Việc bảo vệ môi trường biển, bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái biển và gìn giữ “nguồn vốn tự nhiên biển” luôn là một nhu cầu thực tế cấp thiết. Đây là con đường để các nước phát triển một nền kinh tế biển hiệu quả và bền vững, góp phần xây dựng một vùng biển hòa bình và ổn định.
Biển Đông cũng không phải ngoại lệ, nhiệm vụ bảo tồn và quản lý tài nguyên ở Biển Đông là vô cùng quan trọng vì hàng triệu ngư dân, người tiêu dùng phụ thuộc vào nguồn thực phẩm và sinh kế từ vùng biển này.
Các hệ thống rạn san hô ngoài khơi là nét đặc trưng cơ bản của Biển Đông, được phát triển kế thừa trên nền đá núi lửa cổ với các cấu trúc địa lý như đảo nhỏ (thường dưới 1 km2), đá, bãi cạn và các vụng nước nông trong các rạn san hô vòng. Rạn san hô là hệ sinh thái quan trọng và dễ bị tổn thương nhất trong đại dương và biển, là “ngôi nhà chung” của khoảng 3.000 loài sinh vật trong Biển Đông.
Không chỉ là ngôi nhà chung, các rạn san hô ngoài khơi còn là nơi cung cấp các chất dinh dưỡng, nguồn giống hải sản và ấu trùng tôm cá,… cho phần còn lại của Biển Đông do sự có mặt một hệ thống dòng chảy bề mặt mạnh, biến đổi theo mùa. Nhờ đó, Biển Đông có mức đa dạng sinh học và giá trị bảo tồn cao, có nguồn lợi thủy sản phong phú, giàu có.
Biển Đông “giàu có” là vậy, nhưng lại đang đứng trước những mối đe dọa cực kỳ nghiêm trọng xuất phát từ hoạt động khai thác quá mức các nguồn lợi hải sản, sự gia tăng các hành vi hủy hoại môi trường, hệ sinh thái trong và lân cận các rạn san hô ở ngoài khơi Biển Đông…
Tiến sĩ Mudjekeewis D.Santos của Học viện Khoa học Công nghệ Quốc gia Philippines trong bài tham luận được trình bày tại Hội thảo Khoa học quốc tế về biển Đông lần thứ 11 được tổ chức ở Hà Nội tháng 11 vừa qua nhận định: “Thật không may, tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông đã bị khai thác quá mức và môi trường sống quan trọng này đã bị suy thoái”.
“Việc xây dựng đảo nhân tạo hủy hoại vĩnh viễn 1.370ha rạn san hô trên 7 bãi cạn ở Biển Đông. Đi kèm với việc này còn là sự phá hủy 160km2 đáy biển. Hoạt động bồi đắp trái phép đã vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 vốn quy định trách nhiệm của các nước thành viên công ước đối với việc bảo vệ môi trường trong bất kỳ hoạt động nào, vi phạm Công ước về đa dạng sinh học (CBD) năm 1994 mà Trung Quốc, Việt Nam và các quốc gia trong khu vực đều là thành viên”, Phó giáo sư Nguyễn Chu Hồi, cựu Cục phó Tổng cục biển và hải đảo Việt Nam trả lời phỏng vấn của phóng viên bên lề Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 chỉ rõ tác động hủy hoại môi trường khi Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế để bồi đắp các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Ông Chu Hồi nhấn mạnh, việc bồi đắp đảo nhân tạo đã hủy hoại nền tảng của hệ sinh thái – yếu tố kiêng kỵ mà khi đã bị phá hủy thì không có khả năng phục hồi.
Ông James Borton, chuyên gia tại Trung tâm Ngoại giao Khoa học Đại học Tufts (Mỹ) nói: “Trong quá trình bồi đắp đảo nhân tạo, Trung Quốc đã hủy hoại rất nhiều rạn san hô và khi hủy hoại những rạn san hô này tức là hủy hoại các loài sinh vật sinh sống trong những rạn san hô đó và khiến cuộc sống của những loài cá lớn hơn bị đe dọa nghiêm trọng.
Việc Trung Quốc sử dụng xi-măng để xây dựng các công trình trên các đảo mà nước này cải tạo trái phép khiến các rạn san hô bị hủy hoại hoàn toàn và không còn có thể khôi phục lại được nữa.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang điều ngày càng nhiều tàu cá ra khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và hoạt động của các tàu cá này cũng đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng đối với môi trường biển trong khu vực”.
Vấn đề nạo vét, bồi lấp các đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc đã và đang đặt ra hai thách thức chính với an ninh môi trường ở Biển Đông. Thứ nhất, các hoạt động này gây mất mát hệ sinh thái. Nó phá hoại mặt bằng rạn, lấp các vũng tự nhiên. Đây là hai yếu tố cấu thành các rạn san hô. Thứ hai, khi Trung Quốc nạo vét để đắp đảo thì trầm tích sẽ lan ra xung quanh và hủy hoại các vùng rạn san hô khác, không chỉ là diện tích tính toán được qua ảnh vệ tinh. Sẽ còn nhiều diện tích xung quanh chịu tác động của suy thoái hệ sinh thái. Tác động này lớn và phức tạp hơn nhiều so với những gì chúng ta có thể nhìn thấy.
Vấn đề liên quốc gia
Theo ông Chu Hồi, bản chất của việc bảo vệ môi trường biển là vấn đề xuyên biên giới. Là vấn đề chung của các quốc gia liên quan nhưng trên thực tế lại được quản lý một cách đơn lẻ vì những tranh cãi liên quan đến chủ quyền. Điều này dẫn đến những hậu quả như hiện nay ở Biển Đông – vùng biển đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, tình trạng đánh bắt quá mức…
Bên cạnh đó, bức tranh khai thác hải sản ở Biển Đông cũng được đánh giá là rất “ảm đạm” khi hoạt động khai thác cá ở Biển Đông hiện nay vẫn theo hướng khai thác hủy diệt. Năm 2015, tổ chức Nông lương của Liên Hợp Quốc đã công bố một bản đồ về tình hình đánh cá ở Biển Đông cho thấy 2/3 diện tích vùng biển này đã hết cá [cá thương mại-PV], phần còn lại cũng chỉ còn rất ít cá.
Ngư dân là đối tượng chịu thiệt hại lớn nhất bởi không có san hô thì không có cá, không có cá thì không có nghề cá, không có nghề cá thì không có ngư dân, không có ngư dân thì không có sinh kế và dẫn đến hậu quả là không có nguồn thu cho đất nước. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả vẫn là vấn đề chủ quyền. Tóm lại, giải quyết vấn đề ở Biển Đông không thể tách rời các vấn đề mà phải có cái nhìn toàn diện, có móc nối lẫn nhau.
Khi giải quyết vấn đề hiện nay ở Biển Đông, cần nhìn nhận: tài nguyên, môi trường và chủ quyền là 3 mặt của một vấn đề. Theo đó, khi tìm giải pháp cần phải cân nhắc, đặt trong bối cảnh đó để giải quyết, hợp tác để hướng tới giải quyết vấn đề chung.
Giải quyết được vấn đề môi trường chính là giải quyết được một mặt an ninh phi truyền thống – một bộ phận của vấn đề nhức nhối hiện nay ở Biển Đông. Giải quyết được vấn đề này cũng sẽ góp phần vào việc duy trì hòa bình, ổn định, thịnh vượng và bền vững ở Biển Đông.
Nhiều biện pháp được đề xuất để bảo vệ môi trường và nguồn cá, trong đó có hoạt động hợp tác thu thập dữ liệu khoa học về biển và phối hợp chính sách quản lý nghề cá… Tuy nhiên, có thể nhận thấy việc thiếu thiện chí trong tuân thủ pháp luật quốc tế, né tránh giải quyết tranh chấp một cách triệt đã làm xói mòn lòng tin, qua đó hạn chế sự hợp tác của các bên liên quan ở Biển Đông.
Hùng Cường, Trần Khánh/VOV
Nguồn: Cánh cò