Tình trạng khiếu kiện đông người trong thời gian kỳ họp vẫn phức tạp
Sáng 18.12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 40 để cho ý kiến tổng kết kỳ họp 8 và chương trình kỳ họp thứ 9 của Quốc hội.
Trình bày dự thảo báo cáo tổng kết kỳ họp 8 của Quốc hội vừa qua, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, bên cạnh kết quả đạt được, việc tổ chức kỳ họp vẫn còn một số hạn chế cần lưu ý, rút kinh nghiệm.
Một trong số đó, theo ông Phúc, là việc một số nội dung trình Quốc hội có chất lượng chuẩn bị chưa cao, chậm gửi hồ sơ tài liệu. Chính phủ đề nghị bổ sung gấp nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung đã được lưu ý từ rất sớm, gây khó khăn cho công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp.
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng nội dung được trình bày, thảo luận công khai tại hội trường nhưng tài liệu lại đóng dấu mật, gây khó khăn, lúng túng trong sử dụng thông tin của đại biểu Quốc hội cũng như cơ quan thông tấn báo chí.
Liên quan tới chất vấn, Tổng thư ký Quốc hội nhận định, một số chất vấn của đại biểu còn dài dòng, chưa rõ ý. Việc thảo luận, tranh luận có lúc chưa hiệu quả. Ngược lại, một số phần trả lời của bộ trưởng, trưởng ngành còn chung chung, chưa đúng trọng tâm.
Một hạn chế khác, theo ông Phúc là một số vấn đề quan trọng, tỷ lệ đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến còn thấp so với tổng số đại biểu Quốc hội.
Đáng lưu ý, Tổng thư ký Quốc hội cho rằng, việc giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo chưa triệt để, nên tình trạng khiếu kiện đông người trong thời gian diễn ra kỳ họp vẫn còn phức tạp.
Hỏi nhanh, trả lời nhanh, dân nghe không kịp
Từ đó, báo cáo Tổng kết kỳ họp, Tổng thư ký Quốc hội đề nghị, khắc phục tình trạng chậm gửi hồ sơ, nâng cao chất lượng các dự án luật trình Quốc hội. Báo cáo thẩm tra cần thể hiện rõ hơn chính kiến của cơ quan thẩm tra với lý lẽ, lập luận thuyết phục để phục vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Ông Phúc cũng đề nghị cần có giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng khiếu nại, tố cáo để tụ tập động người, gây rối làm mất trật tự xã hội, nhất là trong thời gian diễn ra kỳ họp Quốc hội.
Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu đổi mới, cải tiến cách thức tổ chức để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả kỳ họp, trong đó xem xét lựa chọn những vấn đề quan trọng cần tập trung thảo luận tại hội trường để hướng đại biểu Quốc hội đi sâu vào nội dung chính sách, hạn chế tình trạng phát biểu chung chung hoặc quá nặng về những vấn đề kỹ thuật; thống nhất nguyên tắc chung cho việc tranh luận.
Cho ý kiến đánh giá về kỳ họp 8, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nêu băn khoăn về việc duy trì “sĩ số đại biểu” tại các phiên họp tổ và tại hội trường vì cho rằng, vấn đề này không những không được cải thiện tại kỳ họp vừa qua mà còn “trì trệ” hơn.
Ông Giàu cho biết, theo dõi nhiều phiên họp tổ thì vắng tới 50%, thậm chí có tổ vắng tới 70 – 80% và đề có biện pháp nhắc nhở công khai để chấn chỉnh tình trạng này.
Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội cũng nhận định, trong phần trả lời chất vấn, nhiều bộ trưởng hoạt bát nhưng “trả lời nhanh như tên lửa khiến người dân nhiều địa phương không thể nào hiểu được”
“Bộ trưởng trả lời chất vấn không chỉ cho Quốc hội mà còn cho cử tri cả nước. Nên như vậy thì rất lãng phí. Tôi sống ngoài này mấy chục năm mà còn trầy trật không nghe được nói chi người dân ở miền Nam”, ông Giàu nêu.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đồng tình cho rằng đây là vấn đề cần rút kinh nghiệm cho các phiên chất vấn tại các kỳ họp sau. “Đúng là hỏi nhanh, trả lời nhanh dân nghe không kịp”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Trao đổi về vấn đề này, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, việc đại biểu vắng họp là thực tế và Văn phòng Quốc hội cũng nắm được. Tuy nhiên, Văn phòng Quốc hội chỉ có thể tham mưu cho Chủ tịch Quốc hội có văn bản nhắc nhở các trưởng đoàn chứ không có chế tài.
“Đại biểu của chúng ta hầu hết là kiêm nhiệm, chỉ 30% làm việc ở đây còn 70% là phải làm việc khác. Chúng tôi sang Quốc hội Mỹ thì khi phát biểu rất vắng, chỉ khi biểu quyết mới đầy đủ. Ta cũng phải quen dần với việc này chứ không thể bắt tất cả phải ngồi đấy. Vì việc duy trì sĩ số đại biểu là rất khó”, ông Phúc nói.
Liên quan tới việc chất vấn, ông Phúc cho rằng, người miền Bắc nói thì người miền Nam khó nghe và ngược lại. “Các đồng chí miền Nam nói thì tôi cũng chỉ nghe được 60 – 70% thôi”, ông Phúc nói và cho biết, biên bản gỡ băng của Văn phòng Quốc hội rất đầy đủ nên vấn đề nào chưa rõ các đại biểu có thể nghe gỡ băng.
Bỏ thảo luận báo cáo bổ sung tình hình kinh tế – xã hội tại kỳ họp giữa năm
Cho ý kiến về chương trình kỳ họp 9 diễn ra vào tháng 5.2020, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị bỏ nội dung thảo luận về báo cáo bổ sung tình hình kinh tế – xã hội các tháng cuối năm tại kỳ họp diễn ra vào tháng 5 vì cho rằng việc thảo luận là hình thức, trùng lắp vì các nội dung đều đã thảo luận tại kỳ họp Quốc hội tháng 10.
“Tốt nhất là Chính phủ, cơ quan thẩm tra gửi báo cáo để đại biểu có thông tin đầy đủ. Quốc hội chỉ dành nửa ngày, hoặc 1 ngày thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước”, ông Hiển đề xuất và nói thêm đây là lần thứ 2 ông đề xuất vấn đề này.
Đồng tình với đề xuất này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị thực hiện ngay tại kỳ họp thứ 9 vào tháng 5.2020. Báo cáo kinh tế – xã hội năm 2019 đã được thảo luận nhiều tại kỳ họp 8 thì kỳ họp tới cũng không nên thảo luận nữa. Kỳ họp tới chúng ta tập trung đổi mới cho đỡ trùng, đỡ mất thời gian và cũng đỡ hình thức. Chính phủ cũng không nên trình bày báo cáo bổ sung quá dài còn báo cáo đầy đủ vẫn gửi cho các đại biểu Quốc hội”, bà Ngân đề nghị.
(Theo Thanh Niên)
Nguồn: Cánh cò