Cuộc Họp báo chung sáng nay ở Hội nghị thượng đỉnh “Bộ tứ Normandy” Paris
Lời dẫn
Các nhà lãnh đạo của Bộ tứ Normandy gồm Nga – Pháp – Đức – Ukraine đã nhóm họp vào chiều thứ Hai, 9/12/2019 giờ Moskva, tức đêm 9 rạng ngày 10/12/2019 giờ Hà Nội (giờ Hà Nội là GMT+ 7, còn giờ Moskva là GMT+3) để bàn về cuộc xung đột ở miền Đông Ukraina (tức vùng Donbass).
Cuộc gặp đầu tiên của bốn vị nguyên thủ diễn ra ngày 6 tháng 6 năm 2014 tại Benouville vùng Normandy (Pháp), nên về sau thể thức này được gọi là “thể thức Normandy”.
Một số cơ quan báo chí VN đã đưa tin sai lệch về Hội nghị thưởng đỉnh này.
1. Ông Putin KHÔNG “đàm phán” với ông Tổng thống Ukraina V.Zelensky về ngừng bắn ở Donbass!
Đưa tin về HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH “BỘ TỨ NORMANDY”, nhiều cơ quan báo chí Việt Nam, kể cả Vietnam+- cơ quan của Thông tấn xã VN- phản ánh không đúng sự thật. Google.tienlang từng chỉ ra những bài báo cụ thể ở báo chí VN khi đưa tin SAI SỰ THẬT về ông Putin, về Nga, về Ukraina. Ví dụ bài “Báo Vietnam+ nhét chữ vào miệng Putin”
Lần này, báo Zing đăng bài với tít “Putin, Zelensky gặp nhau ở Paris để giải quyết xung đột Ukraine”
Trong bài này, tác giả còn viết
Xin trích
“Mục tiêu của cuộc gặp bao gồm thống nhất giải tán lực lượng phiến quân bất hợp pháp, rút lực lượng chiến đấu nước ngoài khỏi Donetsk và Lugansk, và Ukraine giành lại quyền kiểm soát biên giới với Nga…”
Báo Công Lý đưa tin “Hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ Normandy: Niềm tin xoa dịu vết thương chiến tranh”
Tại bài này báo Công Lý có chú thích ảnh một cách tùy tiện “Hai tổng thống đang mong đợi đạt được thỏa thuận giải tán dân quân bất hợp pháp, đuổi các chiến binh nước ngoài khỏi khu vực phía Đông và Ukraine giành lại quyền kiểm soát biên giới của họ.”
Chúng ta cần hiểu một vấn đề then chốt, rằng Putin nhiều lần tuyên bố, “NGA KHÔNG PHẢI LÀ MỘT BÊN XUNG ĐỘT!” Vì vậy Putin không bao giờ có quyền “đàm phán” ngừng bắn!
Tất nhiên, ngay khi nổ ra xung đột ở miền Đông Ukraina (tại vùng Donbass), Mỹ và phương Tây lu loa rằng “Nga đưa quân xâm lược Ukraina!” Nhưng sự thật là từ đó (năm 2014) đến nay, Mỹ và phương Tây không thể đưa ra bằng chứng v/v có quân đội Nga tại vùng này.
Sự thật thì lần này, tại ở Hội nghị thượng đỉnh “Bộ tứ Normandy” ngày 9/12/2019, trong những giờ qua tại Điện Élysée (Paris), 4 vị nguyên thủ thảo luận chung là chính nhưng cũng có chút thời gian Putin gặp mặt riêng với Tổng thống Pháp, với Thủ tướng Đức cũng như gặp riêng Tổng thống Ukraina.
2. BẢN CHẤT CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH “BỘ TỨ NORMANDY” CHỈ LÀ HỘI NGHỊ ĐỂ ĐƯA RA LỜI KHUYÊN CHỨ KHÔNG AI “ĐÀM PHÁN NGỪNG BẮN!”
Hội nghị thượng đỉnh “Bộ tứ Normandy” ngày 9/12/2019 tại Điện Élysée (Paris)
Cuộc gặp đầu tiên của bốn vị nguyên thủ diễn ra ngày 6 tháng 6 năm 2014 tại Benouville vùng Normandy (Pháp), nên về sau thể thức này được gọi là “thể thức Normandy”. Các vị nguyên thủ ở Hội nghị thượng đỉnh “Bộ tứ Normandy” là nguyên thủ các quốc gia Đức, Pháp, Nga, Ukraina. Họ đều không phải là các bên đối kháng nhau trong xung đột tại Donbass. Do vậy, họ đều KHÔNG CÓ THẨM QUYỀN ĐÀM PHÁN NGỪNG BẮN, mà chỉ có thể trao đổi, tư vấn để đưa ra lời khuyên cho Ukraina.
Xung đột ở Donbass là xung đột giữa chính quyền Kiev với hai Nước Cộng hòa Nhân dân mới thành lập là Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk.
Muốn “ngừng bắn” thì không có cách nào khác là Chính quyền Kiev phải đàm phán với hai nước Cộng hòa non trẻ này.
Thỏa thuận Minsk-2 từng được nguyên thủ 4 nước thuộc Nhóm Normandy gồm Tổng thống Nga V.Putin, Tổng thống Pháp F.Hollande, Thủ tướng Đức A.Merkel và Tổng thống Ukraina P.Poroshenco thống nhất trong cuộc gặp ngày 12/2/2015 ở thủ đô Minsk của Belarus. Thỏa thuận Minsk-2 cũng là một bước tiến để thực thi Thỏa thuận ngừng bắn Minsk-1 đạt được ngày 5/9/2014.
Ở Minsk-1 hay Minsk-2, nguyên thủ 4 nước Nhóm Normandy, vì không là các bên trong xung đột nên họ đều không ký tá vì vào bất cứ văn bản nào. Sau thảo luận, thống nhất của 4 vị nguyên thủ, họ chỉ có một cuộc HỌP BÁO CHUNG chứ không có chữ ký lưu lại trên văn bản.
Minsk-2. Tổng thống Nga V.Putin, Tổng thống Pháp F.Hollande, Thủ tướng Đức A.Merkel và Tổng thống Ukraina P.Poroshenco ngày 12/2/2015 ở thủ đô Minsk
Sau Hội nghị thượng đỉnh trên, ngày 12 tháng 2 năm 2015, cũng tại Minsk, đã diễn ra cuộc đàm phán giữa các bên xung đột. Đại diện cho Tổng thống Ukraina P.Poroshenco là ông L.D. Kuchma, đại diện cho Cộng hòa Nhân dân Donetsk là Zakhatrenco, đại diện cho Cộng hòa Nhân dân Lugansk là Plotnizki. Chính từ cuộc đàm phán này mới thông qua, ký kết Hiệp định ngừng bắn. Ngoài chữ ký của 3 vị trên, Hiệp định ngừng bắn còn có chữ ký chứng kiến của Đại sứ Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu OSCE Heidi Tagliavini và Đại sứ Liên bang Nga tại Ukraine M.Yu. Zurabov.
Xem Toàn văn Thỏa thuận Minsk- 2 bản tiếng Nga tại https://ria.ru/20150212/1047311428.html
Điểm then chốt ở Thỏa thuận Minsk- 2 là các bên đã nhất trí ngừng bắn và sửa đổi Hiến pháp Ukraina để bổ sung Quy chế đặc biệt cho vùng Donbass, tổ chức bầu cử tự do cho vùng Donbass với sự giám sát của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu OSCE.
Rất tiếc là suốt từ năm 2015 đến nay, phía Ukraina đã cố tình trì hoãn việc thực thi thỏa thuận Minsk-1 rồi Minsk-2 khiến chiến tranh tại Donbass chưa bao giờ được ngưng.
Lên nhậm chức Tổng thống Ukraina từ 20 tháng 5 năm 2019, ông Zelensky quyết tâm mang lại hòa bình cho Donbass. Vì lý do này, ông Zelensky đến Paris tham dự Hội nghị thượng đỉnh “Bộ tứ Normandy”.
Hội nghị thượng đỉnh “Bộ tứ Normandy” đã kết thúc sau hơn 9 giờ trao đổi, thảo luận và 4 vị nguyên thủ đã có cuộc HỌP BÁO chung. Ở Hội nghị thượng đỉnh “Bộ tứ Normandy” lần này tại Paris các nguyên thủ 4 nước đã quyết định khởi động lại quá trình thực thi Thỏa thuận Minsk 2.
3. ĐIỂM MỚI Ở HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH “BỘ TỨ NORMANDY” PARIS CHÍNH LÀ “CÔNG THỨC STEINMEIER”
Hội nghị thượng đỉnh “Bộ tứ Normandy” lần này tại Paris đồng ý về giải quyết xung đột ở Miền Đông Ukraine theo cơ chế do Cựu Bộ trưởng Bộ ngoại giao Đức Steinmeier đề xuất năm 2016 và được gọi là Công thức Steinmeier. Thỏa thuận này mở ra hy vọng mới hóa giải cuộc khủng hoảng Ukraina. Ông Frank Walter Steinmeier – cựu Bộ trưởng ngoại giao CHLB Đức, hiện là đương kim Tổng thống Đức.
Công thức Steinmeier là gì?
Đó là Quy chế đặc biệt dành cho hai vùng lãnh thổ của Ukraine Donetsk và Lugansk đã tự tuyên bố thành lập Cộng hòa nhân dân Lugansk (LPR) và Cộng hòa nhân dân Donetsk (DPR).
Công thức Steinmeier gồm các vấn đề:
(1) ngừng bắn hoàn toàn ở Miền Đông Ukraine;
(2) đảm bảo cho Đoàn giám sát đặc biệt của OSCE trên toàn lãnh thổ Ukraine được an toàn và có hiệu quả;
(3) rút các nhóm vũ trang và quân đội nước ngoài ra khỏi lãnh thổ Ukraine;
(4) rút các lực lượng và phương tiện ra khỏi ranh giới tiếp xúc ở Miền Đông Ukraine;
(5) đảm bảo an toàn cho hoạt động của Ủy ban bầu cử trung ương Ukraine, các đảng chính trị Ukraine, giới truyền thông và quan sát viên nước ngoài;
(6) thiết lập quyền kiểm soát của chính quyền Kiev trên khu vực biên giới Nga-Ukraine hiện thuộc quyền kiểm soát của DPR và LPR;
(7) thực thi các điều khoản khác theo Hiến pháp Ukraine, luật pháp quốc tế và Thỏa thuận Minsk-2
“Không được quên về sự cần thiết phải đối thoại trực tiếp với Donetsk và Lugansk, trên cơ sở đạo luật công nhận quy chế đặc biệt của vùng Donbass, thỏa thuận về phương thức tiến hành bầu cử địa phương, thực hiện ân xá cho những người tham gia các sự kiện ở Donbass, trao đổi các đối tượng bị bắt giữ theo nguyên tắc “tất cả đổi lấy tất cả”, khôi phục liên hệ xã hội-kinh tế và v.v…”, – ông ông Alexandr Lukashevich đại diện thường trực của Nga tại OSCE nói rõ. Chính vì vậy, dù chưa có quốc gia nào, kể cả Nga, công nhận Donetsk và Lugansk là quốc gia độc lập nhưng ngay chính quyền Kiev đã và sẽ phải đàm phán song phương với họ. Vậy mà một số tờ báo Việt Nam vẫn gọi họ là “phiến quân” không những là trái thực tế mà lại còn phủ nhận nỗ lực của Ukraina mang lại hòa bình cho vùng Donbass.
Dương Thành
Cộng tác viên Google.tienlang tại Ukraina
Nguồn: Google.Tiên lãng