Mộ liệt sĩ không có hài cốt, mất toàn bộ hồ sơ
Liên quan đến vụ 13 mộ liệt sĩ không có hài cốt, sáng ngày 4/12, trao đổi với báo Đất Việt, ông Dương Bằng Giang, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bắc Kạn xác nhận và cho biết, đơn vị đang xác minh, làm rõ.
“Do những mộ này được quy tập từ lâu rồi nên giờ chúng tôi phải đi thu thập thông tin xem vì sao trong 13 mộ liệt sĩ đó lại không có hài cốt, chỉ toàn đất đá. Việc quy tập này xảy ra đã mấy chục năm nay nên phải tìm lại những người tham gia quy tập”, ông Giang cho biết.
Trước đó, theo phản ánh, cách đây hơn 50 năm (ngày 9/8/1968), đập Tân Minh (xã Thanh Vận – Chợ Mới, Bắc Kạn) bị vỡ, khiến 13 chiến sĩ thanh niên xung phong hy sinh. Tuy nhiên, khi quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bắc Kạn, các phần mộ đều không xác định được danh tính.
Do đó, mới đây, thân nhân các liệt sĩ đề nghị Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Kạn khai quật 13 phần một trên để xét nghiệp ADN đối chiều nhận dạng, xác định danh tính.
Người thân của các liệt sỹ cũng được mời đến lấy mẫu để so sánh. Thế nhưng, sau khi khai quật, bên trong 13 ngôi mộ không hề có hài cốt, chỉ có những chiếc túi nylon đựng đất, đá.
Ngay cả đến tiểu sành, một vật dụng tùy táng bắt buộc phải có khi quy tập hài cốt liệt sỹ ở trong những ngôi mộ này cũng không có.
Về việc này, ngày 3/12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Kạn thu thập thông tin, sớm làm rõ nguyên nhân của vụ việc và công bố công khai. Tuy nhiên, do việc quy tập xảy ra đã lâu, hồ sơ quy tập đã thất lạc nên phải tiến hành lần tìm từng khâu một.
Cùng ngày, Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu Cục Người có công, Sở LĐ-TB&XH Bắc Kạn báo cáo sự việc, thời hạn báo cáo muộn nhất hết ngày 4/12/2019.
Nói về việc này, theo thông tin trên báo Pháp luật TP.HCM, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Kạn cho rằng, những túi nylon đất đá được tìm thấy có thể do hài cốt đã hóa thành đất.
Tuy nhiên, chính trong buổi khai quật, ngôi mộ thứ 14 của liệt sĩ thuộc một đơn vị khác cũng nằm trong danh sách giám định ADN lại có đầy đủ tiểu sành, hài cốt. Liệt sĩ này cũng hy sinh năm 1968 tại tỉnh Bắc Kạn, chỉ khác đơn vị với 13 liệt sĩ thanh niên xung phong.
Các thanh niên xung phong này thuộc đơn vị C933, N92. Khi họ đang tham gia chống bão lụt, cứu tài sản của Nhà nước, của nhân dân, cứu vớt đồng đội vào năm 1968, thì chân đập ở hồ Tân Minh bị vỡ khiến 13 người hy sinh.
Không chấp nhận những sự tắc trách, thiếu trách nhiệm
Các thanh niên ưu tú của đất nước ta không tiếc tính mạng, xả thân vì nhiệm vụ đã anh dũng hy sinh; vậy mà những cán bộ quản lý và những người thực hiện việc quy tập hài cốt của liệt sỹ vào nghĩa trang lần thứ nhất rồi lần thứ hai… lại bất cẩn, lơ là công việc hệ trọng đến vô trách nhiệm đến thế sao? Cần quyết liệt làm đến cùng để tìm bằng được hài cốt các liệt sỹ!
Đây là cách làm tắc trách, qua loa và thiếu trách nhiệm của những người quy tập. Các thanh niên xung phong này hy sinh do vỡ đê chứ không phải do bom đạn, tức là khi chôn cất đảm bảo toàn thây. Vì vậy không thể ngụy biện cho yếu tố khách quan này chủ quan kia. Điều tra lại quá trình quy tập lần đầu tiên là sẽ minh bạch tất cả.
Hy sinh thân mình vì Tổ quốc để rồi nằm lại nơi hoang lạnh không ai hương khói thiết nghĩ các vong linh của 13 thanh niên xung phong trên đang cần một hành động thiết thực, nhân văn như ông Phú Chủ tịch tỉnh đã nói: “Sẽ rất khó khăn, nhưng chúng ta phải quyết tâm làm cho rõ, làm hết trách nhiệm của thế hệ sau đối với người có công với đất nước”.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước và Quân đội ta đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; xây dựng và tôn tạo nhiều công trình tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ. Tuy nhiên, số hài cốt liệt sĩ chưa tìm kiếm được vẫn còn nhiều, thông tin về mộ liệt sĩ ngày càng ít dần. Tỷ lệ hài cốt liệt sĩ đã quy tập chưa xác định được họ tên, quê quán còn cao. Việc đầu tư và huy động các nguồn lực xã hội phục vụ công tác này còn hạn chế…
Từ thực tế và những yêu cầu nêu trên, ngày 27-7-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1237/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo (Đề án 1237); đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia để thực hiện (gọi tắt là Ban Chỉ đạo quốc gia 1237). Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Ban Chỉ đạo quốc gia 1237 đã phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và đạt được những kết quả tích cực.
Ban Chỉ đạo quốc gia 1237 đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương quán triệt sâu sắc Chỉ thị 24 của Bộ Chính trị; các văn bản quy định của Chính phủ; kế hoạch, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo và Bộ Quốc phòng về thực hiện Đề án 1237… Trên cơ sở đó, các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án 1237 theo phạm vi, nhiệm vụ được phân công. Đồng thời, chỉ đạo kiện toàn, bổ sung Ban Chỉ đạo 1237 từ Trung ương đến địa phương; chú trọng lực lượng chuyên trách, thành lập lực lượng lâm thời để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Ban Chỉ đạo quốc gia 1237 đã ký kết với Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam về Chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động cung cấp thông tin nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
Với lòng biết ơn sâu sắc công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, cùng sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, nhất định chúng ta sẽ thực hiện tốt công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, đáp ứng sự mong mỏi của thân nhân liệt sĩ và đồng bào, chiến sĩ cả nước, góp phần vào sự ổn định chính trị – xã hội, tăng cường quốc phòng – an ninh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhưng chúng ta cũng sẽ không chấp nhận những sự tắc trách, thiếu trách nhiệm của những cá nhân, cơ quan nhà nước như tỉnh Bắc Kạn, nếu 13 ngôi mộ liệt sỹ được nói là đã quy tập, nhưng thực chất chỉ là đất đá.
Nguồn: Cánh cò