Trang chủ Cánh cò Liệu có làm mất người tài?

Liệu có làm mất người tài?

137
0
UBND TP Đà Nẵng vừa có tờ trình gửi HĐND TP liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung nghị quyết 159 ngày 12/07/2018 quy định chính sách, hỗ trợ, khuyến khích cán bộ xin thôi làm nhiệm vụ và công chức, viên chức lãnh đạo tự nguyện thôi việc để bố trí cán bộ.
Cần sửa đổi chủ trương phù hợp
Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng cho biết, sau 1 năm thực hiện, Đà Nẵng đã giải quyết cho 24 trường hợp cán bộ, công chức, viên chức tự nguyện xin nghỉ việc trước độ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Trung bình mỗi người được hỗ trợ 450 triệu đồng. Tùy theo chức vụ, mức lương, thời gian cống hiến, mức hỗ trợ có thể cao hoặc thấp hơn con số trung bình.
Trong quá trình thực hiện, ngoài việc giảm được số cán bộ, công chức, viên chức thì Đà Nẵng cũng tiết kiệm được hàng trăm tỷ từ các hoạt động chi trả lương, thưởng và các hoạt động khác từ số cán bộ, công chức nghỉ xin nghỉ việc.
Tuy nhiên, nhận thấy còn một số bất cập về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện chính sách, Đà Nẵng vẫn kiến nghị sửa đổi cho phù hợp.
Do đó, việc điều chỉnh nhằm khắc phục những bất cập trong quá trình giải quyết chính sách; phát huy được mục tiêu của chính sách là bổ sung cán bộ, đặc biệt là cán bộ trẻ có năng lực, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, góp phần giải quyết sự hụt hẫng của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ quan hành chính.
Ngoài ra, việc sửa đổi cũng nhằm đảm bảo mức hỗ trợ, khuyến khích tương xứng với các chế độ, chính sách hiện có của Trung ương và đảm bảo chính sách thỏa đáng đối với cán bộ xin thôi làm nhiệm vụ và công chức lãnh đạo, quản lý tự nguyện thôi việc để nhường vị trí cho cán bộ…

Liệu có làm mất người tài?
Cán bộ lớn tuổi của Đà Nẵng được đề xuất hỗ trợ thêm để nghỉ hưu sớm

Với lần sửa đổi này, ông Đồng cho biết, ngân sách nhà nước không phải chi trả cho các đối tượng là công chức, viên chức tại đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên.
Cùng với nguồn ngân sách của địa phương và nhờ điều chỉnh giảm đối tượng thụ hưởng của các đơn vị sự nghiệp công lập nên ngân sách TP có thể đảm bảo nguồn lực thực hiện chính sách.
Ông Đồng cũng khẳng định, những đối tượng được giải quyết cho nghỉ không phải là những người gần đến tuổi về hưu mà đó là những cán bộ, lãnh đạo tự nguyện xin nghỉ việc khi thấy có người trẻ đủ năng lực, khả năng làm việc đã được quy hoạch vào vị trí đó.
Để khuyến khích cán bộ, công chức lớn tuổi nhường ghế cho người trẻ thì phải có chính sách hỗ trợ, khuyến khích hợp lý thì họ mới tự nguyện xin nghỉ.
Trên tinh thần đó, Sở Nội vụ kiến nghị sửa đổi quy định các mức hỗ trợ chế độ thôi làm nhiệm vụ hoặc thực hiện chế độ thôi việc và hỗ trợ chế độ, chính sách theo thời gian công tác với cán bộ là Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy trở lên và các chức danh tương được khác được hỗ trợ thêm 200 triệu đồng.
Cán bộ là Thành ủy viên, người đứng đầu các hội tổ chức chính trị – xã hội; các cơ quan tham mưu giúp việc Thành ủy và tương đương; các sở, ban ngành và tương đương, bí thư các quận, huyện ủy, các đảng khối trực thuộc Thành ủy và các chức danh tương đương khác được hỗ trợ thêm 180 triệu đồng.
Cấp phó của người đứng đầu UBMTTQVN TP và các tổ tổ chức chính trị – xã hội TP; các cơ quan tham mưu, giúp việc Thành ủy và tương đương, các sở, ban, ngành, phó bí thư các quận, huyện, các đảng ủy khối trực thuộc thành ủy; chủ tịch HĐND các quận, huyện, chủ tịch UBND các quận, huyện và các chức danh tương đương khác được hỗ trợ thêm 160 triệu đồng.
Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kiểm tra Thành ủy; Ủy viên Ban thường vụ các quận, huyện ủy; Phó chủ tịch HĐND các quận, huyện, phó chủ tịch UBND các quận, huyện và các chức danh tương đương được hỗ trợ 140 triệu đồng.
Trưởng phòng và tương đương công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc khối Đảng, chính quyền, mặt trận và tổ chức kinh tế – xã hội cấp thành phố, Ủy viên Ban thường vụ các đảng ủy khối trực thuộc Thành ủy và các chức danh tương đương khác được hỗ trợ thêm 120 triệu đồng.
Kết quả thực hiện Nghị định 108 rất hạn chế. Trong nghị định này đã quy định các thủ trưởng ở những cơ quan, đơn vị phải rà soát những đối tượng theo Nghị định 108, rồi chủ động lên kế hoạch và thực hiện. Tuy nhiên nhiều thủ trưởng của các đơn vị vẫn không thực hiện quyết liệt mà chỉ dựa vào sự tự giác của cán bộ công chức cho nên đối tượng thực hiện theo Nghị định 108 cơ bản là những người về hưu về trước tuổi một chút. Chính vì thế chúng ta không đạt được mục tiêu.
Trong khi đối tượng tinh giản biên chế theo Nghị định 108 khá rộng: Dôi dư do cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác; chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm, nhưng không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn; có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm hiện đang đảm nhiệm nên bị hạn chế về năng lực hoàn thành công việc được giao nhưng không thể bố trí việc làm khác…
Việc này nếu không cẩn thận sẽ nảy sinh chuyện lợi dụng. Đối với Đà Nẵng vừa qua có chuyện thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao” (gọi tắt là Đề án 922), có 93 người đã xin ra, trong đó có 40 người đã có việc làm, còn 32 phải đền bù.
Không để người tài rời đi
Câu chuyện nhân tài ra khỏi cơ quan Nhà nước không chỉ ở Đà Nẵng mà xảy ra ở nhiều địa phương. Chẳng hạn như ở Hà Nội, năm nào cũng tôn vinh các thủ khoa, có chính sách tuyển dụng các thủ khoa vào các cơ quan Nhà nước làm việc. Tuy nhiên theo đánh giá chỉ có khoảng 10% ở lại làm việc, số còn lại ra đi.
Nói lại câu chuyện này để thấy đối với người có năng lực việc bám trụ lại cơ quan Nhà nước đến tuổi nghỉ hưu không phải là quan trọng với họ. Với chính sách khuyến khích hấp dẫn có thể những người có năng lực sẵn sàng ra khỏi Nhà nước sớm hơn tuổi nghỉ hưu, như thế họ vừa có cơ hội nhận chế độ, thứ hai họ có cơ hội ra khu vực ngoài Nhà nước để làm.
Nếu như thế thì chính sách đưa ra sẽ không đạt được yêu cầu. Chủ trương của chúng ta chỉ đưa những người không đáp ứng được vị trí việc làm ra khỏi bộ máy và đưa những người có năng lực hơn vào bộ máy. Bài học từ việc thực hiện Nghị định 132, Nghị định 16 và nay là Nghị định 108, chúng ta không đạt được mục tiêu là tinh giản những người không làm được việc, làm việc yếu kém, năng lực hạn chế ra khỏi bộ máy Nhà nước.
Để thực hiện được chủ trương này rất cần trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Trở lại với quy định trong Nghị định 108, có nói thủ trưởng các cơ quan, đơn vị là hàng năm rà soát lại để lên kế hoạch và cấp trên phê duyệt và thực hiện chứ không phải hoàn toàn trông vào sự tự nguyện, tự giác của cán bộ công chức. Nếu người có năng lực hạn chế, chuyên môn yếu kém thì họ càng muốn “bám trụ” lại cơ quan Nhà nước, bởi năng lực yếu ra ngoài thì sẽ không “bơi” được.
Tuy nhiên hiện nay nhiều khi đánh giá cán bộ công chức dựa theo số đông, số đông có thể có nhiều ý kiến phản ánh đóng góp tốt, nhưng có nhiều ý kiến ở dạng nể nang, né tránh nhau, bởi tôi đánh giá anh không tốt, anh cũng sẽ đánh giá tôi không tốt nên tất cả cùng đưa ra đánh giá tốt về nhau.
Với những trường hợp như vậy người đứng đầu có dám cho rằng đánh giá trên của tập thể là chưa đúng và đưa ra đánh giá khác với tư cách là thủ trưởng, là người giao nhiệm vụ và chịu trách nhiệm về đánh giá đó không? Trên thực tế ít khi như vậy, chính vì thế nên mới có con số hơn 90% cán bộ, công chức hoàn tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nếu người đứng đầu sự toàn diện, có tâm trong công tác cán bộ, quyết tâm thực hiện vì cái chung thì chắc chắn tập thể sẽ hiểu và ủng hộ.
Hồng Đinh

Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây