Ngày 18-12-2019 tại TP Ðà Lạt, tỉnh Lâm Ðồng, sẽ khai mạc triển lãm ảnh, tư liệu “Vì hạnh phúc của mỗi người”. Triển lãm do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp UBND tỉnh Lâm Ðồng tổ chức để giới thiệu các thành tựu bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam; đồng thời, triển lãm là hoạt động thiết thực kỷ niệm 71 năm Liên hợp quốc thông qua Tuyên ngôn Nhân quyền (1948 – 2019).
Xét theo lịch sử, Cương lĩnh Chính trị năm 1930 của Ðảng Cộng sản Việt Nam xác định trong các mục tiêu đấu tranh vì xã hội mới có nội dung: Xây dựng xã hội nam nữ bình quyền, phổ cập giáo dục, lấy ruộng đất của đế quốc chia cho dân cày nghèo. Và các mục tiêu này được cụ thể hóa qua việc từ năm 1946 đến nay, “độc lập, tự do, hạnh phúc” luôn gắn liền với quốc hiệu “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, sau đó là “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Cũng năm 1946, Hiến pháp của Việt Nam khẳng định “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo” (Ðiều 1), “Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa” (Ðiều 6), “Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tùy theo tài năng, đức hạnh của mình” (Ðiều 7). Ðó là các giá trị không chỉ có ý nghĩa đối với Việt Nam, mà cũng là các giá trị có ý nghĩa nhân loại, và một chế độ xã hội chân chính phải bảo đảm hiện thực hóa trong cuộc sống của nhân dân. Ðó cũng là cơ sở quan trọng để năm 1948, với việc thông qua Tuyên ngôn Nhân quyền, Liên hợp quốc (LHQ) khẳng định “phẩm giá vốn có và các quyền bình đẳng bất di bất dịch của mọi thành viên trong gia đình loài người là nền tảng của tự do, công lý, hòa bình trên thế giới”. Ðiều này giúp lý giải vì sao Tuyên ngôn Nhân quyền không chỉ là bản thỏa thuận pháp lý quốc tế đầu tiên về các quyền của con người, mà còn là bước tiến quan trọng của cả nhân loại trong khi xác định các tiêu chí có tính bản chất cho sinh tồn và phát triển.
Triển lãm có khoảng 300 ảnh và tư liệu được chú thích song ngữ bằng tiếng Việt và tiếng Anh. (Ảnh: TL )
Ðể giành lại và bảo vệ nền độc lập – điều kiện tiên quyết bảo đảm để toàn dân có cơ hội thực hiện nhân quyền, được sống trong tự do, hạnh phúc, hơn nửa thế kỷ qua Ðảng, Nhà nước cùng toàn dân Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, đã hy sinh muôn vàn xương máu để giành thắng lợi trong các cuộc kháng chiến, đấu tranh bảo vệ Tổ quốc; và dù hoàn cảnh gian nan thế nào vẫn cố gắng huy động mọi nguồn lực để phát triển cuộc sống mọi mặt của nhân dân, tạo điều kiện để mọi người đều được hưởng quyền công dân, được sống trong hạnh phúc. Rồi, từ lý tưởng đã lựa chọn, từ kết quả của quá trình nhận thức ngày càng sâu sắc, có tính bản chất về khát vọng cao cả của toàn dân tộc khi hướng đến ý nghĩa nhân văn của phát triển, Chỉ thị 12-CT/TW ngày 12-7-1992 của Ban Bí thư (khóa VII) Vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Ðảng ta xác định “Quyền con người là giá trị chung của nhân loại. Ðó là thành quả đấu tranh lâu dài của nhân dân lao động và các dân tộc trên thế giới chống lại mọi áp bức, bóc lột”; đồng thời Chỉ thị 12 chỉ rõ: “giải phóng con người (trong đó có việc đảm bảo các quyền con người) gắn liền với giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội; chỉ có dưới tiền đề độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội thì quyền con người mới có điều kiện được đảm bảo rộng rãi, đầy đủ, trọn vẹn nhất”. Quan điểm đó cho thấy Ðảng Cộng sản Việt Nam quan niệm hết sức khoa học và đúng đắn khi đặt nhân quyền trong quan hệ chặt chẽ với độc lập dân tộc, với bản chất chế độ xã hội. Vì chỉ có giải quyết tốt quan hệ khách quan, phổ biến đó mới có thể duy trì thống nhất về tinh thần, mọi người được phát triển tự do, hài hòa, và có cơ hội phát huy mọi khả năng sáng tạo. Chính vì thế, Hiến pháp năm 2013 đã hiện thực hóa quan niệm khoa học, đúng đắn này với khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân” (Khoản 1 Ðiều 2), “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện” (Ðiều 3). Ðặc biệt, nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề, Hiến pháp năm 2013 đã dành toàn bộ Chương II đề cập “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” với mở đầu bằng Ðiều 14: “1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật; 2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Với quy trình thống nhất chặt chẽ, để luật hóa quy định của Hiến pháp về quyền con người, Quốc hội Việt Nam đã thông qua rất nhiều bộ luật và luật liên quan, đồng thời Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, chính sách cụ thể nhằm bảo đảm nhân quyền được thực thi công khai, cụ thể trong toàn xã hội, để toàn Ðảng và toàn dân cùng chung tay xây dựng môi trường sống chứa đựng những giá trị vật chất – tinh thần phù hợp với xu thế thời đại, tạo điều kiện giúp toàn dân được thụ hưởng. Ðó là cơ sở lý giải tại sao các năm qua ở Việt Nam mọi công dân đều được sử dụng lá phiếu để lựa chọn đại diện của mình từ Hội đồng nhân dân các cấp đến Quốc hội, tham gia xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân; an sinh xã hội đã từng bước được bảo đảm; điện – đường – trường – trạm triển khai ở mọi vùng còn khó khăn; vùng sâu, vùng xa luôn được quan tâm phát triển; hàng triệu ngôi nhà tình nghĩa được xây dựng cho người nghèo; bảo hiểm y tế đến với toàn dân; trẻ em đều được đến trường; người già, người không nơi nương tựa, trẻ mồ côi, người khuyết tật, người yếu thế,… luôn được Nhà nước quan tâm chăm sóc; công dân theo tín ngưỡng, tôn giáo được tạo điều kiện sống “tốt đời, đẹp đạo”; bình đẳng giới đã được luật hóa với sự ra đời của Luật Bình đẳng giới vào năm 2006; báo chí, truyền thông trở thành phương tiện thông tin, là tiếng nói của Ðảng, Nhà nước và nhân dân, ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn, góp phần quan trọng trong định hướng tư tưởng và thẩm mỹ, nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam; độc lập, chủ quyền đất nước được giữ gìn, bảo vệ; uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao… Số liệu thống kê cho thấy: Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam đã giảm rõ rệt chiếm 5,23% số hộ dân cả nước; đến hết tháng 5-2019, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 89% dân số; tỷ lệ huy động trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99% – đứng thứ 2 trong khối ASEAN, sau Singapore (Xin-ga-po); tỷ lệ học sinh đi học và hoàn thành chương trình tiểu học đạt 92,08%; đến cuối năm 2018, 100% số xã trên cả nước đã được sử dụng điện lưới, 99,37% số hộ dân đã được sử dụng điện; 99,5% số xã trên cả nước có trạm y tế,… Liên hợp quốc đã khẳng định Việt Nam đạt được những tiến bộ rất ấn tượng trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDG).
Ðó là các thành tựu to lớn, là kết quả của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội mà Ðảng, Nhà nước Việt Nam đã triển khai, thực hiện. Ðể tiếp tục đạt thành tựu mới trong thời kỳ mới, ngày 10-5-2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững để xác định lộ trình thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững, như: chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng, và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững; bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh, tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi; bảo đảm nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện, thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người; đạt được bình đẳng giới; tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ, trẻ em gái; bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất, việc làm tốt cho tất cả mọi người; bảo đảm sản xuất và tiêu dùng bền vững; ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai… Từ tư duy sáng tạo, từ kinh nghiệm đúc rút qua việc lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững trong chính sách phát triển quốc gia, hiện nay Dự án Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2021 – 2025), Dự án Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm (2021 – 2030) đang được xây dựng để trình Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XIII. Ðây là các bước đi cần thiết vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, cũng là yếu tố, nội dung cơ bản nhất bảo đảm nhân quyền cho mọi người dân Việt Nam.
Những năm qua, trong khi chiến lược phát triển và các thành tựu về nhân quyền của Việt Nam luôn được Liên hợp quốc, các chính phủ, tổ chức quốc tế, báo chí và dư luận tiến bộ trên thế giới đánh giá cao, thì các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí đối với Việt Nam vẫn cố tình phủ nhận sự thật hiển nhiên này; đồng thời, họ sử dụng thủ đoạn “đổi trắng thay đen” biến nhân quyền thành một trọng điểm vu cáo, bịa đặt nhằm tác động tiêu cực đến uy tín, cản trở sự phát triển của Việt Nam. Chối bỏ, xuyên tạc các thành tựu nhân quyền hiển nhiên của Việt Nam, họ tự trở thành hình ảnh biểu thị cho sự lố bịch, đi ngược các giá trị của đạo đức, văn minh cho nên rốt cuộc, cố gắng của họ chỉ là vô vọng. Trong bối cảnh đó, tự hào về thành tựu nhân quyền đã đạt được, chúng ta càng vững bước trên con đường đã được Ðảng, Bác Hồ và nhân dân ta lựa chọn. Mọi người Việt Nam có trách nhiệm phải tiếp tục đóng góp để phát triển đất nước, bảo vệ độc lập và chủ quyền, coi hạnh phúc của toàn xã hội và hạnh phúc của mỗi người là mục đích cao nhất để phấn đấu vì sự phát triển của Việt Nam hôm nay và tương lai.
Hà Nam (Nhân dân)
Nguồn: Đấu trường dân chủ