Còn nhớ tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (18/11), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo: Tập trung điều tra làm rõ, xử lý nghiêm sai phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến 4 vụ án, trong đó có vụ án liên quan Dự án Gang thép Thái Nguyên (TISCO II). Sau chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu Đảng, chưa đầy một tháng, vụ án được xử lý rốt ráo hơn. Minh chứng là việc UVBCT, Bí thư thành ủy Hà Nội, Hoàng Trung Hải bị xem xét kỷ luật, bởi trong thời gian giữ cương vị Phó Thủ tướng “đã có vi phạm, khuyết điểm khi cho một số ý kiến chỉ đạo đối với dự án TISCO II”.
Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II – đây là một dự án lớn, có tầm ảnh hưởng, nhưng để rơi vào tình trạng như hiện nay được UBKT Trung ương xác nhận một phần lớn là do chỉ đạo của ông Hoàng Trung Hải. Ban đầu dự án xây dự tính là 3.800 tỷ, nhưng sau đó qua một dây dài từ TISCO, lên Tổng công ty Thép Việt Nam, tới Bộ Công Thương, rồi bay tới chỗ ông Hoàng Trung Hải (là Phó Thủ tướng khi đó), đã gây ra nhiều hậu quả đối với dự án gang thép TISCO. Bình quân mỗi tháng, TISCO phải trả tiền lãi vay ngân hàng khoảng 40 tỉ đồng. Tổng dư nợ gốc, lãi vay ngân hàng phải trả của dự án là 4.200 tỉ đồng, tức tương đương với tổng mức đầu tư của dự án ban đầu. Tuy nhiên, dự án vẫn đang dở dang và đã tạm dừng thi công từ năm 2013 đến nay. Nhà thầu Trung Quốc đã rút người về sau khi nhận hơn 90% tiền của chủ đầu tư thanh toán nhưng nhà máy vẫn chỉ là đống sắt nằm im lìm. Một dự án ngốn hết 8.100 tỷ vẫn nằm đắp chiếu, cỏ dại mọc um tùm như vậy, thử hỏi dân nào nhìn vào sao không đau, không xót?
Việc xem xét kỷ luật đối với ông Hoàng Trung Hải và khởi tố các lãnh đạo liên quan đến Dự án Gang Thép Thái Nguyên đã được làm một cách bài bản, thận trọng, sai phạm đến đâu xử lý đến đó, đúng người, đúng tội. Đặc biệt là công khai trước dư luận, đã chỉ rõ đến từng cá nhân vi phạm, không còn là lỗi của tập thể. Nhìn lại các cán bộ bị xử lý kỷ luật, hay khởi tố, có thể thấy tựu chung lại cũng chỉ xoay quanh hai chữ quyền và tiền. Lạm quyền, lộng quyền trong các quyết định liên quan đến tài sản của nhà nước, của nhân dân.
Chẳng có chuyện phe phái, cũng không có chuyện thanh trừng một số tờ báo hải ngoại hay một số đối tượng rêu rao. Trong “cuộc chiến” giữa thanh thiên bạch nhật này, nếu có chuyện thanh trừng thì đó là “giặc nội xâm” đang bòn rút bạc tiền của người dân. Chủ trì phiên họp thứ 16 Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo đã khẳng định, “một không khí phấn khởi đang lan tỏa trong toàn xã hội”. Cứ mỗi khi có thêm quan chức sai phạm bị cho “vào lò”, người dân cả nước lại thêm phấn khởi, tin tưởng vào cuộc chiến chống tham nhũng. Không thể để một bộ phận cán bộ đảng viên được Đảng và nhân dân trao trọng trách lại có thể dùng trọng trách được trao để khuynh đảo, thao túng, moi ruột nước, móc túi dân như đã từng diễn ra.
Vậy nên, có thể thấy việc xem xét kỷ luật ông Hoàng Trung Hải – một người là Ủy viên Bộ Chính trị, từng giữ chức vụ Phó Thủ tướng (hay trước đây là xét xử ông Đinh La Thăng) đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ, quyết tâm của Đảng trong việc làm trong sách bộ máy Nhà nước. Có vi phạm sẽ phải bị xử lý, không có vùng cấm, vì kỷ cương phép nước phải làm, vừa để cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa. Và những bước đã làm của UBKT Trung ương là bước làm nội bộ rất cần thiết, tạo điểm tựa cho những việc làm tiếp theo. Sau việc xem xét kỷ luật sẽ là gì? Củi đã đặt trước miệng lò, chỉ chờ đốt thôi!
Hôm qua, Thông cáo báo chí Kỳ họp 41 của UBKT Trung Ương đính kèm một loạt danh sách: UVBCT, Bí thư thành ủy Hà Nội, nguyên PTT Hoàng Trung Hải; Ông Vũ Huy Hoàng từng là Bộ trưởng Bộ Công thương (đã bị xóa tư cách trước đó); và cả ông Triệu Tài Vinh – Ủy viên TW Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang… một số lượng lớn cán bộ cao cấp sẽ bị xử lý nói lên điều gì? Câu trả lời chắc chắn là sự quyết tâm. Không quyết tâm thì không thể xử lý được bởi đó không chỉ là những người đồng chí mà còn là những người từng có quá trình phấn đấu, từng đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của đất nước hôm nay.
Thế Khoa
Nguồn: Ngọn cờ