Nếu không thể đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp thì nên ban hành luật riêng cho loại hình kinh doanh này để họ không bị đặt ra ngoài vòng pháp luật.
LTS:Kinh tế hộ gia đình, hiện chiếm tới hơn 30% GDP, lần đầu tiên được đưa vào Luật Doanh nghiệp. Điều này đã gây ra tranh luận nhiều chiều. Tuần Việt Nam xin giới thiệu các góc nhìn, các ý kiến góp ý với mong muốn tìm được giải pháp tốt nhất cho khu vực kinh tế này phát triển.
Hộ kinh doanh đã 4 lần bị “lỡ đò” trong tiến trình luật hóa để đưa các loại hình kinh doanh thực hiện sang sông, chuyển bến từ kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường suốt hơn 3 thập kỷ qua.
Lần đầu, đó là vào năm 1990 khi Luật Công ty được ban hành cho loại hình pháp nhân kinh doanh. Lần thứ hai, đó là năm 1991 khi ban hành Luật Doanh nghiệp tư nhân mà không có chỗ cho hộ kinh doanh. Lần thứ ba năm 1999, khi hai luật trên được gộp lại thành Luật Doanh nghiệp dành cho cả pháp nhân kinh doanh và cá nhân kinh doanh, vẫn đẩy hộ kinh doanh ra ngoài. Và lần thứ tư, năm nay 2019, hộ kinh doanh mới được đưa vào Luật Doanh nghiệp lần đầu tiên kể từ Đổi mới, dù còn nhiều tranh cãi.
Trong 4 lần “lỡ đò” trên, hộ kinh doanh đã có lần được coi là loại hình kinh tế phi chính thức, có lần bị cho là loại hình kinh tế vừa không phải là pháp nhân kinh doanh, vừa không phải là cá nhân kinh doanh. Những lần như thế, hộ kinh doanh đã không có tiếng nói để tự bảo vệ, bởi cho đến nay khu vực kinh tế này vẫn chưa có hiệp hội riêng của mình. Đây là khu vực kinh tế yếu thế nhất không chỉ trong hệ thống luật pháp mà cả trong hệ thống xã hội của Việt Nam lâu nay.
Báo chí đã tốn không biết bao nhiêu bút mực cho các câu chuyện: bà bán rau quả bị đá văng gánh hàng của mình do đi trên vỉa hè; chị bán tạp hóa bị đưa về đồn do đẩy xe chở hàng trên đường phố; bác xích lô phải vượt rào để chở khách du lịch vì không phải là thành viên của một tổ hợp tác; cửa hàng sửa chữa đồng hồ, xe đạp, xe máy phải thừa nhận chung chi dấm dúi với người thu thuế thay vì nộp thuế đàng hoàng cho cơ quan thuế; những sạp hàng tiểu thương trong chợ lớn, chợ nhỏ, những làng nghề khắp các vùng miền khi cần một món tiền nóng thì chỉ có sự lựa chọn duy nhất, đó là tín dụng đen với lãi xuất khủng và đòi nợ theo luật rừng…
Hộ kinh doanh – đừng tiếp tục đặt họ ra ngoài vòng pháp luật. Ảnh: Lê Anh Dũng
Ngược lại với những yếu thế đủ bề trên đây, hộ kinh doanh hiện tại vẫn có tới 5 triệu đơn vị, đã đóng góp tới trên 30% GDP trong thống kê chính thức của quốc gia, lớn gấp 3 lần khu vực doanh nghiệp có đăng ký chính thức trong nước. Quan trọng hơn, hộ kinh doanh đã thu hút hàng chục triệu lao động trong xã hội, bỏ xa bất cứ khu vực nào khác trong nền kinh tế. Hộ kinh doanh đã trở thành nơi trở về thương trường của những doanh nghiệp bị phá sản trong cạnh tranh.
Việc bỏ lại phía sau đối với khu vực hộ kinh doanh trong hơn 3 thập kỳ qua đã một lần nữa cộng vào danh mục về sự đuối tầm của lý luận so với thực tiễn tại Việt Nam về khu vực này. Trong Báo cáo trình Quốc hội về sửa đổi Luật Doanh nghiệp vừa qua, Chính phủ đã ngầm cảnh báo rằng hiện tại, trên thế giới chỉ còn Việt Nam và một quốc gia nữa đã không đưa hộ kinh doanh vào luật. Đây rõ ràng là một đuối tầm không chỉ trong phạm vi quốc nội mà còn là đuối tầm trong phạm vi quốc tế. Vậy từ đâu dẫn tới nông nỗi này?
Trước hết, ngay từ những năm đầu của thời kỳ Đổi mới, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng đã từng xác định nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó có: kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế cá thể-tiểu chủ, kinh tế đầu tư nước ngoài… Hiến pháp cũng đã đồng thời khẳng định “Cơ cấu kinh tế nhiều thành phần với các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh đa dạng”.
Hộ kinh doanh là một loại hình tổ chức sản xuất kinh doanh trong hệ thống đa dạng này, vậy mà đã qua 3 thập kỷ, tổ chức này đến nay vẫn phải xếp hàng ngồi chờ đến lượt để được luật hóa. Đây là một khiếm khuyết không thể biện minh xét về mặt thi hành đường lối của Đảng và Hiến pháp của nhà nước.
Thứ hai, vẫn biết rằng làm luật không hề là một loại công việc nhẹ nhàng, dễ dãi. Nếu khó tới mức không thể đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp thì tại sao không ban hành một luật riêng cho loại hình tổ chức này tương tự như đã từng ban hành luật riêng cho kinh tế Hợp tác xã.
Rõ ràng rằng hộ kinh doanh đã không được đối xử công bằng về mặt luật hóa. Việc này đã đem lại không ít hệ lụy cho loại hình tổ chức kinh doanh này. Báo chí đã tốn không biết bao nhiêu bút mực kể các câu chuyện các cá nhân kinh doanh bị hành xử như luật rừng…
Với những rủi ro thường trực như vậy, hộ kinh doanh đã không có điều luật riêng nào để làm căn cứ tự cứu mình trước khi được trời cứu. Với 5 triệu HKD, tạo ra trên 30% GDP, thu hút hàng chục triệu người vào làm việc, cung cấp tài chính cho hàng triệu con em được ăn học, khu vực kinh doanh này có xuất đầu tư rất thấp, không gây áp lực nào lên nợ công của nhà nước, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn đạt cao, thu hồi vốn rất nhanh.
Khu vực kinh doanh này nếu được luật hóa để vượt qua các rủi ro thường ngày như đã thấy và chưa thấy, thì đâu mãi chỉ là những tổ chức kinh tế vừa không phải là pháp nhân kinh doanh, vừa không phải là cá nhân kinh doanh, bị coi chẳng là gì trong nền kinh tế. Đây không chỉ là một lỗi về pháp trị, mà còn là một lệch lạc về đức trị.
Thứ ba, những năm gần đây, kinh tế tư nhân đã được công nhận là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế này từ 700 ngàn đơn vị năm 2018 đã được đặt mốc phát triển lên tới 1 triệu đơn vị năm 2020. Số doanh nghiệp phát sinh mới này một mặt trông đợi vào sự nảy nở đột phá từ bản thân những doanh nghiệp tư nhân hiện có, nhưng một phần lớn sẽ dựa vào sự phát triển tuần tự trong nền kinh tế, trong đó phần quan trọng là từ khu vực hộ gia đình.
Trong lịch sử nước ta cũng như trên thế giới đã có biết bao doanh nhân trưởng thành, thành danh từ trẻ đánh giầy, từ chị tiểu thương, từ xưởng cơ khí của chú hai lúa, từ mảnh ruộng của những kỹ sư làm nông nghiệp 4.0, từ những chuyên gia bàn phím, ngồi nhà mà sản xuất, bán hàng trên mạng.
Hộ kinh doanh không phải là loại hình kinh doanh của quá khứ mà là của hiện tại và cả của tương lai. Mục tiêu có được 1 triệu doanh nghiệp trên đây sẽ dễ dàng trở thành hiện thực nếu 5 triệu hộ kinh doanh hiện có được sự đối xử công bằng, được bảo hộ của luật pháp, được tạo điều kiện bằng những kiến tạo của chính quyền để phát triển thành doanh nghiệp. Trái lại, nếu 5 triệu hộ kinh doanh vẫn bị bỏ lại phía sau thì mục tiêu trên sẽ khó bề hoàn thành đúng hạn. Đây là hậu quả của bệnh bóc ngắn cắn dài.
Việc bỏ lại phía sau đối với khu vực hộ kinh doanh đã tới trên 3 thập kỷ rõ ràng không phải là ngẫu nhiên mà xuất phát từ những khiếm khuyết trong thi hành đường lối của Đảng và Hiến pháp của Nhà nước về phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, từ những lỗi của nền pháp trị, từ những lệch lạc của nền đức trị, từ bệnh bóc ngắn cắn dài trong quản trị quốc gia.
Những tật bệnh, lệch lạc, lỗi lầm, khiếm khuyết trên đây đã dẫn đến một bộ phận không nhỏ trong khu vực hộ kinh doanh phát sinh những phản ứng tiêu cực. Về sản xuất, đó là tệ làm hàng giả, hàng nhái, hàng gây nguy hại sức khỏe cộng đồng; về lưu thông phân phối, đó là tệ xuất nhập khẩu trái pháp luật đối với hàng hóa và dịch vụ qua cửa khẩu và biên giới; về tiền tệ, đó là tạo cung-cầu cho nạn tín dụng đen; về tài chính, đó là tệ chung chi thay cho nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước. Chung lại, việc bỏ lại phía sau đối với khu vực chiếm 30% GDP trên đây đã ảnh hưởng không nhỏ tới các cân đối vĩ mô của nền kinh tế.
Đã đến lúc dừng lại, không tiếp tục bỏ lại phía sau đối với khu vực hộ kinh doanh trong tiến trình luật hóa nói riêng và Đổi Mới nói chung. Nếu không thể đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp thì nên ban hành luật riêng cho loại hình kinh doanh này để họ không bị đặt ra ngoài vòng pháp luật.
TS Đinh Đức Sinh
Nguồn: Tuần Việt Nam