“Dám nghĩ, dám làm còn phải dám nói. Im lặng và thủ tiêu đấu tranh là môi trường dung dưỡng cho cái xấu nảy sinh và phát triển”.
Đạo đức và kỷ cương
Trong xã hội chúng ta hiện nay, hiện tượng đạo đức tha hóa, ăn hóa xuống cấp là rất đáng lo ngại. Tôi thật sự dao động, lo ngại trước những sự việc cha xâm phạm con, thầy xâm phạm trò, anh em ruột chém nhau vì vài mét đất,… Ứng xử của con người với con người xuống cấp nghiêm trọng.
Đạo đức xã hội phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố trong đó có luật pháp của Nhà nước và nhất là đạo đức, kỷ cương của Đảng cầm quyền. Nhiều vấn đề xã hội cần giải quyết là phải giải quyết từ trong Đảng mới ra ngoài đời. Nếu đạo đức của Đảng cầm quyền sa sút, kỷ cương phép nước không nghiêm mà đòi hỏi đạo đức xã hội lên cấp là điều không dễ. Vì thế, đạo đức xã hội không thể đặt ngoài đạo đức và kỷ cương của Đảng cầm quyền.
Cán bộ cần dám nghĩ, dám làm, dám nói
Giải pháp căn cơ là tập trung sửa thể chế. Các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng đã nói, Nghị quyết đã chỉ ra, vấn đề bây giờ là làm. Chẳng hạn, đấu thầu xây dựng mà chọn nhà thầu đấu giá thấp nhất hay chỉ định thầu cho “thân hữu” làm sao đảm bảo chất lượng và tiến độ? Người làm xây dựng cơ bản giỏi nhất nhiều khi bị gạt ra rìa.
Một miếng đất ẩm thấp đẻ ra nấm. Nhổ cây nấm này thì nấm khác lại đùn lên ngay. Vấn đề là phải giữ cho miếng đất đó không còn ẩm thấp nếu muốn nấm không mọc nữa. Cũng như thời bao cấp, khi nhà nước bỏ tem phiếu lập tức xóa được hàng loạt tiêu cực như nạn sản xuất tem phiếu giả, buôn tem phiếu, cấp tem phiếu sai đối tượng, trộm cắp tem phiếu. Nếu muốn chặn đứng nạn chạy chức chạy quyền thì chúng ta cần thực hiện tranh cử hay thi cử.
Khi tôi sang Nhật Bản, tôi hỏi ngài Bộ trưởng đồng nhiệm rằng, xin ông khái quát đặc trưng văn hóa cao nhất của người Nhật Bản? Ông đáp: Văn hóa của người Nhật là “không làm phiền người khác. Nếu làm phiền thì phải biết ghi ơn, nhớ ơn và trả ơn”. Đây chính là văn hóa Hồ Chí Minh. Bác Hồ không bao giờ làm phiền cấp dưới.
Đạo đức của cán bộ tại thời điểm này phải hội đủ 3 tiêu chuẩn.
Thứ nhất, cán bộ phải gương mẫu. Nghị quyết của Đảng có rồi, không gương mẫu, không còn vai trò lãnh đạo. Không gương mẫu thì trên thực tế, quyền lãnh đạo của mình đã mất về mặt tinh thần. Có chăng người ta vì miếng cơm manh áo mà phải im lặng, chứ thực tâm họ không còn nể trọng và tôn vinh.
Thứ hai, bao trùm của đạo đức cán bộ là thực sự dân chủ. Tôn trọng quần chúng, tôn trọng cấp dưới, chịu khó nghe cấp dưới để đưa ra các quyết sách hợp lòng người. Sau ngày độc lập, cả nước có trên 90% dân số mù chữ nhưng Bác Hồ rất kính trọng dân. Bây giờ 100% dân số biết chữ và nhiều người học rộng, tài cao, thông tin đầy ắp thì không thể mất dân chủ. Dân chủ là cách tốt nhất để tập hợp trí tuệ, thông thoáng tư tưởng và đoàn kết nội bộ; là con đường tốt nhất để không phạm sai lầm.
Thứ ba, đạo đức là phải có tố chất văn hóa. Có thể coi văn hóa là tinh hoa của đạo đức. Người có đạo đức sẽ tỏa ra ngoài bằng văn hóa. Người có văn hóa vì họ có cốt cách bên trong là đạo đức.
Bản lĩnh của người cán bộ
Một cán bộ có bản lĩnh cần dám nghĩ, dám làm, dám nói.
Dám nghĩ những điều chưa có trong sách, chưa có trong đời để làm vì sự nghiệp củng cố niềm tin của nhân dân và chấn hưng đất nước phù hợp với thời đại cách mạng công nghiệp thứ tư. Khi đã nghĩ đúng thì dấn thân để làm, quyết tâm đưa cái đúng vào cuộc sống, lấy kết quả cuối cùng để chứng minh và bảo vệ mình.
Người đứng đầu có bản lĩnh để thiết lập kỷ cương trong những tình huống ngặt nghèo, cấp thiết nhất. Có những việc, có những lúc người tích cực chưa đủ áp đảo được người tiêu cực vì thế người đứng đầu có bản lĩnh sẽ tạo ra sự áp đặt đúng đắn nhanh hơn.
Dám nghĩ, dám làm còn phải dám nói. Im lặng và thủ tiêu đấu tranh là môi trường dung dưỡng cho cái xấu nảy sinh và phát triển. Thực tiễn cuộc sống đã chỉ ra, nhiều việc tiêu cực vừa qua, dân phát hiện khá sớm, nhưng các cơ quan chức năng lại nhận ra quá muộn nên khi buộc phải xử lý thì tổn thất lớn hơn, cái giá kinh tế chính trị phải trả nặng hơn. Chẳng hạn, vụ việc “Vũ nhôm” ở Đà Nẵng dân nói 6 -7 năm nay rồi. Câu chuyện dầu khí, trên diễn đàn Quốc hội đã nói cách đây gần 10 năm. Nếu nắm được lòng dân và dư luận để xử lý kịp thời thì tổn thất sẽ thấp hơn. Cán bộ sai phạm ít hơn. Uy tín của Đảng tốt hơn.
Vì thế, rất cần bản lĩnh của người cán bộ. Chỉ có bản lĩnh thì mới vượt qua được mọi cám giỗ vất chất và các sức ép không trong sáng.
Qua các vụ việc tiêu cực lớn mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã quyết liệt xử lý nghiêm túc cho chúng ta một bài học. Khi cấp trên không chuẩn thì cấp dưới tìm chỗ an toàn là rất khó. Không làm theo cấp trên thì không mất chức cũng chẳng yên thân mà làm theo cấp trên thì hậu quả khó lường.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, trong Đảng nghiêm túc với nhau là đạo đức. Nghiêm túc là giúp cho đồng chí và chính mình trưởng thành. Ngược lại, né tránh, hữu khuynh chính là tội ác. Vì thế, trở lại vấn đề, bao nhiêu vụ việc vừa đưa ra ánh sáng, nếu trước đó dám nói thì sẽ cứu nguy được cho bao nhiêu người.
Cấp dưới bao giờ cũng uốn mình theo cấp trên. Cho nên cấp trên chuẩn họ sẽ uốn chuẩn, cấp trên không chuẩn thì sẽ không biết họ uốn kiểu gì. Vì thế, Đảng chọn sai cấp trên để cho cơ quan, đơn vị đổ vỡ là Đảng phải chịu một phần trách nhiệm.
Trong công tác quy hoạch cán bộ, Trung ương nên tập trung vào các chức danh chủ chốt như Bí thư Tỉnh Thành ủy, Bộ trưởng và tương đương trở lên; là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Lo tốt các chức danh đó là có trọng tâm, trọng điểm, dễ nhớ, dễ làm và chắc chắn mọi việc sẽ đồng bộ hóa và tiến bộ rất nhanh.
Cần sớm có cơ chế thực hiện tranh cử trong Đảng, người tài mới dễ xuất hiện và có đủ thông tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân lựa chọn để bầu.
Khi chưa làm được tranh cử thì phải thực hiện việc xử lý nghiêm khắc đối với tổ chức cá nhân trong việc đề cử, giới thiệu người không tốt. Có thế, mới tìm được người có đủ tài đức phụng sự đất nước và nhân dân; mới nâng cao trách nhiệm của các cơ quan tham mưu về công tác cán bộ.
Cần tính đến nhân sự toàn cầu để mình vươn tầm quốc tế. Nếu một số chức danh chưa có người đủ đức tài để đảm đương ngay thì Đảng và Nhà nước nên thuê người nước ngoài, kể cả tạo cơ hội cho Việt kiều có tài năng trở về phụng sự quê hương đất nước. Đồng thời chọn cử cán bộ trong quy hoạch còn trẻ tiếp cận học hỏi, sẽ được cả hiện tại và tương lai, cả trước mắt và lâu dài.
Chống tham nhũng phải bắt nguồn từ cơ chế chính sách. Singapore có cơ chế 3 không: Không cần tham nhũng vì lương đủ sống; không dám tham nhũng vì sai phạm bị xử rất nghiêm; không thể tham nhũng vì cơ chế chặt chẽ.
Sự liêm chính của cán bộ phải bằng cơ chế chính sách đúng, lợi ích minh bạch, pháp luật nghiêm minh để đạo đức mỗi con người được tôn vinh và hoàn thiện, coi việc phục vụ nhân dân, phụng sự tổ quốc là bổng lộc to lớn của người làm quan.
Lê Doãn Hợp – Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông
Nguồn: Tuần Việt Nam