trình riêng năm 2009. Sự khác biệt có thể được giải thích bởi các bên áp dụng các phương pháp khác nhau để tính ranh giới ngoài của thềm lục địa bên ngoài 200 hải lý.
Việt Nam hoạch định các ranh giới ngoài của thềm lục địa mở rộng ở khu vực phía Bắc Biển Đông bằng cách áp dụng cả công thức 1% độ dày trầm tích (công thức Gardiner) và công thức đo khoảng cách 60 hải lý từ chân dốc lục địa (công thức Hedberg), trong khi Malaysia chỉ dùng công thức sau.
Malaysia cũng bỏ qua khả năng Việt Nam yêu sách thêm một thềm lục địa vượt quá 200 hải lý tính từ bờ biển miền Trung Việt Nam và yêu sách của Philippines tính từ đường cơ sở quần đảo.
Tuy nhiên, đệ trình của Malaysia thể hiện một bước tiến tích cực cho các quốc gia ven biển ở Biển Đông trong việc làm rõ các yêu sách của mình và thảo luận nghiêm túc về việc phân định biển theo UNCLOS và việc giải thích Điều 121 (3) của Tòa Trọng tài năm 2016.
Tác giả: PGS.TS Nguyễn Hồng Thao (đang công tác tại Đại học Quốc gia Hà Nội và Học viện Ngoại giao Việt Nam) | The Diplomat 21/12/2019
Biên dịch: Vũ Hân | Hiệu đính: Thạc sỹ Luật quốc tế Mai Hải Tiến và Nguyễn Hồng Thao
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây