Trang chủ Cánh cò Tuyển cán bộ nhà nước, cần đủ cả đức và tài!

Tuyển cán bộ nhà nước, cần đủ cả đức và tài!

173
0
Trong một môi trường mới của nền kinh tế thị trường, cùng với thời đại khoa học cách mạng công nghệ 4.0…đòi hỏi cán bộ, đảng viên không những phải có những kiến thức mới trên tất cả các lĩnh vực mà còn phải có bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức cách mạng vững vàng để phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của nó, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế, xã hội và dân chủ hoá.
Tuyển cán bộ nhà nước, cần đủ cả đức và tài!
Từ trước giờ và cả sau này cũng thế, tiêu chuẩn cán bộ vẫn cô đọng trong 2 chữ Tài Đức. Các cụ xưa vẫn dạy nôm na: “Người có tài mà không đức là tiểu nhân”. Người có đức không tài vẫn là quân tử. Ở đời phải tập hợp được quân tử và phải tránh tiểu nhân. Đức vua Lê Thánh Tông nêu ra 5 tiêu chuẩn để chọn Lý trưởng cũng bao hàm đầy đủ 2 tiêu chí Đức và Tài, là: “Học lực sinh đồ. Gia tư hảo túc. Vật lực khả kham. Đức hạnh ôn hòa. Ngôn ngữ khả tín”.
Ở một xã hội hiện đại với nền dân chủ và dân trí ngày càng được nâng cao thì việc quản lý công không thể áp đặt công cụ cai trị cực đoan mà cần đề cao sứ mệnh phục vụ công chúng. Quan điểm “Nhà nước phục vụ” được khái quát trong mô hình tương tác: nhà nước (người cung ứng) – công dân (khách hàng tiêu dùng).
Một trong những biểu hiện của việc không kiểm tra kỹ tình trạng đạo đức cá nhân, đạo đức xã hội của công chức, viên chức là ở khâu tuyển dụng công chức và bổ nhiệm cán bộ. Điều kiện về năng lực đã được cụ thể hóa bằng quy định phải có các chứng chỉ, các bằng cấp tương ứng. Đây là điều kiện “cần”, chưa phải điều kiện “đủ” gồm cả đạo đức cá nhân và đạo đức xã hội. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan thì khía cạnh đạo đức nặng về “định tính” mà khó “định lượng” chính xác chỉ qua xét lý lịch, nhận xét của nhà trường, đơn vị, địa phương…
Hiện nay, việc rèn luyện đạo đức cá nhân, đạo đức xã hội của cán bộ, công chức tại nhiều cơ quan, đơn vị còn mang tính hình thức. Khi cán bộ, nhân viên vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội thì biện pháp xử lý thường là “kiểm điểm”, “rút kinh nghiệm”, nặng hơn là kỷ luật hành chính. Các trường hợp được dư luận chú ý thì được “đề xuất hình thức kỷ luật nghiêm khắc”.
Từ những vụ án lớn mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo xử lý nghiêm túc gần đây cũng cho chúng ta một bài học: Khi cấp trên không chuẩn (không có đức và chưa đủ tài) thì cấp dưới chọn một chỗ đứng an lành là rất khó. Không làm theo cấp trên thì không mất chức cũng chẳng yên thân, mà làm theo cấp trên thì hậu quả khó lường.
Tuy nhiên, từ việc đề xuất đến quyết định kỷ luật còn có một khoảng cách khá xa. Điển hình là vụ việc Đại úy Lê Thị Hiền bị đề nghị giáng cấp, điều chuyển công tác nhưng sau hơn hai tháng, quyết định chính thức vẫn chưa được công bố. Đối với trường hợp của Thượng úy Nguyễn Xô Việt, người dân đang chờ đợi sau một tháng bị đình chỉ công tác để xác minh làm rõ thì sẽ là hình thức kỷ luật như thế nào.
Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội được biểu hiện dưới dạng các nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực, giá trị định hướng, điều chỉnh hành vi của con người và hoạt động của xã hội. Nếu như pháp luật dùng sự trừng phạt để điều tiết hành vi con người một cách cưỡng chế thì đạo đức xác định giới hạn cho điều thiện và điều ác, hướng con người tự giác tuân thủ.
Chuẩn mực pháp luật xác định ranh giới cho các hành vi phải làm, không được làm và được làm. Chuẩn mực đạo đức xác lập những hành vi nên làm và không nên làm, được điều chỉnh bằng dư luận xã hội và lương tâm của chủ thể hành động. Xã hội có bao nhiêu nghề thì có bấy nhiêu đạo đức nghề nghiệp. Đạo đức nghề nghiệp là đạo đức xã hội được thể hiện một cách đặc thù, cụ thể trong các hoạt động nghề nghiệp.

Tuyển cán bộ nhà nước, cần đủ cả đức và tài!
Người có tài cũng phải hội tụ 3 nội dung: Có tầm nhìn, biết tập hợp nhân tài, có sản phẩm cụ thể.

Công vụ theo nghĩa rộng là công việc do người của nhà nước đảm nhận. Đạo đức công vụ là những chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.
Năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 76/SL ngày 20/5/1950 ban hành Quy chế công chức Việt Nam. Tại Lời nói đầu, nội dung về công chức và đạo đức công vụ đã được thể hiện cụ thể: “Công chức Việt Nam là những công dân giữ một nhiệm vụ trong bộ máy nhà nước của chính quyền nhân dân…”. Chuẩn mực đạo đức công vụ của cán bộ, công chức Việt Nam được Bác Hồ xác định cô đọng là “cần”, “kiệm”, “liêm”, “chính”.
Như vậy, Quy chế công chức đầu tiên của nước Việt Nam độc lập đã nêu rõ những chuẩn mực đạo đức rất quan trọng đối với công chức nhà nước.
Hiến pháp năm 1980 quy định tại Điều 8: “Tất cả các cơ quan nhà nước và nhân viên nhà nước phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa. Nghiêm cấm mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền”. Có thể nói, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam, Nhà nước ta đã ban hành những chuẩn mực về đạo đức – pháp lý cho công chức và cơ quan nhà nước.
Tiếp đến, Hiến pháp 1992 tại Điều 8 cũng quy định: “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, viên chức nhà nước phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng”.
Căn cứ vào Hiến pháp 1992, Luật cán bộ, công chức ra đời năm 2008 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2010. Trong bộ luật này những chuẩn mực đạo đức – pháp lý được thể hiện cụ thể ở các quy định về nghĩa vụ của công chức: trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ danh dự Tổ quốc và lợi ích quốc gia; tôn trọng nhân dân, tận tâm phục vụ nhân dân; liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Với việc ban hành Luật cán bộ, công chức, chế định công chức và đạo đức công vụ ở nước ta đã có bước phát triển và hoàn thiện mới, góp phần xác lập các chuẩn mực đạo đức – pháp lý cho cán bộ, công chức Việt Nam trong tiến trình xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, vững mạnh.
Trong tình hình hiện nay, cán bộ có đức, có tài, cần phải có bản lĩnh. Vì hiện nay có lúc, có việc, có nơi, người tốt chưa đủ tỷ lệ áp đảo người không tốt. Vì thế rất cần người lãnh đạo có bản lĩnh để thiết lập lại trật tự kỉ cương. Một cán bộ có bản lĩnh cũng cần hội đủ 3 tiêu chí: Dám nghĩ, dám làm, dám nói.
Dám nghĩ những điều chưa có trong sách, chưa có trong đời để làm vì sự nghiệp củng cố niềm tin của nhân dân và chấn hưng đất nước phù hợp với thời đại KHCN. Khi đã nghĩ đúng thì dám dấn thân để làm, quyết tâm đưa cái đúng vào cuộc sống, lấy kết quả cuối cùng để bảo vệ mình. Phải tích cực đổi mới, gắn với cải tạo môi trường để ra đời cái đúng, cái tốt nhiều hơn.
Sống trong xã hội, người ta ai cũng phải suy nghĩ về những vấn đề đạo đức để tìm ra những con đường, cách thức và phương tiện hoạt động nhằm kết hợp lợi ích của mình với cộng đồng, từ đó bảo đảm cho sự tồn tại, phát triển của chính mình và cộng đồng. Thực hiện tốt các chuẩn mực đạo đức trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chẳng những đáp ứng yêu cầu cấp bách trước mắt mà còn có ý nghĩa cơ bản, lâu dài đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, phấn đấu “sớm đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” mà Đại hội XII Đảng ta mong muốn.

Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây