Trang chủ Cánh cò Tòa nhà 8B Lê Trực và 6 lần Thủ tướng ra tối...

Tòa nhà 8B Lê Trực và 6 lần Thủ tướng ra tối hậu thư

150
0
Trong vòng 4 năm kể từ tháng 11.2015, Thủ tướng 6 lần yêu cầu UBND TP.Hà Nội “tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm vi phạm” tại dự án số 8B Lê Trực (Q.Ba Đình). Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội rất chậm trong việc chỉ đạo xử lý, đến nay vẫn tồn tại, kéo dài.
Thủ tướng chỉ đạo 6 lần vẫn chưa xong
Ngày 6/12, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi UBND TP Hà Nội truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về công tác quản lý quy hoạch kiến trúc và đầu tư xây dựng dự án tại số 8B Lê Trực (Ba Đình, Hà Nội).
Cụ thể, dự án số 8B Lê Trực, quận Ba Đình, TP Hà Nội có nhiều vi phạm và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo kể từ năm 2015. Tuy nhiên, đến nay UBND TP Hà Nội rất chậm trong việc chỉ đạo xử lý tồn tại.
Do vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TP Hà Nội tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm việc này, bảo đảm kỷ cương, pháp luật, an toàn công trình và quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan.

Tòa nhà 8B Lê Trực và 6 lần Thủ tướng ra tối hậu thư
Thủ tướng cho rằng UBND TP. Hà Nội rất chậm trong việc chỉ đạo xử lý sai phạm tại dự án 8B Lê Trực

Đây không phải là lần đầu tiên Thủ tướng nói về vấn đề này, cách đây không lâu người đứng đầu Chính phủ đã có yêu cầu xử lý tòa nhà trên. Thủ tướng cũng từng đặt câu hỏi “Hà Nội có nghiêm túc xử lý tới cùng sai phạm trong vụ tòa nhà 8B Lê Trực không? Hay vẫn cứ để trơ trơ như thế?”. Và ông kết luận “Hà Nội là phải làm gương cho cả nước”.
Mới đây, tại cuộc họp thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân nêu thực trạng đáng quan ngại mà báo cáo thẩm tra dự luật chưa đề cập là sự tồn tại của những công trình thách thức dư luận và thể chế như 8B Lê Trực, HH Linh Đàm, cùng nhiều dự án nhà thương mại, chung cư cao tầng.
“Với quy định chặt chẽ mà có những sai phạm phổ biến như vậy thì cần phải tìm nguyên nhân từ đâu. Nếu thực hiện đầy đủ các nguyên tắc cơ bản, không vi phạm điều cấm trong hoạt động đầu tư xây dựng, vì sao sai phạm vẫn xảy ra?
Nguyên tắc quy định liên quan đến công tác lập, thẩm định, phê duyệt, cấp phép thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư xây dựng vướng mắc chỗ nào để sinh ra 8B Lê Trực, HH Linh Đàm, các tuyến đường sắt hay hàng nghìn chung cư sai phạm…?”, ông Nhân đặt câu hỏi.
Ông Nhân cho rằng, việc phạt cho tồn tại, hay quy hoạch phải chạy theo dự án trong xây dựng đã chỉ ra rằng kỷ cương, phép nước chưa nghiêm. Nếu giải pháp tích hợp trong Luật Quy hoạch được thực thi thì liệu 8B Lê Trực, HH Linh Đàm có cơ hội được tồn tại hay không?
Vị Đại biểu này khẳng định, nếu còn có sự thỏa hiệp, phạt cho tồn tại và quy hoạch còn phải chạy theo dự án vì một lý do nào đó thì 8B Lê Trực, HH Linh Đàm có lẽ sẽ tiếp tục chất vấn ở nhiều kỳ Quốc hội nữa.
Vụ việc vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng tại dự án 8B Lê Trực, quận Ba Đình, Hà Nội đã khiến người dân Thủ đô rất bức xúc và cũng đồng tình với chỉ đạo cưỡng chế của thành phố Hà Nội, yêu cầu phá dỡ phần sai phạm do chủ đầu tư cố tình kéo dài thời gian, không chấp hành nghiêm túc cam kết về tiến độ tự phá dỡ phần sai phạm với các cơ quan chức năng của thành phố.
Mặc dù, Hà Nội đã bắt đầu phá dỡ sai phạm tại công trình 8B Lê Trực (quận Ba Đình) từ tháng 11.2015, nhưng đã gần 5 năm trôi qua, sai phạm tại công trình này vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Không biết xử lý đến bao giờ mới xong sai phạm dự án 8B Lê Trực

Tòa nhà 8B Lê Trực và 6 lần Thủ tướng ra tối hậu thư
Công trình 8B Lê Trực.

Đã qua 2 nhiệm kỳ “Đảng bộ và chính quyền thủ đô”. Vô số các khẳng định quyết tâm. Chưa kể trường kỳ miên man các cuộc họp bàn. Và cả tiền nữa, mấy chục tỉ mà Hà Nội tạm ứng để tháo dỡ…, sai phạm 8B Lê Trực vẫn ở đó, như nó vẫn vậy suốt từ 2015. Những sai phạm của công trình này vẫn tồn tại, thách thức hiệu lực quản lý nhà nước ở ngay trung tâm của thủ đô.
Công trình “vi phạm từ móng”; Chủ đầu tư thì “rất cùn”. “Để giữ kỷ cương, đập cả tòa nhà 8B Lê Trực cũng phải làm” – trong ngoặc kép là lời Chủ tịch UBND TP. Nguyễn Đức Chung. Song, có một sự thật là suốt từ 2015 tới nay, vi phạm xây dựng “to bằng cái đình” này cứ vẫn ở đó thôi.
Vi phạm xây dựng tại tòa nhà 8B Lê Trực vừa được đưa ra chất vấn trước Quốc hội hôm 4.6 vừa rồi. Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, Hà Nội đang thực hiện cưỡng chế, phá dỡ phần vi phạm, “phần cưỡng chế theo chiều ngang thì đã làm rồi, còn theo chiều dọc thì có liên quan đến kết cấu và tính chịu lực của công trình. Bộ Xây dựng sẽ sẵn sàng phối hợp đưa ra phương án xử lý, phá dỡ tốt hơn nếu Hà Nội yêu cầu”.
Từ 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Hà Nội xử lý dứt điểm vi phạm tại tòa nhà này bởi nó vi phạm nghiêm trọng. Bởi chủ đầu tư đã “bất chấp pháp luật”. Bởi đó là một điển hình về sự yếu kém trong công tác quy hoạch và trật tự đô thị.
Các đời Bí thư của Hà Nội cũng thừa cương quyết. Bí thư Hoàng Trung Hải từng than rằng: Vi phạm tại 8B Lê Trực là trường hợp rất điển hình mà cả nước biết đến..”.
Trước đó, Bí thư Phạm Quang Nghị khẳng định việc xử lý vi phạm “không cần biện pháp gì mới lạ, cứ đúng quy định mà làm. Sai chỗ nào cắt chỗ đấy, xây sai 16 m cắt đi 16 m”.
Chưa bao giờ có tiền lệ xây dựng sai phép xong đề nghị hiến tặng Nhà nước và dư luận cũng không nên khuyến khích những ý tưởng như vậy. Thành phố coi đây là trường hợp điển hình, cần xử lý để răn đe các chủ đầu tư khác vì trong tương lai còn có rất nhiều công trình được xây dựng trên địa bàn.
Công trình 8B Lê Trực sau nhiều năm Hà Nội hô vang khẩu hiệu “kiên quyết xử lý”, đến nay vẫn đứng đó như người chờ “phán xử”, chưa có phương án chính thức nào được đưa ra.
UBND TP Hà Nội cũng nhiều lần yêu cầu Sở Xây dựng, UBND quận Ba Đình xem xét phương án xử lý, các đơn vị này sau đó cũng lần lượt báo cáo, kiến nghị. Thế nhưng, sự việc cũng dừng lại ở việc “trên dưới” chờ nhau, “quả bóng” trách nhiệm tiếp tục bị đá đi, đá lại.
Như vậy, vấn đề ở đây là “trách nhiệm”, là “lãnh đạo làm chưa nghiêm”, phải chăng đây chính là lý do khiến cho việc xử lý vi phạm tại dự án 8B Lê Trực nói riêng và các công trình vi phạm TTXD trên địa bàn TP Hà Nội nói chung không xử lý được.
Nếu đúng như báo cáo của HĐND thành phố thì lãnh đạo thành phố và các cơ quan chuyên ngành của Hà Nội đã làm gì trong suốt năm qua? Kỷ cương pháp luật đã quy định rõ, tại sao những người cầm quyền lại không thực hiện?
Theo dư luận thì việc một số công trình bị xử lý gặp khó khăn, nguyên nhân chính vẫn là quy hoạch chi tiết 1/500 ở khu vực đó chưa có hoặc chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Vì vậy không đủ căn cứ pháp luật để xử lý công trình khi dân khiếu kiện.
Mặt khác, theo Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ thì tại Điểm c, Khoản 2, Điều 3 về hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả: “Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính”.
Như vậy, việc xử lý công trình vi phạm không chỉ có biện pháp phá dỡ mà còn có biện pháp thu hồi số tiền “bất hợp pháp” do hành vi xây dựng gây ra. Có lẽ chính quyền thành phố cũng nên lựa chọn một cách xử lý tốt nhất vừa đảm bảo tuân thủ pháp luật một cách nghiêm túc vừa đảm bảo thực thi pháp luật một cách có hiệu quả.
Đinh Lực

Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây