Ngày 16/12/2019, TAND TP.Hà Nội đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án Vi phạm quy định về đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).
Có 14 bị cáo đưa ra xét xử với các nhóm tội khác nhau. Trong đó, 13 bị cáo bị truy tố tội Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng gồm ông Nguyễn Bắc Son (SN 1953, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông), ông Trương Minh Tuấn (SN 1960, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) và 11 bị cáo khác.
Bị cáo Phạm Nhật Vũ (SN 1973, nguyên Chủ tịch HĐQT AVG) bị truy tố về tội Đưa hối lộ.
Các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà (SN 1961, nguyên Chủ tịch HĐTV MobiFone), Cao Duy Hải (SN 1961, nguyên Tổng giám đốc MobiFone) còn bị truy tố thêm tội Nhận hối lộ.
Như thường lệ, trước sự chú ý của dư luận về phiên tòa xét xử, một số cơ quan truyền thông nước ngoài bằng tiếng Việt như BBC, VOA, RFA và trên các trang blog, FB của các đối tượng mang danh dân chủ trong nước đã đăng tải nhiều bài viết, ra sức xuyên tạc bằng những luận điểm cũ rích rằng: “Những cán bộ vi phạm bị đưa ra xét xử là nạn nhân của “triệt hạ, ẩu đả phe phái”, “thanh trừng nội bộ”, và từ những luận điệu trên họ một mực quả quyết rằng “tham nhũng là mang tính bản chất của chế độ”, “Đảng Cộng sản Việt Nam đã hết thời, không thể phòng, chống được tham nhũng”…
Chúng ta cần khẳng định rằng, việc đưa vụ án Vi phạm quy định về đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) ra xét xử, trước đó là những vụ án kinh tế, tham nhũng khác hay xử lý kỷ luật một số cán bộ, đảng viên vi phạm không phải là cuộc “thanh trừng nội bộ”, “phe nhóm” như luận điệu xuyên tạc mà là cuộc cách mạng làm trong sạch Đảng, làm Đảng mạnh lên. Do vậy, dư luận xã hội và đa số người dân đều đồng tình, ủng hộ và cho rằng các hình thức xử lý cán bộ vi phạm vừa nghiêm khắc, vừa nhân văn, thấu tình đạt lý, tâm phục khẩu phục, có tác dụng giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, phòng ngừa chung rất sâu sắc. Điều đó càng thể hiện rõ quan điểm và quyết tâm không bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi tham nhũng, lãng phí, kiên quyết xử lý kỷ luật những cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham ô, tham nhũng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Phát biểu bế mạc hội nghị TƯ 11 vào chiều 12/10, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng điểm lại con số cán bộ, lãnh đạo, tổ chức đảng bị kỷ luật và nhấn mạnh: “Thật đau xót nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân. Đây là bài học sâu sắc, đắt giá cho tất cả chúng ta”.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước đề nghị từng ủy viên TƯ và mỗi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên nêu gương, tự soi, tự sửa, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng để không đi vào vết xe đổ, gây ra những hậu quả, tổn thất khôn lường.
Việc mượn cớ một số cán bộ, đảng viên vi phạm bị truy tố, xử lý kỷ luật trong Đảng để chống phá, đả kích, xuyên tạc mà các tổ chức, cá nhân núp bóng “dân chủ” tiến hành trong thời gian qua ngày càng lộ rõ bản chất thù địch, chống phá. Do đó, mỗi chúng ta cần cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội./.
Đắc Chí
Nguồn: Việt Nam mới