Từ vụ một nhóm người mượn mác thương binh vây ráp cổng Tổng công ty Habeco hay từng gây náo loạn trụ sở VFF trước đây cho thấy, một bộ phận thương binh đang mắc bệnh “công thần” nên thường có hành vi quá trớn.
Mới đây, vụ việc một nhóm người tự xưng là thương binh nặng của Hợp tác xã thương binh nặng 27/7, mang băng rôn, xe ba gác kéo đến “vây” trước cổng Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) tại só 183 Hoàng Hoa Thám (TP Hà Nội) thu hút sự quan tâm của dư luận.
Nguyên nhân do Habeco quyết định chấm dứt hợp đồng mua bán bã bia đối với Hợp tác xã thương binh nặng 27/7, do Tổng công ty này cho rằng, phương thức sản xuất cho ra loại bã bia ướt đã không còn phù hợp.
Do vậy, Habeco đã đầu tư và áp dụng công nghệ mới cho ra loại bã bia khô, thân thiện với môi trường. Điều này, đồng nghĩa với việc Habeco sẽ không thể tiếp tục cung cấp phế phẩm bã bia ướt cho Hợp tác xã Thương binh nặng 27/7.
Tuy nhiên, Hợp tác xã Thương binh nặng 27/7, cho rằng, việc Habeco đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn gây thiệt hại lớn cho HTX. Đồng thời ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm thương binh nặng.
Dù Habeco đã giải thích như trên, tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Tuấn, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thương binh nặng 27/7, đã đi cùng một số người tự xưng là thương binh với hàng chục xe ba gác đến trụ sở Habeco để phản ứng lại quyết định trên.
Hình ảnh thương binh vây trụ sở Habeco. Ảnh: VNF
Tại đây, nhóm người tự xưng là thương binh nặng của Hợp tác xã thương binh nặng 27/7, có những hành động chăng băng rôn, sử dụng xe ba gác trên vỉa hè khu vực trụ sở làm việc tại 183 Hoàng Hoa Thám. Đồng thời, vây chặn toàn bộ các cổng ra vào của Habeco khiến các giao dịch bán hàng của Habeco không thực hiện được và gây ùn tắc giao thông, mất trật tự an ninh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Habeco vào thời điểm cuối năm.
Điều đáng buồn, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tình trạng nhiều người “mang mác” thương binh có những hành động gây mất an ninh trật tự, thậm chí trước đó nhiều vụ việc nhóm người tự xưng là thương binh có những hành động bảo kê cho các cuộc tranh chấp, tham gia đòi nợ thuê khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Trong đó vụ việc đáng chú ý mà dư luận đến nay vẫn còn bất bình khi cuối năm 2018, một nhóm người tự xưng thương binh mang xe ba gác đến vây trụ sở VFF để mua vé trận chung kết lượt về giữa đội tuyển Việt Nam và Malaysia trên sân Mỹ Đình gây mất an ninh trật tự, còn tổ chức ăn nhậu ngay trong trụ sở VFF.
Đầu tháng 10 mới đây, trước khi trận đấu giữa Việt Nam và Malaysia tại vòng loại World Cup 2022, một nhóm tự xưng thương binh cũng kéo đến trụ sở VFF mang theo xe ba gác gây áp lực với lực lượng an ninh để đòi vào trong.
Đáng chú ý, thời điểm đã xảy ra xô xát trong chính nội bộ nhóm người này. Do chen lấn, người đến sau lại chen lên đứng trước, các bên không giữ được bình tĩnh, dẫn đến xô xát. Rất nhiều cú đấm, cú đá, gậy vụt cùng những lời lẽ tục tĩu được những người này tung về phía đối phương.
Bên cạnh đó, thời gian qua cũng đã xảy ra quá nhiều vụ việc nhóm người tự xưng là thương binh can thiệp vào việc đòi nợ thuê, bảo kê khi xảy ra tranh chấp ở nhiều địa phương gây bức xúc dư luận. Hoạt động của họ không phải xuất phát từ cái tâm bảo vệ lẽ phải mà vì quyền lợi rất nhỏ của bản thân nên đã bất chấp vi phạm các quy định của pháp luật.
Điều này khiến dư luận không đồng tình và cho rằng đó là những hành động quá trớn, có biểu hiện bệnh “công thần” của một bộ phận thương binh.
Thương binh vốn là những người thuộc lực lượng vũ trang đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trọng kháng chiến, bảo vệ tổ quốc, đấu tranh chống tội phạm, dũng cảm làm nhiệm vụ đặc biệt khó khăn, nguy hiểm, vì lợi ích của Nhà nước, của nhân dân.
Do vậy, dù về với cuộc sống đời thường, đa số các thương binh đều là những tấm gương của tinh thần, phẩm chất người lính đã phấn đấu vươn lên bằng ý chí và nghị lực phi thường, vượt qua nỗi đau về tinh thần ẩn sâu, điều dưỡng thương tật, ổn định đời sống, đoàn kết giúp đỡ nhau, tiếp tục cống hiến cho quê hương, đất nước.
Hơn nữa, thời gian qua với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, Đảng và nhà nước luôn quan tâm và có nhiều chính sách ưu tiên, hỗ trợ đối với thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, giúp họ có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tại buổi gặp mặt tuyên dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc được tổ chức vào tháng 7/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo thực hiện tốt công tác người có công với cách mạng, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.
Hàng năm, ngân sách Nhà nước đã dành hơn 32.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách ưu đãi cho hơn 9,2 triệu người có công, trong đó có hơn 2 triệu thương binh, bệnh binh…
Thủ tướng nhấn mạnh, với trách nhiệm lớn lao và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tiếp tục chăm lo chu đáo để đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng đầy đủ và tốt đẹp hơn. Phấn đấu đế hết năm 2019, không còn gia đình chính sách thuộc diện hộ nghèo, đến năm 2020, đạt 100% gia đình người có công có mức sống cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú, giải quyết căn bản việc xác nhận hồ sơ tồn đọng xác nhận người có công với cách mạng.
Tuy nhiên, thời gian qua không ít người mang mác thương binh có biểu hiện tha hóa, biến chất, mắc bệnh “công thần” thường xuyên mang mác thương binh để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến trật tự an ninh, làm xấu xí hình ảnh người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam và làm ảnh hưởng đến hàng vạn thương binh chân chính khác.
Dù những người vây ráp cổng trụ sở Habeco là thương binh thật hay thương binh giả, nhưng hành động của họ là vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự cũng phải xử lý bởi các cơ quan thực thi pháp luật sẽ không khoan nhượng với bất cứ hành vi vi phạm pháp luật nào.
Dù những người vây ráp Habeco là thương binh thật thì trước hết cũng là công dân, phải tuân thủ theo pháp luật.
Trường hợp không đồng tình với quyết định của Habeco, họ hoàn toàn có thể làm đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, họ chọn cách phản ứng tiêu cực một cách quá trớn khi dùng xe ba gác vây chặn toàn bộ các cổng ra vào của Habeco, làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của đơn vị, gây ùn tắc giao thông, mất trật tự an ninh thì đó là những hành vi không thể chấp nhận được.
Nhóm thương binh này cần nhận thức hành vi sai trái của mình để không có những hành động quá khích đến mức bị xử lý theo quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến hình ảnh những thương binh khác luôn nỗ lực gìn giữ phẩm chất bộ đội Cụ Hồ là tấm gương sang để xã hội noi theo.
Trước sự việc một số thương binh mắc bệnh “công thần”, luôn nghĩ mình là người có công nên có những thái độ, hành vi không chuẩn mực, không đúng pháp luật, Hội cựu chiến binh trung ương các địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần phải có những biện pháp nhắc nhở chấn chỉnh để các thương binh chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật để tránh tình trạng trên tiếp tục diễn biến phức tạp, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến đời sống xã hội.
Những người có công với cách mạng, với nhân dân cần luôn được tôn vinh nhưng những người lợi dụng công trạng trong quá khứ để vi phạm pháp luật cũng cần phải xử lý nghiêm để đảm bảo thượng tôn pháp luật.
Nguồn VTV 24.
Nguồn: Tre làng