Trang chủ Cánh cò Tham nhũng là biểu hiện “khuyết tật” của quyền lực

Tham nhũng là biểu hiện “khuyết tật” của quyền lực

330
0
Tham nhũng là một hiện tượng kinh tế – xã hội, gắn liền với sự hình thành giai cấp và sự ra đời, phát triển của bộ máy nhà nước. Tham nhũng là “khuyết tật” của quyền lực, là hiện tượng xã hội tiêu cực tồn tại ở tất cả các quốc gia. Quyền luôn gắn với trách nhiệm. Quy định về trách nhiệm là giải pháp hạn chế khuyết tật nảy sinh từ quyền.
Tham nhũng là biểu hiện “khuyết tật” của quyền lực
Tham nhũng vặt như “ghẻ ruồi” làm người ta rất khó chịu
Tham nhũng diễn ra trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội ở tất cả các quốc gia trên thế giới, không phân biệt giàu, nghèo hay trình độ phát triển, không phụ thuộc vào chế độ chính trị.
Dù chúng ta nỗ lực quyết tâm và đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng nhưng tình hình tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, là thách thức lớn đối với vai trò cầm quyền của Đảng. Không chỉ tham nhũng có giá trị lớn mới là sự thách thức và gây ra những tác hại nguy hiểm mà ngay cả tham nhũng có giá trị nhỏ, “tham nhũng vặt” cũng gây ra những hậu quả khôn lường.
Bởi vì, “tham nhũng vặt” xuất hiện nhiều trong các cấp chính quyền cơ sở – cơ quan tiếp xúc với nhân dân hằng ngày, giải quyết những công việc liên quan trực tiếp đến lợi ích của nhân dân. Nếu không xử lý triệt để, “tham nhũng vặt” không chỉ tạo ra sự bất bình đẳng trong xã hội, mà có thể “hủy diệt”, “quét sạch” lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chính quyền Nhà nước Việt Nam.
Hiện thời, “tham nhũng vặt” đang trở thành một trong những “bức xúc” nhất của người dân. Tổng Bí thư ví nó như “ghẻ ruồi” –  không gây chết người nhưng làm người ta khó chịu. Khó chịu vì nó thể hiện hành vi sách nhiễu, vòi vĩnh gần như trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội gây khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Từ xin cấp phép đến xin việc, chuyển việc, chuyển viện, chuyển trường, xin được ly hôn, chia thừa kế, v.v… từ bệnh viện, trường học, công sở đến ngoài đường, bến bãi, kho trạm, v.v… từ những cán bộ bình thường không có chức vụ đến những cán bộ giữ cương vị lãnh đạo quản lý, v.v… đâu đâu cũng tồn tại nạn đưa, nhận, lót tay, phong bì, v.v… đến mức việc này đã thành thói quen, thông lệ người dân cứ nghĩ khi đến cơ quan công sở, có việc nhờ đến cán bộ thì phải có chung chi, nếu không có thì không được việc, còn doanh nghiệp khi được hỏi thì cho rằng “đây là khoản chi có thể chấp nhận được”.
Đánh giá về tình hình tham nhũng, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII nhận định: “Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, đe dọa sự tồn vong của chế độ”. Bài viết đã nêu một số kết quả quan trọng trong công tác PCTN ở nước ta thời gian qua với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, thể hiện quyết tâm PCTN thì đã là tham nhũng dù lớn hay bé đều phải chống.
Nếu đã là tham nhũng thì dù lớn hay bé đều phải chống
Những ngày cuối năm 2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu tại 2 Hội nghị quan trọng ở Trung ươn và được xem là tư tưởng định hướng, chỉ đo xuyên suốt nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị trong năm 2019. Đề cập đến tình hình tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, Tổng Bí thư nhận định: “Tình trạng làm ăn thua lỗ, đầu tư kém hiệu quả, thất thoát, tham nhũng lãng phí vẫn còn nặng nề, nhất là ở khu vực kinh tế nhà nước, tình trạng trên nóng dưới lạnh, kỷ cương phép nước bị buông lỏng còn diễn ra ở nhiều nơi…”.
Từ đó, Tổng Bí thư đặt ra yêu cầu nhiệm vụ là phải: “Thực hiện nghiêm các quy định về thực hành tiết kiệm chống lãng phí… tăng cường phòng, chống, phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật”… Trong quá trình đó, Tổng Bí thư cũng chỉ ra sự thật rằng: “Xử lý cán bộ cấp cao thật đau lòng, song, vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, sự thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch vững mạnh và uy tín của Đảng và ý nguyện của Nhân dân chúng ta phải làm và sẽ còn tiếp tục làm trong thời gian tới…”.
Tham nhũng là biểu hiện “khuyết tật” của quyền lực
Vì sao công tác đấu tranh PCTN lại được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước quan tâm và thường xuyên nhắc đến trong các phát biểu của mình như vậy? Điều này có lẽ xuất phát từ những việc làm được và chưa được trong công tác PCTN thời gian qua, từ mong muốn cấp thiết và đòi hỏi chính đáng của người dân, của cán bộ đảng viên đối với người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta trong công tác PCTN.
Tham nhũng vặt tạo ra một cung cách làm việc sách nhiễu, cửa quyền, lợi dụng nhiệm vụ được giao để trục lợi của đội ngũ cán bộ. Họ sẽ không hành xử theo đúng tinh thần cán bộ là công bộc, là đầy tớ của dân mà hành xử vì mưu lợi cá nhân, hành dân để trục lợi. Đây chính là rào cản lớn nhất trong quá trình thực hiện cải cách hành chính nhà nước theo yêu cầu công khai, minh bạch – tôn trọng dân, phục vụ dân.
Nếu chúng ta không nghiêm trị để tham nhũng vặt lộng hành thì càng ngày đội ngũ cán bộ càng thoái hóa biến chất, càng ngày càng xa dân. Lòng tin của người dân vào đội ngũ cán bộ, vào chế độ càng ngày càng bị giảm sút nghiêm trọng – Đây không phải là bản chất của đội ngũ cán bộ đảng viên, không phải là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang quyết tâm xây dựng.
Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền bất kể người đó là ai. Làm rõ đến đâu xử lý đến đó, không cầu toàn, không chờ đợi, phối kết hợp chặt chẽ, đồng bộ từ thanh tra, kiểm tra đến điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án… Với quyết tâm “nói đi đôi với làm” và làm đến nơi, đến chốn “không đầu voi, đuôi chuột”, không “đánh trống, bỏ dùi”, PCTN đã trở thành phong trào, xu thế tất yếu không ai có thể đứng ngoài, không thế lực nào có thể cưỡng lại được. Lò đã nóng lên rồi thì “củi khô, củi tươi nào cũng phải cháy” và lò sẽ còn cháy mãi không ngừng nghỉ.
Tham nhũng đã lan rộng, leo cao, chui sâu… và tác họa khôn lường. Nên vấn đề rường cột cốt tử chỗ này là, làm tốt yếu tố cán bộ và công tác cán bộ đồng bộ với công tác kiểm tra, thanh tra và bảo vệ pháp luật. Thực tế cho thấy, do chính những cán bộ lợi dụng thể chế, tìm khe hở của thể chế để thực hiện mưu đồ của mình, nhằm tham nhũng, nên đột phá vào chỗ tung thâm này, mà tiếp tục đổi mới bộ máy nói chung và bộ máy phòng, chống tham nhũng nói riêng.
Đặc biệt, công cuộc chống tham nhũng hiện nay đã và đang nhận được sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị, của toàn thể đồng bào ta và sự hợp tác chặt chẽ từ quốc tế. Đó là sức mạnh của cơ chế phòng, chống tham nhũng. Nhưng, phải cổ vũ, giữ niềm tin của người dân và bảo vệ vô điều kiện . Và, Nhân dân cần được và phải biết đâu là quyền hạn của mình, phải được mở mang toàn diện, để cùng Đảng và Nhà nước kiểm soát tình hình thời cuộc, mà ở đây là đại cuộc phòng, chống tham nhũng. Khi được Lòng Dân tin tưởng, khi Nhân dân ủng hộ và tham gia thì vạn sự tất thành.
Đinh Lực

Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây