Hội thảo chuyên đề “Huy động truyền thông trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể” vừa được UNESCO Hà Nội, Cục Di sản văn hóa và Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam vừa phối hợp tổ chức tại Hà Nội vào ngày hôm qua, 20/12/2019.
Tại cuộc Hội thảo này, ông TS Frank Proschan, cựu cán bộ chương trình cao cấp của UNESCO, cố vấn của UNESCO về Công ước 2003 về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể, học giả Fullbirght 2019 -2020 đã đưa ra thông tin rất sốc như sau:
“Trong Công ước năm 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể không có khái niệm di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Các thuật ngữ có vấn đề, đang được nhiều tờ báo sử dụng có thể kể đến như: “di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”, “di sản văn hóa phi vật thể thế giới”, “UNESCO công nhận”… Công ước ghi rõ: “Di sản văn hóa phi vật thể” được hiểu là các tập quán, các hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức, kỹ năng cũng như những công cụ, đồ vật, đồ tạo tác và các không gian văn hóa có liên quan mà các cộng đồng, các nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân, công nhận là một phần di sản văn hóa của họ.
Tức là di sản văn hóa phi vật thể chỉ được sở hữu, công nhận bởi cộng đồng, nhóm cá nhân và một số trường hợp là các cá nhân. Không có di sản văn hóa phi vật thể nào thuộc sở hữu của quốc gia hay của nhân loại mà chỉ có di sản văn hóa phi vật thể hiện có tại quốc gia nào đó.” Tại Hội thảo này, các vị đại diện cho Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch là các ông bà Nguyễn Thị Thu Trang , Phạm Cao Quý cũng đã nhất trí với phát biểu của ông TS Frank Proschan.
Như vậy, theo Công ước năm 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể thì chẳng hề có khái niệm “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại” và cũng chẳng có “Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia!”. “Di sản văn hóa phi vật thể” đơn giản chỉ là của cộng đồng, thậm chí của một cá nhân!
Ấy thế mà lâu nay, chính các quan chức ở Bộ VH-TT-DL tham mưu cho Nhà nước ban hành Luật Di sản văn hóa, rồi các nghị định của Chính phủ về Trình tự, thủ tục lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, rồi những di sản đặc biệt thì đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại!
Rồi cũng chính Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành có liên quan tổ chức thẩm định và đề nghị Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho ý kiến về hồ sơ. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao hoàn thiện các thủ tục để gửi hồ sơ tới UNESCO theo quy định. Rồi cũng chính các quan chức Bộ VH-TT-DL trực tiếp ra nước ngoài tham dự các phiên họp của Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO để bình chọn, tham gia quyết định của Ủy ban này.
Sau phiên họp, chính các quan chức của Bộ VH-TT-DL là người thông tin cho báo chí về kết quả phiên họp.
Mới đây nhất, báo Vietnam+ -cơ quan của TTXVN đưatin chi tiết- sốt dẻo “Theo thông tin từ Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam đã chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Quyết định này được đưa ra vào hồi 15 giờ 23 phút (giờ địa phương) ngày 12/12/2019, tức 3 giờ 23 phút (giờ Việt Nam) ngày 13/12 tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14 của UNESCO diễn ra tại thủ đô Bogotá, Cộng hòa Colombia.”
Cũng trên báo Vietnam+ còn đăng cả hình Đoàn Việt Nam tham dự hội nghị. Và chú thích Ảnh là của ông Phạm Cao Quý.
Bà Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Lê Thu Hiền khẳng định trong bài báo này chắc nịch như sau.
“Việc UNESCO ghi danh Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.”
Thế mà hôm qua, ông TS Frank Proschan lại nói KHÔNG CÓ khái niệm “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại” và cũng chẳng có “Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia!”
Lâu nay Bộ VH-TT-DL lừa dối à? Lập hồ sơ để làm gì để rồi nhận cái danh “Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia” không có trong Công ước năm 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, một mình Việt Nam đẻ ra?
Bằng chứng nhận của Bộ VH-TT-DL công nhận Lễ hội Cầu ngư thành phố Đà Nẵng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được trao cho cho đại diện Ban tổ chức Lễ Cầu ngư
Lập hồ sơ để làm gì để rồi nhận một cái danh UNESCO không có thật?
Các ông quan chức Bộ VH-TT-DL gửi hồ sơ đến cơ quan tổ chức nào? Các ông bà tham dự các phiên họp gì ở nước ngoài rồi về nước đưa ra thông tin tầm bậy rằng UNESCO đã công nhận cái này, cái kia?
Điều khiến dư luận bức xúc hơn là hiện nay, các quan chức của Bộ VH-TT-DL phát biểu ráo hoảnh, đổ lỗi cho báo chí “sử dụng thuật ngữ sai”, cơ quan truyền thông dường như đã nâng cao vấn đề, cho rằng vinh danh di sản thì phải ở tầm thế giới mới xứng tầm vóc? “Mọi chuyện đang chạy theo hướng “một miếng giữa làng”, cái gì cũng phải nâng lên tầm quốc tế mới “oai”- trích lời ông TS Phạm Cao Quý trên báo Văn hóa- cơ quan của Bộ VH-TT-DL. Báo này đăng bài với tít to đùng “Báo chí nhầm lẫn khi truyền thông về di sản văn hóa phi vật thể!”
Thế trách nhiệm của ông ở đâu, thưa ông TS Phạm Cao Quý? Nếu các ông bà không cung cấp thông tin cho báo chí thì lấy gì để báo chí đưa tin chi tiết đến từng giờ từng phút UNESCO ghi danh Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại?
Hoàng Minh Tâm
Nguồn: Google.Tiên lãng