Tố cáo rồi…lo lắng
Tiến sĩ Phan Văn Hiếu – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Nghĩa Hành xác nhận ông vừa gửi đơn đến các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi đề nghị bảo vệ tính mạng cho bản thân và gia đình. Theo tiến sĩ Hiếu, trong thời gian làm Phó Bí thư Huyện ủy Nghĩa Hành, ông phát hiện dấu hiệu sai phạm của một số cán bộ lãnh đạo huyện liên quan đến các doanh nghiệp xây dựng và đề nghị kiểm tra, đồng thời gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi và Trung ương.
Ngày 5/12/2018, ông Hiếu bị kẻ lạ nhắn tin đe dọa: “Hiếu, mày hãy dừng tất cả những việc làm lâu nay. Nếu không, gia đình mày sẽ nhận hậu quả đấy”. Ngày 6/12/2018, ông Hiếu viết đơn trình báo việc mình bị đe dọa và gửi tới cơ quan công an nhờ giải quyết. Hiện nay, vì lo lắng cho sự an toàn của bản thân và người nhà, tiến sĩ Hiếu viết đơn gửi các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi đề nghị được bảo vệ.
Ông Phan Văn Hiếu được điều động về làm Phó Bí thư Huyện ủy Nghĩa Hành vào tháng 11/2016. Đến tháng 4/2019, Tỉnh ủy Quảng Ngãi điều động ông giữ chức vụ Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi. Cũng theo ông Hiếu, sau khi bị mất ngạch công chức, ông chủ động gọi điện cho lãnh đạo Sở Nội vụ để hỏi và được trả lời ngắn gọn: “Em không còn công chức hay viên chức nữa”.
“Sắp tới, tôi sẽ đăng ký làm việc với Tỉnh ủy và Sở Nội vụ để đòi hỏi quyền lợi chính đáng của bản thân.
Không còn là công chức khi chuyển công tác, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Nghĩa Hành bức xúc nói “tôi không thể chấp nhận, tôi không có bất cứ sai phạm nào”.
Cần bảo vệ người chống tham nhũng kịp thời
Thực tế thì thời gian qua công tác tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị; công tác đấu tranh với tội phạm tham nhũng, kinh tế ở một số địa phương kết quả còn hạn chế. Một số trường hợp có biểu hiện bao che cho sai phạm, tham nhũng. Số lượng các vụ án khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vẫn chưa tương xứng với tình hình thực tế. Việc vi phạm thời hạn giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm chưa được khắc phục. Những bất cập đó càng đòi hỏi phải dựa vào dân để đấu tranh chống “giặc nội xâm”, chống tham nhũng ngay trong chính bộ máy hành chính vốn đông nhưng không mạnh. Không ít trường hợp người tố cáo không được bảo vệ; nhiều đơn vị; chưa xử lý nghiêm các hành vi trả thù, trù dập người tố cáo cũng như chưa kịp thời biểu dương, khen thưởng người tố cáo đúng. Hơn nữa, cán bộ, đảng viên và người dân chưa an tâm, ngại tham gia đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp ý, phê bình cán bộ, đảng viên vi phạm… Do vậy, có không ít vụ việc tiêu cực xuất hiện và diễn ra trong thời gian dài ở một số cơ quan, đơn vị nhưng một số cán bộ, nhân viên vẫn không tố giác, đấu tranh dù biết rõ từ lúc manh nha. Vì thế, Ủy ban Tư pháp đã kiến nghị Quốc hội và Chính phủ cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực nhằm phòng chống tham nhũng. Thế nhưng để quyền lực được giám sát, kiểm soát không gì bằng phát huy sức mạnh của nhân dân, các cơ quan dân cử bằng đảm bảo một cơ chế để bảo vệ người tố giác, phát hiện tham nhũng.
Cũng xin được nhắc lại rằng, việc phát huy vai trò của người dân thông qua các tổ chức đại diện như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được nhấn mạnh trong thời gian qua thông qua Quyết định 217 về “Quy chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội” và Quyết định số 218 “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”, do Bộ Chính trị ban hành đã phát huy những kết quả tích cực trong thời gian qua. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2019/NÐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tố cáo. Trong đó, có các quy định về bảo vệ người tố cáo. Các cơ quan chức năng liên quan cần có tinh thần trách nhiệm cao nhất trong việc thực hiện nghiêm nghị định này là đòi hỏi cấp thiết của người dân.
Mới đây tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm triển khai Nghị quyết của Quốc hội Khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2019, về những thành công của năm 2018, một trong ba bài học kinh nghiệm được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắc đến chính là việc “nhờ có sự đồng thuận, đồng tình, ủng hộ, cổ vũ, động viên, góp ý kịp thời của cán bộ, đảng viên, các đồng chí lão thành, các tầng lớp nhân dân, các cơ quan thông tin, báo chí đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, đồng tâm nhất trí của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội”.
Vừa qua, thành ủy TP Hồ Chí Minh vừa có thông tri yêu cầu tăng cường công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Ðây là bước đi rất cần thiết nhằm quán triệt và cụ thể hóa Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10-1-2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đồng thời, để khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện những quy định về bảo vệ người tố cáo. Thế nhưng chỉ khi nào các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, trước hết là người đứng đầu nêu cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo cũng như xác định rõ việc bảo vệ người tố cáo thì mới bảo vệ được người tố cáo tránh được các hành vi trả thù, trù dập.
Muốn vậy, ngoài việc tạo ra khuôn khổ pháp lý bằng việc quy định rõ các cơ chế bảo vệ người tố giác tham nhũng cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với công tác bảo vệ người tố cáo, làm rõ và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi trả thù, trù dập người tố cáo cũng như có một chế độ khen thưởng kịp thời mới góp phần tạo động lực, khuyến khích người tố cáo, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn, không để xảy ra các hành vi trả thù, trù dập người tố cáo. Đẩy mạnh phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi trả thù, trù dập người tố cáo, bao che người bị tố cáo; cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo nhưng không làm tròn trách nhiệm; người lợi dụng quyền phản ánh, tố giác, tố cáo để bôi nhọ, vu khống, thông tin sai sự thật, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của các tổ chức, cá nhân liên quan, gây mất đoàn kết nội bộ.
Động viên, khen thưởng kịp thời người tố cáo đúng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức làm tốt công tác bảo vệ người tố cáo. Tổ chức phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong hệ thống chính trị nhằm nâng cao hiệu quả và khắc phục những yếu kém trong công tác bảo vệ người tố cáo. Công tác phòng chống tham nhũng muốn đạt hiệu quả cao nhất thì phải toàn diện, chú trọng tất cả các mặt. Chính vì vậy, việc bảo vệ người tố cáo tham nhũng là điều cần làm trước nhất, để cho những người tố cáo yên tâm, những người phát hiện sai phạm tự tin tố cáo, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ, tạo niềm tin cho nhân dân về sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Nguồn: Cánh cò